Lịch sử Việt Nam

Tìm hiểu quan hệ chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1940-1945

  • ThS. Nguyễn Văn Hoàn, CN. Lê Văn Dũng
  • 16/08/2012

1. Mở đầu

Theo Từ điển tiếng Việtchính trị là “những vấn đề về tổ chức và điều khiển bộ máy Nhà nước trong nội bộ một nước và quan hệ chính thức giữa các nước với nhau” [7, 163], cũng theo Từ điển tiếng Việtcông tác chính trị là “sự khéo léo đối xử để đạt mục đích mong muốn” [7, 163]. Trong giai đoạn 1940-1945, giữa cách mạng ViệtNam và Hoa Kỳ đã có những quan hệ trên lĩnh vực chính trị như sau:

2. Những lý do thúc đẩy quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực chính trị

Một là, cách mạng Việt Nam và Hồ Chí Minh tiến hành vận động để đạt được mong muốn đưa Mặt trận Việt Minh - lực lượng yêu nước Việt Nam có chân trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật ở Viễn Đông.

Thứ nhất, lúc này, ngoài Mặt trận Việt Minh đại biểu cho sự đoàn kết, thống nhất ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, còn có một nhóm người Việt lưu vong ở Trung Quốc được giới quân sự Trung Quốc tập hợp, nhằm xúc tiến cho việc thiết lập một chính phủ ở Đông Dương là Đông Dương cách mạng Đồng minh Hội được thành lập ở Liễu Châu dưới sự bảo trợ của Tướng Trương Phát Khê. Nhóm này là những phần tử thân Tưởng, được giới quân sự Quốc dân Đảng Trung Quốc tập hợp nhằm thực hiện kế hoạch Hoa quân nhập Việt, thành lập chính phủ tay sai ở Việt Nam.

Vì vậy Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh nhận định, cần chuẩn bị mọi điều kiện để đưa Mặt trận Việt Minh trở thành một bộ phận của phe Đồng minh, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước Đồng minh và được các nước trong phe Đồng minh công nhận, tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời vạch rõ bộ mặt của những lực lượng giả danh đại biểu cho nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, thực dân Pháp đã dâng Đông Dương cho Nhật, tuy nhiên vẫn chuẩn bị kế hoạch tái chiếm Đông Dương khi có cơ hội. Như De Gaulle đã viết: “Dưới mắt tôi,…Đông Dương xuất hiện như một chiếc tàu lớn bị hư hỏng mà tôi không đến cấp cứu được trước khi tập hợp những phương tiện cứu hộ. Nhìn chiếc tàu xa dần trong sương mù, tôi xin thề một ngày nào đó tôi sẽ đưa con thuyền Đông Dương trở về bến” [8, 55]. Điều đó cho thấy thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm thống trị và bóc lột nhân dân Đông Dương. Cộng thêm yếu tố này, càng yêu cầu Mặt trận Việt Minh cần phải có chân trong phe Đồng minh chống phát xít ở Viễn Đông, để cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được hợp thức hóa trên chính trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi, tranh thủ dư luận quốc tế, vì cách mạng Việt Nam là một bộ phận trong phe Đồng minh, dũng cảm đứng lên chống phát xít, chống chiến tranh thì dân tộc Việt Nam phải được độc lập, phải được tự do. Nếu thực dân Pháp quay lại thì sẽ vấp phải làn sóng dư luận quốc tế cũng như nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, vì nhân dân thế giới đang cùng nhau chống phát xít, chống chiến tranh, nên nhân dân tiến bộ thế giới sẽ cùng nhau gìn giữ hòa bình, ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa xảy ra.

Thứ ba, nếu trở thành thành viên của phe Đồng minh thì Mặt trận Việt Minh sẽ được tăng cường sức mạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là một sáng tạo lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương về đường lối chiến lược quốc tế.

Mặt trận Việt Minh được thành lập nhưng lại chưa có ý nghĩa quốc tế, vì chưa có một nước nào công nhận, nên trên chính trường quốc tế Mặt trận Việt Minh chưa có Giấy khai sinh, tuy rằng ở Việt Nam và khu vực Đông Dương, Việt Minh có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân. Mặt khác, sự hoạt động đơn lẻ của Mặt trận Việt Minh không có đủ sức mạnh để đối phó và chống lại quân đội phát xít, thực dân hùng mạnh.

Hai là, Hoa Kỳ không muốn phát xít Nhật trở thành chủ nhân của khu vực Đông Nam Á và khống chế con đường mậu dịch ở Thái Bình Dương, vì vậy mà Hoa Kỳ cũng rất cần sự ủng hộ của nhân dân địa phương để chống Nhật.

Vào tháng 6-1941, trong khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, ở Viễn Đông, phát xít Nhật đã quyết định kết thúc sự kiện đang xảy ra ở Trung Quốc rồi nhanh chóng Nam tiến. Nhật hiểu được vị thế của Đông Dương chính là ván nhảy để kế hoạch Nam tiến được thuận lợi. Do vậy Đông Dương trở thành tầm ngắm đầu tiên trong kế hoạch của phát xít Nhật; mặt khác Đông Dương giáp với Trung Quốc và kẻ cai trị ở xứ này là thực dân Pháp lại đang yếu thế, nên Nhật sẽ có nhiều thuận lợi để chinh phục Đông Dương. Bước tiếp theo của Nhật là “nhằm nắm quyền kiểm soát các sản phẩm chiến lược như cao su, thiếc, và nhiều sản phẩm khác. Vì đây là mối quan tâm sống còn của Hoa Kỳ” [6, 82], đặc biệt trong đó có nguồn cung cấp cao su tự nhiên phục vụ cho nền công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ chưa muốn vào Đông Dương lúc này vì muốn biến Đông Dương thành khu ủy trị sau chiến tranh nên muốn có được cảm tình của nhân dân địa phương để thực hiện được kế hoạch của mình; nếu vào Đông Dương lúc này, cùng với những yếu tố bất lợi thì Hoa Kỳ sẽ bị nhân dân Đông Dương xem như là kẻ cướp nước ngang hàng với Nhật và Pháp. Mặt khác, để đánh bại được quân Nhật ở Đông Dương, Hoa Kỳ cũng cần có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân địa phương vì chưa hiểu về địa hình, địa thế, cũng như tình hình về quân Nhật ở Đông Dương.

Ba là, Hoa Kỳ muốn biến Đông Dương trở thành khu ủy trị sau chiến tranh thay vì trao Đông Dương lại cho Pháp.

Theo định nghĩa của V.I.Lênin: “Lãnh thổ ủy trị là những nước thuộc địa, phụ thuộc với những người dân không có quyền về mặt pháp luật, những nước được giao ủy trị là những tên cướp tài chính” [2, 88].

Với những lời lẽ có vẻ như hào hiệp, Tổng thống Hoa Kỳ F.D.Roosevelt muốn mang lại một điều tốt đẹp cho nhân dân Đông Dương, cái xứ sở đã bị người Pháp thống trị gần 100 năm, và đã vắt kiệt sữa, cuộc sống của nhân dân ngày càng bị bần cùng hơn, khổ hơn khi họ đến. Nhưng “rõ ràng, chủ trương ủy trị quốc tế không xuất phát từ thiện chí của Mỹ đối với nền độc lập các dân tộc thuộc địa, mà vì quyền lợi của Mỹ” [5, 102-103].

Hoa Kỳ muốn thay chân Pháp và Anh cũng như Hà Lan ở khu vực có nhiều lợi ích kinh tế này, nhưng nếucướp một cách lộ liễu thì Hoa Kỳ sẽ mất hết Đồng minh sát cánh với mình, vì vậy phải cướp bằng chiêu thức  ủy trị.

Điều khiến cho người Hoa Kỳ quan tâm và gắn kết với nhau là quyền lợi chứ không phải là tư tưởng. Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh nhận thức đúng đắn thể hiện trong chỉ đạo của Người: Nếu muốn họ để ý đến chúng ta thì chúng ta phải đủ mạnh. Tuy vậy khi hợp tác với cách mạng Việt Nam lúc này cũng sẽ đem lại cho Hoa Kỳ những lợi ích nhất định. Với người Hoa Kỳ thì mục đích tối cao của họ phải là hiệu quả thu được là gì trong mọi việc làm và hành động. Bởi hiệu quả, lợi ích là thước đo quyết định mọi giá trị trong chủ nghĩa thực dụng của người Hoa Kỳ.

Bốn là, Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh nhận định cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới đều chung một mặt trận, những chiến sĩ cách mạng trên thế giới đều là đồng chí của cách mạng Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam.

Trong quá trình ra đi tìm con đường, chân lý đúng đắn để cứu nước, Hồ Chí Minh đã học hỏi và rút ra được nhiều kết luận quan trọng, trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người đã nhận định: “Cách mạng Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trên thế giới đều là đồng chí của nhân dân Việt Nam cả” [9, 125].

Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, phe phát xít đã châm ngòi và gây ra hàng loạt các cuộc chiến tranh, chém giết bao người dân vô tội trên thế giới, phá hủy nhiều làng mạc, thành thị, khu công nghiệp…khiến cho nhân dân rơi vào cảnh cuộc sống khốn cùng, gia đình chia lìa, tang thương bao phủ khắp mọi nơi chủ nghĩa phát xít đặt chân tới. Nhân dân tiến bộ trên thế giới căm phẫn với hành động dã man, đạp trên mọi đạo lý làm người vì âm mưu bá chủ và thống trị loài người của quân đội phát xít. Vì vậy nhân dân thế giới buộc phải liên minh với nhau trong phe Đồng minh để chống phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình và quyền con người của nhân loại.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, mỗi khi đất nước bị ngoại quốc xâm lăng, đô hộ, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục, luôn đứng lên khởi nghĩa, chiến đấu để giải phóng dân tộc. Khi phát xít Nhật nhảy vào Việt Nam thì thực dân Pháp là kẻ đang khai hóa văn minh đã nhanh chóng nhận phát xít Nhật là ông chủ của mình ở xứ Đông Dương, khiến cho nhân dân trước đã phải làm trâu ngựa cho Pháp, nay lại phải làm nô lệ cho Nhật, làm nô lệ cho nô lệ. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản làm thêm một nhiệm vụ cách mạng đánh đuổi Nhật - Pháp giành độc lập dân tộc.

Do vậy, mọi dân tộc trên thế giới đang chống phát xít, chống chiến tranh trên thế giới đều là bè bạn của cách mạng Việt Nam “dù ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ la tinh, các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và nhân dân các nước chiến đấu để tự giải phóng đều chung tay trong một mặt trận” [9, 125]. Hoa Kỳ là một nước nằm trong phe Đồng minh chống phát xít và tham gia chống phát xít Nhật ở Viễn Đông. Như vậy, nhân dân, cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ có kẻ thù chung, chung một mặt trận, điều này sẽ giúp cho hai bên hợp tác với nhau vì mục tiêu chung. Đoàn kết, thống nhất, xây dựng và tập hợp lực lượng, tìm bạn đồng minh và phân hóa kẻ thù vừa là chiến lược cách mạng, vừa thể hiện sự chỉ đạo sách lược của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Đoàn kết các lực lượng trong một mặt trận chung, dựa trên nền tảng những giai cấp cơ bản và những lợi ích chung là vấn đề được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm và thực hiện trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc” [3, 52]. Mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc này là giải phóng dân tộc, tất cả các mục tiêu khác đều phải gác lại và phục vụ cho mục tiêu chung nhất.

Hoa Kỳ mang bản chất của nhà nước tư sản và dường như họ bị dị ứng với chủ nghĩa cộng sản. Sự thay đổi chiến lược của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể bắt tay với nhau vì mục tiêu chung, trước mắt.

Năm là, Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh phân tích tình hình cho thấy khả năng Hoa Kỳ và Anh sẽ giúp Pháp quay trở lại Đông Dương. Do vậy lúc này cần phải tranh thủ sự công nhận và ủng hộ của Đồng minh để loại trừ khả năng này.

Theo Từ điển tiếng Việttranh thủ có nghĩa là “giành lấy về cho mình sự đồng tình và ủng hộ” [7, 1025]. Cách mạng Việt Nam mong muốn các nước Đồng minh công nhận, bởi nhân dân cùng với cách mạng Việt Nam đứng về một phía với quân Đồng minh chống lại phát xít, trực tiếp chống phát xít Nhật ở Viễn Đông, và mong rằng các nước Đồng minh sẽ có thái độ đồng tình, góp phần bênh vực hoặc giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong mục tiêu chung và ngăn cản âm mưu quay trở lại của thực dân Pháp.

Ngay từ khi phát xít Nhật vào Đông Dương, Pháp đã nhanh chóng đầu hàng, từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo hộ đối với Đông Dương nên Pháp đã không còn quyền ở Đông Dương. Song chính phủ lưu vong của tướng De Gaulle không ngừng tuyên bố ý định khôi phục lại chế độ thuộc địa của mình, với quyết tâm giải phóng Đông Dương.

Pháp luôn thúc ép Hoa Kỳ và Anh cho mình được tham gia kế hoạch giải phóng Đông Dương. Hoa Kỳ không muốn Pháp quay trở lại Đông Dương, nhưng cũng không muốn mất đi Đồng minh. Do vậy Hoa Kỳ đã không dứt khoát trong những tuyên bố và hành động. Cách mạng Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ sẽ giữ vững lập trường và tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh nên đã thúc đẩy tăng cường hoạt động quan hệ chính trị với Hoa Kỳ.

Sáu là, thái độ trong quan hệ chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thứ nhất, phía cách mạng Việt Nam luôn mong muốn được thiết lập quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ nên đã không ngừng mở rộng tăng cường các hoạt động kêu gọi sự ủng hộ từ phía Hoa Kỳ.

Trung tuần tháng Tám 1944, có một số cán bộ cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc đã nhờ các sỹ quan của Hoa Kỳ gửi tới đại sứ của Hoa Kỳ ở Trùng Khánh (Trung Quốc) “yêu cầu giúp Việt Nam cùng Đồng minh chống Nhật, giành độc lập” [6, 118], nhưng đã không được đáp lại. Vì lúc bấy giờ các phụ tá của Roosevelt vẫn tỏ thái độ bênh vực cho thực dân Pháp.

Ngày 18.8.1944, các sĩ quan OSS và OWI ở Côn Minh, tổ chức Việt Minh ở Trung Quốc gửi thư cho đại sứ quán ở Trùng Khánh kêu gọi Mỹ giúp đỡ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Đông Dương và cam kết sẽ cùng người Mỹ chống chủ nghĩa phát xít Nhật. Bức thư này đã có tác dụng, ngày 8.9.1944, được sự khuyến khích của OSS, Tổng lãnh sự quán Mỹ Langdon đã gặp người đại diện cho tác giả bức thư. Langdon nói: Họ hoàn toàn đúng khi làm cho người đại diện nước Mỹ quan tâm đến những quan điểm và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam, trong khi mà người phát ngôn cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố bảo đảm sự quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với chính sách vì phồn vinh và tiến bộ của các dân tộc bị trị ở phương Đông, trong đó nhân dân Việt Nam cũng có thể tự coi như có mình. Langdon đã hứa là những ý kiến của tác giả bức thư này sẽ được ông chuyển tới Chính phủ Mỹ.

Như vậy, Mặt trận Việt Minh đã có sự công nhận của một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ và đã giành được lời hứa hẹn sẽ làm cho các nhà cầm quyền cấp cao nhất Washington, mà có thể cả đến Tổng thống Roosevelt vĩ đại phải quan tâm đến sự nghiệp chính nghĩa của họ [10, 130-131]. Sau này lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan điểm mong muốn Hoa Kỳ giúp cho nhân dân Việt Nam thực hiện được quyền tự quyết của dân tộc mình.

Tháng 2.1945, Hồ Chí Minh lên đường sang Côn Minh và bố trí người của Việt Minh đi theo bảo vệ, đưa viên trung úy phi công William Shaw bị rơi từ một chiếc máy bay của không quân Hoa Kỳ xuống Việt Nam vào cuối 1944 đã được Việt Minh nuôi dưỡng. Với hành động này, cách mạng Việt Nam đã “tạo cho mình chìa khóa dẫn tới Cơ quan cứu trợ không quân trên mặt đất (AGAS) để từ đó tiếp xúc với tướng Chennault, chỉ huy đoàn Không lực thứ 14 của Hoa Kỳ với cái tên Phi hổ (Fly Tigers)” [10, 61] của Hoa Kỳ ở Côn Minh. Cũng trong thời gian này, Hồ Chí Minh đã bày tỏ ý định của Việt Minh với giới chức Hoa Kỳ ở Côn Minh mong muốn được hợp tác “cùng chống Nhật và yêu cầu có một sự công nhận chính thức cao nhất” [6, 121] của Hoa Kỳ đối với cách mạng Việt Nam. Song tổng thống F.D.Roosevelt đang có chỉ thị “không được phép quan hệ với bất cứ tổ chức kháng chiến nào ở Đông Dương trong thời gian này, nên những sỹ quan đó chưa thể quyết định được điều gì mà Người đề nghị”[6, 121]. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Tổng thống F.D.Roosevelt đã chỉ thị cho OSS được phép sử dụng bất kỳ lực lượng kháng chiến nào của người Việt Nam để khôi phục lại nguồn tin tình báo bị gián đoạn nên Hoa Kỳ đã chủ động bắt liên lạc với cách mạng Việt Nam mà cụ thể là Hồ Chí Minh, Người đã nói với A.Patti (chỉ huy trưởng OSS) rằng cách mạng Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đứng về phía Hoa Kỳ bất cứ lúc nào mà người Hoa Kỳ cảm thấy sẵn sàng, đáp lại cách mạng Việt Nam chỉ mong muốn được người Hoa Kỳ công nhận tổ chức Việt Nam độc lập Đồng minh và cách mạng Việt Nam trên danh nghĩa “đang đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật” [6, 123].

Thứ hai, phía Hoa Kỳ từ chỗ không ủng hộ, do dự đến có thiện cảm và chủ động hợp tác với cách mạng Việt Nam.

Tháng 8-1944, khi nhận được bức thư của cách mạng Việt Nam đề nghị giúp đỡ và cam kết sẽ cùng với người Hoa Kỳ chống lại phát xít Nhật ở Đông Dương thì “Những tay kỳ cựu về Trung Quốc quen thuộc khuyên giải kiên quyết chống lại sự cộng tác với những phần tử cách mạng, trong khi những người mới đến này lại cho rằng chúng ta không mất gì mấy nếu sử dụng những nguồn dự trữ này để chống lại người Nhật ở bất cứ nơi nào trên Thái Bình Dương” [1, 85-86].

Tháng 2.1945, sau khi đại diện Hoa Kỳ được cách mạng Việt Nam giúp đỡ và đưa đứa con kưng - phi công của Hoa Kỳ gặp nạn ở Việt Nam trở về. Người Hoa Kỳ đã rất xúc động và biết ơn, trung úy William Shaw đã bật khóc sau khi chia tay với Hồ Chí Minh ở Trung Quốc để trở về nhà

Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), quân Đồng minh bị cắt đứt mọi thông tin ở Đông Dương. Nhận được chỉ thị của Tổng thống Roosevelt cho phép giới chức ở Trung Quốc được sử dụng tất cả mọi lực lượng kháng chiến, sử dụng mọi biện pháp, bắt tay hợp tác với mọi tổ chức ở Việt Nam, miễn sao nối lại được thông tin từ Đông Dương. Mặt khác, phát xít Nhật đang tuyên chiến và xem Hoa Kỳ là kẻ thù, lo sợ Nhật sẽ đánh sang Trung Quốc và có khả năng sẽ tiến quân đến tận Côn Minh, lúc đó thì sự an toàn sẽ không được đảm bảo. Tình hình này buộc Bộ tổng tham mưu của Hoa Kỳ ở Trung Quốc phải cho phép OSS tìm người Việt Nam thay cho số điệp viên đã ngừng hoạt động.

Như vậy lúc này có thể xem cách mạng Việt Nam đã trở thành đồng minh của Hoa Kỳ và quân Đồng minh chống phát xít trên danh nghĩa mặc dù vẫn chưa có sự công nhận chính thức của Washington đối với cách mạng Việt Nam. Mùa xuân 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sắp đến hồi kết thúc thì Washington đã có quyết định cuối cùng “chỉ giúp đỡ cho các nhóm nào đã chuẩn bị đánh Nhật” [1, 138] và quyết định đó có lợi cho cách mạng Việt Nam vì đã tiến hành hoạt động và chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ chín muồi .

3. Những hoạt động quan hệ chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ

Một là, sự kiện Hồ Chí Minh bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây tháng 8.1942 đã được giới tình báo và quân sự Hoa Kỳ ở Nam Trung Quốc biết tin và báo cáo về Washington. Đồng thời, Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh và Quốc tế cộng sản đã ra những thông cáo, đăng bài báo ở Đông Dương và Trung Quốc phản đối hành động bắt giam lãnh tụ Hồ Chí Minh, đề nghị quốc tế (nhất là Hoa Kỳ) gây áp lực đòi Tàu-Tưởng phải trả tự do cho nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Sự kiện này là dấu mốc lịch sử cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ khi gây được sự chú ý lớn của giới chính trị quân sự Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Đồng thời nhắc nhở những nhà lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ về sự hiện diện của một phong trào dân tộc đang chống phát xít Nhật mạnh mẽ ở Đông Dương. Sự kiện này gợi mở cho quan hệ tương lai giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hai là, từ sự kiện cứu giúp và đảm bảo an toàn tính mạng cho viên phi công Hoa Kỳ William Shaw cuối năm 1944 đã mở ra một trang quan hệ mới giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ. Sự kiện trao trả viên phi công này tháng 2.1945 là một hành động nhân đạo, thể hiện thái độ chính trị rõ ràng của cách mạng Việt Nam là “ủng hộ phe Đồng minh và kiên quyết chống chủ nghĩa phát xít Nhật”. Thông qua việc trao trả đã gắn kết quan hệ giữa hai phía để từ đó các hoạt động phối hợp chung Việt Nam và Hoa Kỳ chống phát xít Nhật được đẩy mạnh.

Bà là, từ tháng 3.1945 quan hệ giữa hai bên được đẩy mạnh sau sự kiện Nhật đảo chính lật đổ Pháp độc chiếm Đông Dương. Tại Côn Minh, nhân danh Việt Nam – lực lượng đã giải thoát cho trung úy Shaw, Hồ Chí Minh tiếp xúc với AGAS. Đồng thời trong khi chờ đợi tiếp xúc với tướng Chennault, Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Hoa Kỳ (AOWI) đọc sách báo thu thập thông tin, đặc biệt là tin chiến sự thế giới. ngày 17.3.1945 Hồ Chí Minh gặp Charles Fenn trung úy OSS và trao đổi bằng tiếng Pháp. Ngày 20.3.1945 Hồ Chí Minh gặp C. Fenn lần hai ở cà phê Đông Dương. Hai bên thỏa thuận về phương thức hợp tác. Phía C. Fenn nhận cung cấp các phương tiên thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng. Phía Việt Minh đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động. Theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, C. Fenn nhận lời thu xếp cuộc gặp gỡ với tướng Chennault. Ngày 23.3.1945 Hồ Chí Minh tiếp C. Fenn và F. Tan. Ngày 29.3.1945 Hồ Chí Minh gặp tướng Chennault. Kết thúc cuộc gặp Chennault tặng Người bức ảnh có chữ ký. Ngày 15.4.1945 Hồ Chí Minh chọn hai mươi thanh niên Việt Nam có giấy thông hành để hộ tống F. Tan và Maxim vượt biên giới về Việt Nam. Cuối tháng 4.1945 Hồ Chí Minh tiếp xúc A. Patti ở Quảng Tây bàn về hợp tác Việt - Mỹ. Khi về nước Hồ Chí Minh đã gửi nhiều bức thư cho A. Patti, P. Berna, C. Fenn bày tỏ lòng cảm ơn và mong muốn sự hợp tác hơn nữa. Giữa tháng 5.1945 Hồ Chí Minh gửi bản danh sách đen và một tập ảnh chụp người dân Việt Nam trong nạn đói ở Bắc Kỳ cho A. Patti và yêu cầu gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ. Đồng thời Người yêu cầu trung úy John, báo vụ OSS điện về Côn Minh thả dù cho Người một quyển tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Cuối tháng 5.1945 Hồ Chí Minh cho người trao tận tay A. Patti tại Côn Minh một thông báo về việc quân Nhật xây dựng công sự ở vùng Cao Bằng và trên đường về Hà Nội. Người hỏi A. Patti đã chuyển hộ hai văn kiện chính trị của Người đi San Francisco chưa?

Bốn là, cách mạng Việt Nam đã tiếp nhận các toán nhảy dù người Mỹ xuống căn cứ địa Việt Bắc đồng thời cứu giúp những tàn binh của thực dân Pháp bỏ chạy qua Trung Quốc sau ngày Nhật đảo chính. Điều đó vừa thể hiện tinh thần chính nghĩa, nhân văn, nhân đạo của cách mạng Việt Nam vừa bày tỏ với cộng đồng thế giới trực tiếp là Hoa Kỳ thái độ chính trị của cách mạng Việt Nam là “đứng về phe Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít Nhật”.

Năm là, thông qua các nhân viên Hoa Kỳ công tác ở Nam Trung Quốc và chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã chuyển những bức thư cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt cho chính phủ Pháp một bản đề nghị năm điểm thể hiện khát vọng hòa bình, tự do của nhân dân Việt Nam nhưng vẫn bảo lưu những quyền lợi kinh tế - văn hóa cho người Pháp. Cụ thể là bản đề nghị Hồ Chí Minh gửi chính phủ Pháp ngày 25.7.1945 như sau:

1. Thực hiện phổ thông đầu phiếu để bầu ra một nghị viện quản lý đất nước do một toàn quyền người Pháp làm chủ tịch cho đến khi Việt Nam hoàn toàn độc lập. Toàn quyền sẽ lập một nội các hay đoàn cố vấn được nghị viện chấp nhận. Quyền hạn chính xác của các quan chức nói trên sẽ được thỏa thận sau.

2. Độc lập phải được ban bố cho đất nước trong vòng ít nhất là 5 năm nhưng không quá 10 năm.

3. Các nguồn lợi thiên nhiên của đất nước phải được trả lại cho nhân dân trong nước với một sự đền bù thích đáng.

4. Mọi quyền tự do do Liên hợp quốc đề ra được bảo đảm thi hành cho người Đông Dương.

5. Cấm chỉ việc bán thuốc phiện” [4, 266-267].

Sau đó, ngày 15.8.1945 Hồ Chí Minh gửi trung úy John một lá thư bằng tiếng Anh với nội dung:

Trung úy thân mến,

Nhờ ông gửi giúp về Bộ Tổng hành dinh của ông bức điện tín như sau:

Ủy ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn

Ủy ban dân tộc giải phóng Mặt trận Việt Minh”­­[4, 273].

Ngày 18-8-1945 thông qua người Mỹ, Hồ Chí Minh đã gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp nêu ra đề nghị năm điểm như sau:

1. Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh.

2. Việt Minh công nhận quyền của người Pháp ở Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam.

3. Trong 5-10 năm đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội.

4. Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam

5. Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao”[4, 276].

Trong thời kỳ diễn ra Cách mạng Tháng Tám và sau ngày nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi nhiều bức thư cho những người bạn Mỹ như A. Patti, C. Fenn, F. Tan và có những buổi gặp gỡ, ăn cơm thân mật giữa Người và những người bạn Mỹ để bày tỏ lòng cảm ơn, khát vọng hòa bình, mong muốn tiếp tục hợp tác và gửi thông điệp cho cộng đồng quốc tế nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam.

 Ngày 10.8.1945, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời gửi bức công điện cho Tổng thống Mỹ Truman, nhờ A. Patti chuyển giúp về Hoa Kỳ có nội dung như sau:

Để đảm bảo cho kết quả vấn đề mà Ủy ban Liên tịch các nước Đồng minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Ủy ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi...Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (sic) (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền đại diện trong Ủy ban đó.

Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh”[4, 286].

Sáu là, từ những hoạt động trao đổi văn hóa như học tiếng Anh, sự hiện diện của người Mỹ trong toán Con Nai ở Việt Nam và sự có mặt của tướng Hoa Kỳ Gallarger - người đang có mặt trong quân đội Tàu - Tưởng ở Việt Nam để giải giáp quân Nhật, ngày 17.10.1945 Hội hữu nghị Việt - Mỹ ra đời tại Hà Nội. Sự ra đời của Hội là kết quả nỗ lực chung của những người Việt Nam yêu nước có thiện cảm với nước Mỹ và toán Con Nai đã từng sát cánh cùng Việt Minh chống phát xít Nhật. Trên phương diện ngoại giao nhân dân, ngoại giao phi chính phủ, Hội hữu nghị Việt - Mỹ là Hội ra đời đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Việt Nam mới. Một tinh thần hữu nghị Việt - Mỹ mới được nhen nhóm xuất phát từ lợi ích của hai dân tộc và của nhân loại, rất tiếc không tiếp tục được phát triển khi nước Mỹ từ thời tổng thống Harry Truman đã quay lưng lại và sa lầy trong cuộc chiến tranh chống lại nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

4. Những thành tựu cơ bản

Một là, giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1940-1945 thể hiện mối quan hệ chính trị quốc tế đặc biệt.

Trong suốt quá trình lịch sử từ 1787 đến trước 1940, đã không ít lần Hoa Kỳ và Việt Nam mong muốn và có những hành động cụ thể nhằm thiết lập quan hệ với nhau, dù những nỗ lực này không mang lại kết quả cụ thể và rõ ràng. Khi hai nước đều có chung một mục tiêu, nhiệm vụ chung là chống lại phát xít Nhật (1940-1945), đã đưa hai nước xích lại gần nhau và trong hoàn cảnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một quan hệ đặc biệt. Tuy không có sự công nhận chính thức của Nhà nước Hoa Kỳ đối với cách mạng Việt Nam, nhưng hai bên đã phối hợp hành động chung, gắn bó với nhau. Cách mạng Việt Nam đã xem Hoa Kỳ lúc bấy giờ như “những người bạn Đồng minh to lớn, những người chống thực dân đầy tiềm lực”.

Hai là, trong quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1940-1945, cách mạng Việt Nam đã thu về những lợi ích to lớn phục vụ cho công cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Ba là, những thành quả trong quan hệ với cách mạng Việt Nam mà Hoa Kỳ thu được trong cuộc chiến tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Nhật.

Bốn là, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1940-1945 đã tạo ra những cơ sở cho quan hệ trong tương lai của hai nước.

5. Một số tồn tại, hạn chế

Một là, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1940-1945 là quan hệ Đồng minh tạm thời giữa hai bên có khuynh hướng khác nhau nhưng có mục tiêu chung hữu hạn.

Hai là, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn 1940-1945 không phải là quan hệ trực tiếp giữa cách mạng Việt Nam với chính phủ Hoa Kỳ, mà thực chất là quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với nhóm quân sự của Hoa Kỳ ở miền Nam Trung Quốc (OSS).

Ba là, dù nằm trong phe Đồng minh chống phát xít, nhưng do đường lối chính trị và ý thức hệ cơ bản là mâu thuẫn đối kháng, nên mặt hợp tác là sách lược, còn mặt đấu tranh là chiến lược. Vì vậy sau ngày cách mạng Việt Nam giành được chính quyền và nền độc lập, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã chuyển sang chiều hướng tiêu cực.

6. Một số kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1940-1945

 Từ việc nghiên cứu quá trình lịch sử và những nội dung, đặc điểm trong quan hệ chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1940-1945, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn như sau:

Một là, phải nắm bắt và phân tích khách quan khoa học, kịp thời những biến đổi của tình hình đất nước và thế giới để đề ra đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng.

Hai là, luôn tranh thủ tối đa bạn đồng minh, thực hiện linh hoạt sách lược thêm bạn bớt thù, để tạo thêm nhiều bạn bè của cách mạng.

Ba là, tỉnh táo, thận trọng nhưng minh bạch rõ ràng quan điểm chính trị, lập trường của cách mạng Việt Nam đối với đồng minh quốc tế dù là tạm thời hoặc là chiến lược.

Bốn là, giải quyết hài hòa lợi ích dân tộc quốc gia và nghĩa vụ nhân loại quốc tế, phân biệt hai mặt hợp tác và đấu tranh dù đứng chung một mặt trận, chống kẻ thù chung.

7. Kết luận

Từ việc nghiên cứu mối quan hệ chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1940-1945, chúng tôi rút ra một số kết luận cơ bản như sau:

Thứ nhất, từ hoàn cảnh lịch sử diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai đã thúc đẩy cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Nhật. Trong mối quan hệ, cách mạng Việt Nam tích cực chủ động trong việc kết nối giao hảo với Hoa Kỳ. Nhưng phải thấy rõ đây chưa phải là quan hệ ngoại giao chính thức cấp nhà nước mà thực chất là quan hệ giữa cách mạng Việt Nam đại diện là Đảng, Mặt trận Việt Minh, lãnh tụ Hồ Chí Minh với đại diện các lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Trung Quốc như OSS, AGAS, GBT và các cá nhân chỉ huy của họ như Archimedes L.A.Patti, C.Fenn, Thomas, Chennault,Wedemeyer…

Thứ hai, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn lịch sử 1940-1945 đã diễn ra tốt đẹp, đem lại mức độ hài lòng và thu được thành quả tổng hợp trong lĩnh vực chính trị, quân sự, thông tin từ cuộc chiến chung chống chủ nghĩa phát xít Nhật ở Đông Dương. Phải khẳng định rằng, chính lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Trung Quốc là bạn đồng minh quốc tế duy nhất trong giai đoạn này của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Thứ ba, do quan điểm chiến lược khác nhau, nên hợp tác là sách lược, còn đấu tranh là chiến lược, điều này lý giải quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ sau năm 1945 chuyển sang theo phương hướng tiêu cực khi Hoa Kỳ ủng hộ thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương.

Thứ tư, từ nội dung nghiên cứu đã vạch ra những cơ hội hợp tác bị bỏ lỡ, bài viết liên hệ quá khứ với hiện tại bằng việc trình bày quá trình bình thường hóa và đặt ra những vấn đề triển vọng cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện tại và tương lai.

Những gì đã hợp tác thành công và những hạn chế, đúc kết những bài học kinh nghiệm về quan hệ hợp tác quốc tế, chúng tôi tin tưởng quan hệ hai nước hiện tại và tương lai sẽ ngày càng thắt chặt, bền vững thịnh vượng cùng với sự phát triển của lịch sử nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]   Archimedes L.A.Patti: Why Viet Nam. Tại sao Việt Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001.

[2]    Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập II: Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 1993.

[3]    Nguyễn Văn Hoàn: Nghiên cứu lịch sử chính trị và liên hệ kinh tế xã hội, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2010.

[4]   Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử 1930-1945, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

[5]    Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

[6]    Phạm Thu Nga: Quan hệ Việt - Mỹ 1939 - 1954, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

[7]    Hoàng Phê (Chủ biên): Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2000.

[8]    Pierre Quatrepoint: Sự mù quáng của tướng Đờ Gôn đối với cuộc chiến ở Đông Dương, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

[9]    Chí Thắng - Kim Dung: Danh ngôn Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2007.

[10]  Phạm Xanh: Góp phần tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

ThS. Nguyễn Văn Hoàn, CN. Lê Văn Dũng


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24436748