Lịch sử Việt Nam

Văn Miếu Trấn Biên – Nối mạch nguồn văn hoá

  • Phan Đình Dũng (Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM)
  • 26/07/2012

I. Trấn Biên - vùng đất địa đầu Nam Bộ

Tên gọi Trấn Biên bắt đầu từ đơn vị hành chánh buổi ban đầu: Dinh Trấn Biên, huyện Phước Long, phủ Gia Định. Dinh là trại quan quân. Huyện Phước Long có địa giới được ước định khá rộng thuộc miền Đông Nam Bộ ngày nay, gồm: tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một phần tỉnh Bình Thuận; một phần thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm quận 2, 9 và quận Thủ Đức hiện nay).

So với lịch sử bốn ngàn năm dựng nước, vùng đất Trấn Biên xưa – tức Biên Hoà– Đồng Nai ngày nay của Nam Bộ là vùng đất mới. Nếu lấy mốc thời gian vùng đất này chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, vùng đất này có lịch sử 312 năm (1698 - 2010).

Đây là mốc định vị từ sự kiện năm 1698, khi danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu[1] kinh lược phương Nam, sắp đặt bộ máy hành chánh vùng đất Nam Bộ. Sự kiện này được chép trong một số tư liệu như sau: “Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục để quản trị, nha thuộc có hai tý xá, lại để làm việc; quân binh thì có cơ, đội, thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng 1.000 dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chính Châu trở vào Nam đến ở khắp nơi; đặt ra phường, ấp, xã, thôn; chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó, con cháu người tàu ở nơi Trấn Biên thì lập xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập xã Minh Hương rồi ghép vào sổ hộ tịch[2].

Mặc dầu sử sách ghi chép vắn tắt, song chắc chắn rằng những công việc mà thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thực thi trong chuyến kinh lược đầy phức tạp, khó khăn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thiết thực cho công việc quản lý, phát triển vùng đất mới ở phương Nam của đất nước. Với tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển bằng những cụ thể về hành chính, kinh tế, quân sự, chính sách an dân, hòa hợp với lợi ích dân tộc...Nguyễn Hữu Cảnh là người có công lao to lớn trong việc hoàn tất về mặt pháp lý trước một sự thể: “Dân khai mở trước, nhà nước quản lý sau” ở vùng Đồng Nai - Gia Định, mở mang biên cương, lãnh thổ nước Việt trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động vào nửa cuối thể kỷ XVII”.

Thực tế trên vùng đất này, người Việt đã đến trước đó nhưng với tính chất tự phát. Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sau đó là cộng đồng người Hoa. Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian  định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ  ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…)họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyềntiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”[3].

Ngoài những nhóm cư dân được cho là bản địa như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Kơho, Khơme…vùng đất này tiếp nhận thêm những lớp cư dân Việt, Hoa từ nơi khác đến sinh sống. Dầu vùng đất này “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” nhưng vì lẽ “đất rộng, người thưa” nên trở thành “miền đất hứa” cho những di dân tránh cái nghèo khổ, xã hội hà khắc hay một lý do nào đó nơi “quê cũ” đã tìm đến Trấn Biên bằng nhiều cách, lần hồi tiếp diễn.

Như vậy, do nhiều biến động của xã hội, nhiều dân tộc từ các nơi khác đã tìm đến vùng đất Nam Bộ sinh sống trong nhiều thời kỳ lịch sử. Sự cộng cư nhiều thành phần dân tộc nói chung, trong đó có cộng đồng người Việt đã góp phần làm đa dạng sắc thái văn hoá của vùng đất Nam Bộ. Những nguồn cội văn hoá của cư dân Việt từ Đàng Ngoài đến Đàng Trong trong diễn trình Nam tiến tiếp tục được nối mạch trên vùng đất Trấn Biên – Biên Hoà – Gia Định – Nam Bộ.

Vùng Trấn Biên xưa – đất Đồng Nai ngày nay là xứ địa đầu của Nam Bộ mà các chúa, vua nhà Nguyễn không ngừng đặt làm nền móng cơ sở để mở mang về lãnh thổ về phương Nam. Đây là “vùng đất mở” đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình Nam tiến của dân tộc Việt.

II. Văn miếu Trấn Biên - Văn miếu đầu tiên của đất Nam Bộ

Chỉ một thời gian rất ngắn -  17 năm - sau khi sáp nhập vùng đất địa đầu Nam Bộ vào lãnh thổ nước Việt, vào năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho xây dựng một văn miếu “ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại huyện Phước Chánh, cách phía tây trấn 2 dặm rưỡi[4]. Chắc chắn, việc xây dựng Văn miếu trên vùng đất mới này có nhiều chủ đích của chúa Nguyễn trong việc khẳng định cả về chủ quyền một cách đầy đủ và khuyến khích phát triển truyền thống hiếu học để tìm người tài trong việc xây dựng cơ đồ dài lâu.

Một số sử sách cho biết quá trình xây dựng và trùng tu Văn miếu Trấn Biên qua các thời kỳ như sau: “Đời vua Hiển Tông năm Ất vị thứ 25 (1715), trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long, ký lục Phạm Khánh Đức lựa chỗ đất dựng lên ban đầu, phía nam hướng đến sông Phước, phía bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt. Năm Giáp dần thời Trung hưng (1794), Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô vâng mạng là giám đốc trùng tu, giữa làm điện Đại thành và cửa Đại thành, phía đông làm miếu Thần, phía tây làm đền Dục thánh, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng gác Khuê văn  treo trống chuông trên đó, phía tả có nhà Sùng Văn đường, phía hữu có nhà Dị lễ, ặt ngoài chung quanh xây thành thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn Miếu, phía tả phía hữu có hai cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ, thể chế rất tinh xảo, đồ thờ có những thần bài, khám vàng, bình vàng, chen lôi, mâm phủ quỹ đựng xôi, tộ đựng heo cúng, khay đựng dưa xổi, đều chỉnh tề và sạch đẹp. Trong vòng thành trăm hoa tười đẹp, nào là: thông, tùng, quyt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối, hồng xiêm, cành nhánh liền nhau rợp bóng, thân tàng to lớm sum suê. Thường năm, cọn ngày Đinh hai mùa xuân và thu, vâng mạng vua, quan Tổng trấn chiên hành lễ, phân hiến hai bên thì dùng Trấn quan và Đốc học, ngoài ra đều là bồi tế, lệ đặt 50 lễ sanh và 50 miếu phu, đều lo làm phận sự[5]

Từ nguồn tư liệu Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết thêm: “…Đầu đời trung hưng nhà vua thường thân làm lễ, về sau sai quan tế thay. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), văn miếu Trấn Biên được tu bổ, chính đường và tiền đường đều năm gian; dựng thêm hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy năm gian; đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều ba gian, một toà cửa giữa ba gian, một tòa cửa trước một gian, một tòa kho đồ thờ ba gian, một tòa Khuê Văn các có hai tầng, ba gian hai chái; phía trước biển “Đại thành điện“  đổi làm “Văn miếu điện” và “Khải thành điện ” đổi làm “Khải Thánh từ “.

Những tư liệu trên cho thấy, văn miếu Trấn Biên từ khi xây dựng và trải qua những giai đoạn về sau của nhà Nguyễn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của vùng đất phương Nam lúc bấy giờ. Công trình Văn miếu Trấn Biên được sự quan tâm của các triều vua Nguyễn cho trùng tu, xây dựng, mở rộng.

 Lịch sử hình thành của Văn miếu Trấn Biên vào năm 1715 cho thấy vùng đất này dân cư ổn định. Các chúa Nguyễn đã từng bước đặt dựng những cơ sở vững chắc trong hoạch định chính sách phát triển vùng đất phương Nam. So với Văn miếu ở Gia Định (nay thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh), Văn miếu Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long) ở Nam Bộ, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất.

Bảng tham khảo:

- Văn miếu Trấn Biên (thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh - nay thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai): năm 1715 (Ất Mùi). Đời Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế Nguyễn Phúc Chu.

- Văn miếu Gia Định  (tổng Phú Mỹ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình - nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh): năm 1824 (Giáp Thân). Đời vua Minh Mạng năm thứ 5.

- Văn miếu Vĩnh Long (làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn - nay thuộc phường 2, thành phố Vĩnh Long): năm 1864 (Nhâm Dần). Đời vua Tự Đức năm thứ 17.

III. Văn miếu Trấn Biên – nối những mạch nguồn văn hoá

Văn miếu là nơi thờ Khổng T[6] - người được xem là “khai sáng” của Nho giáo và Nho học. Ở ViệtNam, Văn miếu đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội vào tháng 10 năm 1070 (tháng 8 năm Canh Tuất), đời vua Lý Thánh Tông[7] năm thứ 15. Đây là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử và các đệ tử xuất sắc của Người). Năm 1076, vua Lý Nhân Tông[8] lập thêm Quốc Tử Giám ở trong phạm vi Văn miếu, ban đầu dùng làm nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong nước. Đây có thể xem là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Do biến thiên của lịch sử, tính chất, vai trò của Văn miếu ở Hà Nội bị tác động với vị thế khác nhau. Thời nhà Lý, Trần, Lê, Văn miếu ở Hà Nội được gọi là Văn miếu Kinh sư. Từ đầu triều Nguyễn, Văn miếu ở Hà Nội được gọi là Văn miếu Bắc Thành. Âu đó cũng là một trong những cái lẽ thường tình của các vương triều phong kiến Việt Nam. Nhưng tựu chung, sự hình thành các Văn miếu là biểu thị của tư tưởng chủ đạo trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội với lịch sử lâu đời và quy mô của chính nó đã khẳng định nơi đầu tiên phát xuất cho mạch nguồn của vùng đất không chỉ có địa thế “rồng bay, hổ cuộn” mà còn là nơi đào tạo nhân tài để bồi đắp “nguyên khí quốc gia” được nhận thức rõ từ triều đại phong kiến nhà Lý.

Lịch sử tạo dựng vương triều Nguyễn của xứ Đàng Trong chắc chắn xuất phát từ nhiều nguyên do lịch sử và công lao đầu tiên phải kể đến sự táo bạo với tầm nhìn chiến lược của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Các đời chúa Nguyễn đã tiếp nối tạo dựng nên một Đàng Trong vững mạnh. Tất nhiên, thời kỳ đầu từng bước “tách biệt” với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn tập trung chủ yếu nguồn nhân lực cho các cuộc chiến “Trịnh – Nguyễn phân tranh”. Sau này, trên công cuộc Nam tiến, buổi đầu xây dựng ở vùng đất phương Nam mà Trấn Biên xưa – Đồng Nai nay là địa đầu Nam Bộ, các chúa Nguyễn dựa trên cơ sở của Nho học để tạo nguồn “nguyên khí quốc gia”. Đánh giá về giáo dục thời nhà Nguyễn, có tác giả cho rằng: “Giáo dục và khoa cử dưới thời các chúa Nguyễn, về cơ bản, không khác gì so với các triều đại phong kiến trước đó. Ở một số mặt, lại không bài bản và quy cũ như Đàng Ngoài[9]. Thế nhưng, với việc cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên năm 1715, dầu nhìn từ nhiều góc độ để phân tích, thì chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã góp phần lớn trong việc nối tiếp mạch nguồn văn hoá, truyền thống trọng học của dân tộc Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. 146 năm tồn tại kể từ khi xây dựng, Văn miếu Trấn Biên với những định kỳ lễ trọng hằng năm vẫn duy trì đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của người Trấn Biên – Đồng Nai trong truyền thống văn hoá dân tộc. Năm 1861, Văn miếu Trấn Biên bị phá huỷ trong cảnh Nam Bộ: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây[10] khi thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1998, kỷ niệm 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai (1698 - 1998), tỉnh Đồng Nai xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên[11]Mục đích tái tạo Văn miếu Trấn Biên là tôn vinh các vĩ nhân, danh nhân văn hoá tiêu biểu dưới hình thức tín ngưỡng dân gian truyền thống, tạo nên một thiết chế sinh hoạt phản ánh các giá trị văn hoá, giáo dục của vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai. Hiện nay, tại Văn miếu Trấn Biên có Nhà bia Khổng Tử trước Khu Nhà thờ chính (Bái đường). Đặc biệt, trong khu nhà thờ chính, gian trung tâm thờChủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) - anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Phía sau là biểu tượng của mặt trống đồng Ngọc Lũ. Gian bên tả Bái đường thờ danh nhân văn hoá tiêu biểu của ViệtNam gồm: Chu Văn An (1292 - 1370), Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Lê Quý Đôn (1724 - 1784), Nguyễn Du (1765 - 1820). Gian bên hữu Bái đường thờ những danh nhân văn hoá gắn liền với vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai và Nam Bộ xưa gồm: Võ Trường Toản, (? - 1792), Đặng Đức Thuật , Gia định tam gia có: Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), Lê Quang Định (1759 - 1813), Ngô Nhơn Tịnh (?- 1813), Nguyễn Đình Chiểu (1822 -1888), Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872). Đối tượng thờ tự ở Văn miếu Trấn Biên có khác so với những Văn miếu xây dựng trước đây. Những danh nhân văn hoá của các vùng miền tiêu biểu trong diễn trình lịch sử ViệtNam được thờ trong Văn miếu Trấn Biên. Mặc dù còn nhiều ý kiến trong việc bố trí đối tượng thờ trong Văn miếu Trấn Biên nhưng nhìn ở góc độ hiện tại, sự “cách tân” về các đối tượng được phối thờ hiện nay thể hiện một sự tiếp nối mạch nguồn xuyên suốt lịch sử văn hoá của dân tộc. Bên cạnh các đối tượng thờ này, trong Nhà Bái đường còn có những hiện vật thể hiện những giá trị có tính chất nối tiếp mạch nguồn của dân tộc kể từ khi Văn miếu Trấn Biên được tái tạo: Đó là tủ thờ 18 ký đất và 18 ký nước lấy từ Đền Hùng[12]Văn bia Tiến sĩ khoa thi 1442 (phục chế) và Trống hội Thăng Long[13].

*

Trấn Biên xưa là vùng đất địa đầu đón nhận những cư dân từ các nơi đến khai khẩn ở Nam Bộ. Biên Hoà - Đồng Nai nay tiếp tục là vùng đất mở thu hút nguồn nhân lực trong sự nghiệp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Một chặng đường lịch sử với sự đóng góp của nhiều thế hệ con dân khắp mọi miền đất nước. Văn miếu Trấn Biên kể từ khi được tái tạo cho đến nay không chỉ là biểu tượng của tinh thần hiếu học mà còn là mạch nguồn nối liền quá khứ với  hiện tại. Văn miếu Trấn Biên trở thành điểm sinh hoạt văn hoá – giáo dục với nhiều hoạt động về nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, tôn vinh, biểu dương những tài năng, những nhà văn hoá giáo dục, khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Biên Hòa – Đồng Nai, góp phần trong công cuộc bảo tồn và phát huy bản săc văn hoa dân tộc trong xu thế, vận hội phát triển mới. Mạch nguồn ấy được thể hiện trong văn bia với niềm tự hào và khát khao cháy bỏng: Xây cao Văn miếu tiếp thu thành tựu Bắc Nam, Mở rộng học đường khai thác tinh hoa dân tộc kim cổ, Tinh thần Đại Việt toả sáng nơi đây, Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó” để Tổ Hùng Vương cơ nghiệp trường tồnHào khí Đồng Nai đời đời rực rỡ”.

Trong lịch sử Việt Nam, kể từ khi triều Lý xây dựng Văn miếu – Quốc tử giám tại Hà Nội trở về sau, các triều đại phong kiến đã cho dựng xây nhiều văn miếu ở các địa phương khác trên toàn quốc. Với việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên trên vùng đất Trấn Biên xưa (Nam Bộ) từ rất sớm trong công cuộc mở mang vùng đất phương Nam của Tổ quốc đã phản ánh sức sống của những giá trị truyền thống của lịch sử dân tộc xuyên suốt trong diễn trình lịch sử dân tộc. Đây là một trong những mạch nguồn văn hoá, đề cao giá trị, tinh thần trọng học, bồi đức dưỡng tài để tạo nguồn nhân lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005.

2. Hùynh Văn Tới – Phan Đình Dũng. Văn hóa Đồng Nai – sơ thảo. NXB Đồng Nai, 2005.

3. Huỳnh Văn Tới, Bùi Quang Huy (chủ biên). 290 năm Văn miếu Trấn Biên. Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005.

4. Phan Đình Dũng. Cơ sở tín ngưỡng và lễ hội truyền thống ở Biên Hoà. Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, 2009.

5. Nhiều tác giả. Biên Hòa – Đồng Nai: 300 năm hình thành & phát triển. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998.

6. Nhiều tác giả. Địa chí Đồng Nai. Tập Lịch sử - III. NXB  Tổng hợp Đồng Nai, 2001.

 



[1] Nguyễn Phúc Chu (tức Chúa Minh – còn gọi là Quốc Chúa). Ông sinh năm 1675 và mất năm 1725. Ông kế nghiệp cha mình là chúa Nguyễn Phúc Thái, vào năm 1691. Nhà Nguyễn sau nay truy tôn ông là Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế.

[2] Trịnh Hoài Đức. Gia định thành thông chí.(Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới dịch, chú giải, hiệu đính). Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005.

[3] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110

[4] Địa điểm này được xác định thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hoà hiện nay.

[5] Trịnh Hoài Đức. Gia định thành thông chí.(Lý Việt Dũng, Huỳnh Văn Tới dịch, chú giải, hiệu đính). Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005.

 

[6] Khổng Tử  tên là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, sinh năm 551 và mất năm 479. người nước Lỗ (Trung Quốc). Ông là một nhà tư tưởng lớn, đề cao đạo đức con người. Tư tưởng của Khổng Tử có ảnh hưởng mạnh mẽ trong những thời kỳ lịch sử của nhân loại; đặc biệt đối với vùng phía Đông châu Á.

[7] Lý Thánh Tông (tên là Lý Nhật Tôn) – vị vua thứ 3 của triều Lý. Ông sinh năm 1023 và mất năm 1072. Thời gian làm vua từ năm 1054 đến 1072.

[8] Lý Nhân Tông (tên lá Lý Càn Đức) – vị vua thứ 4 của triều Lý. Ông sinh năm 1066 và mất năm 1127. Ông lên ngôi năm 1072.

[9] Huỳnh Văn Tới, Bùi Quang Huy (chủ biên). 290 năm Văn miếu Trấn Biên. Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005.

[10] Nguyễn Đình Chiểu. Chạy Tây. Nội dung bài thơ phản ánh cảnh vùng đất Biên Hoà – Gia Định trước hoạ xâm lăng của thực dân Pháp.

[11] Công trình Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên diện tích 02 héc ta. Các công trình được bố trí trên một trục chính đăng đối gồm các hạng mục chính: Văn miếu môn, Nhà bia Văn miếu, Khuê Văn các, Hồ Thiên quang tĩnh, Cổng Tam quan, Nhà bia Khổng Tử, Nhà thờ chính. Đồng thời trong phạm vi côgn trình còn có các công trình Văn vật khố, Thư khố, Nhà Đề danh, Nhà truyền thống.

[12] Hiện vật do Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tặng 2002 nhân dịp khánh thành công trình phục dựng Văn miếu Trấn Biên.

[13] Hiện vật do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng năm 2002 nhân dịp khánh thành công trình phục dựng Văn miếu Trấn Biên.

Phan Đình Dũng (Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24414538