Lịch sử Việt Nam

VỀ TRẬN PHỤC KÍCH VÀ CHIẾN THẮNG LA NGÀ NGÀY 1/3/1948

  • Nguyễn Văn Giác
  • 04/07/2023

Trên website www.sugia.vn của Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, ngày 28/8/2020 đã cập nhật bài viết Thêm tư liệu về lịch sử Đông Nam Bộ, trong đó có tư liệu về chiến thắng La Ngà (1/3/1948), từng được tạp chí Sự Thật đương thời, cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Karl Marx ở Đông Dương đăng tải số 91, ngày 15/4/1948. Nhận thấy một số tình tiết quan trọng của tư liệu chưa được các công trình nghiên cứu liên quan khai thác và bổ túc, chúng tôi tiếp tục trình bày các kiến giải xung quanh sự kiện có tính cách cột mốc này trong lịch sử chiến tranh cách mạng miền Đông Nam Bộ, nhân 75 năm kỷ niệm chiến thắng La Ngà (1/3/1948 - 1/3/2023).

Chiến thắng La Ngà được tạo nên bởi trận phục kích tại khu vực cầu La Ngà theo chiến thuật vận động chiến. Trận đánh đã được báo/tạp chí Sự Thật tường thuật và phân tích chi tiết với đầy đủ các phân mục thiết yếu của một sự kiện lịch sử tiêu biểu, bao gồm bối cảnh, mục đích, diễn biến, kết quả, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm.

Đối chiếu với các tài liệu trước nay mô tả về trận La Ngà, nhận thấy có khá nhiều khác biệt so với văn bản tường thuật của báo Sự Thật, từ mục đích trận đánh, số kilomet của chặng đường đèo tổ chức trận địa mai phục, thời điểm nổ súng và thời gian quyết đấu, cách thức đốn đổ cây rừng để khóa chặn hai đầu đoàn xe, cho đến số liệu thiệt hại của địch quân, hiệu ứng công tác địch vận tại chỗ, phản ứng của báo giới quốc tế; nhất là các bài học kinh nghiệm được rút ra rất cụ thể, sâu sát và ý nghĩa chuyển hướng chiến tranh của phía ta, từ du kích chiến tiến lên vận động chiến, bắt đầu triển khai lối đánh quy mô.

Sự kiện

Được biết, tạp chí Sự Thật, số 90 phát hành ngày 13/3/1948, tuy chưa cập nhật kịp thời toàn bộ diễn biến của chiến thắng La Ngà, song vẫn có một số thông tin chính thức, thực ra cũng chưa chính xác, đăng tải ngay đầu trang nhất, trang trọng trong khổ chữ in hoa suốt cột một của trang báo, nguyên văn như sau:

Sau cuộc tấn công mùa đông lên Việt Bắc là cuộc tấn công mùa xuân của giặc vào căn cứ của ta ở Nam Bộ. Sau những thắng lợi mùa đông của Việt Bắc, là những thắng lợi mùa xuân của Nam Bộ.

Việt Bắc là mồ chôn thực dân Pháp.

Đồng Tháp Mười cũng là mồ chôn thực dân Pháp.

Sau những chiến công đèo Bông Lau, sông Lô, Nam Bộ đánh trận cầu Long Ngà [La Ngà], hơn 40 chiếc xe của địch bị phá hủy, 150 tên Pháp chết và mất tích, viên chỉ huy quân đội lê dương ở Đông Dương tử trận. Một lần nữa bọn giặc kinh hoàng.

Việt Bắc đã lên tiếng gọi toàn quốc sửa soạn chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới. Nam Bộ đã trả lời toàn quốc phải sẵn sàng”.

Đến số 91, ngày 15/4/1948 tiếp sau, cũng ngay cột đầu trang nhất của số báo, lời bình luận từ tờ Thời báo của Anh quốc xuất bản vào giữa tháng 3/1948 đàm bàn về vấn đề chiến tranh Việt Nam đã được dẫn lược như sau: “Tuy Pháp có những cuộc hành quân to lớn, nhưng vẫn không đánh bại được lực lượng kháng chiến của dân Việt Nam, vẫn không làm dảm [giảm] được lòng dân Việt Nam tin tưởng vào ông Hồ Chí Minh”; chiến thắng La Ngà cũng  được nhấn mạnh ở tầm chiến lược tiếp sau rằng “Mùa đông giặc Pháp đã thất bại ở Việt Bắc. Mùa xuân giặc Pháp đã thất bại lớn ở Nam Bộ. Cuộc kháng chiến của toàn dân ta đang dần tiến tới bước sang giai đoạn thứ hai. Chúng ta quyết kháng chiến, nhất định chúng ta sẽ thắng”.

Bài báo nhan đề “Một trận tiêu diệt của quân ta tại Nam Bộ: Trận cầu La Ngà trên đường Sài Gòn - Đà Lạt ngày 1/3/48” được phóng viên Quang Chính mô tả và phân tích khá tường tận như sau: 

“Những chiến công của quân và dân Nam Bộ trong khi Việt Bắc kháng chiến đã làm cho Pháp rất hoang mang. Khi chiến dịch Việt Bắc vừa chấm dứt, chúng cấp tốc mang quân tấn công đồng [Đồng] Tháp Mười, một căn cứ quân sự của Nam Bộ. Đã không thắng lợi, chúng còn huênh hoang, tuyên truyền. Để trả lời giọng tuyên truyền gian dối của chúng và cùng để kỷ niệm ngày tử trận của vị anh hùng Dương Văn Dương, Khu phó khu 7, chi đội 10 khu 7 đã hiệp lực cùng liên quân 17, đánh một cuộc phục kích tiêu diệt lớn vào ngày 1/3/1948.

Mặt trận dài tới 7 cây số tại La Ngà (Định Quán), tỉnh Biên Hòa, trên đường Sài Gòn - Đà Lạt, từ cây số 106 đến 113.

Đúng 15 giờ 30, một đoàn xe Pháp từ Sài Gòn tiến tới gồm 2 thiết giáp, 5 xe díp, 26 xe cam nhông chở lính và 40 xe chở hàng lọt vào giữa mặt trận. Lập tức những cây to ở hai đầu quãng đường ta bố trí đều ngả [ngã] xuống. Lệnh tổng công kích bắt đầu. Một số lớn địch bị tiêu diệt ngay dưới làn đạn và mảnh địa lôi của quân ta, Đại tá Đơ Xê-ri-nhơ (De Sérigné) chỉ huy sư đoàn thiết giáp thứ 13, một võ quan nổi tiếng trong quân đội Pháp, đã từng dự cuộc đại chiến lần thứ hai, tử trận ngay lúc đầu. Suốt trong 15 phút, quân ta làm chủ tình thế, xung phong tước nhiều võ khí địch và tiêu hủy 61 xe gồm 1 thiết giáp, 5 díp, 19 xe chở lính, 36 xe chở lương thực tiếp tế cho địch ở Đà Lạt. Vì quân ta chỉ được lệnh bắn những xe chống cự lại ta, nên hành khách thường dân không ai việc gì. Hơn 150 lính Pháp chết tại trận, trong đó có nhiều võ quan. Một số lớn bị thương. Ta bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều võ khí, quân dụng và tài liệu trọng yếu. Bên ta hai chiến sĩ tử trận, hai bị thương nhẹ. Đến 17 giờ 30, hai máy bay khu trục Pháp tới bắn vào đám cháy. Quân ta đối đãi với tù binh rất nhân đạo. Những hành khách và thường dân được thả ngay. Binh lính Pháp bị thương được ta băng bó cẩn thận. Ta thả hết tù binh sau khi giải thích cho họ hiểu mục đích cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta.

Sau khi quét sạch chiến trường quân ta rút lui vô sự và hôm sau quân Pháp huy động quân nhảy dù và bộ binh lùng chung quanh vị trí ta phục kích để truy nã quân ta nhưng vô hiệu; rút cuộc chúng chỉ nhặt một ít xác chết của quân đội chúng mà thôi.

Sau trận này, quân ta đánh luôn hai trận phục kích nữa cũng không kém phần quan trọng: Ngày 2/3/48 ta phục kích trên đường Sadec - Sài Gòn, phá hủy 4 xe cam nhông và thiết giáp địch, giết 60 Pháp và Việt gian. Ngày 3/3/48, ta lại chặn đánh một đoàn xe Pháp ở miền Tây, cách Sài Gòn 100 cây số. Địch thiệt hại rất nặng.

Thế là một lần nữa quân ta ở Nam Bộ đã chiến thắng oanh liệt sau bao trận oanh liệt khác. 

Bộ Pháp quốc hải ngoại có cải chính những tin do ta công bố về số thiệt hại của quân Pháp trong ba trận này, nhưng che mắt sao nổi nhân dân Pháp và thế giới? Ủy ban Quốc phòng trong Quốc hội Pháp ngày 3/3/48 đã chất vấn chính phủ về cái chết của hàng mấy trăm lính Pháp ở Nam Bộ trong ba ngày liền.

Báo “Dân Pa-ri giải phóng” (Le Parisien libéré) đã công nhận quân Pháp gặp nhiều khó khăn ở Đông Dương. Báo “Bình Dân” (Le Populaire) viết: “cần phải chấm rứt [dứt] chiến tranh ngay”, và dục [giục] Chính phủ Pháp xúc tiến cuộc đàm phán với bọn bù nhìn. 

Đài Hợp chúng quốc của Mỹ, đài AFP Pháp và BBC của Anh cũng bình luận sôi nổi về trận La Ngà.

Kiểm điểm lại trận đánh, ta đã học được kinh nghiệm gì?

Về chính trị - Công tác địch vận của ta trong trận này đã ghi được một thắng lợi lớn. Tù binh Pháp được ta đối đãi tử tế, và giải thích về tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Khi ra về, họ đều tỏ vẻ biết ơn và cảm động. Những hành khách thường dân được bộ đội ta thả cho về đều cảm thấy lòng thành thực yêu nước của tướng sĩ Việt Nam, nên trước khi từ giã có tặng bộ đội ta một số tiền lớn (riêng một nhà buôn vải tặng 40 vạn đồng) nhưng bộ đội ta chối từ không nhận.

Về quân sự - Ta nhận thấy:

1) Cũng như những trận Phủ Thông, đèo Bông Lau, quân ta trong trận này đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong tiêu diệt địch.

2) Kế hoạch bố trí và sự chỉ huy của bộ đội ta đã tiến bộ nhiều. Quân ta điềm tĩnh chờ địch vào quãng đường ta bố trí rồi mới hành động.

3) Trận này chứng tỏ thêm một lần nữa, trình độ tập trung của quân ta đã tiến. Từ những trận phục kích lẻ tẻ, đánh theo lối chim sẻ đến những trận Bông Lau, Lũng Mường, Bố Củng, Lung Vài [Lũng Vài?] rồi cầu La Ngà, quân ta đã có thể tập trung đến 15.000 quân và đã thắng trận. Các cấp chỉ huy, các chiến sĩ của ta nên học kinh nghiệm tập trung này mà cương quyết tiến tới một bực cao hơn về vận động chiến.

4) Trong trận này, ta đã thực hiện được khẩu hiệu cướp súng địch tự bổ xung [sung] cho mình.

5) Thuật tập trung và phân tán nhanh chóng của bộ đội ta trong trận này đã tiến bộ. Nhờ sự phân tán nhanh chóng sau khi quét sạch chiến trường mà quân ta đã tránh được bom đạn của máy bay Pháp đến cứu vãn, hai tiếng đồng hồ sau khi bị ta đánh.

6) Quân ta đã thực hiện đúng nguyên tắc bảo toàn chủ lực khi tấn công và muốn thực hiện được nguyên tắc đó, cần phải bí mật, tập trung lực lượng đánh vào chỗ yếu nhất [của] địch, công kích nhanh chóng, rút lui mau lẹ.

Trận tiêu diệt cầu La Ngà là một trận oanh liệt trong lịch sử, một trận phục kích kiểu mẫu cho bộ đội toàn quốc. Phải chăng nó là một bước đầu của tiêu diệt chiến rộng rãi mà bộ đội ta phải kíp [kịp thời] học lấy để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chuyển mau sang giai đoạn cầm cự, giai đoạn thứ hai?”.

 

Bài tường thuật về Trận cầu La Ngà trên báo Sự Thật (ảnh tư liệu)

Nhận diện

Cho đến nay, tài liệu đáng kể nhất về chiến thắng La Ngà được biên soạn về sau là Trận phục kích La Ngà của tác giả Chiến Sĩ, xuất bản lần đầu năm 1964 bởi Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và tái bản năm 1998 do Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai ấn hành với một vài hiệu đính về công tác thực địa và hình ảnh bổ sung từ Bảo tàng . 

Theo đó, một số chi tiết đã không tìm thấy so với nguyên bản từ báo Sự Thật, như: ý đồ trận đánh không liên quan gì đến sự hy sinh của Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương, trận đánh không phải mở đầu bằng việc các chiến sĩ cho đổ cây rừng khóa chặn hai đầu đoàn xe của địch, công tác dân vận đã cảm hóa được một nhà buôn với ý định tặng cho bộ đội 40 vạn đồng Đông Dương. Mặt khác, nhiều số liệu tỏ ra khá sai lệch: trận địa phục kích dài 9 cây số (từ kilomet 104 đến 113), trận đánh bắt đầu lúc 15 giờ 12 phút và lúc 17 giờ có 3 chiếc máy bay địch đến ứng cứu, đoàn xe của địch tổng cộng 69 chiếc và bị diệt 59 … 

Đáng chú ý là sự bất nhất về số quân tham gia trận đánh của cả ta lẫn địch. Trong khi cho rằng “So sánh binh lực hai bên thì ta nhiều hơn địch gấp ba lần”, với các con số cộng lại là 541 cán bộ và chiến sĩ được đưa ra về phía ta, thì bên phía địch tổng cộng số chết và bị bắt lên đến khoảng 370 tên, đã trừ ra số dân buôn và dân thường . Còn văn bản trên báo Sự Thật như đã chỉ ra, quân số huy động cho trận tập kích có thể tập trung đến khoảng 15.000 người, với tính cách là một trận vận động chiến đầu tiên và bằng mọi giá phải giành lấy chiến thắng.

Cùng với đó, được biết Dương Văn Dương (1900 - 1946), bí danh Ba Dương, nguyên thủ lĩnh lực lượng vũ trang Bình Xuyên, sau được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ giao chức vụ Khu bộ phó Khu 7, phụ trách địa bàn Đông Nam Bộ. Đầu năm 1946, ông bị trúng đạn máy bay Pháp, hy sinh tại Giồng Trôm (Bến Tre) (22/2/1946) trong chuyến công tác đặc biệt nhằm hỗ trợ cuộc chiến đấu của quân dân miền Tây Nam Bộ ngăn chặn quân Pháp mở rộng bình định chiếm đóng. Cái chết hết sức bất ngờ này đã để lại niềm nuối tiếc to lớn cho Chính phủ Trung ương. Bởi vậy, “Năm 1946, trong Mật điện số 946/TRT gửi Khu 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chia buồn với gia quyến ông Dương Văn Dương. Năm 1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ quyết định lấy tên Dương Văn Dương đặt tên cho con kênh đào dài nhất ở Đồng Tháp Mười. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã truy phong ông quân hàm Thiếu tướng” . 

Thực vậy, một số nét tổng kết nêu trên về cuộc đời của vị tướng lĩnh anh hùng đã được cụ thể hóa một cách thuyết phục và sinh động trong một công trình chuyên khảo đến nay tái bản bốn lần, tính từ thời điểm xuất bản lần đầu năm 1988, có nhan đề Người Bình Xuyên của nhà nghiên cứu Nguyên Hùng.

Theo đó, ngay từ lúc mới đặt chân lên đất Nam Bộ bởi sự điều động của Chính phủ Trung ương với nhiệm vụ trọng tâm và bức thiết là thống nhất các lực lượng vũ trang yêu nước từ nhiều tổ chức chính trị, giáo phái và băng đảng, phái viên Nguyễn Bình đã nhận ra mấu chốt của vấn đề ở sự liên kết chặt chẽ với thủ lĩnh Dương Văn Dương. Ba Dương nổi tiếng với cương vị chỉ huy phân minh, kỷ luật nhà binh, thân dân mẫu mực; từng rút súng dọa bắn em trai vì tham lợi riêng, kiểm thảo các cấp chỉ huy vì tư tưởng né địch, xa dân . Trên cơ sở đồng thuận bố trí lại lực lượng toàn Khu 7, Nguyễn Bình mạnh dạn lựa chọn người chỉ huy kế cận trẻ tuổi và trao chức vụ Khu bộ phó đối với thủ lĩnh Bình Xuyên có bí danh Ba Dương này. Sự kiện được ghi nhận vào thời điểm đầu tháng 12.1945, chính người có trọng trách tối cao về quân sự ở Khu 7 đến tận bản doanh của Bình Xuyên trực tiếp thảo và trao mệnh lệnh, cực kỳ ngắn gọn như sau:

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

GIẤY BỔ NHẬM

Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7 nước Việt Nam bổ nhậm đồng chí Dương Văn Dương là Khu bộ phó.

                                                                                                                                                   Ký tên:

                                                                                                                                                   Nguyễn Bình”.

 

 

Thiếu tướng Dương Văn Dương (1900 - 1946)

(ảnh tư liệu)

Cũng ngay lúc này, việc chi viện cho Khu 8 nhằm ngăn địch đánh chiếm Bến Tre đồng thời thu nhận các toán quân kháng chiến rời rạc trên địa bàn được đặt ra khẩn cấp, do đó Khu bộ trưởng Nguyễn Bình điều cử Ba Dương dẫn quân đi về hướng các tỉnh Trung Nam Bộ. Đang là thời điểm Tết Nguyên đán, vì thế nhiệm vụ trở nên khó khăn gấp bội đứng về giác độ tâm lý. Tuy vậy, bản lĩnh cùng tài năng và uy tín của người chỉ huy quen quật lộn trên chiến trường sông nước đã đưa đoàn quân chi viện áp sát mặt trận trọng điểm An Hóa - Giao Hòa và đồng thời triệu tập được một hội nghị bàn về việc phối hợp lực lượng giải giới Đệ Tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp đã đang có những hành động quấy nhiễu dân chúng địa phương. Hội nghị giữa lúc bàn thảo sôi nổi thì quân Pháp tấn công. Bất ngờ, đạn từ hai chiếc máy bay kẻ địch bắn trúng mục tiêu, khiến người Khu bộ phó Khu 7 của Chiến khu miền Đông hy sinh tức thì tại vị trí chỉ huy trên xứ miệt vườn sông nước miền Tây Nam Bộ.

Chiến sĩ và đồng bào thương tiếc người thủ lĩnh tài năng và đức độ bởi tình nghĩa quân dân càng thấm đẫm qua những lời kiểm thảo khi xưa, rằng “Bà con Phước An đã nuôi bộ đội Bình Xuyên như con cưng, ngày ăn ba bữa, heo, bò, gà, vịt, không thiếu thứ gì. Vậy mà Tây chưa tới, tụi bây đã chạy trước, bỏ đồng bào bơ vơ. Như vậy coi sao được?” .

Đồng đội và cấp trên trân quý, tin yêu người trợ thủ đắc lực một khi đã nhận ra lý tưởng hiến dâng của một đội quân vừa mới đang được giác ngộ, rằng “Chú [chỉ Năm Hà/Dương Văn Hà - TG] phải giữ kỹ anh em, đừng để chúng xách súng đi lung tung. Bây giờ mình là bộ đội cách mạng rồi” .

Cán bộ và chiến sĩ Khu 7 nói chung, các cấp chỉ huy và các đơn vị võ trang  Bình Xuyên nói riêng đã tiến hành tổ chức Lễ Truy điệu đối với vị thủ lĩnh tài ba của mình thật vô cùng long trọng bởi một trận phản công dũng mãnh tại vị trí Thiềng Liềng thuộc Vũng Tàu, với chiến lợi phẩm đắt giá là chiếc tàu chở quân đổ bộ của binh lính Pháp. Lễ Truy điệu được tường thuật như sau:

“Ba Dương tử trận ngày 16/1/1946 [nhầm lẫn ngày 16/2/1946 - TG], vài tuần sau Liên chi 2-3 tổ chức Lễ Truy điệu cố Khu bộ phó Dương Văn Dương tại Phước An. Anh Năm Hà [Dương Văn Hà] viết thư mời Bảy Viễn [Lê Văn Viễn] tới dự. Trong lễ này, anh em Bình Xuyên phấn khởi được nghe đọc quyết định của Trung ương truy phong đồng chí Dương Văn Dương thiếu tướng, đồng thời cải danh con kinh Lagrange chạy từ kinh 12 tới gẫy Cờ Đen là kinh Dương Văn Dương.

Anh em Bình Xuyên cũng lên tinh thần khi anh Năm Hà đọc thư của Hồ Chủ tịch chia buồn cùng gia đình đồng chí Dương Văn Dương đã hy sinh trên chiến trường Nam Bộ” . 

 Người đứng đầu lực lượng vũ trang Khu 7 Nguyễn Bình cũng khẳng quyết đề cao vị thủ lĩnh Bình Xuyên vừa tử nạn bất ngờ, thông qua bức thư trả lời Bộ Tham mưu Bình Xuyên về vấn đề đồng thuận họp bầu Dương Văn Hà, cũng là người em cùng huyết tộc với Ba Dương, tiếp nhận chức vụ Khu bộ phó. Trích đoạn nguyên văn lời lẽ trong thư đó rằng:

                  “VNDCCH

                  Vệ Quốc đoàn

                  Số 713/KB

                  TỔNG HÀNH DINH

Ngày 12/4/1946

Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7 nước Việt Nam

Kính gửi đồng chí Dương Văn Hà, Tư lệnh Vệ Quốc đoàn Bình Xuyên. Về việc đồng chí được cử thay đồng chí Dương, tôi rất tán thành. Mong đồng chí đừng phụ lòng mong mỏi ký thác của anh em chiến sĩ Bình Xuyên, của tôi, của đồng chí Dương Văn Dương đã quá cố, nhất là giữ tiếng tăm cho đồng chí Dương là người lỗi lạc, khác hẳn với Đệ Tam, Đệ Tứ sư đoàn phản động và chỉ lôi kéo bè phái. Có được như vậy mới thật là xứng đáng với anh linh đồng chí Dương Văn Dương, người đã hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc”.

Ngay cả trong một cuộc hội nghị do Bình Xuyên triệu tập ở Ba Giồng, trên cơ sở thống nhất giữa các tổ chức giáo phái tại Tây Ninh trước đó, phút Mặc niệm dành cho vị tướng lĩnh hy sinh cũng được thực hiện trước khi Hội nghị bắt đầu . Dương Văn Dương thực tế trở thành biểu tượng đoàn kết và chiến đấu chống đế quốc Pháp xâm lăng của quân dân Nam Bộ lúc bấy giờ.

Từ đó, một cuộc tiến công trực diện kẻ thù được hoạch định ở tầm mức chiến lược và có quy mô trên toàn Khu như trận phục kích La Ngà đề cập, mà tiến trình chuẩn bị và diễn biến (từ nửa cuối tháng 2 đến ngày đầu tiên tháng 3/1948) ở vào một thời điểm gần như trùng khớp với sự kiện hy sinh của anh hùng Ba Dương xảy ra hai năm về trước (16/2/1946 hoặc 22/2/1946) vẫn còn cháy bỏng nhiệt huyết báo thù của đồng chí, đồng đội, đồng bào là điều hiển nhiên và hoàn toàn hiện thực.      

Thật rõ ràng rằng, nhân tố Dương Văn Dương cần và phải được thấu triệt trong ý đồ tác chiến của trận La Ngà, bởi đó chính là một trong những động lực tinh thần trực tiếp tạo nên bản lĩnh, trí tuệ và kỳ tích chiến thắng. 

Cho đến nay, bài viết hiếm hoi mà chúng tôi tìm thấy có đề cập đến nhân tố nói trên là trang website http://thuviendongnai.gov.vn của Thư viện tỉnh Đồng Nai, trong một trích đoạn rằng “Ngày 29 tháng 2 [1948], toàn lực lượng chiếm lĩnh trận chiến đấu… Tại sở chỉ huy, Ban chỉ huy nhận được điện của Khu đội phó Huỳnh Văn Nghệ: Trận phục kích giao thông được mang tên Dương Văn Dương để kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông - nguyên là Khu bộ phó Khu 7” .  

Một số công trình tiêu biểu về lịch sử chiến tranh ở Nam Bộ, như Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến (1945 - 1975), Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến đều tái hiện nguyên xi các số liệu về kết quả của Trận phục kích La Ngà, trong khi cũng đồng thời bỏ qua nhân tố quan trọng nhất của trận đánh là động cơ chiến đấu vì vị cố tướng lĩnh Dương Văn Dương . La Ngà - trận phục kích xuất sắc trên chiến trường Nam Bộ của Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)  cũng không phải là ngoại lệ.

Cũng khá thất vọng rằng, hai tác giả Minh Khánh và Hạnh Nguyên khi tuyển chọn và biên soạn sách Địa danh kháng chiến Nam Bộ, đã không đưa La Ngà vào bộ sưu tập địa danh của tỉnh Đồng Nai, bên cạnh 6 địa chỉ đỏ nổi tiếng .

Gần đây, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Chiến tranh Nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Đông Nam Bộ của tác giả Hồ Sơn Đài . Đề cập trận La Ngà ngày 1/3/1948, các thông số của sách đều trùng khớp với tài liệu đã dẫn ra trên đây của tác giả Chiến Sĩ, chỉ khác biệt duy nhất là tác giả không đưa ra số liệu xác định về lực lượng của ta tham gia trận đánh .

Trong khi đó, Lịch sử Việt Nam, bộ mới của Viện Sử học lại không dành cho chiến thắng mang tầm vóc chuyển hướng giai đoạn cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất này một dòng chữ nào .

Kết luận

Có thể nói, Một trận tiêu diệt của quân ta tại Nam Bộ: Trận cầu La Ngà trên đường Sài Gòn - Đà Lạt ngày 1/3/48 của tác giả Quang Chính, đăng tải trên báo/tạp chí Sự Thật ngày 15/4/1948, vào thời điểm sớm nhất sau khi kết thúc thắng lợi trận phục kích La Ngà (cách sau một tháng rưỡi), được xem là một trong những tư liệu chân xác và sinh động nhất về sự kiện chiến trường vào những ngày đầu toàn quốc trường chinh kháng Pháp thực dân. Một vài chi tiết cụ thể về thực địa, quân lực, vũ khí và phương tiện chiến tranh… có thể sai số, nhưng động cơ tác chiến, diễn tiến chiến thuật, kết quả chung cục hay ý nghĩa thời sự là những vấn đề mang tính nhất quán. Vì thế, các nghiên cứu về sau cần tầm nguyên, tham chiếu với nguồn tư liệu hầu như độc bản và chưa được khai thác này.

Nguyễn Văn Giác


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24402557