Lịch sử Việt Nam

Đình làng Đà Nẵng: Kiểu thức trang trí và những ý nghĩa biểu trưng

  • NGÔ THỊ HƯỜNG (Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Đà Nẵng)
  • 26/07/2012

Đình là một sản phẩm, một biểu tượng văn hoá của các cộng đồng cư dân làng xã, là chốn linh thiêng và linh hồn của cả cộng đồng. Từ trong đình làng nhân dân muốn gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. Theo tiến trình phát triển của đình làng người Việt, đình làng Đà Nẵng ra đời là sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt trên hành trình Nam tiến. Diễn tiến lịch sử, nguồn gốc cư dân đã tác động đến sự hình thành, kết cấu, kiến trúc, mô típ trang trí trên ngôi đình Đà Nẵng. Song, xét tổng thể, kiểu thức trang trí trên đình làng Đà Nẵng mang dấu ấn đặc trưng riêng của cư dân địa phương, chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật độc đáo. Nghiên cứu đình làng, đặc biệt là hệ thống mô típ trang trí góp phần phản ánh bức tranh văn hóa trong đời sống thường ngày và trong tinh thần của con người trên địa bàn thành phố.

1. Chủ dề trang trí trên đình làng Đà Nẵng

1. Hệ đề tài thực vật. Thế giới cỏ cây trong nghệ thuật tạo hình và trang trí trước hết phải từ con người, do con người và mang ý nghĩa của cả cộng động. Chính vì lẽ đó, đề tài thực vật xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình bao giờ cũng được cư dân ở đây sử dụng có dụng ý tinh tế. Ví như cây được chọn trang trí có thể giới hạn ở một số bộ phận như: lá, hoa, rễ, thân trái hay gốc. Đó là chưa nói vị thế của nó trong bố cục tổng thể: trên, dưới, phải, trái, phần trung tâm tức là sự phối hợp giữa thực vật với thực vật, thực vật với động vật, thực vật với đồ vật, con người với cây cỏ, hoa trái. Không chỉ vậy, trong nhiều mối liên hệ khác, thế giới của các họa tiết trang trí còn là chính là những thuyết minh nhiều mặt về cuộc sống nhân sinh mà con người đã không phải làm công việc diễn tả bằng ngôn ngữ cụ thể.

Trên đình làng Đà Nẵng, khi sử vào mục đích trang trí đề tài cây lá, thân leo được kết thành dải, mang biểu tượng cho niềm hạnh phúc, sum vầy. Mầm lá, hạt nảy mầm cũng là biểu tượng cho sự phát triển không ngừng. Đám cỏ tươi, được trang trí trong một bố cục nào đó, cũng xuất phát từ những ước vọng sinh sôi nảy nở. Một bó lá hay một dải hoa trong kiểu thức hoa dây, mang biểu tượng của một tập hợp người (gia đình, dòng họ), cộng đồng, làng xã[1]. Nhưng trong số đề tài ấy, đình làng Đà Nẵng thường thấy phổ biến nhất là các mô típ hoa cúc, hoa mai, trái bầu, hoa sen.

Cúc là biểu tượng của mùa thu, người xưa gọi tháng chín là cúc nguyệt. Cúc được biểu tượng cho những lời chúc tốt đẹp, trường thọ, bền bỉ. Cúc còn biểu tượng cho niềm vui, sự an lạc, viên mãn.

Hoa mai biểu tượng cho sự may mắn, phúc lành. Năm cánh hoa mai là hình ảnh của năm vị thần may mắn, gọi là ngũ phúc. Mai cũng được xem là biểu tượng của trường thọ. Người ta diễn tả đặc trưng này bằng những đóa hoa rực rỡ trên một thân cây trụi lá và gân guốc, vững chãi như sức công phá của thời gian chẳng làm gì được nó.

Sen trong nghệ thuật tạo hình được xem là biểu tượng của đức hạnh và sự hoàn hảo bởi đặc điểm của nó là vươn lên từ bùn nhơ và không bị vấy bẩn. Hoa sen là một món trong kiểu thức trang trí bát bửu của Phật giáo, là dấu huyền nhiệm của bước chân Phật.

Sự thuần Việt của một nền nông nghiệp cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng mà cộng đồng người Việt mang theo trên hành trình khai phá vùng đất này đã được họ gửi gắm với những chi tiết, họa tiết trang trí gần gũi, mang ngưỡng vọng lớn lao của cả một cộng đồng.

2. Hề đề tài đồ vật. Trong quan niệm của người xưa thường hình dung đồ vật với tên gọi bách cổ hay đồ cổ. Chúng được xem như trăm đồ cổ và quý. Nó có thể sánh với các món quý trong đời sống của tầng lớp phong lưu, nhàn hạ và nghệ sĩ như: cầm, kì, thi, họa; hoặc là các đồ minh khí, vật dụng được gia công tỉ mỉ, khảm hay đính những thứ quý giá. Có thể đó là những bức trướng liễn, hoành phi, câu đối có nội dung thâm thúy, thủ pháp tài tình của các tác giả nổi tiếng. Nói chung đó là những món đồ sử dụng hoặc trang trí có một giá trị đặc biệt, mang tính biểu tượng cao có tính thẩm mỹ và có vai trò trong đời sống văn hóa. Hệ đề tài đồ vật thường được bài trí theo kiểu ô hộc, mô típ cổ đồ thường nằm ở vị trí trung tâm trong bố cục, mang tính đăng đối rất dễ tìm thấy trên các ngôi đình của Đà Nẵng như Hải Châu, đình Hòa Mỹ, đình làng Đà Sơn,...  Song trang trí trên đình làng Đà Nẵng gần gũi nhất là kiểu thức trang trí cuốn thư. Đây là một kiểu thức được trình bày theo dạng sách cuốn do những cuốn sách này trước đây có thể cuộn tròn, cho nên kiểu thức cuốn thư biểu tượng cho phương tiện chứa đựng trí tuệ và sự tài hoa.

3. Hệ đề tài không gian, vũ trụ. Hình ảnh vòng thái cực vây quanh là vòng bát quái là dạng biểu tượng cho điềm lành. Nó có tác dụng và năng lực chống lại mọi thâm nhập của các thế lực tà ma, những điều bất hạnh. Trong cách hiểu thường tình, hình ảnh ấy là biểu tượng của hạnh phúc. Do ý nghĩa là bắt nguồn của mọi sự sáng tạo nên trong một số nóc kiến trúc ta cũng thường bắt gặp vòng thái cực có khi được thay thế cho mặt trời, khối cầu lửa, mặt trăng hay viên ngọc trong kiểu thức “Lưỡng long triều nhật”, “Lưỡng long triều nguyệt” hay “Lưỡng long tranh châu”.

Hình tượng mặt trời biểu tượng cho sự chủ động và thống lĩnh trên mặt đất. Với nguồn ánh sáng vô tận, mặt trời biểu hiện cho bản chất dương tính mạnh mẽ. Người xưa thường quan niệm trời tròn đất vuông. Trong đó, mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao người ta thường gọi là tam quang, hay ba nguồn điều chỉnh sự vận hành của thời gian.

Hình ảnh mang nguyên lý đối lập với mặt trời là mặt trăng. Mặt trăng được quan niệm liên quan đến phụ nữ và mamg tính thuần âm. Hình tượng có mặt trong kiểu thức “Lưỡng long triều nguyệt” với điểm thiết trí trang trọng và mang tính chất trung tâm, chẳng khác mặt trời ở đỉnh nóc của kiến trúc đình hay điểm trung tâm của một số đồ án trang trí khác. Vị trí ấy liên quan đến ý nghĩa thành phần của sự phối hợp vận hành âm dương tạo nên sự tuần hoàn trường cửu của trời đất.

Ngoài hình ảnh bầu trời, mặt trăng, sao còn có hình ảnh mây trời. Mây tượng trưng cho dấu hiệu tốt lành, hạnh phúc. Những điềm cát tường ảnh hưởng lớn đến số phận của cả cộng đồng thường biểu tượng bằng đám mây ngũ sắc, mang ý nghĩa là ngũ phúc. Mây gắn liền với mưa (mây có vai trò làm nên những cơn mưa, liên quan đến hoạt động của trời, gắn liền với lễ nghi, đảo vũ, tạo nên khả năng tồn tại và sinh trưởng của cây trồng trong đời sống cư dân nông nghiệp)[2].

4. Hệ đề tài động vật. Sống trong khu vực của văn minh nông nghiệp lúa nước, những con vật linh liên hệ đến hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm chớp… đều được người phương Đông quý trọng, tôn thờ. Ấn tượng này bảo lưu lâu dài và trở thành hình tượng cao quý trong trang trí mỹ thuật. Trong trang trí đình làng, tiêu biểu nhất là hệ thống tứ linh long -lân - quy - phượng.

Hình tượng con rồng: Con linh thú tiêu biểu nhất trong trang trí đình làng phải kể đến con rồng. Con rồng của cung đình, của thế lực vương quyền. Và những con rồng ẩn mình trong nhân gian như con cù, con ly, con giao. Rồng trở thành nơi tích tụ những khát vọng lớn nhất của con người. Trời đất có rồng để mưa thuận, gió hòa, cuộc sống sung túc, bệ rồng có vị minh quân để xá tắc yên ổn, quốc thái dân an, đình miếu có rồng cho dù dưới dạng biến thể để cộng đồng làng xã ấm no. Và từng gia đình vẫn mang hình tượng họ rồng vào kiến trúc, vật dụng như một điều lành trong cuộc sống.

Hình tượng con phượng hoàng: Phượng hoàng được mô tả có cổ họng của con chim nhạ, mỏ gà, cổ rắn, đuôi chẻ như đuôi ca với 12 chiếc long dài rực rỡ (khi sống lâu có tới 13 chiếc), trán của con hạc, mào của con vịt xiêm, có những dấu vằn của con rồng và phần đằng sau cuốn vòm như rùa. Lông của phượng hoàng năm màu, tiếng hát như nhạc và có năm biến điệu diệu kì. Phượng hoàng được xem là loại linh điểu, trứng của nó được làm thức ăn cho thần thánh. Trong nghệ thuật tạo hình, nghệ sĩ vẽ con phượng hoàng thường hay sử dụng trí tưởng tượng nhiều hơn quan sát phân tích. Chủ yếu là diễn đạt tính oai vệ, linh thiêng, chất thần thánh mà họ đã giữ trong mẫu mực của nhận thức, có tính kế thừa trong nghệ thuật. Sự thể hiện con phượng rất đa dạng, trong một số trường hợp, đó là sự kết hợp mô tat đặc điểm về mặt ngoại hình giiữa con trĩ và con công. Theo truyền thuyết phuợng hoàng chỉ xuất hiện vào những triều đại thịnh trị và là con vật thứ tư trong bộ tứ linh. Cư trú ở góc phái nam thiên giới, do đó nó là biểu tượng của mặt trời, hơi ấm mùa hạ, của sự thu hoạch mùa màng, là biểu tượng của phú lộc. Với ý nghĩa và biểu tượng như trên phượng hoàng được phối trí trong kiến trúc đình làng thể hiện sự oai nghiêm, linh thiêng và cũng là để đem lại sự phúc lộc cho dân làng.

Hình tượng con lân: Kỳ lân là con vật báo hiệu điều tốt lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ, niềm hạnh phúc lớn lao. Nó được truyền tụng là con vật có thể đi trên đất lẫn trên nước. Lân là sự kết hợp tất cả những phẩm chất tốt đẹp với những đức tính tử tế, nhân từ. Ở đình làng Đà Nẵng kỳ lân thường được trang trí trên hai đầu mái trước và trên bình phong.

Hình tượng con rùa: Rùa là con vật thiêng tượng trưng cho sự trường thọ, sức chịu đựng và sinh lực. Rùa mang chiếc mai trên lưng dạng mái vòm là biểu tượng của bầu trời, phần dưới mai phẳng, biểu tượng của mặt đất. Rùa được xem là đứng đầu của giống vật có mai và vỏ. Nó có tuổi thọ dài lâu tưởng chừng như bất diệt. Con rùa linh được miêu tả có chiếc đầu rắn, cổ rồng, có vai rộng và hông lớn. Rùa ra ngoài vào mùa xuân, khi thay mai nó trở lại trạng thái chậm chạp, từ tốn. Chính vì lý do này mà rùa có một cuộc sống lâu dài. Trong đình làng, con rồng làm tăng uy quyền của Thành Hoàng làng, vị vua tinh thần của làng.

 Con lân, linh vật huyền thoại biểu trưng cho sự thái bình, quy (rùa) tượng trưng cho sự trường tồn, trường thọ và phượng biểu tượng cho sự hạnh phúc, sang quý. Có một điều chúng ta nhận thấy hiếm khi bốn linh vật được sử dụng trong một đề án trang trí mà thường sử dụng cặp đôi như rồng- phượng hoặc lân - quy. Trong tứ linh còn bổ sung bốn con vật nữa để thành bát vật. Đó là ngư - phúc - hạc - hổ. Ngư gắn với truyền thuyết “cá hóa rồng” biểu tượng cho sự thành đạt, hanh thông, phúc (dơi), biểu tượng cho phúc đức, hạc biểu tượng cho sự cao khiết và trường thọ, hổ là chúa sơn lâm, biểu tượng chó sức mạnh có thể trấn áp tà ma. Ngoài ra còn nhiều kiểu thức trang trí nhưng không nhiều và khá mờ nhạt.

2. Kĩ thuật thể hiện trong trang trí

1. Trang trí trên gỗ. Gỗ có vai trò quan trọng hình thành nên chất liệu chủ đạo trong kiến trúc, nhất là phần nội thất của tất cả hệ thống đình làng ở Đà Nẵng. Nó mang ý nghĩa như một thuộc tính quan trọng của ngôn ngữ kiến trúc. Nhiều khi chức năng thật lại bị mờ đi trước sự hiện diện phong phú đa dạng trong chạm khắc gỗ. Chủ yếu là các hình chạm ở các vì kèo, giả thủ, đòn tay nhưng nhìn chung so với cà ngôi đình ở miền Bắc và miền Nam, đình làng Đà Nẵng còn quá đơn điệu trong chạm khắc, trang trí các họa tiết trên nền chất liệu gỗ.

2. Trang trí trên nền vôi vữa. Ngoài phần chạm trổ gỗ hay chạm nổi thì các phần còn lại như trên nền nhà, tường vách, bình phong, cổng ngõ, mái cổ diềm, một số vật dụng trang trí hay thiết kế bên trong kiến trúc như khám thờ, bàn linh, trướng, hoành phi được trang trí bằng nhiều kĩ thuật khác nhau trên nền vôi vữa

Khảm sành sứ: Với kĩ thuật này, ban đầu người thợ tận dụng những mảng màu sắc bên ngoài mảnh vỡ của sành sứ để dán vào vôi, nền vôi dù có úa màu thời gian cũng không bộc lộ, bởi khoảng che chắn của những màu men luôn rực rỡ. Sau đó người ta cải tiến kĩ thuật bằng sự cân nhắc và tạo hình trước khi đặt nó vào vị trí cần thiết, cũng như độ nghiêng, kích cỡ, hình dáng của mảnh vỡ khi khảm vào nền vôi. Đó là những dạng chất liệu, được xếp chồng có tính toán chứ không phải là kĩ thuật tiếp mí đơn giản. Nền vôi ngoài kết hợp với những chất phụ gia còn được tô màu một cách kín đáo giữa khoảng mí ghép của các mảnh vỡ, tạo nên một bố cục tự nhiên cho hình thể cần thể hiện. Vì thế, trong khảm sành sứ trên nền vôi vữa giữa các ngôi đình ở Đà Nẵng có sự khác nhau, tiếp nối theo sự hoàn thiện của kĩ thuât trang trí.

Trang trí nề vôi vữa đắp nổi: Trong loại hình phù điêu trang trí, mỗi dạng kĩ thuật biểu hiện một nét đẹp riêng, trong đó kiểu thức ghép mảnh có quan hệ chặt chẽ với với phương thức sử dụng nề vôi đắp nổi. Thể hiện kĩ thuật này thường có sự phối hợp, điểm tô của kĩ thuật vẽ bột màu. Ở những bộ phận như cổ lâu, bình phong, cửa, đầu máng xối, đường mức, bờ quyết hay đầu mái kiến trúc… Chất liệu vôi vữa được các nghệ nhân đắp nổi thành những tác phẩm dưới dạng phù điêu, có nơi là tượng con linh thú. Nhiều chủ đề về thiên nhiên, điển tích, vừa mang chức năng trang trí, vừa có tính chất minh họa cho tính chất của công trình. Phần lớn các tác phẩm này được thể hiện bằng thủ pháp dân gian, tạo nên nét đặc thù và gây nhiều ấn tượng. Chủ đề trình bày không khác lắm với những hình tượng trang trí thường thấy ở các chất liệu khác, có điều sự chênh lệch về trình độ kĩ thuật, tác phẩm thường được phô bày một cách rất rõ so với các loại hình kế cận như bích họa hay khảm sành. Bởi lẽ đây là sự phối hợp tài khéo léo liên quan đến cả hai lĩnh vực điêu khắc và hội họa. Cùng trên kiểu thức quen thuộc như hoa dây, điểu thú, thụ mộc, tứ quý, ngũ phúc, bát tiên, bát bửu… có những tác phẩm đã trở thành những mảng điêu khắc tạo nên sự duyên dáng và sinh động hẳn ra cho công trình, chúng không chỉ hòa điệu, tôn tạo tổng thể của kiến trúc mà còn tồn tại riêng rẽ, độc lập như những tác phẩm nghệ thuật phối hợp.

Trang trí bích họa: Cùng phối hợp với các mảng sành sứ là những họa tiết trang trí bằng bột màu. Có thể nói rằng, người nghệ nhân dân gian đã tạo nên một sự hài hòa trong các dải trang trí, bởi sự tổ chức giữa hệ phù điêu ghép mảnh và những bức bích họa. Với lối thể hiện hình họa trên không gian mặt phẳng, cho dù chủ đề sơn thủy, nhân vật, thiên nhiên hay tĩnh vật thì với khả năng sử dụng sắc độ bột màu một cách chủ động, các bức bích họa ít nhiều đã gây được chiều không gian thứ ba, không khác mấy với những ô trang trí khảm sành sứ kết hợp.

Đình làng với chức năng vốn có tự nó đã khẳng định được giá trị, ý nghĩa trong đời sống văn hoá, xã hội của người Việt. Cùng với sự hình thành phát triển của cộng đồng cư dân, đình làng Đà Nẵng được hình thành và có sự chuyển biến trong kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, trang trí. Các chủ đề được thể hiện thường gắn liền với những sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống tâm linh. Dù rằng so vơi đình làng miền Bắc, miền Nam, đình làng Đà Nẵng không thể hoành tráng về quy mô, phong phú về họa tiết trang trí song nó cũng chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa nhất định. Vì vậy đình làng Đà Nẵng cần được giữ gìn, bảo lưu những nét đẹp vốn có trên tiến trình phát triển của thành phố.

                                                                                                                                    N.T.H

Tác giả:            NGÔ THỊ HƯỜNG

            Giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Số tài khoản:                            0107047249

Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hội An

Chủ tài khoản:               NGÔ THỊ HIẾU



[1] Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.64.

[2] Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.57.

NGÔ THỊ HƯỜNG (Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Đà Nẵng)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24423206