Lịch sử Việt Nam

Một vài nét sinh hoạt văn hoá của người Việt ở kinh thành Thăng Long và Đàng Ngoài thế kỷ XVII qua tác phẩm Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài của Jean-Baptiste Tavernier

  • NGUYỄN VĂN SANG (Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)
  • 26/07/2012

Biết đến Thăng Long một cách gián tiếp, thế nhưng những câu chuyện kỳ thú về Thăng Long và Đàng Ngoài đã chinh phục trái tim của Jean-Baptiste Tavernier. Cùng với óc hiếu kỳ, lòng đam mê khám phá vùng đất mới đã thôi thúc tác giả cho ra đời tác phẩm Relation nouvelle et singguiére du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài). Chỉ với vài nét chấm phá chân thực, bức tranh sinh hoạt văn hóa của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài thế kỷ XVII được khắc tả sinh động nhưng không kém phần sắc sảo, độc đáo trong phong cách ẩm thực, tín ngưỡng, trò vui chơi giải trí. Văn hóa của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài từ tác phẩm là hành trình ngược thời gian về với cội nguồn của những giá trị truyền thống, đồng thời góp phần khẳng định lịch sử văn hóa ngàn đời của Thăng Long.

1. Từ cuộc du hành của Daniel Tavernier đến sự ra đời tác phẩm Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài của Jean-Baptiste Tavernier

Hành trình ra đời của Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài của Jean-Baptiste Tavernier là cầu nối kế tiếp về những nghiên cứu, ghi chép của hai anh em Daniel và Jean-Baptiste Tavernier. Chính được viết theo lối du ký và hình thức đồng tác giả đã giữ vai trò quan trọng đối với nội dung và sự hấp dẫn, cũng như giá trị lịch sử, văn hóa mà tác phẩm phản ánh.

Trong khoảng thời gian 1639 - 1645, Daniel Tavernier với tư cách là một viên sĩ quan phụ trách kế toán, hành chính làm việc trên tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) đã đến Thăng Long và Đàng Ngoài. Sau những chuyến du hành, Daniel đã cho ra đời một tập bản thảo về Vương quốc Đàng Ngoài. Qua đời vào năm 1648, Daniel chưa kịp hoàn thiện tác phẩm và đã để lại công trình nghiên cứu về Đàng Ngoài còn dang dỡ cho người anh trai của mình.

Jean-Baptiste Tavernier - anh trai của Daniel Tavernier là một thương nhân lữ hành từng đi qua nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản nhưng chưa từng một lần đặt chân đến Đàng Ngoài. Trên cơ sở bản thảo, tư liệu, bản đồ của người em trai quá cố, J.B. Tavernier đã chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện để cho ra đời Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài xuất bản lần đầu vào năm 1681 tại Paris và được dịch ra nhiều thứ tiếng ngay sau đó. Tập du ký là những nét chấm phá về xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII với những chi tiết lý thú, hữu ích liên quan đến đời sống của tầng lớp thượng lưu cũng như khối bình dân của Thăng Long và Đàng Ngoài. Tác phẩm còn là sự chuyển tải những giá trị văn hoá Việt của tác giả từ trong cách ẩm thực, đi lại, hôn nhân, thuật trị liệu dân gian cho đến thú tiêu khiển, vui chơi giải trí. Ghi chép của Tavernier là nguồn tư liệu quý về đời sống xã hội, lịch sử, văn hoá Thăng Long và Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII. Nó còn là tiếng nói ngưỡng mộ, khâm phục của những thương nhân phương Tây với những nét đẹp trong văn hoá Việt. Tuy nhiên, cách tiếp cận gián tiếp và sự hiểu biết chưa tường tận của tác giả về Thăng Long và Đàng Ngoài nên có những đoạn tác giả không tránh khỏi ghi chép, nhận xét, đánh giá thiển cận, hạn chế.

Nguồn gốc ra đời, hạn chế của tác phẩm không làm giảm đi giá trị mà Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài mang đến. Nó chính là nơi ghi lại, lưu giữ những tư liệu quý về giá trị của linh hồn văn hoá Việt và lịch sử xã hội, để từ đó chúng ta có sự nhìn nhận chính xác, đúng đắn về lịch sử, văn hoá Thăng Long, Đàng Ngoài và Đại Việt vào khoảng giữa thế kỷ XVII.                            

2. Một vài nét sinh hoạt văn hoá của người Việt ở kinh thành Thăng Long và Đàng Ngoài qua tác phẩm Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài của Jean-Baptiste Tavernier

2.1. Tôn giáo, tín ngưỡng

Từ châu Âu văn minh, Daniel người em trai của Jean-Baptiste Tavernier đã có dịp du hành đến Thăng Long và Đàng Ngoài. Vùng đất mới với những điều kỳ thú chưa được khám phá đã khơi gợi sự tò mò của hai anh em Tavernier. Hoạt động thương mại đó đây ở Đàng Ngoài giúp họ có điều kiện đi tìm câu trả lời lý giải cho những ẩn số kỳ lạ trong phong tục, tập quán sinh hoạt của người Việt tại kinh thành Thăng Long. Nhưng càng đi sâu khám phá, anh em Tavernier càng khát khao giải mã những điều còn bí ẩn, trong đó tôn giáo, tín ngưỡng là một đề tài, nguồn cảm hứng bất tận trên hành trình đến với văn hóa Việt của họ. Cho nên, với những nổ lực không mệt mỏi, Daniel kế tiếp là Jean-Baptiste Tavernier đã kỳ công ghi lại hiện thực sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt ở kinh thành Thăng Long và Đàng Ngoài thế kỷ XVII hết sức phong phú.

Từng đến Ấn Độ, Trung Hoa, Tavernier hết sức ấn tượng về những quốc gia đa tôn giáo. Phật giáo, Nho giáo không có gì lạ lẫm đối với Tavernier, nhưng ở Thăng Long và Đàng Ngoài nó lại là một điều kỳ thú khác xa với những vùng đất ông có dịp đi qua. Với những hiểu biết của bản thân và thực tế Thăng Long thế kỷ XVII, tác giả khẳng định dân chúng Đàng Ngoài là những tín đồ của một trong những tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, đạo Lão. Dưới cái nhìn cụ thể của Tavernier, Nho giáo chỉ được một bộ phận ở tầng lớp trên của xã hội tiếp nhận: “Vua và các quan nhất là các Nho lại thờ trời” [2, tr.94]. Ảnh hưởng của những hiểu biết về đất nước Ấn Độ nên khi giải thích về Nho giáo ở Thăng Long và Đàng Ngoài Tavernier có sự nhầm lẫn với Ấn Độ giáo và nghi thức cúng tế của người Việt:

Những người theo phái này có tục hiến tế, thờ cúng thất tinh, nhưng trong tất cả các vị thần và ngẫu tượng (idoles) họ kính trọng đặc biệt 4 vị và 1 nữ thần. Những vị thần đó là Raumu, Bettolo, Raumonu, Brama và nữ thần Satibanu được phụ nữ thờ phụng” [2, tr.94].

Song sự phổ quát của một tôn giáo khiến dân chúng chốn kinh kỳ tin sùng được Jean-Baptiste Tavernier thừa nhận lại là Phật giáo chứ không phải Nho giáo: “Tông phái thứ hai do một người ẩn dật tên là Chacabout (Bụt Thích Ca) được tuyệt đại đa số nhân dân tin theo” [2, tr.94]. Họ sùng đến mức những vương hầu, quý tộc sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để tu bổ, tôn tạo, xây dựng chùa mới: “Những vương hầu sùng Phật đã chi tiêu những món tiền rất lớn để tô điểm nhưng ngôi chùa đó và những pho tượng, có những pho tượng bằng vàng khối cao ba bộ như tôi đã thấy ở vương quốc Carnatica và những pho tượng khác bằng bạc to hơn người thật nhiều” [2, tr.85]. Ngay cả thái tử (người sẽ kế vị ngôi vua) hay thế tử (người sẽ kế vị ngôi chúa) trước khi chính thức trở thành bậc trị vì thiên hạ cũng phải đến ở chùa để tu tâm, sửa đức: “Trong khi chờ hoàn tất những nghi lễ đó để đến tạ thần về việc mình lên ngôi, tân quân chờ trăng lại xuất hiện để đến ở với các vị sư (…) Để kết thúc, vua chọn một nơi nào đẹp, ra lệnh cho xây ở đó một ngôi chùa mới” [2, tr.85]. Vì sự phổ biến của Phật giáo trong dân chúng mà đặc tính từ bi bác ái của nhà Phật cũng được người Việt đối nhân xử thế với nhau rất mực thiện tình: “Vua đi xem những vị sư chính để xem họ đối xử như thế nào với kẻ khó và những người đến đó để tỏ lòng thành kính bởi vì bản tính của người Việt ở Đàng Ngoài rất giàu lòng bác ái” [2, tr.85]. Cũng dưới sự nhìn nhận của Tavernier bên cạnh Phật giáo là một bộ phận cấu thành không thể thiếu thì Đạo giáo cũng phát triển trong dân chúng ở Đàng Ngoài quá mức rộng rãi: “Tông phái thứ ba là phái của Lauthu (Lão Tử). Người Nhật và người Trung Hoa rất tin những lời dạy bảo của Lão Tử, người Đàng Ngoài lại càng tin hơn” [2, tr.95]. Từ thực tế sinh hoạt của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài, Tavernier đã đưa ra giả định lý giải. Ông cho rằng sự kết hợp của đạo Lão và việc chữa bệnh khiến cho dân chúng ở đây càng tin hơn: “Điều làm cho dân chúng tin theo ông là ông bao giờ cũng khuyên họ làm điều thiện và cho xây dựng những cơ sở chữa bệnh ở tất cả những nơi chưa có cơ sở chữa bệnh” [2, tr.96].

Bên cạnh việc tôn sùng các tôn giáo, người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài ở vào thời điểm thế kỷ XVII theo ghi chép của Tavernier vẫn duy trì những tín ngưỡng truyền thống như việc thờ Táo Quân: “Ở Đàng Ngoài có tục thờ ba vị thần trong nhà. Một là Táo Quân (Thần bếp), tức là ông đầu rau” [2, tr.96]. Tục thờ Thổ Công trong xây dựng nhà cửa cũng nhất loạt được người Việt thực hiện như là một phần không thể thiếu khi xây cất nhà cửa:

Vị thần thứ ba là Buabin (ông Địa), tức là vị thần họ cúng khi xây nhà, lập bàn thờ và họ thường mời một vị sư đến để cúng thần. Họ làm nhiều thứ thịt, viết bùa chú trên giấy vàng dâng lên; sau đó họ đốt đi cùng với thắp hương (…) họ làm thế để xin thần đừng giáng tai họa xuống ngôi nhà mà họ đang muốn xây” [2, tr.96 - 97].

Nhưng Thăng Long với các phường, làng nghề truyền thống như đúc đồng, làm giấy, kim hoàn cho nên người Việt ở nơi đây có tục thờ tổ nghề và người có công khai sáng nghề nghiệp. Tavernier thừa nhận: “Người Đàng Ngoài có tục thờ ba vị thần trong nhà (…) ông Tiên sư, tức là ông thần tổ bảo trợ các nghề như nghề kim hoàn, nghề chạm khắc, nghề sơn” [2, tr.96]. Tục thờ chung tổ nghề là cơ sở để liên kết các thành viên trong cộng đồng các phường, làng nghề, duy trì truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ở kinh thành Thăng Long và Đàng Ngoài.

Không chỉ vậy trong các dịp lễ, tết, người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài đều có những nghi thức thờ cúng, lễ tục riêng. Đó là tục đi chùa dâng hương hoa vào các ngày rằm, đặc biệt trong ngày tết thì lễ cúng càng trở nên long trọng với các tục lệ như đuổi ma quỷ: “Có những hôm mồng một Tết lấy vôi vẽ những hình tròn, vuông, tam giác ở trước cửa. Họ bảo rằng những hình đó làm cho ma quỷ phải lánh xa” [2, tr.101]; hay tục xem chân gà đầu năm mới: “Có người xem bói chân gà để biết điều tốt hay xấu” [2, tr.101]. Ngoài ra, các tục lệ, tín ngưỡng ma thuật như xem bói, lên đồng là một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.

Dù không tránh khỏi khiếm khuyết nhưng với những ghi chép của Jean-Baptiste Tavernier, đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở Thăng Long và Đàng Ngoài đã phản ánh đầy đủ những nét đặc sắc của phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt thế kỷ XVII, từ đó góp phần minh chứng Thăng Long là trung tâm văn hoá của Đại Việt thế kỷ XVII - XVIII.

2.2. Hôn nhân và phép trị liệu dân gian           

Tavernier không ngừng đem đến sự mới lạ và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài. Khi bắt gặp những phong tục, nghi lễ hôn nhân, phép trị liệu dân gian của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài, Tavernier đã đem đến cho độc giả những khám phá mới về một khoảng nhìn khác của văn hoá Việt.

Mở đầu cho những ghi chép về hôn nhân của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài, Jean-Baptiste Tavernier khẳng định mọi cuộc hôn nhân của người Việt đều bắt đầu từ sự chấp thuận của cha mẹ. Ghi chép đó của Tavernier hoàn toàn phù hợp với quan điểm truyền thống của người Việt: “Người Đàng Ngoài không thể lấy vợ lấy chồng nếu cha mẹ không đồng ý” [2, tr.50]. Còn như cha mẹ không còn thì sự thừa nhận ấy được chuyển giao cho những người trong thân tộc: “Nếu cha mẹ đã chết thì phải có những người thân cận trong gia tộc thừa nhận mới được phép kết hôn” [2, tr.50]. Bên cạnh gia đình và thân tộc giữ vai trò quyết định, cuộc hôn nhân cần phải thông qua chính quyền sở tại như là một sự bắt buộc chung: “Họ cũng cần phải có sự chấp thuận của quan cai trị hay quan tư pháp của địa phương mới được phép cưới và nếu được đồng ý thì phải có quà biếu ông ta” [2, tr.50].

Từ sự chấp thuận đến việc đi đến một cuộc hôn nhân quả không đơn giản chút nào. Theo Tavernier, đối với con gái trước lễ cưới họ phải chuẩn bị cho mình rất nhiều thứ như của hồi môn, sắm sửa trang phục, đồ cưới: “Vì dân chúng, đàn ông cũng như đàn bà rất chăm chỉ lao động, cho nên con gái làm được bao nhiêu thì giữ lấy làm của riêng để khi đi lấy chồng có thể may hai, ba áo dài đẹp, sắm một chuỗi hạt san hô hay hổ phách, vàng và nhiều hạt cài vào tóc” [2, tr.50 - 51]. Đối với người con trai, lệ làng, phường ràng buộc họ muốn lấy vợ phải trình làng một món tiền trị giá, có lẽ đó là “tiền cheo”: “Người con trai muốn lấy vợ thì phải nộp một món tiền tương xứng với người ấy, tức là khoảng 2.25% giá trị tài sản” [2, tr.50]. Mọi công việc chuẩn bị và lễ nghi xong xuôi thì lễ cưới mới được tiến hành. Thông thường, người Việt nơi đây tổ chức đình đám nội trong ba ngày, còn gia đình giàu có, quyền quý trong kinh thành thì thời gian có thể lâu hơn: “Chẳng có đám cưới nào lại không ăn uống đến ba ngày, nhiều khi ăn uống đến 9 ngày” [2, tr.51]. Quan niệm và luật lệ của người Việt ràng buộc rất lớn người phụ nữ vào người chồng sau hôn nhân. Người vợ phải giữ trọn đạo “tam tòng” làm tôn chỉ trong ứng xử vợ chồng, điều ấy được Tavernier lược chép: “Luật lệ của người Đàng Ngoài làm ra để buộc người đàn bà phải giữ phận sự của người vợ và buộc họ bao giờ cũng phải hết sức tôn trọng chồng họ” [2, tr.50]. Khởi đầu cho một cuộc hôn nhân rất khó khăn nhưng để kết thúc lại rất đơn giản. Với tục bẻ đũa là cách thức để người Việt nói chúng và người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài đánh dấu kết thúc một cuộc hôn nhân: “Nếu chồng muốn bỏ vợ thì người ấy lấy một chiếc đũa của mình và một chiếc trong đôi đũa của vợ, bẻ đôi hai chiếc đó, bỏ vào trong cái túi lụa để giữ lại về sau” [2, tr.51].

Bên cạnh đó, những ghi chép của Jean-Baptiste Tavernier còn hướng vào sự thán phục những phép trị liệu dân gian của người Việt. Tác giả vô cùng kinh ngạc khi những thứ lá dễ kiếm, những nhát gừng hay đồng bạc trắng lại có thể trở thành những thần dược chữa bệnh. Sự tài tình đó theo Tavernier ở chổ họ chỉ sử dụng cỏ cây vào chữa bệnh: “Về các vị thuốc, họ chỉ dùng cỏ, rễ cây mà chính họ đi hái, kiếm về” [2, tr.66]. Hoặc như các loại bệnh mà người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài có thể chữa được: “Họ có những vị thuốc rất hay chữa bệnh trúng phong, đậu lào và những bệnh khác mà người châu Âu không thể chữa được” [2, tr.66]. Sự khâm phục ấy càng được nhân lên với việc người Việt chữa bệnh trúng phong chỉ bằng việc đánh gió và xông với một ít dược liệu:

Bệnh nguy hiểm nhất ở Đàng Ngoài thường là do gió độc gây ra cho người ta, vì chỉ trong chốc lát là cấm khẩu, rồi nếu chữa trị không kịp thời thì thế nào cũng chết. Thuốc tốt nhất trị bệnh đó là pha một ít thuốc giải độc vào với rượu, đem đun lên cho bệnh nhân uống càng nóng càng tốt. Nhưng đồng thời phải lấy vải thấm vào nước gừng đun sôi. Đó là vị thuốc kỳ diệu khỏi làm đau mình mầy do gió lạnh hay do gió độc gây ra. Muốn được chóng khỏi đau mình mầy, có khi sau khi đã bôi nước gừng, nằm trên một cái giường có dát cách nhau độ bốn ngón tay, ở dưới gầm đặt hai lò than trong đó bỏ một ít hương liệu, khói thơm bốc lên vây quanh người ốm làm cho mồ hôi đổ ra, thế là khỏi” [2, tr.67].

Phép dùng lửa để chữa bệnh có lẽ là một phép trị liệu hữu hiệu của người Việt mà Tavernier tưởng chừng như không thể tin nổi: “Họ dùng lửa nhất là đối với bệnh đậu lào là thứ bệnh rất nguy hiểm ở Pháp. Để chữa bệnh này, các thầy thuốc Đàng Ngoài lấy lõi cây phơi khô, đem tẩm dầu rồi đốt lên mỗi vết đó, đem áp mồi lửa lên từng nốt vết đó sẽ bắn ra như pháo” [2, tr.67]. Ngoài ra cách chữa bệnh sốt, bệnh lỵ,... và các dược liệu dân gian khác cũng thể hiện một nền y học truyền thống và phép trị liệu dân gian phát triển trên đất Thăng Long và Đàng Ngoài cũng mang đến sự thán phục của anh em Tavernier.

Hôn nhân - một trong những nghi lễ vòng đời quan trọng của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài được ghi lại bởi Tavernier không đơn thuần là những nghi lễ mang tính thủ tục mà là những nét đẹp văn hoá cuả người Việt ở xứ kinh kỳ. Cùng với những nghi thức lễ tục hôn nhân, người Việt với phép trị liệu dân gian đã đạt hiệu quả cao trong chữa bệnh đã in sâu vào ký ức của thương nhân phương Tây về sự kỳ diệu của y học Đại Việt.

2.3. Ẩm thực và trò vui chơi giải trí

Gắn bó với Thăng Long, Đàng Ngoài một thời gian nên Daniel Tavernier có dịp được gần gũi với một bộ phận người Việt. Tại đây, những sự khác biệt trong văn hoá đã gây được sự chú ý của Daniel. Ẩm thực và trò vui chơi giải trí là bộ phận gây ấn tượng đặc biệt trong ký ức về Thăng Long và Đàng Ngoài. Qua những ghi chép của anh em Tavernier đã miêu tả một bức tranh sinh hoạt phong phú bên cạnh cảnh lao động của dân chúng nơi đây.

Do đặc thù của đời sống và nghề nghiệp nên người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài trong cách ẩm thực thường rất đơn giản. Bữa ăn thường ngày gắn với những sản phẩm nông nghiệp bình dân và quen thuộc: “Người Đàng Ngoài thường không cầu kỳ trong những bữa cơm. Giới thường dân chỉ ăn cơm thường với cá khô hay trứng muối, vì họ chỉ ăn thịt trong những bữa yến tiệc mà thôi” [2, tr.56]. Những gia đình quyền quý, thuộc hạng giàu có thì bữa ăn đậm chút trang trọng hơn nhưng không vượt ra khỏi khuôn khổ những món bình dân: “Đối với những vị vương hầu quyền lực, người ta bao giờ cũng dọn thịt cá” [2, tr.56]. Khi ăn, mọi thứ đều được được dọn ra mâm trên những chiếc đĩa nhỏ được trang trí một vài chi tiết:

 Tất cả những món ăn dọn ra cho họ được để vào những đĩa nhỏ không quá to như đĩa chúng ta. Những đĩa nhỏ này làm bằng gỗ sơn thếp và có vẽ đủ các loại hoa như những hộp Nhật Bản bán sang nước ta. Tất cả những đĩa nhỏ đó được bày trong một cái mâm to cũng sơn thếp như những đĩa nhỏ mang đi” [2, tr.57].

Thông thường mỗi bữa ăn họ sử dụng khoảng 9 cái đĩa và khi ăn dùng đũa để gắp thức ăn: “Khi ăn, họ không dùng dao vã dĩa, mà chỉ dùng đũa” [2, tr.57]. Nhưng không phải vì thức ăn hay phong cách ẩm thực đơn giản mà bữa ăn của người Việt nơi đây kém phần sang trọng. Tavernier đánh giá rất cao về nghệ thuật ẩm thực chốn kinh kỳ, không gian ẩm thực là một ví dụ điển hình: “Vả lại trong phòng và trong bếp họ sạch sẽ hơn chúng ta nhiều, mặc dù họ không dùng khăn trải bàn hay khăn ăn” [2, tr.56 - 57], hay cái cách mà người Việt gắp thức ăn: “Họ sử dụng đũa khéo léo cũng như chúng ta dùng đĩa vậy không bao giờ họ mó tay vào thức ăn” [2, tr.57].

Trong bữa ăn, người Việt thường có thói quen giữ im lặng như là một phép lịch sự: “Khi có nhiều người cùng ăn, dù trong bữa ăn thường hay trong bữa cỗ tiệc họ rất im lặng” [2, tr.57]. Đôi lúc họ cũng traon đổi với nhau những lời thăm hỏi hay bàn luận về một vấn đề nào đó. Những lúc như vậy, người Việt luôn giữ quan điểm tôn trọng những người cao niên ngồi cùng bàn ăn: “Khi nào họ muốn nói gì thì họ thường nhường người cao tuổi nói trước, như vậy tỏ ra rất kính trọng người già, chứ không bao giờ người trẻ nhất trong đám lại nói trước” [2, tr.57]. Đặc biệt, người Việt còn sử dụng ẩm thực là thước đo của sức khoẻ trong những lần họ hỏi thăm nhau: “Họ cũng có tục lạ là không hỏi nhau có mạnh khoẻ hay không mà hỏi nhau ăn được bao nhiêu bát cơm và ăn có ngon miệng không” [2, tr.57]. Có thể nói, ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hoá Việt. Ẩm thực của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài như là minh chứng điển hình với các phong tục, phong cách đặc biệt khiến anh em Tavernier khi đến Thăng Long và Đàng Ngoài phải ngỡ ngàng.

Gắn với  lao động sản xuất là hoạt động vui chơi giải trí. Người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài cần cù, lam lũ trong cuộc sống bao nhiêu thì trong vui chơi giải trí họ không ngừng hướng đến cái hay, cái đẹp. Trong số ấy, chèo tuồng là hình thức vui chơi giải trí phổ biến nhất của đại đa số dân chúng: “Trong những trò giải trí của người Đàng Ngoài, không có trò nào mà họ thích thú bằng chèo tuồng” [2, tr.58]. Thông thường chèo tuồng được tổ chức vào ban đêm tại một bãi đất rộng rãi hay một gian phòng đủ lớn mà ở đó được người ta trang trí: “Chèo tuồng thường diễn vào ban đêm (…) Chèo tuồng diễn từ chập tối đến lúc mặt trời mọc, trong khi diễn có nhiều trang trí và có mấy cảnh làm người xem vui mắt” [2, tr.58]. Nội dung của những vở chèo tuồng là tái hiện lại bối cảnh, nhân vật lịch sử hay cảnh sinh hoạt thường ngày của người Việt với ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc và tình yêu cuộc sống: “Diễn viên biết diễn tả biển và sông và những trận thuỷ chiến bằng tàu thuyền, mặc dù họ chỉ có 8 người” [2, tr.56]. Khi diễn “đào kép mặc quần áo lộng lẫy, mũ của đào là thứ mũ miện đội vừa chít khăn trên đầu, mà có hai giải to bằng ba ngón tay buông thõng xuống đến tận thắt lưng. Cả đào lẫn kép đóng vai rất khéo và múa rất đúng nhịp” [2, tr.58]. Những trò giải trí khác bên cạnh chèo tuồng cũng được người Việt thích thú. Đối với giới bình dân là các trò đánh đu, đánh cù, đá cầu,… còn như giới quyền quý ở kinh thành thì có thú vui riêng của họ: “Với giới quan lại và quý phái là đi câu và đi săn. Họ thích đi câu hơn, vì tất cả sông ngòi đều đầy cá”[2, tr.58].

Ăn uống gắn với vui chơi giải trí là một phần thiết yếu quan trọng của người Việt. Tại kinh thành Thăng Long và Đàng Ngoài, người Việt trong phong cách ẩm thực đã mang đậm bản sắc của ẩm thực Việt. Đồng thời, người Việt còn không ngừng tổ chức các trò giải trí, tiêu khiển để làm vui và phong phú thêm cuộc sống của họ.

Từ điểm nhìn của một học giả phương Tây, khoảnh khắc sinh hoạt văn hoá của người Việt ở Thăng Long và Đàng Ngoài thế kỷ XVII hiện diện với những tín ngưỡng, lễ nghi, phong tục, tôn giáo là một thế giới đầy huyền bí đối với anh em Tavernier nhưng đậm chất văn hoá Việt. Chứa đựng trong chưa đầy 100 trang sách nhưng qua nội dung của tác phẩm Thăng Long và Đàng Ngoài là phần ký ức đẹp đẽ nhất về Đại Việt của anh em Tavernier, để từ đó họ mang sự khâm phục, ngưỡng mộ ấy đến với bạn bè quốc tế. Cũng từ tác phẩm những giá trị đặc trưng của văn hoá truyền thống của người Việt ở Thăng Long được khẳng định. Đó là cơ sở để chúng ta nhìn về lịch sử, văn hoá Thăng Long trong quá khứ và định hướng bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của Thăng Long - Hà Nội hôm nay.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]        Alexandre de Rhodes, Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ năm 1627 tới năm 1646, Uỷ ban Đoàn kết tôn giáo xuất bản, 1994.

[2]        Jean-Baptiste Tavernier, Relation nouvelle et singguiére du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và lý thú về Vương quốc Đàng Ngoài), Người dịch Lê Tư Lành, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005.

[3]        William Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb Thế Giới, 2007,

 

 

Địa chỉ liên hệ:             NGUYỄN VĂN SANG

                                   

                                    Giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Email:                          nguyenvansang168@gmail.com

Số tài khoản:                            711A31496774

Chủ tài khoản:               Nguyễn Văn Sang

                                    Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng

NGUYỄN VĂN SANG (Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24423797