Lịch sử Việt Nam

TỔNG TRẤN TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT VỚI VÙNG ĐẤT NAM BỘ

  • Đỗ Kim Trường
  • 04/07/2023

 

Tượng đồng và mộ Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt tại Lăng Ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_V%C4%83n_Duy%E1%BB%87t)

    Lê Văn Duyệt sinh năm Quý Mùi (1764) tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nguyên quán từ Quảng Ngãi vào. Cha là Lê Văn Toại chuyển đến ở xã Long Hưng, Châu Thành, Tiền Giang. Lúc mới ra đời, do dị tật bẩm sinh được tuyển vào cung làm Thái giám. Có tài quân sự, lập nhiều chiến công được vua tín cẩn giao nhiều trọng trách. Nhâm Thân (1812), được cử làm Tổng trấn Gia Định thành. Ất Hợi (1815), về triều thọ cố mạng di chiếu. Tháng 5 năm Canh Thìn (1820), được cử lãnh Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai. Sau đó, hai lần xin từ chức (năm 1824 và 1832) nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 30 - 7 năm Nhâm Thìn (1832), ông lâm trọng bệnh, qua đời, thọ 69 tuổi (ta). Bài viết này chủ yếu làm rõ hoạt động trong 20 năm giữ Tổng trấn Gia Định thành của ông, tính đến nay (2023) đã hơn 210 năm.

Tổng trấn Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam bộ

   Theo sử liệu, Nhâm Thân (1812), quân Xiêm xâm lấn Chân Lạp, quốc vương Nặc Chăn chạy sang Gia Định, vua Gia Long cho dựng phiên để và cấp lương tiền. Đồng thời triệu Lê Văn Duyệt từ Quảng Ngãi về giữ chức Tổng trấn Gia Định thành, kiêm lĩnh hai trấn Bình Thuận và Hà Tiên. Tháng 9, vua Xiêm sai sứ dâng quốc thư. Qua bị vong lục này, Xiêm triều có ý phân trần vụ việc và rất kiêng nể nhà Nguyễn (trong đó có uy danh của Lê Tổng trấn). Vua sai phúc đáp và thuận cho đưa Nặc Chăn về nước. Nhờ vậy, đến tháng 10, khi Nặc Nguyên từ thành La Bích chạy sang Xiêm, bị người Xiêm bắt đem nộp cho thành Gia Định.

   Tháng 4 năm Quý Dậu (1813), vua sai đưa Nặc Chăn về nước. Xiêm tuy không dám kháng cự, nhưng đóng quân ở Bắc Tầm Bôn (Battambang), nói rằng đất ấy dành cho các em Chăn. Ông biết rõ ý đồ quân Xiêm, xin đắp thành Nam Vang cho phiên vương ở, thành Lô Yêm chứa lương thực, đại binh về Gia Định sẵn sàng ứng chiến. Quân Xiêm sau đó rút khỏi Bắc Tầm Bôn. Sự việc thể hiện tư duy chính trị sắc bén của ông!

   Sau khi từ Chân Lạp trở về Gia Định, kinh lý ở thành, phát hiện nhiều kẻ bất hảo, ỷ thế hiếp đáp dân, bằng biện pháp cương nhu, ông nhanh chóng dẹp yên. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, tư tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi được ông thực thi trên đơn vị quản lý của mình!

   Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), ông xin tuyển binh ở Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường để bổ sung quân số, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có nơi ông trấn nhậm. Gia Định là đất trung hưng của chúa Nguyễn. Vì vậy, ngoài đất thang mộc Thanh Hóa, Gia Định được xem như hậu cứ vững chắc của nhà Nguyễn. Mặt khác, nơi đây tiếp giáp Chân Lạp (là mục tiêu tham vọng trong chính sách “Đông tiến” của Xiêm). Triều đình Huế trong thế tranh chấp tay đôi với Ayutthaya qua gây ảnh hưởng ở Chân Lạp, mà Gia Định là nơi đã không ít lần diễn ra xung đột giữa hai bên. Đề xuất của thành thần Gia Định phù hợp chiến lược quốc phòng của Gia Long, vua chuẩn y. Lời vua dụ có nhắc đến lính thú, là nỗi khiếp sợ của người dân, nhất là vợ các chinh nhân xưa. Thánh ý không chỉ chủ trương sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, mà còn tránh được nỗi buồn chinh phụ. Từ lời tấu của ông, một sự việc có tính liên quan lịch sử đến các vấn đề binh bị những triều đại trước, thiết nghĩ cũng mang tính độc đáo!

   Tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), Gia Long lâm bệnh, vời ông về kinh thọ cố mạng di chiếu. Ông cùng với Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng được vua ký thác trọng trách phò Thái tử Phúc Đảm nối ngôi. Cho thấy vua rất biết và tin tưởng vào tài năng lẫn đức độ của ông.

   Tháng 5 năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng sau khi lên ngôi, cử Lê Văn Duyệt giữ Tổng trấn Gia Định thành. Đây là lần thứ hai ông đảm nhận trọng trách này, được thăng giáng quan lại, trừ hại cho dân, việc trong thành và ngoài biên tùy nghi xử lý. Tháng 7 và 8, sư Kế tụ tập dân phiên làm loạn, tự xưng vương, lấn cướp các đạo Quang Hóa, Quang Phong, Thuận Thành và phủ Thời Thu (đất Chân Lạp). Lê Tổng trấn kết hợp quân Việt và Chân Lạp giết chết y. Phiến loạn bị dẹp tan, an ninh Gia Định thành được giữ vững. Tháng 9, nước Xiêm sai sứ dâng lễ tiến hương và lễ khánh hạ. Do không am hiểu thể lệ, cách xưng danh của vua và tục tặng quà của người Xiêm, một số quan triều Huế cho là có ý mạo phạm. Lê Văn Duyệt dùng lời lẽ thiệt hơn xin trả lại. Rồi gửi thư cho Phật Lăng (tức Chaophraya Phrakhlang, viên quan trong coi cả miền Nam và bộ Ngoại giao của Xiêm ) trách là trái lễ. Sứ giả nhất nhất nghe theo, không dám trái điều gì. Vua khen ngợi . Xem thấy vua đánh giá rất cao tài năng của ông. Cũng tháng 9, Phó Tổng trấn Hoàng Công Lý bị cáo buộc tham lạm khi Lê Văn Duyệt về kinh phục mệnh. Lê công cho điều tra rồi dâng biểu về triều. Sau đó xử trảm, cử người mang thủ cấp Lý ra Huế trình vua. Với ông, quân pháp bất vị thân. Xử đúng người đúng tội để tăng tính pháp trị và cũng nhằm trong sạch hóa bộ máy công quyền, tạo niềm tin cho dân. Nói như ngày nay, xét xử tham quan “không có vùng cấm”, tinh thần thượng tôn pháp luật đặt lên hàng đầu. 

   Năm Tân Tỵ (1821), tháng 4, thấy số đồn điền ở Gia Định ngày càng tăng nhưng dân đinh không thêm, vua dụ hỏi. Lê Tổng trấn tâu trình thuyết phục . Buổi đầu mở đất phương Nam, các chúa Nguyễn cho lưu dân tự do khẩn hoang. Đến khi có chính quyền, lại cho phép cá nhân đứng đơn xin lập làng, từ đó định hình nên các thôn ấp man nậu thời kỳ tiền Gia Định. Tiếp đến, để tăng cường bảo vệ chủ quyền vùng đất mới, nhà Nguyễn cho lập đồn điền, lấy dân đinh sung vào binh tịch. Thôn ấp được lập do hội đồng hương chức điều hành, như nhận định sau: “Sau trên một trăm năm khai khẩn ruộng hoang do lưu dân thực hiện, chính quyền người Việt mới tới lập phủ huyện và đặt quan cai trị. Việc tổ chức công quyền này hầu như chỉ là chính thức hóa một sự kiện đã rồi, thu thập vào bản đồ Việt Nam những phần đất hoang đã được khẩn trị bởi sức lao động của chính nhân dân mình” . Tuy nhiên, một hệ quả và cũng là nghịch lý đã diễn ra khi số đồn điền tăng nhưng dân đinh lại giảm. Dân đinh giảm tức nguồn dự trữ quân binh sẽ thiếu hụt, lúc có biến không đủ lực lượng điều động, an ninh quốc phòng không đảm bảo. Đó là vấn đề vua Minh Mạng băn khoăn, lo lắng. Lời tấu của Tổng trấn cho thấy ông nắm rất rõ tình hình dân cư nơi trấn trị (tuy có hơi quá đáng khi cho rằng phần nhiều dân nơi đây là “giang hồ”, “du thủ”), tác dụng của việc lập đồn điền, thói quen di chuyển (hay khai man nơi cư trú để lậu thuế?) và đề xuất biện pháp khắc phục. Do đó xét về tính chất, lập đồn điền mang nhiều yếu tố chứ không riêng về kinh tế hay quân sự, như Sơn Nam viết: “Khẩn hoang đòi hỏi nhiều yếu tố căn bản. Khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long là cuộc vận động lớn, toàn diện về chánh trị, quân sự, kinh tế, văn hóa” . Đề xuất của Lê Tổng trấn đã giúp giải quyết được vấn đề và cũng là tiền đề tiếp tục cho việc di dân khẩn hoang của các chính quyền sau này!  

   Nhâm Ngọ (1822), kinh Vĩnh Tế đào được 3 năm, nhưng chưa xong. Quốc vương Chân Lạp xin hợp sức đào. Lê Tổng trấn đề xuất huy động 39.000 dân binh ở Vĩnh Thanh, Định Tường, Uy Viễn với hơn 16.000 dân Chân Lạp, chia làm ba phiên, tiếp tục đào kinh. Đến đầu mùa hạ năm sau (1823) thì hoàn hành. Kinh đào xong, đường sông lưu thông, việc phòng thủ ngoài biên, nhân dân buôn bán đều được lợi. Đối với triều đình, việc hoàn thành đào kinh Vĩnh Tế là sự nối tiếp chiến lược bảo vệ biên giới của vua Gia Long, được Minh Mạng kế thừa. Do đó, vua ban dụ khen . Đánh giá về công trình thủy lợi này, Nguyễn Văn Hầu đã nhận định: “Việc đào xong kinh Châu Đốc – Hà Tiên đã được thời nhân [tức người đương thời, TG] xem là một thành quả to tát. Dân chúng mừng vì lợi việc thông thương. Giới chức biên phòng nhẹ bớt gánh nặng nhờ có đường nước án ngữ. Riêng vua Minh Mạng thì lấy làm mãn nguyện vì nối được chí cha và đã đạt được một quốc sách” .

   Năm Giáp Thân (1824), tháng 3, vua Chân Lạp xin cắt đất ba phủ Lợi Ý Bát, Chân Sâm, Mật Luật để đền ơn Thoại Ngọc Hầu. Vua họp bàn, có người đề xuất không nhận, người khác cho rằng nên lấy, lại có ý kiến nên nhận nhưng chờ một thời gian nữa. Là người am hiểu tình hình Chân Lạp, nắm rõ ý đồ Xiêm triều với chính sách “Đông tiến”, lại biết “địa lợi” của vùng đất Gia Định, Lê Tổng trấn xin nhận Chân Sâm và Mật Luật . Qua lời tâu nhận thấy, ông hiểu lý do vì sao Chân Lạp xin dâng đất và đó không phải là thật lòng của họ (“bản tâm”). Nếu nhận, Xiêm triều có cớ chỉ trích, không nhận thì trái với chủ trương từ buổi đầu về bảo vệ biên cương của vua Gia Long (“sơ ý trù biên”). Chỉ xin nhận hai phủ Chân Sâm và Mật Luật, vì nằm gần Hà Tiên và Châu Đốc. Việc nhận đất này là nhằm trù liệu an ninh quốc phòng, không chỉ cho Châu Đốc, Hà Tiên mà còn cả Gia Định. Từng ấy nội dung không phải ai cũng nhìn thấy được, đã minh chứng tài năng chính trị, quân sự của ông. Chính bạn đồng triều và là sử gia nổi tiếng Trịnh Hoài Đức cũng phải khen: “Cơ hội không nên bỏ qua, sự biến chẳng biết thế nào là cùng; cơ biến mà lường đo được là ở người sáng suốt. Duyệt giữ trọng khổn đã lâu, biết rõ biên tình, xin châm chước lời của Duyệt mà làm là tốt nhất” . Tháng 8, qua sự kiện ở phủ Bông Xuy Ba Lai , là người nhiều năm trấn thủ ngoài biên, am hiểu thủ đoạn của Xiêm, từng trải những sự kiện tương tự, ông đã chỉ rõ bản chất của sự việc, âm mưu và lời ngụy biện của đối thủ đến từ Ayutthaya, khi đối phương yếu sẽ ra tay, còn lúc họ mạnh thì giả làm hòa hiếu . Bài học từ sự kiện năm Quý Dậu (1813) vẫn còn đó từ Xiêm quốc. Thủ đoạn này là tiếp tục chính sách ngoại giao “cây tre” , như có ý kiến: “Nhằm thực hiện chính sách Đông tiến của mình, người Xiêm từ triều đại Trịnh Quốc Anh cũng như Rama thường tuân thủ theo đường lối ngoại giao kết hợp với quân sự hết sức uyển chuyển, mềm dẻo để làm sao thủ đắc quyền lợi đến mức tối đa. Chính sách ngoại giao “cây tre” của họ hoàn toàn khác với động thái của một số nước phương Tây” .      

   Năm Ất Dậu (1825), tháng 6, ở đồn Uy Viễn, đầu mục Kiên Xác tham nhũng , ông đem việc tâu về triều, xin chém để răn đe. Làm tướng ngoài biên, tuân lệnh vua giữ yên bờ cõi, không chỉ phòng bị quân sự, tu bổ thành trì, tuần tra kiểm soát, thu nhận thông tin, mà còn đảm trách các vấn đề “nội chính”. Trong đó có chống tham nhũng và hối lộ.

   Năm Mậu Tý (1828), tháng 8, vua sai duyệt tuyển 4 trấn Biên Hòa, Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường. Bộ hộ tâu về công lao của người đứng đầu Gia Định thành, vua dụ khen . Công lao của Lê Tổng trấn đối với vùng đất Nam bộ không chỉ có bảo vệ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng đến làm ăn sinh sống. Triết lý tạo “đất lành chim đậu” được minh chứng.

   Năm Nhâm Thìn (1832), Tổng trấn vì tuổi già sức yếu nên dâng sớ xin cáo quan. Vua chưa chấp thuận. Đến tháng 7, ông ốm nặng, Minh Mạng dụ cho tạm nghỉ và sai Nguyễn Văn Quế tạm lĩnh ấn Tổng trấn. Một tháng sau, ông mất. Thực lục chép: “Chưởng Tả quân, lĩnh Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt chết. Truy tặng Tá vận công thần, Đặc tiến Tráng võ tướng quân, Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quận công, thụy Uy Nghị”.

Lời kết

   Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, một cuộc đời vinh hiển có thừa mà bi kịch cũng không thiếu, quyền uy lệch một cõi khi sống, nhưng mồ mả bị san phẳng và xích xiềng khi chết, các mỹ từ truy phong “Tá vận công thần, Đặt tiến Tráng võ” cũng không thể xóa mờ “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” sau khi qua đời. Cuộc đời và sự nghiệp của ông quốc sử đã vinh danh và phê phán. Vua Minh Mạng và đình thần hặc tội của ông rất nặng nề !

   20 năm giữ trọng trách vùng đất Gia Định, ông luôn tận tụy với trách nhiệm được giao. Bên ngoài, am hiểu âm mưu can thiệp, xâm lấn, tranh chấp của Xiêm; dẹp yên các cuộc nổi loạn chống đối, giúp ổn định chính trị triều đình Chân Lạp; vừa là tướng ngoài biên, lại là nhà ngoại giao xuất chúng, khi đối đáp với sứ giả ngoại quốc, những lý lẽ đưa ra hoàn toàn thuyết phục, tôi thần không nhục mệnh vua, quốc thể không bị hạ thấp, sứ thần lân bang kính nể, chỉ có ở “những người hiền nhân quân tử trung thần liệt sĩ” như lời vua dụ; Bên trong, luôn tận tâm phò vua giúp nước; chăm lo cho nhân dân; tư tưởng “dân vi quý” đặt lên hàng đầu; đề xuất sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ; chống tham nhũng và hối lộ, nghiêm xét đúng tội để tạo niềm tin cho dân; lập đồn điền, đào kênh, nhận đất để bảo vệ biên cương và phát triển thương mại. Tất cả sự việc cho thấy tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, phẩm chất cá nhân, đức độ hơn người. 

Một con người lưu danh sự nghiệp trên vùng đất, qua đời được an táng ngay nơi đất đó, được nhân dân sở tại kính cẩn thờ tự xem là phúc thần. Lê Văn Duyệt là một nhân vật như thế!

   Đối với vùng đất Gia Định xưa (Nam bộ nay), Tổng trấn Lê Văn Duyệt có công rất lớn về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội . Chính vì vậy, trong tâm thức người dân Nam bộ, ông luôn được nhân dân nhớ ơn. Nơi an nghỉ của ông dân gọi là “Lăng”, quanh năm khói hương dâng cúng. Một điều đáng lưu ý, dân tin ai thì sẽ lập đền thờ, mà dân đã thờ tất không sai! Đền thờ Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long và Lăng Ông Bà Chiểu ở TP. Hồ Chí Minh là những minh chứng. Đáng mừng gần đây, đoạn đường có Lăng mộ Tổng trấn Tả quân ở Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh được chính quyền đổi sang tên ông. Thiết nghĩ, ngoài TP. Hồ Chí Minh, thì Tiền Giang – nơi ông sinh ra, cũng cần có khu di tích đệ nhất công thần triều Nguyễn, vì ông xứng đáng được như thế!

Nguyên tiêu năm Quý Mão (2023)

Đỗ Kim Trường


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24406741