Lịch sử Việt Nam

NGƯỜI BATEK Ở BÁN ĐẢO MÃ LAI (MALAYSIA) TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI VĂN HÓA HÒA BÌNH (VIỆT NAM)

  • Lê Hoàng Quốc
  • 04/07/2023

1. Mở đầu

Những phát hiện về văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian) của Madalene Colani vào những năm 20 của thế kỷ trước đã mở ra khái niệm mới về thời đại và không gian của văn hóa Hòa Bình. Nền văn hóa này không chỉ gói gọn ở khu vực miền Bắc Việt Nam mà còn lan xa hơn những nước khác trong khu vực và tồn đọng đậm nét ở bán đảo Mã Lai, nơi ghi nhận nhiều dấu ấn văn hóa Hòa Bình ở khu vực Đông Nam Á. Chủ nhân của văn hóa Hòa Bình được cho là những người săn bắt hái lượm tồn tại trong khu vực Đông Nam Á cách đây từ cuối giai đoạn Cánh Tân và tồn tại cho đến khoảng 4.000 năm, qua các dấu vết và di chỉ cho thấy những hành vi và lối sống của cư dân văn hóa Hòa Bình phù hợp với môi trường nhiệt đới trong khu vực. Hiện nay tại Nam Thái Lan và bán đảo Mã Lai vẫn còn một số tộc người thực hành săn bắt hái lượm trong sinh hoạt, trong đó có cộng đồng Batek nổi bật với đời sống săn bắt hái lượm từ môi trường rừng nhiệt đới và sống trong khu vực sinh thái bao quanh bởi các dãy núi đá vôi nên phần nhiều sẽ có những mối tương quan với văn hóa Hòa Bình. Do vậy việc nghiên cứu và điền dã dân tộc học đối với người Batek sẽ góp phần hiểu rõ thêm những tri thức về đời sống săn bắt hái lượm và đưa ra những giả thuyết mới về nghiên cứu đời sống cư dân văn hóa Hòa Bình cổ. 

2. Vài nét về người Batek 

Ở Malaysia, những chủng tộc bản xứ được gọi chung là Orang Asil và bán đảo Ma Lai có đến 19 nhóm Orang Asil khác nhau . Thời thuộc địa, người Anh đã phân chia dân cư bản địa của bán đảo Mã Lai thành ba nhóm chính dựa trên cơ sở dân tộc học và văn hóa - kinh tế cùng với những đặc điểm riêng biệt, quan hệ ngôn ngữ, thực hành văn hóa và định cư địa lý . Các nhóm này là Semang (Negrito), Senoi và Cổ Mã lai (Proto-Malay), cụ thể như sau: 

Cổ Mã Lai là các dân tộc chủ yếu phân bố phía Nam khu vực bán đảo Mã Lai, đời sống chủ yếu của họ là nông nghiệp và đi biển với trình độ kiến thức cao trong đánh bắt và các kỹ năng nông nghiệp. 

Senoi là nhóm Orang Asil, dân số đông nhất và phân bố rộng rãi trên bán đảo Mã Lai. Những dân tộc này có đời sống tương đồng với một số đồng bào trên Tây Nguyên như Ê Đê, Mnông, Mạ,... với hình thức du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy và chăn nuôi, chế biến lâm sản.   

Semang là nhóm chủng tộc vẫn còn duy trì đời sống săn bắt hái lượm. Có 6 tộc Semang khác nhau: Batek, Lanoh, Jahai, Mani, Kensiu, Kintaq, Mendriq. Phần lớn họ là những nhóm du mục với đời sống chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp thức ăn từ rừng. Hình thức kinh tế này có thể được bảo lưu từ khi giai đoạn Hoabinhian lan rộng ở Đông Nam Á, trong đó người Batek vẫn thực hành đời sống này gắn liền với hệ sinh thái núi đá vôi rất mạnh mẽ. 

Trong đó tộc người Batek phân bố chủ yếu ở bang Kelantan, Pahang và Perak của Malaysia. Đặc biệt có nhiều làng Batek trong khu vực Taman Neraga - một vườn quốc gia lớn của Malaysia bao phủ bởi hệ rừng nhiệt đới thường xanh cùng với dãy núi Gunung Tahan  ở trung tâm. Các lán trại của nhóm dân tộc này tập trung ở dưới chân các ngọn đồi hoặc núi đá vôi gần suối hoặc ở vùng thấp như những bãi bồi ven sông, những nơi cung cấp nguồn nước cho họ trong đời sống hằng ngày. 

Theo ngôn ngữ học, Batek là từ gọi tắt từ Batek Hup, nghĩa là “những người của rừng” . Người Batek dùng ngôn ngữ Asli thuộc ngữ hệ Austroasiatic, và chia làm ba nhóm Batek với ba cách phát âm ngôn ngữ Asli khác nhau. Hiện nay theo thống kê, dân số người Batek là khoảng 1.500-1.600 người .

Theo nhân chủng học, cư dân Batek có đặc điểm nước da đen, tóc xoăn, tầm vóc nhỏ bé, do những đặc điểm này mà những người này còn được gọi người Negrito . Những người Negrito được xem là những người đầu tiên định cư ở Bán đảo Mã Lai với bằng chứng là những mộ chôn có tuổi khoảng 10.000 năm và thuộc chủng Australo-Melanesien . Trên thực tế, nhiều di tích giai đoạn Hòa Bình phát triển và Hòa Bình muộn (hay Bắc Sơn) đã tìm thấy tìm thấy nhiều di cốt có đặc điểm nhân chủng học thuộc đại chủng Melanesien, Australoid và Australo-Melanesien (Làng Bon 23107; hang Muối M1; hang Chim; Mái đá Ngườm; Xóm Trại; Làng Cườm 4, 6, 7, 8, 14; Đồng Thuộc; Khắc Kiệm) và hỗn chủng Negrito-Indonesien (Làng Cườm 18) hoặc mang vài nét Negrito (hang Minh Cầm) . Những đặc điểm nhân chủng học này rất gần gũi với những người Negrito săn bắt hái lượm ở Malaysia. Đồng thời theo nhiều kết quả nghiên cứu gần đây, những cư dân còn thực hiện hình thức săn bắt hái lượm ở bán đảo Mã Lai là những vệt di dân của cư dân thuộc văn hóa Hoà Bình ở Đông Dương tồn đọng lại và xa hơn nữa rất có thể nhiều khả năng có nguồn gốc từ sau cuộc di cư của người hiện đại Homo sapiens sau đợt di dân từ châu Phi đến Đông Á và Đông Nam Á cách nay khoảng hơn 4 vạn năm .   Một số nghiên cứu còn chỉ ra sự gần gũi của những thổ dân Negrito săn bắt hái lượm châu Á với người lùn châu Phi về kiểu hình và mang rất ít gen Denisovian trong người, khẳng định rằng đây là những chủ nhân đầu tiên đến khu vực Sunda (thềm lục địa cổ Đông Nam Á trước khi mực nước biển dân lên như ngày nay trong thời kỳ Pleistocene) .  

Có những nghiên cứu còn chỉ ra cụ thể rằng những người Negritos đã đến vùng Sunda cách nay khoảng 50.000 – 33.000 năm và tiếp theo là những cư dân Đông Á di cư từ  trước thời kỳ đá mới cách nay 40.000 năm đến 15.000 năm . Ở Việt Nam, các nhà khoa học trước đây cũng cho rằng người Hòa Bình đã nam tiến xuống phía Nam Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong đó đợt sớm nhất phải có trước khi xuất hiện kỹ thuật mài cách đây 15.000-10.000 năm.  Do vậy khả năng cao văn hóa của những người Negrito hiện đại ngày nay đã bị ảnh hưởng bởi lối sống và văn hóa của cư dân văn hóa Hòa Bình trong lịch sử với đặc điểm cư trú ở các khu vực biệt lập mà ít nhiều họ sẽ còn bảo lưu những phương thức của văn hóa Hòa Bình. Trong khi những tộc Orang Asil khác như Senoi và Cổ Mã Lai là của những luồng di dân muộn hơn sau Hòa Bình (post-Hoabinhian) trong thời kỳ đá mới hoặc đã có sự pha trộn giữa một bộ phận cư dân cũ với những nền văn hóa về sau. 

3. Đời sống săn bắt hái lượm của người Batek

Để có những quan sát cụ thể hơn về đời sống săn bắt hái lượm của người Batek, chúng tôi chọn làng Batek gần thị trấn Merapoh (quận Lipis, bang Pahang, Malaysia) để tiến hành điền dã và theo chân một nhóm người Batek vào rừng thực hành tìm kiếm thức ăn trong vòng một ngày. Nhóm này gồm 4 phụ nữ (độ tuổi trung niên và lớn hơn) cùng 2 thanh niên. Trên đường đi họ thường chặt một số thanh tre, mây, một số lá cây và dây leo. Đến địa điểm có khả năng đào củ, địa điểm này được họ nhận biết bởi những thanh dây leo dài tầm gửi lên những cây thân gỗ trong một khoảng rừng hỗn tạp cạnh suối. Loại củ mà nhóm người này khai thác được gọi là Takop thuộc chi Củ nâu (tên khoa học: dioscorea sp.). Một phụ nữ với dụng cụ mũi nhọn (tiếng Batek là col) dùng để đào sâu xuống đất vì loại củ này nằm dưới lớp đất mặt khoảng 40-60cm. Trong khi người này đào thì một số người khác tản ra để tìm những loại thực phẩm khác, đồng thời một người bắt đầu nhóm lửa.

Với ảnh hưởng từ đời sống hiện đại, những người này đã sử dụng bật lửa, tuy nhiên họ cũng chia sẻ với chúng tôi về những cách đánh lửa riêng của họ trước khi bật lửa trở nên đại trà. Trước hết họ chẻ đôi một đoạn tre khô, chà xát phần chẻ với một khúc củi dầu khô đến khi ra khói rồi áp bùi nhùi vào chỗ khói và thổi cho đến khi ra lửa. Họ nướng cá và củ takop trên lửa đến khi chin, sau đó chỉ cần bóc phần vỏ cháy và ăn phần thịt bên trong, ngoài ra một số loại củ khác chỉ cần lột bỏ vỏ là có thể ăn ngay. Trước khi có gạo thì đây là nguồn dinh dưỡng chính cung cấp tinh bột và đạm quan trọng với người Batek.

Trong khi các nhóm đàn bà đào củ quả thì những thanh niên Batek lại đi bắt cá và săn thú. Điều này cho thấy họ có sự phân chia công việc rất rõ ràng. Để bắt cá họ làm các lao nhọn hoặc sử dụng móc câu. Đối với việc săn thú, thợ săn Batek sử dụng các “ống xì đồng”.

Ống xì đồng (ống thổi, tiếng Anh là blowpipe hay blowgun) là một loại vũ khí chuyên để đi săn thú của người Batek. Các ống xì đồng thường có chiều dài từ 1,2-1,8m và được làm từ loại tre được người Batek gọi là “Buluh” (thuộc tông tre Bambuseae). Có hai loại Buluh được dùng làm ống xì đồng: 1 loại có những đốt thân dài trong tiếng Batek là Yamang và loại kia có đốt thân ngắn hơn được gọi là Temin

Việc chế tác ống xì đồng rất đơn giản, chỉ cần cắt bỏ những nấc chặn của tre là lấy được phần thân dài rỗng. Với ống xì đồng với loại có đốt thân ngắn, họ phải dùng chất kết dính từ nhựa một loại cây trong rừng mà người Batek gọi là keo Taam Jum. Chỉ cần rọc vỏ cây với khoảng 15-30 phút là có thể cho ra lượng nhựa lớn. Sau đó chặt thân của một loại dứa rừng lấy vỏ để tạo phần kết nối. Họ nung lửa phần nhựa kia và dán hai thân tre lại với nhau, dùng vỏ dứa rừng để làm đoạn kết nối và đồng thời tạo liên kết giữa hai thân tre giúp ống thổi cứng cáp hơn. 

Để tạo ra độ bền và độ thẳng, ống xì đồng phải được hơ qua lửa nhiều lần và cố định để tạo độ thẳng cho đến khi tre khô lại. Một thanh niên Batek có thể làm được một ống xì đồng như vậy trong một ngày và có thể đi săn ngay vào hôm sau.

 Chất độc được lấy từ một loại cây thuộc họ Dâu tằm có danh pháp khoa học là Antiaris toxicaria, phổ biến trong các khu rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Những nghiên cứu gần đây ở hang Niah cho rằng, có lẽ chất độc này đã được sử dụng bởi những người săn bắt hái lượm từ khoảng 45.000 năm trước cho đến giai đoạn Holocene . Với các phi tiêu tẩm độc, những thợ săn này có thể dàng bắt được những loại khỉ, vượn - món ăn ưa thích của những người Batek. Còn đối với các loại thú như hoẵng, nai nhỏ, heo rừng thường sẽ không chết ngay mà họ phải theo dấu chạy của những loại động vật một đoạn rồi mới bắt chúng. Nhưng thông thường, khỉ vượn và những loài thú nhỏ là đối tượng săn bắt chính của người Batek, cung cấp một lượng protein quan trọng cho họ . 

Ngoài vũ khí là các ống xì đồng ra, có một số vũ khí khác mà nhóm Orang Asil Semang-Negrito sử dụng là cung tên với tên tẩm độc, mũi lao, các loại bẫy cá,… tuy nhiên người Batek hiện nay đa phần họ sử dụng ống xì đồng.

3.1 Người Batek trong lối sống Hoabinhian

Từ kết quả tổng hợp các kết quả điền dã, phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu đối với người Negrito Betek, chúng tôi xin đưa ra một số tương quan giữa lối sống của người Batek với cư dân Hoabinhian cổ thông qua một số vấn đề cơ bản sau: 

3.1.1 Mối quan hệ với các hang động, mái đá

Nếu như môi trường sống của văn hóa Hòa Bình gắn bó mật thiết với các hang động mái đá thì ở người Batek cũng có những mối quan hệ tương tự vì cảnh quan bao quanh các cộng đồng Batek là các núi đá và dãy núi đá vôi. Phỏng vấn già làng Iwao, chúng tôi được biết cách đây hơn 40 năm, người Batek vẫn cư trú tại một số mái đá trong đó có một nơi gọi là Nâm Đum Pưk Pưk (tiếng Batek từ Nâm Đum nghĩa là mái đá) . Người Batek từng cư trú trong nhiều mái đá, có những mái đá được sử dụng liên tục (khoảng vài tháng) nhưng cũng có những mái đá chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (khoảng hai tuần hoặc một vài ngày) và mái đá Pưk Pưk đã được họ sử dụng thường xuyên nhất. Khi khảo sát mái đá Pưk Pưk, chúng tôi còn phát hiện một số vỏ ốc suối chặt đuôi (brotia sp.), đây là loại ốc cùng loại với loại ốc mà người Hòa Bình cổ đã sử dụng. Điều đó khiến mái đá Pưk Pưk vô tình gợi lên những mái đá Hòa Bình ở Việt Nam và nhiều khả năng cư dân Hoabinhian cổ cũng có những cách thức cư trú linh hoạt như người Batek vì có những di chỉ mái đá Hòa Bình được sử dụng liên tục nhưng cũng có những mái đá chỉ được sử dụng trong giai đoạn ngắn và có cả di chỉ cư trú ngoài trời . Khi nghiên cứu về người Negrito ở Malaysia, chúng tôi còn phát hiện một tư liệu hình ảnh được chụp dưới thời kỳ thuộc địa Anh được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Singapore. Trong ảnh là một nơi cư trú - công xưởng của nhóm Orang Asil Negrito bên trong một mái đá, do vậy có thể thấy sự tương đồng giữa họ với những công xưởng chế tác đá ngay tại hang như Làng Vành hay Xóm Trại (Hòa Bình).

Người Negrito và xưởng sản xuất công cụ bên dưới một mái đá, chụp trong thời kỳ thực dân Anh  (nguồn: Bảo tàng Quốc gia Singapore)

Ngoài sử dụng mái đá làm nơi cư trú, những người Negrito còn sử dụng các hang động mái đá để vẽ. Trong văn hóa Hòa Bình đã tìm thấy nhiều di tích có nghệ thuật bích họa như Doi Pha Kan (niên đại khoảng 13.000 năm) ở Thái Lan, Gua Tambun ở Malaysia,... So sánh các di tích tranh hang động của văn hóa Hòa Bình và Orang Asli thì có thể thấy sự khác biệt đó là nghệ thuật hang động của người Hòa Bình sử dụng thổ hoàng để vẽ, trong khi nghệ thuật hang động của người Orang Asli lại sử dụng than để vẽ và số lượng các bích họa hang động được vẽ bằng than chiếm một số lượng lớn so với ít ỏi những bích họa thổ hoàng. Do vậy mà kỹ thuật vẽ bằng thổ hoàng có thể sớm hơn và thuộc về giai đoạn Hòa Bình phát triển cho đến Hòa Bình muộn. Gần đây, một số địa điểm tại thung lũng Kinta đã tìm thấy các di tích có cả hai loại hình thổ hoàng và than, tuy nhiên thiếu các dữ liệu xác định niên đại nên chúng ta khó biết được đây có phải là của người Hòa Bình cổ hay của người Orang Asli thực hiện để có được sự so sánh . Niên đại các tranh hang động của người Orang Asli thuộc nhóm Semang cũng không cụ thể, có người cho Gua Tambun với nghệ thuật vẽ bằng thổ hoàng gắn bó với nhóm này và trong khi đó các tranh bằng than được cho là xuất hiện muộn cho đến hiện nay với hình vẽ xe máy (địa điểm Gua Badak ở thung lũng Lenggong) . Nội dung các bức vẽ giai đoạn sớm và muộn cũng mang nhiều nét tương đồng (con người, con vật, các hình kỷ hà) nhưng với giai đoạn muộn thì xuất hiện thêm những hiện vật, hiện tượng mang yếu tố hiện đại như xe ô tô, xe lửa,... Tuy nhiên, sự biến mất thổ hoàng và chuyển đổi hình thức dùng than để vẽ là một vấn đề vẫn chưa được giải đáp cụ thể. Khi khảo sát mái đá Pưk Pưk của người Batek vẫn có những bức vẽ hang động xuất hiện gần đây khoảng 20 - 30 năm, do đó có thể thấy một mối liên hệ gần gũi giữa những tộc người thuộc nhóm Semang với thực hành nghệ thuật Hoabinhian. 

Tại cộng đồng người Batek mà chúng tôi đến điền dã còn ghi nhận hiện tượng chôn cất người chết trong một số hốc đá ở ngọn núi đá vôi kế bên. Mộ táng chỉ đơn thuần là bỏ người chết hay chôn người chết trong các hốc đá rồi lấp lại hoặc dùng những hòn đá đè lên hay chỉ cần bỏ vô hóc đá rồi bịt kín miệng hốc đá lại. Các hốc có nơi hiểm trở, có nơi rất dễ đi lại vì gần chân núi. Việc chôn cất này có hơi hướng Hoabinhian vì trong văn hóa Hòa Bình có những hiện tượng tương tự vậy. Cụ thể tại các địa điểm Hòa Bình ở Việt Nam (Động Can, Làng Vành, Mộc Long, Hang Đắng), mộ được đặt ở góc hang hoặc hốc đá . Đây là một hiện tượng tương đồng lý thú trong việc chôn cất người chết giữa người Batek và văn hóa Hòa Bình. 

3.1.2 Về đời sống săn bắt hái lượm 

Như đã biết, tầng văn hóa Hòa Bình nổi bật với hiện tượng trầm tích vỏ ốc ở đa số các hang, nhưng chúng tôi không thấy hiện tượng ăn ốc, cũng như vỏ ốc ở làng Batek nơi thực hiện khảo sát. Ở mái đá Pưk Pưk nơi cư trú của người Batek giai đoạn gần đây tìm được một số vỏ ốc suối chặt đuôi nhưng rất ít. Do vậy chúng tôi thực hiện một số câu hỏi phỏng vấn dân làng Batek (cả nam giới và nữ giới) về việc ăn ốc, các câu hỏi đó lần lượt bao gồm: “Bạn có ăn ốc không”; “Nếu có, loại ốc nào bạn sẽ khai thác”; “Bạn chế biến ốc bằng cách nào”; “Nếu không ăn, tại sao”; “Vì sao bạn không ăn ốc nữa” . Kết quả cho thấy phần lớn họ đều xác nhận là trước đây họ vẫn bắt loại ốc suối mà người Batek gọi là Kalot (loại ốc đặc trưng nổi bật trong những di chỉ văn hóa Hòa Bình với danh pháp khoa học là Brotia sp.) để làm thức ăn, trừ những người đang đau bệnh thì không sử dụng loại thức ăn này. Tuy nhiên từ khi sống tại những khu định cư của chính phủ thì họ ít dần khai thác loại ốc này. Hai người trả lời liên quan đến bệnh, số khác trả lời do ngày nay chúng ít đi và khai thác khó, đồng thời nhiều người khẳng đinh họ vẫn ăn nhưng ít đi. Do vậy chúng tôi cho rằng thể do một loại bệnh khi họ sử dụng thức ăn từ cách loại ốc này mà điển hình là sán ký sinh cùng với những chuyển biến về mặt kinh tế và đời sống khi những thức ăn có sẵn ở chợ được đem bán tận nơi ở của người Batek đã khiến họ đã thay đổi hình thức khai thác truyền thống trước đây và khiến nó trở nên phai mờ. 

Điền dã dân tộc học về vấn đề ăn ốc suối với người Batek (ảnh: TS. Teckwyn Lim)  

Trong các động vật săn bắt thì thợ săn Batek ưu chuộng nhất là khỉ hơn các loài khác. Nhìn chung đây là cách thức săn bắt các loài động vật nhỏ và do cá nhân săn bắt. Người Batek lại rất hiếm hoặc không săn những động vật lớn và có sức phản kháng mãnh liệt như voi, tê giác, hổ, gấu… Những tài liệu dân tộc học của chúng tôi giống với tài liệu dân tộc học trước đó để lý giải về hình thức săn bắt của người Hòa Bình . 

Với người Batek, họ có tín ngưỡng tôn thờ động vật (animalism) và theo tri thức của họ, săn bắt các loài thú dữ và thú lớn sẽ có ảnh hưởng đến sự an toàn của cộng đồng. Hiện tượng suy giảm các loài thú lớn, có sức chống cực cũng xuất hiện trong văn hóa Hòa Bình, giữa giai đoạn tiền Hòa Bình so với giai đoạn Hòa Bình phát triển và muộn. Phải chăng đã có những nhận thức mới trong đời sống của người Hòa Bình khi động vật lớn đã trở thành tín ngưỡng về sức mạnh của tự nhiên và còn duy trì đến những thợ săn hiện đại.

3.1.3 Về cách thức chế tạo công cụ

Vật dụng, vũ khí, lán trại bằng tre gỗ của người Batek cho thấy họ thích ứng rất hiệu quả với tài nguyên rừng nhiệt đới. Điểm này rất tương quan với những luận điểm về chế tạo công cụ của người Hòa Bình cổ. Trước đây, nhiều nhận xét của các nhà khảo cổ học Việt Nam sau đợt khai quật di tích Hang Tằm năm 1961 đã đưa ra nhận xét về công cụ đá được dùng để chế tác công cụ tre gỗ, và loại hình rìu của văn hóa Hòa Bình có thể được tra cán bằng tay cầm tre giống thổ dân Úc . Luận điểm này cũng đã được củng cố  thêm bởi giáo sư Hà Văn Tấn, nhà khảo cổ học Thái Lan Bannanurag cùng một số nhà khoa học khác và cho rằng đây là hình thái công cụ săn bắt hái lượm bằng gỗ và tre nứa phổ biến trong môi trường sinh thái nhiệt đới Đông Nam Á . Hay tiếp đó là những hiện vật đá ở hang Xóm Trại khai quật vào những năm 80 của thế kỷ trước đã được Nguyễn Kim Dung nghiên cứu và công bố những bằng chứng cụ thể về những vết mòn và xước là do được sử dụng trên các đối tượng tre và gỗ . 

Khi chúng tôi điền dã dân tộc học, già làng Iwao còn cho biết thêm trước đây khi họ sống trong rừng sâu người Batek vẫn nhặt đá cuội sông suối dùng làm công cụ chặt. Đá suối được chọn lọc để nhặt, sau đó được gia công và tra cán vào gỗ, dùng dây cột chặt là có thể sử dụng. 

Tương tự, qua quan sát một số các sumatralith  và rìu ở Xóm Trại, Hang Muối có những vết resin rõ rệt chứng tỏ chúng được tra cán và cố định bằng keo với một lượng keo nhất định. Điều này rất giống với keo Taam Jum  vì chỉ trong một vài tiếng đồng hồ quanh rừng người Batek đã khai thác một lượng resin lớn. Rất cần có những phân tích và nghiên cứu đối keo resin trên những công cụ Hòa Bình, nhưng điều đó cũng phần nào nói lên  người Hòa Bình có thể đã biết dùng resin từ nhựa một số loại cây nhiệt đới làm chất kết dính hiệu quả. 

Hơn nữa các di chỉ văn hóa Hòa Bình được cho là rất ít hay vắng mặt công cụ mũi nhọn - vốn dĩ là những vũ khí để săn bắt - điều này có thể liên quan đến loại hình vũ khí ống xì đồng tương tự người Batek hiện nay vẫn đang sử dụng và do được làm bằng chất liệu tre gỗ mà qua thời gian chúng đã phân hủy và không còn để lại dấu vết. Hiện tượng vắng mặt các vũ khí săn bắt này còn xuất hiện tại di chỉ Niah ở Borneo, cùng với một số lượng lớn di cốt động vật tại địa điểm này mà nhà nghiên cứu Charles Higham cho rằng đã xuất hiện loại hình vũ khí hiệu quả bằng tre trong giai đoạn này .  Những bằng chứng về di cốt động vật như khỉ và vượn có mặt nhiều trong các di tích, đặc biệt biểu đồ diễn biến các loài động vật tại mái Đá Điều còn cho thấy khỉ Macaca cf. asamensis chiếm ưu thế hơn các loại động vật khác và có xu hướng giai tăng đáng kể sau giai đoạn 8.000 năm . Đồng thời nhiều di tích Hòa Bình với niên đại chuyển giao giữa Pleistocene và Holocene (khoảng 18.000 -10.000 năm) đã tìm thấy di cốt khỉ, vượn cho thấy khả năng đã xuất hiện những vũ khí và hiệu quả mới như cung tên và ống xì đồng trong giai đoạn này. 

Bên cạnh đó, dụng cụ “tol” để đào củ mà chúng tôi quan sát nhóm phụ nữ đào củ tuy mũi nhọn ngày nay được làm hiện đại bằng sắt nhưng kiểu dáng rất tương đồng với công cụ mũi nhọn được làm bằng xương ống chân nai hoặc trâu bò mà tiến sĩ Nguyễn Việt phát hiện trong khi khai quật hai di tích Làng Vành và Xóm Trại gần đây. Điểm chung là những mũi nhọn này đều có phần rỗng bên trong cho phép người đào củ có thể gạt bỏ lớp đất và tiếp tục đào. Hy vọng sẽ có những thực nghiệm khảo cổ học để có thể khẳng định chính xác công năng của loại dụng cụ này. 

4. Kết luận 

Việc đối sánh giữa dân tộc học với các di vật văn hóa Hòa Bình là những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung về đời sống của người nguyên thủy trên đất nước ta. Trước đây, phương pháp này cũng được các nhà khảo cổ Việt Nam vận dụng khi so sánh kết quả nghiên cứu dân tộc học một số thổ dân châu Úc, những người mang tri thức thời kỳ đá cũ để lý giải những hiện tượng về văn hóa Hòa Bình. Tương tự, những kết quả dân tộc học cũng được vận dụng để giải thích cho các di chỉ cuối Pleistocne đến Holocene trên đảo Borneo. Những đặc điểm tương đồng của nhóm Semang Negrito ở Malaysia trong đó có người Batek đã cho thấy vấn đề nghiên cứu dân tộc học đối với nhóm cư dân này rất thiết thực trong nghiên cứu văn hóa Hòa Bình. 

Với những tri thức và thực hành của cộng đồng Batek cho thấy sự gần gũi giữa họ với văn hóa Hòa Bình cổ xưa thông qua đời sống săn bắt hái lượm, chế tạo công cụ, sử dụng mái đá, mộ táng,… Đây là các vấn đề rất cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, việc quan sát và ứng dụng những tri thức trên vào khảo cổ học thực nghiệm sẽ là chìa khóa hé mở ra giải đáp mới về nghiên cứu văn hóa Hòa Bình. 

Lê Hoàng Quốc


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24408941