Lịch sử Việt Nam

“LỄ HỘI KỲ YÊN ĐÌNH DĨ AN” - LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐƯỢC ĐƯA VÀO DANH MỤC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

  • Kim Tuyến
  • 04/07/2023

Theo sử liệu còn ghi lại thì Đình Dĩ An được nhân dân nơi đây tạo lập vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19, năm 1852 Đình được vua Tự Đức sắc phong. Ban đầu Đình chỉ được xây dựng tạm bằng tranh tre, mái lá đơn sơ để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của những người dân xa xứ, đến vùng đất Dĩ An mở ấp, lập làng. Đến năm 1910, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại ngôi Đình bề thế bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương. Trải qua thời gian hơn 100 năm tồn tại, tuy đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, nhưng về cơ bản, Đình Dĩ An vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống và được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô, kết cấu lớn bậc nhất khu vực Đông Nam bộ. Đặc biệt, hệ thống thờ tự được bài trí uy nghi, lộng lẫy; các bàn hương án, hệ thống các bao lam, khánh thờ, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.

Ảnh cổng Đình Dĩ An- nguồn Bảo Tàng

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, năm 2011, Đình Dĩ An được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến đầu năm 2019 được Bộ Văn hóa TT& DL xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 1185/ QĐ- BVHTTDL ngày 28/3/2019.

 

Ảnh Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia - nguồn Bảo Tàng

Sau một thời gian nghiên cứu, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An” trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và đã được công nhận, công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 150/QĐ- BVHTTDL ngày 02/02/2023 . Tính đến tháng 3/2023, Bình Dương đã có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp, Nghề Gốm Bình Dương, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An, Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An.

Trong nghiên cứu văn hóa dân gian truyền thống, ngôi đình được xem là chứng tích của sự hình thành, phát triển vùng đất và con người địa phương. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Lễ hội Kỳ yên là nghi lễ tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai phá lập làng, tạo dựng cơ nghiệp cho các lớp kế thừa sau này có đời sống ấm no, hạnh phúc, quốc thái dân an. 

“Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An”, sẽ cho chúng ta thấy được hệ thống thần linh  thờ trong đình; thấy được dấu ấn của triều đại phong kiến thể hiện qua sắc phong, trang phục và đội hình tế lễ; thấy được văn tự cổ qua chúc văn, nghi xướng; thấy được đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây; thấy được ước vọng của người dân địa phương đối với các vị phúc thần và thấy được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nghi thức thực hành nghi lễ và văn cúng ở Đình Dĩ An chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử . 

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc mà ý thức gìn giữ  vốn cổ trong nghi thức tế lễ đã được người dân nơi đây gìn giữ nguyên vẹn hàng trăm năm qua. Về cơ bản, nghi thức cúng tế trong “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An” nói riêng và hệ thống đình thần ở Bình Dương nói chung vẫn giống nhau về nghi thức lễ. Nhưng riêng tại Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An còn giữ đầy đủ các giá trị truyền thống, đó là một sự chỉnh chu về việc thực hành bài bản trong quy trình thực hiện các nghi thức lễ được trao truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Lễ cúng tế trong Đại lễ Kỳ yên Đình Dĩ An diễn ra với 22 nghi thức liên tục, nối tiếp nhau, được bắt đầu từ nửa đêm 14 rạng ngày 15 và kết thúc vào chiều ngày 18 tháng 11 âm lịch, bao gồm các lễ: Lễ cúng Ngũ hành, lễ tế Ngọc Hoàng, cúng Tiền hiền - Hậu hiền, Lễ Nghinh sắc Ông, Lễ đọc kinh Cầu an, Lễ Chiêu vong - Chiêu u, Cúng Anh hùng -Liệt sĩ, Diễn Địa Nàng - bóng rỗi, Lễ an vị Ngũ hành Nương Nương, Lễ Thỉnh sanh, Lễ Túc yết, Lễ Xây chầu -Đại bội, lễ Đàn cả, và cuối cùng là Lễ Tống phong.

 

Ảnh Học trò tế lễ tại Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An- nguồn Bảo Tàng

Hàng năm, Đình Dĩ An có lệ cúng Cầu an vào ngày 15 đến 17 tháng 11 âm lịch. “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An”, đây không chỉ là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ các vị tiền hiền, đã có công khai làng, lập ấp mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi nhân dịp đón xuân về và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Cũng chính vì thế mà bên cạnh các lễ cúng với các nghi thức nghiêm trang, bài bản thì luôn có phần hội với nhiều hoạt động vui tươi, náo nhiệt như: biểu diễn lân sư rồng, các tiết mục trống hội hay hát bóng rỗi …

Nhìn chung, các lễ cúng tế đều diễn ra với các nghi thức được thực hiện trang nghiêm, chi tiết, mang đậm văn hóa tín ngưỡng dân gian. Trước mỗi lễ cúng, trên ban thờ đều được chuẩn bị đầy đủ: đèn nhang, bông trái, hương đăng, hoa quả, trà nước...Các chấp sự viên trong Ban hành lễ ai nấy trang phục chỉnh tề, nghiêm trang thực hiện các nghi thức đúng với lễ nghi truyền thống.

Một lễ cúng rất đặc biệt tại Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An, đó chính là lễ Cúng Anh Hùng Liệt Sĩ. Lễ cúng này diễn ra tại Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong khuôn viên Đình vào trưa ngày 15. Giữa cái nắng đứng ngọ, đại diện chính quyền địa phương, Ban Quý tế, cùng đông đảo nhân dân, cung kính thực hiện các nghi thức cúng tế vô cùng trang nghiêm, long trọng, tưởng nhớ sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, cùng ôn lại quá khứ hào hùng của địa phương, của dân tộc, thắp hương tưởng nhớ sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ, ôn lại quá khứ hào hùng của địa phương, của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống của thế hệ trẻ hôm nay.

Nghi thức cúng anh hùng, liệt sĩ kết thúc đánh dấu hoạt động nghi lễ ngày đầu tiên đã hoàn thành, một ngày với nhiều hoạt động nghi lễ và hội hè; hội đủ yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Tất cả mọi người đều quên đi sự vất vả, mệt mỏi để tiếp tục chuẩn bị cho các hoạt động kết tiếp.

Có thể nhận thấy, các lễ cúng tại Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An mang ý nghĩa cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa và sâu xa hơn để củng cố đạo làm người, là sự trao truyền nét đẹp văn hóa giữa cổ và kim, từ những con người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất của ông cha mình gầy dựng, đến những người mới đến định cư, tất cả họ đều đã coi nơi đây là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về cội nguồn, tìm ký ức quê hương và hướng đến những giá trị tốt đẹp thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người trước, thể hiện nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An hội đủ các yếu tố về giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị khoa học. Lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An mang đậm nét văn hóa truyền thống đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua, Lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền, những người đã có công khai làng, lập ấp mà còn là dịp để nhân dân đánh dấu một năm yên ổn, mưa thuận gió hòa, đồng thời cùng nhau cầu phúc cho một năm mới bình an, mùa màng bội thu, nhà nhà hưng thịnh…đây là một trong những nét đẹp văn hóa, một vốn quý trong di sản văn hóa của địa phương rất đáng trân trọng, giữ gìn.

Lễ hội Kỳ yên đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương. Nghiên cứu và tìm hiểu các khía cạnh của Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An, từ hệ thống thờ tự, nghi thức tế lễ, trang phục tế lễ, chúc văn, nghi xướng, chương trình biểu diễn nghệ thuật…sẽ cho ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về văn hóa, xã hội, chính trị lúc bấy giờ gắn với từng nhân vật, sự kiện lịch sử. Qua đó, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa của vùng đất và con người Bình Dương nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung./. 

Kim Tuyến


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24405762