Lịch sử Việt Nam

Chính sách chống tiêu cực trong thi Hội thời Lê - Trịnh (1599-1787)

  • NGUYỄN VĂN SANG - Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
  • 24/07/2012

Tóm tắt

Sau khi Trung hưng đất nước, chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức lại các khoa thi, trong đó có 70 khoa thi Hội được tiến hành. Nhưng so với thời Lê sơ, thời Lê - Trịnh hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi Hội ngày càng nhiều với những biểu hiện khác nhau. Từ đó, chính quyền Lê - Trịnh đã đưa ra một số chính sách, biện pháp để ngăn ngừa, thế nhưng các hiện tượng tiêu cực vẫn tồn tại, đã làm giảm chất lượng thi cử thời Lê - Trịnh. Trên cơ sở nghiên cứu những chính sách chống tiêu cực thi cử thời Lê - Trịnh, chúng tôi rút ra một số bài học cho giáo dục, thi cử hiện nay.

I. Đặt vấn đề

Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều cơ bản chấm dứt vào năm 1592 với sự thắng lợi của nhà Lê đã tôn thêm uy quyền của họ Trịnh. Năm 1599, Trịnh Tùng xưng là Bình An Vương, lập ra phủ chúa và từ đó “mọi việc chính sự đều do chúa quyết định. Vua chỉ khoanh tay nắm đại cương, nhận chầu mừng mà thôi” [1;443]. Tổ chức chính quyền trung ương thời Lê - Trịnh lúc này là chính quyền kép, một bên là triều đình của vua Lê, một bên là phủ chúa Trịnh tạo nên thể chế “lưỡng đầu” cung vua - phủ chúa. Sự ra đời của chính quyền này và nhu cầu tăng cường quản lý xã hội, giáo hóa dân chúng, ổn định tình hình sau các cuộc chiến đã đặt ra một đòi hỏi phải tăng cường tuyển dụng đội ngũ quan lại mà phương thức hàng đầu là khoa cử; trong đó thi Hội giữ một vai trò quan trọng. Thế nhưng, thi Hội thời Lê - Trịnh đã có sự suy đổi, khác biệt so với các triều đại trước nhất là hiện tượng tiêu cực ngày càng nhiều, tác động đến nền Nho học và xã hội ViệtNam thời Lê - Trịnh.

II. Nội dung

1. Thực trạng thi Hội thời Lê - Trịnh

    Đối với chính quyền Lê - Trịnh, khoa cử là con đường cầu hiền tài phò vua giúp nước “con đường tìm người tài giỏi trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử” [3;5]. Nhưng đối với các nhà Nho, kẻ sĩ đó chính là con đường lập thân “đương ở cảnh nhà tranh, vách đất bỗng dưng đứng vào tư thế khanh tướng, nhìn thấy trước bước đường vinh quang, lại ghi tên vào bia đá không mòn, kẻ sĩ như thế vinh hạnh biết bao” [9;440]. Bởi vì lẽ đó nên các sĩ tử “dùi mài kinh sử” và đại bộ phận đỗ nhờ thực tài. Song trong số đó không ít kẻ “tranh khôi đoạt giáp” bằng việc cầu may, chạy chọt, dựa dẫm. Hiện tượng tiêu cực trong thi Hội thời Lê - Trịnh luôn tái diễn dưới nhiều hình thức khác nhau như: quan trường lấy đỗ theo cảm tình, nhờ cậy quan trường, đánh dấu bài, biết trước đề thi, làm sẵn bài thi,... Thậm chí, quan trường vì ghen ghét, hiềm khích đối với thí sinh mà đánh hỏng. Trong gần 70 khoa thi Hội, chúng tôi thống kê được một số khoa thi có hiện tượng tiêu cực khá cụ thể.

    Thứ nhất, biết trước đề thi, làm sẵn bài thi. Hiện tượng này được Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút chép về trường hợp của Lan Khê hầu Nguyễn Hoãn. Cha thân sinh ra ông là quan Tham tụng Phong quận công Hiệu làm tướng lâu năm, các quan đều sợ. Khi ấy, có một ông quan ở Quan Các bị khiển trách, phải về nhàn tản. Một hôm, Phong quận công triệu vào tướng phủ, ông ấy vào ngồi đợi ở nhà trong, mãi lâu không được yết kiến. Ngồi mãi thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đi xem lại đều thuộc hết cả... Đến khi vương phủ triệu tập các quan văn thần vào bàn soạn đề để ra thi, ông quan ấy cũng được triệu vào, liền ra ngay cái đầu đề văn sách ấy. Nhờ vậy mà Nguyễn Hoãn mới đỗ Hội nguyên. Bên cạnh đó còn có trường hợp hy hữu nhờ làm bài sẵn mới đỗ. Ngô Duy Viên, Đặng Điền, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Trọng Đang là bạn thân. Một hôm, ba người soạn ra một đầu đề, rồi bảo nhau đầu đề này hợp thời nghi lắm và dặn Đặng Điền lâu nay đã được chúa biết tiếng, nếu khoa thi Hội sau này mà được triệu tập vào soạn đề, thì nên nhớ đầu đề này... Đến khoa thi Hội năm 1769, vào kỳ thứ tư đề ra đúng vào bài đã làm trước bởi vậy Ngô Duy Viên và Nguyễn Trọng Đang đều đỗ đại khoa.

    Thứ hai, đánh dấu bài thi như trường hợp khoa Mậu Tuất (1708), quan Quốc lão Nhữ Đình Toản có người con thứ ba tên là Vũ vào kỳ thứ hai, sau đỗ đầu trong quyển có bốn chữ “phương phương chủng chủng” đến người con thứ tư tên là Chân, khi thi khoa Nhâm Thìn (1728) trong bài tứ lục cũng có những chữ ấy.

    Thứ ba, gian lận, trao đổi bài thi như trường hợp Trịnh Cảnh Thụy, Ngô Trí Hòa, Ngô Trí Tri. Ngô Trí Tri đã 56 tuổi còn đi thi Hội. Con là Trí Hòa vốn có tiếng là người học rộng hay chữ. Lúc vào thi, Trí Hòa thuộc lòng cả, cứ viết ra từng câu đưa cho cha. Song lều của cha cách xa, lại phải nhờ một lều ở giữa là Trịnh Cảnh Thụy. Trí Hòa cứ vứt qua lều nhờ đưa cho cha vì thế Cảnh Thụy và Trí Tri đều được vào trúng cách đỗ đại khoa.

Thứ tư, cậy quyền thế làm điều gian trá để đỗ như trường hợp bà phi của chúa Trịnh nhờ quan trường cho quyển thi của em mình được đỗ. Bà Thịnh Mỹ vợ chúa Trịnh, có người em là Mậu Đĩnh vốn là kẻ tầm thường. Bà phi muốn cho dự vào hạng văn thân, đến kỳ thi Hội, dặn quan trường nâng đỡ cho. Nếu kém lắm không lấy đỗ được thì đợi khi có chỉ của chúa phải đem quyển ấy dâng lên.

     Thứ năm, quan trường vì ghen ghét mà đánh hỏng như trường hợp Ngô Thì Sĩ khoa thi năm 1763. Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là học giỏi, bị bọn quan đương thời ghen ghét. Vì thế khi thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống của Ngô Thì Sĩ thì họ bới móc đánh hỏng đi.

    Thứ sáu, đổi quyển thi cho nhau như trường hợp của Đinh Thì Trung và Lê Quý Kiệt trong khoa thi Hội năm 1775: “Tháng 10 mùa đông, mở khoa thi Hội các cống sĩ... kỳ đệ tứ khoa thi này, Quý Kiệt cùng Đinh Thì Trung đổi quyển cho nhau để làm bài” [1;724].

    Thứ bảy, may mắn thi đỗ chứ không phải do thực học. Trường hợp này tương đối nhiều như: Nguyễn Trật (khoa thi 1623), Vũ Miên (1748), Nguyễn Quỳnh (1772), Ngô Tiêm (1779).

    So với thời Lê sơ, thời Lê - Trịnh tiêu cực trong thi cử nhiều hơn với nhiều hình thức khác nhau. Trong bối cảnh xã hội đang loạn lạc, chiến tranh, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi nhà nước Lê - Trịnh ít có điều kiện quan tâm đến thi cử. Hơn nữa tiêu cực trong thi Hội có cội rễ sâu xa từ thi Hương đặc biệt là hiện tượng “sinh đồ ba quan”. Những người thuộc hạng “sinh đồ ba quan” khi đã đỗ thi Hương, thì họ thường phải gian lận mới đỗ được thi Hội.

2. Một số chính sách chống tiêu cực trong thi Hội của chính quyền Lê - Trịnh

2.1. Mở rộng đối tượng dự thi và tổ chức thi lại

    Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để được thi Hội là thí sinh phải đỗ trong kỳ thi Hương “cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, ai đỗ thi Hội thì nhà vua ra thi một đề văn sách để định thứ tự”. Thời Lê sơ đối tượng được dự thi Hội là Hương cống, quan viên và giám sinh Quốc Tử Giám đã đỗ trong các kỳ sát hạch. Thời Lê - Trịnh, trước những tiêu cực trong khoa cử chính quyền Lê - Trịnh đã mở rộng tạo điều kiện cho thí sinh dự thi, vừa khuyến khích, vừa tìm kiếm nhân tài, vừa chống tiêu cực trong thi cử. Năm 1678, trong lệ thi Hương, đã mở rộng tuổi của thí sinh dự thi: “Gián hoặc có người chưa đến 18 tuổi, cũng cho đi thi để mở rộng đường lấy người tài giỏi nhưng phải khai sổ đệ lên quan huyện châu khảo xét” [3;37]. Đồng thời với việc mở rộng độ tuổi, thành phần bản thân của thí sinh dự thi cũng được nới lỏng hơn “năm 1772 bắt đầu hạ lệnh cho quân nhân, người nào có học thức được dự thi Hương. Hạ lệnh, các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi Hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng vào thi với học trò ứng thi” [1;432]. Như vậy, mở rộng đối tượng thi Hương đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng dự thi Hội. Nhờ đối tượng mở rộng đã hạn chế được nhiều trường hợp gian lận, khai sai để được dự thi. Mặt khác, cũng cho phép lựa chọn được nhiều người có thực tài vốn trước đây bị các điều kiện ràng buộc mà không được dự thi.

    Bên cạnh việc mở rộng đối tượng dự thi, chính quyền Lê - Trịnh còn tổ chức thi lại nhằm khảo hạch các cống sĩ mới đỗ. Ở kỳ thi Hương, khảo hạch có thể dưới hình thức “tứ trường” hay “sảo thông”. Nhưng do thiếu tiền chi dùng nên từ năm 1750 nhà nước cho phép nộp 3 quan tiền gọi là tiền “thông kinh”, không phải qua khảo hạch thi Hương. Vì thế đã dẫn đến hệ quả: “Người làm ruộng, người đi buôn, cho chí người hàng thịt, người bán vặt, cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy không còn biết phép thi là gì. Những người thực tài mười phần không đỗ một” [3;31]. Chính vì thế, để bảo đảm cho người dự thi Hội đạt yêu cầu là một Hương cống, chúa Trịnh đã nhiều lần cho thi lại cống sĩ. Đó là vào các năm 1600, 1651, 1663, 1751 nhằm loại bớt những người không đủ trình độ. Trong Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Tháng 3, thi lại cống sĩ mới đỗ ở lầu Ngũ Long. Từ lúc có thể lệ nộp tiền đi thi học trò quen thói đua nhau chạy chọt... thi lại đánh hỏng 200 người; quan trường đều bị biếm chức hoặc bãi chức” [1;555-556].

 2.2. Thay đổi cách ra đề và làm bài thi

    Sau khi Trung hưng, chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức lại khoa cử nhưng “văn chương đời Lê, sau khi Trung hưng so với khi mới khai quốc khác nhau rất xa” đề thi và nội dung thi cũng thay đổi: “Chưa đầy 20 năm mà đầu đề ra trong kỳ thi Hội lại chia ra từng điều, giải nghĩa từng câu như cũ. Kẻ ra đề thì chọn những bài văn mà người ta ít học đến để thí sinh cầu may khó làm nổi... chỉ chăm chăm vào những lời nói phù phiếm trong sách của chư tử để làm câu thần diệu mở đề” [6;190]. Cho nên đã dẫn đến một hệ quả “người học chỉ biết noi theo khuôn sáo, không biết học rộng là hơn; người chấm văn chỉ cầu lấy người nhớ sách thuộc cũ” [3;33]. Bên cạnh đó, khi đỗ đạt chính đội ngũ quan lại được thi bằng lối văn này không đảm đương nổi công việc “có người chỉ sành một mục ở tứ đạo, ở sách học đề cương để giành giật giải thi... xét đến lúc đưa ra làm việc thì vào Hàn Lâm không làm nổi văn tứ lục” [6;191].

    Chấn chỉnh lại lối văn cũ, năm Chính Hòa 14 (1693), chính quyền Lê - Trịnh đã cho thay đổi đề thi và văn bài: “Từ nay phép thi nhất nhất dùng thể văn đời Hồng Đức. Lúc làm bài văn thì tùy theo câu hỏi, cốt dùng ý nghĩ mình mà viết ra, hơi văn hồn nhiên, không được viết trầm theo lối văn cũ” [6;55]. Mục đích khôi phục thể văn thời Hồng Đức là làm cho: “Những người có học đều phải nghĩ để làm cho đủ quyển thành bài, còn có sức đâu mà làm hộ người khác. Kẻ dốt chỉ lo không làm đủ quyển cho nên không dám đi thi. Vì thế không có tệ mua văn bán văn nữa” [3;34]. Đồng thời, nhà chúa cũng quy định lại sách học, yêu cầu đối với quan ra đề khi lựa chọn nội dung đem thi phải bảo đảm cho việc kiểm tra đánh giá trình độ của thí sinh cũng như hướng vào các vấn đề chính trị, xã hội mà nhà nước đang quan tâm: “Phàm các tập văn của hậu nho như các sách Ngốc Trai (Sách học), Đề cương, Tứ đạo nhất thiết phải cấm hẳn. Người đi học không được học theo sách ấy, quan trường không được ra đề theo các sách ấy. Việc hỏi về văn sách nên giảm bớt điều mục mà cầu ở điều thiết thực cốt yếu. Văn cổ thì hỏi đại lược phải trái để xem học lực nông sâu của học trò, văn kim thì hỏi những việc thời vụ, cơ nghi để xem mưu trí cao thấp” [6;192]. Mong muốn lớn nhất của nhà nước Lê - Trịnh khi thay đổi cách ra đề, nội dung và quyđịnh làm bài thi nhằm phần nào hạn chế tiêu cực, thay đổi lối học cũ chỉ nặng nề về văn khoa sáo rỗng bằng văn thể hùng hồn, lưu loát mà rộng rãi của đời trước đồng thời muốn chọn được người tài, thông hiểu văn lý, kinh nghĩa, nắm thời biết thế “người đỗ đại khoa làm quan đều có sẵn cái học để “tu tề trị bình”. Các bậc hiền tài cùng tiến mà thế đạo được phát huy” [6;192].

    Ý thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn hiền tài, nhà nước Lê - Trịnh đã từng bước có sự thay điều chỉnh thay đổi về nội dung, đề thi để có thể ngăn ngừa được gian tệ, cứu vãn nền học phong đang có khuynh hướng, đang trên đà suy đổi. các biện pháp dù ít, dù nhiều đã có tác động hạn chế những tiêu cực.

2.3. Thay đổi cách chấm thi và kiểm soát đội ngũ quan phụ trách thi Hội

    Khoa cử thời Lê - Trịnh buổi đầu còn sơ sài, phép thi còn lỏng lẻo, quy định chưa rõ ràng trong tất cả các khâu từ thi, chấm thi cho đến ân điển,... Thế cho nên “các khoa thi Hội trước đây, cứ theo từng kỳ mà lấy đỗ hay loại bỏ, khi nhiều khi ít, không theo thể lệ nhất định” [6;125]. Lợi dụng sơ hở của phép thi cả quan trường lẫn thí sinh đều gây ra các hiện tượng tiêu cực như: chấm điểm theo cảm tình, ghen ghét thí sinh mà đánh hỏng, làm bài hộ, thi hộ,... Trước thực trạng đó đã đặt ra yêu cầu ngăn ngừa tiêu cực trong thi Hội đối với chính quyền Lê - Trịnh, một số biện pháp đã được ban hành thực thi nhằm bảo đảm sự công minh trong suốt cả kỳ thi mà khâu trọng yếu là chấm thi: “Chúa có ý muốn rộng cầu hiền tài, lo rằng quan trường cứ tùy ý mình mà lấy hay bỏ, đến nỗi có sự sơ sót, nên đặc biệt ra lệnh định rõ “phân số” lấy vào hay loại bỏ trong hai kỳ; còn số nghạch lấy trúng hay đánh hỏng ở kỳ thứ ba phải kính cẩn đợi lệnh chúa” [5;19;II]. Cách chấm thi theo “phân số” khác với lối văn ngày trước, nó chia ra từng hạng hơn kém như: ưu (có ưu to và ưu nhỏ), bình (có bình to và bình nhỏ), thứ (có thứ mác, thứ cộc, thứ tép và thứ muỗi) và liệt. Cách chấm này có thể hạn chế được quan trường đánh hỏng thí sinh nhưng lại tạo khe hở để thí sinh không hoàn toàn có thực tài vẫn có thể thi đỗ.

Mặt khác, đội ngũ quan phụ trách thi Hội cũng được tăng cường khảo hạch, kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Các chức quan giữ vai trò tổ chức, lãnh đạo kỳ thi được chọn theo nguyên tắc: “Các quan giám khảo, giám thị, tuần xước, thu quyển, di phong, soạn tự hiệu, đằng lục đều chọn trong các quan Đông các, Lục tự, Lục khoa, Hàn lâm viện, giám sát ngự sử, trung thư đãi chiếu” [3;49-50]. Về phẩm hạnh, họ phải là người “công bằng, sáng suốt, tháo vát” [3;50]. Đồng thời, còn đưa ra yêu cầu tăng cường giám sát lẫn nhau ngay trong đội ngũ quan coi thi “các quan đề điệu, tri cống cử, giám thị, công việc gì cũng biết đến ngày thi nào cũng cùng nhau đi lại củ sát các viên tuần xước giám cũ, còn ngày thường đều phải củ sát những người thu quyển, di phong, soạn tự hiệu, đối đọc, không được tự tiện thờ ơ đến nỗi kẻ gian làm bậy” [3;50]. Quan phụ trách thi không làm tròn phận sự, trách nhiệm, vi phạm quy chế coi và chấm thi thì bị định và phạt tội tùy theo mức độ nặng nhẹ: “Những người kỳ trường trước đã làm việc thì trường sau không được làm nữa. Nếu ai tư tình gian trá, có biết chữ mà khai không biết chữ thì quan đề điệu xét hỏi trị tội”. Trong quá trình làm việc: “Các viên thu quyển, di phong, soạn tự hiệu, đằng lục, đối đọc nếu vì ân oán mà thêm bớt nghĩa văn, nét chữ, hay vô tình viết lầm, so xét không rõ,đến nỗi quyển sao không đúng với quyển chính, đều phải chiếu luật trị tội, nếu quan cai quản không xét ra, các quan giám thị, giám khảo xét ra được, thì đưa sang Hình bộ trị tội” [3;53]. Bên cạnh đó, bộ phận giúp việc, giữ an ninh trật tự trường thi vi phạm thì cũng xử phạt không kém: “Các viên sai giám của Cẩm y, Kim ngô thì chỉ xét theo lệ, không được đưa quyển thi và cùng với các quan khảo thí nom dòm quyển thi, làm trái thì trị tội” [3;54]. Không chỉ trách phạt bộ phận trực tiếp coi, tổ chức và chấm thi mà các nha môn ở Tam ty, Ngũ phủ cắt cử người không đúng, làm việc thiếu sót cũng bị trách phạt, xử tội: “Nha môn nào lười biếng không khai danh sách đợi dẫn vào làm việc, cùng là kẻ khai những người không thông văn lý, mà sao quyển, đọc quyển sai lầm, thì cho phép các quan đề điệu, tri cống cử và giám thị tra xét và giao cho Hình bộ xét xử” [3;53].

III. KẾT LUẬN

    Trước thực trạng khoa cử nảy sinh nhiều tiêu cực, chính quyền Lê - Trịnh đã có những chính sách nhằm hạn chế để từng bước loại bỏ. Song vì nhiều nguyên nhân, các chính sách đó mới chỉ phát huy tác dụng và tỏ ra công hiệu ở một mức độ nhất định. Thực tế thi cử nói chung và thi Hội nói riêng vẫn tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực. Các hiện tượng ấy đã làm giảm chất lượng khoa cử và mục đích của khoa cử vốn là phương tiện, là con đường để tuyển chọn người ra phò vua giúp nước. Thời Lê - Trịnh, nội dung thi phong phú về thể loại: chiếu, chế, biểu, kinh nghĩa, thơ, phú, văn sách. Nhưng đề thi chủ yếu trong sách vở, không sát thực tế, không có tác dụng trong việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Vì thế không cứu vãn được sự suy yếu của xã hội đương thời. Tình trạng lý thuyết xa rời với thực tiễn của thời Lê - Trịnh tương tự như tình hình giáo dục ở nước ta hiện nay. Thực tiễn đã cho thấy rằng phần lớn chương trình giáo dục đại học ở Việt Nam chỉ nặng về lý thuyết vì thế sinh viên sau khi tốt nghiệp khả năng vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết vấn đề còn rất bỡ ngỡ. Hiện nay, do yêu cầu ngày càng cao của xã hội, cho nên nội dung giáo dục cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, cần thay đổi nội dung giáo dục, kết cấu chương trình để cho phù hợp giữa nội dung học và thực tiễn của xã hội, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để hạn chế phần nào gian tệ trong khoa cử, chính quyền Lê - Trịnh đã ban hành nhiều biện pháp nhằm giám sát, kiểm tra, trừng trị đối với sĩ tử ứng thi, quan phụ trách thi vi phạm quy chế thi cử. Hàng năm, trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, cao đẳng, thậm chí ở các bậc học cao hơn, hiện tượng tiêu cực xảy ra không ít. Việc mua bằng, bán chứng chỉ, cán bộ coi thi, thí sinh vi phạm quy chế thi diễn ra ngày càng nhiều. Vì thế, cần phải có những chính sách hạn chế tiêu cực, bảo đảm tốt yêu cầu cho các kỳ thi bằng cách tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đối với thí sinh, cán bộ coi và chấm thi. Các hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm minh để tránh hiện tượng thi đỗ không bằng chính thực lực, tài năng của mình. Qua những bài học đó sẽ góp phần phát triển giáo dục, thi cử trong giai đoạn hiện nay của đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa, Chúa Trịnh và vai trò lịch sử, Kỷ yếu và hội thảo khoa học, Thanh Hóa, 1995.

[2]. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.

[3]. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.

[4]. Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ - Hội nghiên cứu giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 1989.

[5]. Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

[6]. Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ tục biên (1676 - 1740), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982.

[7]. Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, 3 tập, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.

[8]. Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa cử Việt Nam, Tập hạ, NXB Văn học, Hồ Chí Minh, 2007.

[9]. Ngô Đức Thọ (chủ biên), Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, 2002.

NGUYỄN VĂN SANG - Khoa Lịch sử - Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24468088