Lịch sử Việt Nam

Người Minh Hương thời Triều Nguyễn

  • TS.Huỳnh Ngọc Đáng
  • 26/07/2012

Tên gọi Minh Hương chỉ xuất hiện đầu tiên ở Đàng Trong. Ban đầu, người Minh Hương được hiểu là những người trung thành với nhà Minh. Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu là hai nhân vật tiêu biểu của lớp người này; họ đều đã trở thành những tôi thần của các chúa Nguyễn. Sau đó, khái niệm người Minh Hương được hiểu là những thế hệ người lai, thường là cha Hoa mẹ Việt. Thế hệ người Minh Hương đầu tiên thuộc loại này có hai nhân vật lịch sử khá tiêu biểu là Mạc Thiên Tứ và Trần Đại Định, một người là con trai của Mạc Cửu còn người kia là con trai của Trần Thượng Xuyên. Cả hai người này đều đã trưởng thành trong thời Đàng Trong và đều chết trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhìn chung, các thế hệ đầu tiên của người Minh Hương đã hội nhập vào xã hội Việt Nam, một sự hội nhập hoàn toàn tự nhiên.

Đến thời triều Nguyễn, khái niệm người Minh hương còn bao gồm tất cả những người gốc Hoa sinh ra trên đất Việt Nam. Chỉ dụ của vua Thiệu Trị năm 1841 có ghi rõ: "...người bang ấy (tức người Thanh ) sinh ra con cháu, đều không được gọt tóc để đuôi sam, hễ tuổi đến 18, bang trưởng ấy phải báo quan, cho theo sổ Minh Hương..."[1]. Như vậy, con của người Thanh sinh trên đất Việt thời triều Nguyễn, cho dù có là người lai hay không, đều được quy định là người Minh Hương, khi người ấy tròn 18 tuổi.

Những tài liệu khai thác được gần đây lại cho thấy rằng lệ này không phải mới chỉ có từ thời vua Thiệu Trị mà đã có và thi hành từ trước, ngay cả từ những năm đầu Gia Long. Trong một tờ trình của Trùm (người đứng đầu) Trần Công Thái xã Minh Hương thuộc trấn Vĩnh Thanh, năm Gia Long thứ 11 đã viết:

"...Vào thời ông cha ngày trước, những con cháu người Đường quy thuận ở xã chúng tôi lập nên xã Minh Hương, theo trấn nộp thuế (...). Còn những người Đường chia theo bản phố, cử người đứng đầu, bên nào có phận sự bên ấy...". Đoạn văn này cho thấy, có thể ngay từ trước khi Gia Long lên ngôi, lệ này đã có và được tiếp tục thi hành cho đến năm này (Gia Long thứ 11). Tờ trình này nêu tiếp một đoạn trần tình về việc triều đình ra lệnh kiểm tra lập sổ những người Đường và con cháu người Đường ngụ cư trong vùng thì phần về những người Đường đã làm xong ổn thoả việc kiểm tra lập sổ, chọn cử người đứng đầu đại diện nhưng phần về con cháu người Đường (tức người Minh Hương) thì chức việc địa phương đã làm sai lệ và bị thắc mắc là: "...vậy sao Cai Phủ lấy con cháu người Đường cho lập thành người Đường bản phố..." và xin được phê duyệt “những ai là con cháu người Đường thì cho đăng ký vào xã (Minh Hương) chúng tôi.." Cuối cùng tờ trình này đã được quan trấn Vĩnh Thanh chấp nhận phê duyệt : " Những ai đúng là con cháu người Đường sinh ở nước Nam thì cho phép bản xã theo lệ làm đơn đăng ký với Cai Phủ. Tuyệt đối không được mạo nhận là con cháu người Đường sẽ bị tội"[2]. Như vậy khái niệm người Minh Hương là những "con cháu người Đường sinh ở nước Nam" đã có thành lệ và được thi hành trong thời Gia Long. Ở đây, qua lá đơn khiếu nại này cho thấy người Minh Hương đã tự ý thức về mình như là một thành phần xã hội khác, không phải là người Đường, người Thanh như ông cha của họ.

Qua thời Minh Mạng, lệ này vẫn được duy trì thực hiện. Ba văn bản sau đây của Xã Minh Hương, trấn Vĩnh Thanh rất đáng lưu ý.

Năm Minh Mạng thứ 2, Từ Văn Khương là Cai trại đồn điền 3, làng Long Hồ, tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn khai rằng: "...Do trước đây cha y là người Thanh ở huyện Đông Hoàn, phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, sang buôn bán ở lại miền Nam sinh ra y, nay y có đứa con trai là khách Hội Từ Quan Hội, 20 tuổi, quê quán tại trạm Mỹ Thạnh, chưa vào sổ sách ở thôn xã chi hiệu đội thuyền nào, nay y xin cho con trai là khách Hội được đăng ký trong sổ sách xã Minh Hương..."[3]

Mấy năm sau, đến năm Minh Mạng thứ 5, người Minh Hương mới nhập là Từ Quan Hội nói trên lại làm tờ khai xin cho em ruột của y là Từ Quan Lương, 24 tuổi, cũng ngụ tại trạm Mỹ Thạnh, đăng ký vào sổ sách xã Minh Hương với y[4]

Văn bản thứ ba là tờ khai của một người tên là Nguyễn Dương Xuân, ngụ tại thôn Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn. Khai rằng: "...Do y là con cháu người Đường, 28 tuổi, chưa nhập cư vào thôn xã chi hiệu đội thuyền nào, nay thuận nhập cư vào bản xã chịu các sưu thuế..." [5] 

Ba tờ khai trên cho thấy, lúc này lệ đăng ký người Minh Hương vẫn được duy trì như trước nhưng chưa thật nghiêm ngặt và cũng chưa quy định rõ độ tuổi phải khai vào sổ Minh Hương, nên ở trường hợp Từ Quan Hội là 24 tuổi, Từ Quan Lương là 20 và Nguyễn Dương Xuân lại tới 28 tuổi.

Đến thời vua Thiệu Trị, với chỉ dụ năm 1841 nêu trên mà nội dung đã được ghi vào Hội Điển, lệ đăng ký người Minh Hương đã được chính thức hoá, có cụ thể về độ tuổi phải đăng ký (18 tuổi). Cũng theo nội dung chỉ dụ này, đặc trưng về văn hoá để phân biệt người Minh Hương với người Thanh là người Minh Hương, ngay từ khi mới sinh ra, đã không gọt đầu bím tóc đuôi sam. Và đây là lệ định bắt buộc đối với người Minh Hương ngay từ khi mới sinh ra đời. Đến năm tròn 18 tuổi, con người trưởng thành đó một lần nữa phải thực hiện một lệ định bắt buộc thứ hai là đăng ký vào sổ Minh Hương và chịu lệ thuế của người Minh Hương. Lệ định bắt buộc thứ nhất là sự cưỡng bức về văn hóa. Lệ  định bắt buộc thứ hai là sự cưỡng bức về quốc tịch. Hai sự cưỡng bức đó đã tác động như thế nào?

Đối tượng của sự cưỡng bức thứ nhất, về văn hoá, là một đứa trẻ, luôn trong vòng tay chăm sóc của người mẹ. Người mẹ đó, phần đông là phụ nữ Việt Nam. Ở trường hợp đứa con lai, việc gọt đầu bím tóc hay không chẳng có tác động gì, bởi vì mẹ của nó, người gần gũi nhất của nó cũng không gọt đầu bím tóc. Số đông những người thân của nó cũng vậy, không hề có các đuôi sam, trừ cha của nó. Từng ngày lớn lên, đứa bé nhìn ra xã hội chung quanh càng thấy rằng chẳng mấy người bím tóc đuôi sam, trừ những bạn bè đồng hương của cha nó. Nói cách khác, gọt đầu bím tóc chẳng có giá trị nào về văn hoá trong quá trình tuổi thơ và trưởng thành của một người Minh Hương. Tuy nhiên, các hình thức và biểu tượng văn hoá Trung Hoa thường được biểu hiện qua người cha, cả về phong tục tập quán, tín ngưỡng, đến ngôn ngữ, tư duy, tình cảm...sẽ đi vào tâm hồn một người Minh Hương cùng với cốt cách văn hoá Việt Nam mà anh ta hấp thụ được trực tiếp từ người mẹ, từ đất nước và con người Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương thời.  Người Minh Hương với tư cách là một bản thể văn hoá hình thành từ đó. Anh ta chưa hẳn là Việt nhưng không còn là Hoa nữa.

Ở trường hợp đứa bé không phải là con lai, tình cảm, nhận thức trong nó chắc chắn sẽ có những biểu hiện riêng. Sự hội nhập vào xã hội chung quanh chắc sẽ khó khăn hơn. Định chế thứ hai về sự cưỡng bức quốc tịch giúp cho sự hội nhập thuận lợi hơn.

Đối tượng chính của sự cưỡng bức về quốc tịch là một thanh niên 18 tuổi, mang họ của một người Thanh nhưng anh ta sinh  ra và trưởng thành ở Việt Nam, lớn lên bằng hạt gạo củ khoai Việt Nam...Nay, tròn 18 tuổi, người thanh niên đó đánh dấu sự trưởng thành về thể chất và bản thể văn hoá của mình bằng thủ tục đăng ký vào sổ bộ Minh Hương để chính thức trở thành một người Minh Hương, có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một người Minh Hương. Chính quá trình sinh trưởng 18 năm trong môi trường văn hoá Việt Nam, lại không hề gọt đầu bím tóc đã giúp cho người thanh niên đó có được tư thế hoàn toàn tự nhiên khi đăng ký vào sổ bộ Minh Hương.

Trong hai sự cưỡng bức về văn hoá và quốc tịch, đối tượng thứ hai chịu tác động là người cha-một người Thanh, một di dân Trung Hoa. Anh ta được phép gìn giữ và lưu truyền mọi hình thức và biểu hiện văn hoá Trung Hoa của mình, cho bản thân anh ta, cho con cháu mình và cộng đồng bang hội của mình, ở khu phố Hoa mình đang sống. Nhưng người cha đó không được bắt con mình phải gọt đầu bím tóc đuôi sam và đến năm đứa bé 18 tuổi, không được phép đăng ký tên con mình vào sổ bộ hàng bang của mình mà phải đăng ký vào sổ Minh Hương, chính thức hoá về mặt quốc tịch phi Trung Hoa. Đối với một người Thanh, đó là hai sự cưỡng bức. Từ đó xuất hiện các hệ quả:

- Bằng mọi biện pháp, người Thanh đó cố công làm cho đứa con hấp thụ ngày càng sâu văn hoá Trung Hoa. Trong cộng đồng bang hội và khu phố Hoa của mình, anh ta tích cực xây dựng các thiết chế văn hoá như đền, chùa, miếu mạo, các hoạt động sáng tác và biểu diễn văn hoá Trung Hoa để đứa con càng ngày càng hít thở thật nhiều, thật sâu không khí văn hoá đó. Trong gia đình, cũng bằng nhiều phương thức, có khi cả cưỡng bức, anh ta cố công truyền thụ cho đứa bé những nội dung văn hoá Trung Hoa, nhất là về chữ Hán và tiếng Hoa, cả truyền thống của gia đình và dòng họ...Thực chất đó là sự phản kháng về văn hoá. Mọi cố gắng đó đều tạo ra những thành công và kết quả nhất định. Nhiều người Minh Hương, dù đã hoà nhập rất sâu vào xã hội Việt Nam vẫn không bỏ quên cốt cách văn hoá Trung Hoa của mình trong suốt cuộc đời của họ. Tự ý thức dân tộc đó là yếu tố không thể phủ định trong người Minh Hương, rất mạnh mẽ, nhất là ở các thế hệ đời đầu, và được tiếp tục lưu giữ ở các thế hệ sau, dù có yếu đi do quá trình càng ngày càng hoà nhập.

- Bản thân người cha là người Thanh đó cũng hoà nhập dần vào xã hội Việt Nam. Anh ta lấy vợ, có con, hàng ngày làm ăn sinh sống, tiếp xúc với đông đảo người Việt. Anh ta vừa có nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hoá Trung Hoa vừa cần hội nhập để bảo đảm cuộc sống của gia đình và tương lai của con cái trong xã hội Việt. Ở Trung Quốc, bản thân anh và các tổ tiên đời trước phải gọt đầu bím tóc cũng là do chính quyền Mãn Thanh cưỡng bức. Ở Việt Nam, tập quán gọt đầu bím tóc đó chẳng mang lại lợi ích gì hơn cho anh, nếu con anh không làm theo cũng chẳng thiệt hại gì...Đến 18 tuổi đứa con đăng ký vào sổ bộ Minh Hương trước hết là để hưởng đầy đủ các quyền lợi của người Minh Hương mà một người Thanh như cha nó không có...Yếu tố thời cuộc cũng chi phối khá quan trọng. Đất nước Trung Quốc với chính quyền Mãn Thanh lúc đó đang loạn lạc triền miên, bị chư cường đua nhau xâu xé, từng đoàn dân nghèo phải tha phương cầu thực...một di dân người Hoa như anh còn gì tốt đẹp hơn là thích nghi và hội nhập vào xã hội Việt Nam, mưu cầu một tương lai yên ổn và thành đạt cho con cháu, dù chúng là người Minh Hương.

Như vậy, trong sự co kéo của hai nền văn hoá Trung Hoa (từ người cha) và Việt Nam (từ đất nước con người Việt Nam), trong hai thái độ vừa phản kháng vừa hội nhập về văn hoá, một bản thể văn hoá có sự pha trộn các yếu tố Hoa, Việt dần dần hình thành trong người Minh Hương. Đó chưa hoàn toàn là Việt nhưng không còn là Hoa. Lệ định của triều Nguyễn với hai sự cưỡng bức như trên đã chính thức hoá về mặt xã hội và quốc tịch để hình thành mẫu người Minh Hương. Ở từng người Minh Hương cụ thể, tuỳ hoàn cảnh và điều kiện sống nhất định, mà yếu tố Hoa hay Việt trong anh ta nổi trội hơn. Nhưng có điều chắc chắn rằng, các thế hệ con cháu về sau của người Minh Hương phần đông sẽ hoà nhập vào xã hội Việt và họ trở thành người Việt từ bao giờ không rõ.

Đối với người Minh Hương, chính sách của triều Nguyễn có nhiều ưu đãi hơn so với người Thanh. Tất cả những lệnh cấm trên các mặt kinh tế, xã hội đối với người Thanh hầu như không áp dụng đối với người Minh Hương (ngoại trừ lệnh cấm về buôn bán thuốc phiện và xuất khẩu gạo). Ngược lại hầu hết những ưu đãi dành cho người Thanh đều áp dụng đối với người Minh Hương. Và người Minh Hương còn có những quyền lợi khác khá ưu đãi so với người Thanh và cả người Việt:

- Về kinh tế, người Minh Hương được ưu tiên giao cho các công việc giao dịch, kiểm kê, ghi chép sổ sách, thông dịch trong các cơ quan Tàu vụ. Họ còn được ưu tiên uỷ nhiệm đi mua hàng cho nhà nước, từ những mặt hàng nhu yếu thông thường đến vật tư chiến lược như tiền đồng, các loại vũ khí...Hàng năm, các vua triều Nguyễn đều xem xét miễn giảm thuế cho các Minh Hương xã. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), triều đình dự tính cho mở chợ đặt phường ở phía tây bắc ngoài hoàng thành, nên "chọn lấy những người Minh Hương giàu có ở các hạt, cho đem gia quyến đến ở, sung làm hộ phố...". Đó là ưu đãi mà triều đình dành cho người Minh Hương, vì mục tiêu "muốn cho thuyền xe tấp nập, hàng hoá dồi dào..."[6]. Tuy nhiên việc này sau phải dừng lại vì nhiều người Minh Hương không hưởng ứng nhiệt tình do "quyến luyến chỗ cũ, ngại việc di cư..." Qua đó cho thấy, trong các kế sách về kinh tế, triều Nguyễn rất chú ý đến vai trò của người Minh Hương, ưu tiên dành cho họ các hoạt động mà triều đình cho là sẽ sinh lợi.

- Về văn hoá xã hội, người Minh Hương được quyền tham gia tất cả các hoạt động học hành, thi cử, sáng tạo văn học nghệ thuật và sinh hoạt xã hội như người Việt Nam. Người Minh Hương được phép tham gia tất cả các kỳ thi của nhà nước, kể cả cấp tiến sĩ. Đó là điều mà người Thanh, cha ông của họ nằm mơ cũng không thấy. Các trước tác xuất sắc của người Minh Hương được toàn xã hội công nhận. Người Minh Hương còn có ưu đãi hơn người Việt là họ không phải đi lính và được miễn hầu hết các công việc phu phen tạp dịch ở địa phương làng xã vì họ đã giúp cho chính quyền những công việc mà người Việt khó có khả năng tham gia như thông dịch, ghi chép lên bộ thuế ở các bến cảng, cửa tuần... Các Minh Hương xã còn được triều đình thường xuyên xem xét cứu trợ lúc thiếu đói, khen thưởng khi có công. Trong vụ biến Lê Văn Khôi ở Gia Định, Minh Hương xã trong vùng đã mua gom cung cấp sung công cho quân binh triều đình hơn 1350 cân diêm tiêu, hơn 2.200 cân lưu hoàng, hơn 1.170 cân chì để chế tạo đạn dược. Sau đó quan tỉnh đem việc tâu lên, vua Minh Mạng khen là hiếu nghĩa, sai chiếu giá trả lại tiền [7] . Nhìn chung, người Minh Hương bình đẳng với các thành phần nhân dân trên phương diện văn hoá xã hội.

- Về chính trị, có thể khái quát chính sách của triều Nguyễn đối với người Minh Hương trên mấy phương diện:

Thứ nhất, đối với con cháu của những người Minh Hương vốn là những người có công với họ Nguyễn như con cháu của Trần Thượng Xuyên và Mạc Thiên Tứ.

Khi bị quyền thần Trương Phúc Vĩnh mưu hại, Trần Đại Định, con trai của Trần Thượng Xuyên lúc đó đang giữ chức Thống binh Định sách hầu vẫn kiên quyết giữ một lòng trung thành với chúa Nguyễn. Em họ của Đại Định là Thành khuyên rằng "Phúc Vĩnh là thế thần của nước Nam, ở triều đình nhiều thân thích, ngươi muốn cầu xét phải trái ai biện bạch cho. Sao bằng đi thuyền về Việt Đông (Trung Quốc) tìm nơi yên thân, khỏi bị người ta đem mình làm cá thịt". Đại Định đã nói rằng "Cha ta là Thượng Xuyên, công đội hậu ân thánh triều, đã được lời dụ rằng Nguyễn làm vương, Trần làm tướng, đời đời công hầu bất tuyệt"[8] và cương quyết rẻ thuyền vào Thuận Hoá mong minh oan. Ông đã phải chết vì uất ức trong ngục, nhưng oan án của ông đã được Nguyễn Phúc Chiêm tấu trình để chúa Nguyễn giải oan và trừng phạt Phúc Vĩnh. Đại Định được truy tặng Đô đốc đồng tri, thuỵ là Tương Mẫn. Con cháu của Đại Định không rõ còn có ai chỉ biết trong Đại Nam liệt truyện có ghi "Con Đại Định là Đại Lực làm đến Cai đội" [9]. Mộ của Trần Thượng Xuyên hiện nay đang còn ở Xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, bên đường DT 746 của tỉnh, vẫn thấy có người chăm sóc cúng tế hàng năm.

So với dòng họ Trần Thượng Xuyên thì con cháu Mạc Cửu may mắn và hạnh phúc hơn.

Mạc Cửu lấy vợ người Việt là bà Bùi Thị Lẫm, người quê Đồng Môn, Biên Hòa sinh ra con trai là Mạc Thiên Tứ. Gia phả họ Mạc không ghi rõ Thiên Tứ có còn anh chi em nào khác hay không. Chỉ biết chắc chắn rằng Thiên Tứ là người lai, cha Hoa mẹ Việt và sinh ra trên đất Việt Nam. Thiên Tứ nối nghiệp cha, xây dựng Hà Tiên thành một nơi đô hội trong vùng và luôn hết lòng trung thành, tận tuỵ với chúa Nguyễn. Năm Canh Tý (1780), lúc lánh nạn trên đất Xiêm, bị vua Xiêm nghi ngờ và bức hại, Thiên Tứ đã tự vẫn, 53 người con cháu của ông cũng đã bị người Xiêm giết.

Cũng như cha, Thiên Tứ lấy vợ là một người Việt Nam họ Nguyễn, không rõ tên. Các con trai gái của Thiên Tứ và Nguyễn phu nhân là Tử Hoàng, Tử Thượng , Tử Dung (trai) và 3 con gái là Thị Long, Thị Hai và Thị Giác. Các bà thiếp sau của Thiên Tứ có mấy người con nữa là Tử Sanh, Tử Tuấn và Tử Thiêm. Cháu nội của Thiên Tứ có hai nhánh, một là hai dòng con của bà chính và bà thứ của Tử Hoàng là Công Bá, Công Trụ, Công Bính (dòng chính) và Công Du, Công Tài (dòng thứ); hai là nhánh con của Tử Thượng chỉ có Công Thê. Sau sự cố năm Canh Tý ở Xiêm, con cháu họ Mạc chỉ còn có ba người con nhỏ của Mạc Thiên Tứ là Tử Sanh, Tử Tuấn, Tử Thiêm, các cháu là Công Bính, Công Du, Công Thê, Công Tài còn sống sót, sau trở về Việt Nam. Như vậy là các con trai của Thiên Tứ với phu nhân Nguyễn thị đều bị người Xiêm giết, chỉ còn lại cháu nội. Thế hệ cháu đời thứ năm của Mạc Cửu là Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu và Mạc Hầu Phong; cháu đới thứ sáu là Bá Bình và Bá Thành. Theo Đông Hồ Lâm Tấn Phác thì cháu đời thứ bảy là Mạc Tử Khâm, không có con nên dòng họ Mạc đến 7 đời là hết, chỉ lấy được 6 chữ lót là Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử. Chữ lót cuối cùng là Nam đã không có người nối hệ [10]. Nhưng theo Thực Lục thì năm Tự Đức thứ 5 (1845), theo lời tâu của Trương Đăng Quế, nhà vua đã sai người tìm hỏi về con cháu của Mạc Thiên Tứ. Quan tỉnh Hà Tiên là Nguyễn Lương Nhàn chọn được dòng dõi chính là Mạc Văn Phong, được chuẩn cho ấm thụ Chánh thất phẩm, chánh đội trưởng, theo sai phái ở tỉnh ấy.

Thời chúa Nguyễn, họ Mạc đã được nhiều ân sủng của chính quyền Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã ban cấp cho họ Mạc ba chiếc Long thuyền, được đời đời nối chức Đô đốc Hà Tiên và quy chế gần như một thuộc địa tự trị của trấn Hà Tiên-một trấn duy nhất của Đàng Trong (12 dinh, 1 trấn). Lại được nhà chúa phong cho "thất diệp phiên hàn" (Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) làm chữ lót và lấy 5 chữ của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) ghép vào chữ tên. Đây là một vinh hạnh ngút trời mà chưa chắc người Việt Nam nào có.

Các vua triều Nguyễn sau này, nhìn chung cũng rất quan  tâm đến con cháu của họ Mạc.  Hầu như ở 7 đời họ Mạc, đời nào cũng được triều Nguyễn và các liệt tổ liệt tông của họ Nguyễn gia phong chức tước, phẩm hàm. Mạc Cửu được Túc Tông hoàng đế tặng phong Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công. Đến năm 1822, vua Minh Mạng tặng phong Thụ công thuận nghĩa trung đẳng thần.

Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn phong Hà Tiên Trấn Đô Đốc, năm 1739, lập công được gia phong đặc cách là Đô đốc Tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ, đai; vợ là Nguyễn Thị cũng được phong làm Phu nhân. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), được vua phong Đạt nghĩa chi thần.

Mạc Tử Sanh, năm 1774, ở Vọng Các, được Nguyễn Ánh phong làm Tham tướng hộ giá. Năm 1787, khi  Nguyễn Ánh chiếm được Gia Định, Sanh được giao lưu giữ Hà Tiên, năm sau chết được Nguyễn Ánh tặng đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ chưởng vệ sự, Đô đốc chưởng cơ. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) được vua phong Trung nghĩa chi thần.

Mạc Tử Thiêm, năm 1799, về Gia Định, được Nguyễn Ánh giao chức  Khâm sai thống binh cai cơ, sau thay Công Bính làm Hà Tiên Trấn thủ. Năm Gia Long thứ 4 (1805), thăng Khâm sai chưởng cơ, trấn thủ Hà Tiên như cũ. Năm 1807, được vua sai đi công cán qua Xiêm, năm sau thì mất.

Mạc Công Bính, năm 1788, được Nguyễn Ánh phong làm Long Xuyên lưu thủ, không bao lâu thì chết.

Mạc Công Du, năm Gia Long thứ 6 được làm Cai đội, sau đó được giao quyền lĩnh việc trấn Hà Tiên. Năm sau bị giáng chức nghị tội vì  đã đem vợ lẽ của Đô thống chế Phạm Văn Triệu bán cho người nước Xiêm. Năm Gia Long thứ 12 (1813) vua cho làm Ất phó sứ đi Xiêm. Năm Gia Long thứ 16 (1817), được thăng Hiệp trấn Hà Tiên, năm thứ 17 (1818), thăng Trấn thủ Hà Tiên.

Mạc Công Thế, Mạc Công Tài, khi Tử Thiêm chết, Công Du lại đang bị nghị tội, hai người tuổi còn nhỏ, chưa phong chức được nên cho ấm thụ chức Cai đội để giữ việc thờ cúng họ Mạc và cấp cho 53 người coi mồ mả. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), Công Tài được cử làm Hà Tiên thủ quân thủ.

Mạc Hầu Hi, Hầu Diệu là con của Công Du và Công Tài, cả bốn cha con đều nhận quan chức của Lê Văn Khôi khi Khôi nổi dậy chiếm thành Phiên An, chống lại triều đình. Về sau, khi triều đình dẹp xong Khôi, việc này bị phác giác. Minh Mạng sắc sai bắt về kinh tra hỏi. "Công Du Công Tài liền ốm chết. Con là Hầu Hi, Hầu Diệu đều bị giam vào ngục ở kinh. Sau đó tha cho Hầu Diệu, sai đi trinh thám nước Xiêm, lâu không thấy về. Lại tha Hầu Hi cho đi vùng thượng ở Nghệ an trinh thám, không đi không được, trở về, gầy rạc mà chết ở trong ngục Nghệ An". Còn Mạc Hầu Phong chỉ là dân thường.

Đời Mạc Bá Bình, Bá Thành được phong chức cai đội tập ấm.

Đời Mạc Bá Khâm không thấy ghi quan tước hay tập ấm, chắc chỉ làm dân thường.

Chỉ riêng cháu đời thứ bảy là Mạc Bá Khâm là không được phong chức tước gì. Các tài liệu còn ghi việc triều đình cho xã Mỹ Đức thờ cúng họ Mạc. Theo Đông Hồ Lâm Tấn Phác, người dịch khảo Hà Tiên Mạc Thị  sử của Vũ Thế Dinh thì "Lăng họ Mạc hiện còn mấy ngôi lớn ở núi Bình San, làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên; còn thiếu sót mấy ngôi mộ của các con cháu chưa tìm thấy đủ. Có đến thờ là Trung Nghĩa từ, dân Hà Tiên thờ làm Phúc thần; có 12 đạo sắc truy phong của 3 vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và triều đình có nghị cấp cho một sở Phong Ngạn (rừng ong) ở làng Dương Hoà, tổng Thanh Di để làm đất hương hoả đời đời"[11]

Đáng lưu ý là việc Hầu Hi, Hầu Diệu là con của Công Du và Công Tài đã nhận quan chức của Lê Văn Khôi, vốn đây là một trọng tội đối với triều Nguyễn. Tuy nhiên, triều đình cũng đã xét xử nhẹ nhàng, không truy giết cả họ tộc, không rút sắc bằng phong tước, không san bằng lăng mộ tổ tiên. Đây là sự nể nang và cũng là một ân sủng rất lớn, nhất là đối với vua Minh Mạng, một hoàng đế Việt Nam nổi tiếng là cứng rắn và khắc nghiệt của triều Nguyễn.

Đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhân có tấu trình của Gia Định về lệ định 53 người mộ phu của Thiên Tứ mà Gia Long đã gia ân cho họ Mạc năm 1809, Minh Mạng đã chỉ thị cho bộ Binh rằng: "...Mạc Thiên Tứ ở lúc mở mang cũng có chút công khó nhọc; thuộc hạ 53 người cho làm mộ phu cũng là thương bọn họ cùng chung hoạn nạn với Thiên Tứ mà thôi, chứ không phải lấy số đó làm định ngạch. Vậy hạ lệnh từ nay lấy 5 người làm định ngạch, ai là ngạch cũ còn lại thì cứ để nguyên, còn những người mộ thêm đều tước ngạch về làng..."[12]. Với sự kiện này, triều Nguyễn mà cụ thể là Minh Mạng đã thực hiện xong động tác cuối cùng của việc chuẩn định ân sủng đối với  họ Mạc của Hà Tiên. Các đời vua sau của triều Nguyễn vẫn giữ theo lệ định từ thời Minh Mạng. Riêng Tự Đức có gia phong cho Mạc Văn Phong như đã nói ở trên.

Tóm lại với dòng dõi họ Mạc, một họ tộc Minh Hương tiêu biểu, các vua triều Nguyễn đều rất quan tâm với nhiều ân sủng. Sự quan tâm đó khá đậm đà thời Gia Long và chuẩn định từ thời Minh Mạng.

Thứ hai, trong chính sách đối với người Minh Hương về chính trị, triều Nguyễn tỏ ra trân trọng sử dụng mọi nhân tài người Minh Hương thật tâm xây dựng đất nước và trung thành với triều đình.

Hàng loạt những người Minh Hương đã trở thành những quan lại cao cấp của triều Nguyễn. Tham gia guồng máy chính quyền và giữ các chức vụ quan trọng nhưng họ không hề tự ti hay bị nghi ngại về nguồn gốc Minh Hương của mình. Con  cháu của họ cũng được triều đình gia ân ấm thụ chức tước.

Những người Minh Hương của nhiều thế hệ, từ Trịnh Hoài Đức (đỗ đạt thời Gia Long) đến Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Lý Văn Phức (đỗ đạt thời Minh Mạng) và Phạm Phú Thứ (đỗ đạt thời Thiệu Trị) đều đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước Việt Nam. Khi hành xử công việc theo chức trách, cả trong hành trạng cá nhân và nhất là trong các trước tác của mình họ đều đã thể hiện tư tưởng, tình cảm yêu quý và hết lòng vì Tổ quốc Việt Nam. Gia Định Thành Thông Chí và bộ Cấn Trai Thi Tập của Trịnh Hoài Đức lai láng một tình cảm yêu thương đất Việt. Phan Thanh Giản đau lòng, ôm hận quyên sinh vì bất lực trước thế giặc hung hãn, ngang tàng cướp dần đất nước Việt nam, hết 3 tỉnh miền Đông rồi cả Nam Kỳ. Trần Tiễn Thành một mực can ngăn khi triều thần Huế định cầu viện Trung Quốc. Lý Văn Phức sang Yên Kinh biện bạch với vua Thanh, bảo vệ danh dự và văn hoá Việt Nam. Phạm Phú Thứ nặng lòng Việt Nam trên từng dòng nhật ký đi Tây... Người Minh Hương đã hoà nhập xã hội Việt Nam trong tư thế những con người Việt Nam có học thức, có công với đất nước, luôn yêu thương quê hương và trăn trở vì vận mệnh đất nước Việt Nam.

Nhìn tổng quát, chính sách của triều Nguyễn về người Minh Hương, cốt lõi là hai sự cưỡng bách về văn hoá và quốc tịch và chủ trương mở rộng mọi cánh cửa của xã hội với những ưu đãi trên nhiều phương diện...đã thành công với kết quả minh chứng là những thế hệ người Minh Hương đã dần dần hoà nhập tự nhiên vào xã hội Việt Nam. Họ đã trở thành những con người Việt Nam yêu tha thiết quê hương này, có nhiều đóng góp quan trọng, trên nhiều phương diện, cho đất nước.

So sánh người Minh Hương của Việt Nam với những người Hoa lai  các nước trong khu vực Đông Nam Á thấy có một số điểm khác biệt đáng lưu ý:

- Cũng là những người Hoa lai, nhưng người Lukchin ở Thái Lan, người Ba ba ở Malaysia, người Paranakan ở Indonesia...không có ký ức lịch sử gắn liền với xu hướng chính trị "giữ gìn hương hoả nhà Minh" như người Minh Hương ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là không có ranh giới nào về văn hóa và chính trị giữa họ với những người Thanh mới đến nhập cư. Mặt khác, trong thực tế, cũng không có ranh giới nào trong các mặt cư trú, sinh hoạt xã hội, tổ chức hộ tịch, thực hiện nghĩa vụ thuế, hoạt động kinh tế, chính trị...giữa những người Hoa lai và những người Thanh chính gốc. Càng không có sự phân biệt đối xử, ưu đãi hay hạn chế riêng cho người Hoa lai so với những người Hoa nói chung trong chính sách của chính quyền bản xứ.

- Sự thích nghi, hội nhập vào xã hội bản xứ của những người Hoa lai ở các nước này nhìn chung không thuận tiện và tự nhiên như người Minh Hương ở Việt Nam. Ở Indonesia và Malaysia, với những người Hoa lai khi bước vào xã hội địa phương, cánh cửa đầu tiên là tôn giáo:gia nhập đạo Hồi; hoặc đăng ký quốc tịch người Âu để được sự che chở của chính quyền thực dân hay đăng ký kết hôn với phụ nữ bản xứ; rồi chạy chọt để trở thành những viên chức cấp thấp...rồi từ đó trở thành những cư dân bản xứ nhưng lại rất dễ dàng phân biệt với người bản xứ, cả về văn hóa và những đặc điểm nhận dạng bên ngoài.

- Người Hoa lai ở các nước Đông Nam Á có những mối liên hệ về chính trị khá sâu với các lực lượng chính trị bản xứ. Ở Thái Lan, một người Hoa lai đã từng làm vua. Ở Malaysia, họ tham gia vào các cuộc tranh giành quyền lực giữa các quốc vương Hồi giáo. Ở Indonesia, họ được chính quyền thực dân sử dụng như những tay chân thân tín để cai trị và khai thác thuộc địa.( Sau này, ở nhiều nước, họ còn có những hoạt động nổi bật trong phong trào kháng Nhật và cả những phong trào chính trị theo xu hướng Mao-ít; thậm chí họ còn lập cả đảng người Hoa như một đảng phái chính trị độc lập). Họ tham gia các hoạt động chính trị không với tư cách cá nhân những người gốc Hoa mà với tư cách những cộng đồng người Hoa, có tổ chức và lực lượng chính trị, có thế lực, cả về kinh tế và quân sự. Do vậy mà có lúc họ đã trở thành đối tượng của những phong trào bài Hoa do người bản xứ và cả chính quyền thực dân tiến hành trong lịch sử với những cuộc tàn sát hàng ngàn người Hoa mỗi lần. Đây là điểm khác biệt lớn so với người Minh Hương ở Việt Nam, cả dưới thời triều Nguyễn và sau này.

Tóm lại, so với chính quyền ở các nước Đông Nam Á, triều Nguyễn đã khá thành công trong thực thi chính sách đối với người Minh Hương. Những người Hoa lai ở Việt Nam trong lịch sử có nhiều thuận lợi trong hội nhập với cư dân bản địa hơn so với người Lukchin, người Ba ba, người Paranakan ở các nước Đông Nam Á.

                                                                            Huỳnh Ngọc Đáng


[1] Nội các triều Nguyễn, Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, trang 311

[2] Nguyễn Cẩm Thuý chủ biên (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam bộ (từ thế kỷ XVII đến năm 1945), NXB Khoa học Xã hội , Hà Nội, trang 88

[3] Nguyễn cẩm Thúy, tài liệu đã dẫn, trang 108

[4] Nguyễn cẩm Thúy, tài liệu đã dẫn, trang 111

[5] Nguyễn cẩm Thúy, tài liệu đã dẫn, trang 114

[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại nam Thực Lục, tập 10, trang 70

[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại nam Thực Lục, tập 15 trang 134

[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại nam Liệt Truyện, tập 01, trang 187

[9] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại nam Liệt Truyện, tập 01, trang 199

[10] Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1929), “Hà Tiên Mạc Thị sử”Nam Phong số 107, năm 1926 (tr.31-47) va số 143 năm 129, tr. 322-343, trích ở trang 341

[11] Đông Hồ Lâm tấn Phát. Tài liệu đã dẫn, trang 342.

[12] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại nam Thực Lục, tập 10, trang 86

TS.Huỳnh Ngọc Đáng


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24284861