Lịch sử Việt Nam

Châu bản triều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)

Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

 

 

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Nay tiếp nhận các viên Đỗ Mậu Thường, Thị vệ Lê Trọng Bá thuộc ty của bộ thần [đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa] đã trở về. Bộ thần đã hỏi qua, các viện đó trình bầy lần này [đoàn khảo sát] đã đến được 25 đảo thuộc vùng thứ 3 (trong đó hàng năm [các đoàn] lần lượt đến được 12 hòn đảo, chưa từng đến được hòn đảo thứ 13) (1). Nhưng theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng thì toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được vùng thứ 3, còn một vùng ở phía Nam, nơi này cách nơi kia khá xa, gió Nam lại thổi mạnh, việc khởi hành đến đó không tiện, phải đợi gió thuận thì muộn, xin đợi đến sang năm [cử thuyền] đến đó. Lại xem xét 4 bản đồ mang về, (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung), cùng một bản nhật ký cũng chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần thẩm tra kỹ và sức cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình.

Lại theo những người này tường trình thì trong chuyến đi này họ đã thu được 1 súng đại bác bọc đồng, các loại đá san hô đỏ, các loại chim, rùa biển. Nay đã mang về.

[Chúng thần] dám xin làm tờ tâu trình đại thể.

Thần Thang Huy Thận vâng mệnh soạn thảo.

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt

Chú thích:

1- Theo dòng chú thích này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo.

Xuất xứ: Bộ Công.

Nơi lưu trữ: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ký hiệu: Tập số 68, tờ 215

Châu bản triều Nguyễn ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)

(29/08/2011)

Bộ Công tâu trình việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ là hạ tuần tháng 3 cho thuyền xuất phát ra khơi, đến tháng 6 thì trở về, nhưng nay đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. [Bộ thần] căn cứ vào sự thực tấu trình.

 

 

Dịch nghĩa:

Bộ Công tâu:

Vâng mệnh chiếu xét khoản cử người đến Hoàng Sa, Bộ thần đã bàn xin đến hạ tuần tháng 3 ra khơi đến [Hoàng Sa để] đo vẽ khảo sát toàn bộ xứ đó, đến hạ tuần tháng 6 thì trở về. Vâng theo sự phê chuẩn của nhà vua, [Bộ thần] đã sao gửi cho 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thực hiện và tuyển chọn các viên Thị vệ, Khâm thiên giám thành cùng Thủy sư, binh thuyền phái đi trước. Nay tiếp nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi trình bầy cụ thể từng mục rằng binh thuyền ở kinh được phái đi, ngày 21 tháng 3 đã đến. Dân thuyền tỉnh Bình Định ngày 3 tháng 4 cũng đã đến. Viên dẫn đường Phạm Văn Sênh ngày 9 tháng đó cũng đã đến. Theo sự trình bày chi tiết của Phái viên thì từ ngày 10 đến ngày 26 tháng 4, gió Đông liên tục thổi, không tiện cho việc ra khơi. Viên Cai tỉnh quan sát cũng thấy như vậy và khẩn thiết xin đợi đến khi có gió Nam thổi thì thuận tiện cho việc đưa thuyền ra khơi ngay và tiếp tục báo về.

Bộ thần vâng mệnh chiếu xét: Việc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa đã có hạn định rõ ràng là hạ tuần tháng 3 thì xuất phát ra khơi, nhưng vì hướng gió và con nước chưa tiện, kéo dài [hạn định] đến hạ tuần tháng 4 mà vẫn chưa ra khơi được là quá hạn. [Bộ thần] căn cứ vào sự thực tấu trình đầy đủ.

Thần Lê Văn Côn vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Duy Phiên, thần Phạm Thế Trung vâng mệnh đọc duyệt

Xuất xứ: Bộ Công.

Nơi lưu trữ: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Ký hiệu: Tập 68, tờ 2

Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837)

(10/08/2011)

Bề tôi Nội các vâng mệnh truyền dụ:

- Các viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh sai phái. Viên dẫn đường do tỉnh phái là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đi về quá hạn không được dự thưởng.

- Các binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên ban xét thưởng:

+ Binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền

+ Dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn.

+ Viên Biền Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu thì xét xử), 2 lần được sai phái đi Hoàng Sa để chuộc tôi. Nay gia ân tha cho viên Trương Viết Soái nhưng cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau này tùy việc sai phái.

Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau.

 

Dịch nghĩa:

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh truyền dụ:

Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay [đoàn] đã trở về. Trừ viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn ra, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ xuất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thàn Gia Định để chuộc tội. Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành, đợi sau tủy việc sai phái để cho viên đó chuộc lỗi cũ. Hãy tuân mệnh.

Lại vâng mệnh ghi rõ 22 họ tên các viên binh đinh, 20 viên Thủy sư, 2 viên Giám thành và 31 dân phu đi Hoàng Sa đợt này, đính kèm phía sau. Thần Nguyễn Văn Hựu vâng mệnh soạn thảo.

Thần Hà Duy Phiên, thần Lý Văn Phức vâng mệnh đọc duyệt.

Xuất xứ: bề tôi Nội các.

Nơi lưu trữ: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Ký hiệu: Tập 57, tờ 245

Tờ lệnh góp phần khẳng định: từ xa xưa Việt Nam đã thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa*.

(28/07/2011)

Tờ lệnh Ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) của quan Bố chánh, Án sát tỉnh Quảng Ngãi gồm có bốn trang, mỗi trang dài 36cm, rộng 24cm. Tờ lệnh có nội dung: “Theo tờ tư (một loại hình văn bản hành chính)của Bộ Binh nhận được tháng trước có đoạn trình bày: Vâng theo sắc lệnh, Bộ đã tư cho tỉnh chuẩn bị điều động trước 3 chiếc thuyền lớn, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh, Phái viên (người của triều đình được cử đi thực hiện công vụ) và Biền binh (chức quan võ cấp thấp trong quân đội thời phong kiến) thủy quân đến trước để hiệp đồng nhanh chóng đi khảo sát các xứ của Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh. Kính vâng theo, tinh thần (tên gọi chung cho các quan làm việc ở tỉnh) làm lễ cầu khấn, điều động, thuê 3 chiếc thuyền nhanh, nhẹ ở tỉnh cùng các vật kiện theo thuyền, mỗi loại đều cho tu bổ. Lại phái Vũ Văn Hùng, người được cử đi năm trước và chọn thêm dân phu miền biển am hiểu đường biển sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền trước sau, mỗi thuyền 8 người cộng 24 người, đến mùa từ hạ tuần tháng 3 thuận gió, thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi. Nay các việc lo liệu xong xuôi, Phái viên đã đi thuyền đến. Nay căn cứ vào các lý lẽ tuyển lựa của Vũ Văn Hùng phù hợp, thực hiện cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là bọn Đặng Văn Xiểm đảm đương công việc lái thuyền, hãy đi trên một chiếc thuyền, dẫn theo các thủy thủ trong đoàn theo Phái viên, Biền binh và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, các người phải dốc lòng thực hiện công việc cho thực sự thỏa đáng. Nếu sao nhãng, sơ xuất tất bị trọng tội. Tất cả số người bao nhiêu đều liệt kê dưới đây. Các người lái thuyền là bọn Đặng Văn Xiểm, người phường An Hải huyện Bình Sơn, Dương Văn Đinh người thôn Hoa Diêm được cấp bằng trên đây chiếu theo thi hành”.

 

 

 

 

 

Tuy chỉ vỏn vẹn có 04 trang nhưng Tờ lệnh chứa đựng nhiều thông tin quý, góp thêm một bằng chứng rằng đã từ lâu (từ trước năm 1834) Hoàng Sa đã thuộc phạm vi cai quản của Việt Nam. Tờ lệnh nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng mệnh triều đình đi lính Hoàng Sa không chỉ riêng ở huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi, “Thủy thủ: Tên Đề Phạm Vị Thanh người phường An Hải; Tên Trâm Ao Văn Trâm, người Lệ Thủy Đông (hai tên); Tên Sơ Trân Văn Kham, người phường An Vĩnh; Tên Xuyên Nguyễn Văn Mạnh, người phường An Hải; Tên Lê Trần Văn Lê, người ấp Bản An; Tên Doanh Nguyễn Văn Doanh, người thôn Thạch Ốc An Thạch huyện Mộ Cách. Từ đội Kim Thương đưa sang 2 tên: Vũ Văn Nội; Trương Văn Tài”.

Tờ lệnh còn xác thực thêm những thông tin ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn về ông Võ Văn Hùng, là người có công đi Hoàng Sa trong nhiều năm. Văn bản còn thể hiện về cách thức tổ chức của đội Hoàng Sa, thủy quân Hoàng Sa, phiên chế, cách tuyển chọn, thời gian xuất hành...

Tờ lệnh còn giúp khẳng định rằng mỗi năm vua Minh Mệnh đều có điều bao nhiêu thuyền và lính ra Hoàng Sa. Đó là việc rất quan trọng, được phối hợp hoạt động chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong việc lập bản đồ, cắm mốc chủ quyền, trồng cây và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nó kéo dài suốt nhiều năm và rất nhiều hải đội người Việt đã nối tiếp nhau có mặt ở Hoàng Sa. Họ thường đi trên ghe bầu rộng khoảng 3m, dài 12m, chở được 8 - 12 người, mang theo lương thực đủ dùng trong sáu tháng và cả nẹp tre để bó thi thể khi hi sinh. Trước khi đi, địa phương đã làm lễ tế sống họ. Nhiều hải đội đã anh dũng ra đi không trở về mà chứng tích hiện vẫn còn lưu lại nhiều ở các địa phương ven biển đặc biệt là ở Lý Sơn.

Tờ lệnh này đã bổ sung vào kho tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và kết nối logic với hệ thống tư liệu quý cùng nhiều di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa, quần thể mộ lính Hoàng Sa, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... chứng tỏ từ nhiều thế kỷ trước tổ tiên người Việt Nam đã giong thuyền ra Biển Đông để cắm bia khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.  

Khôi Nguyên giới thiệu.

*Văn bản lưu giữ tại Ủy ban Biên giới quốc gia

 

Đại Nam Nhất Thống toàn đồ

 

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ "Hoàng Sa", "Vạn lý Trường Sa" thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam.

 

 

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24392866