Lịch sử Việt Nam

Quyền lợi hôn nhân gia đình của người phụ nữ trong pháp luật triều Nguyễn

  • Phan Thị Lý
  • 26/07/2012

Triều Nguyễn được thiết lập vào đầu thế kỉ XIX, là triều đại cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta, Do đó, triều Nguyễn có điều kiện tiếp thu nền lập pháp của các triều đại trước. Pháp luật dưới triều Nguyễn vì thế là nền pháp luật hoàn bị dưới thời phong kiến ở Việt Nam. Tìm hiểu về pháp luật triều Nguyễn không chỉ để hiểu về triều đại này mà còn hiểu biết về pháp luật Việt Nam dưới thời phong kiến.

Mặt khác, thống trị nước ta trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, triều Nguyễn phải đối mặt với nhiều thử thách. Trong nước, ruộng đất công bị thu hẹp nghiêm trọng từ các triều đại trước, hậu quả để lại là tình trạng nông dân phiêu tán, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ. Bên ngoài, các nước phương Tây đang dòm ngó và tìm mọi cách xâm nhập. Triều Nguyễn phải đứng trước những chọn lựa khó khăn nhất là với những người đứng đầu triều đại vốn xuất thân từ nền giáo dục Nho giáo. Đó là việc đóng cửa hay mở cửa, cải cách canh tân hay bảo thủ. Cuối cùng, triều Nguyễn đã không thể tìm ra con đường đi đúng đắn và đất nước bị rơi vào thân phận bị đô hộ. Chính vì thực tế lịch sử đó nên khi đánh giá triều Nguyễn vẫn còn nhiếu ý kiến trái ngược nhau. Trong đó có việc đánh giá về luật pháp triều Nguyễn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn. Bên cạnh việc tổ chức bộ máy nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền, triều Nguyễn quan tâm xây dựng luật pháp để bảo vệ quyền thống trị của triều đại, quản lí các mặt của đất nước. Năm 1811, vua Gia Long ra chỉ dụ cho Nguyễn Văn Thành soạn thảo một bộ luật, đến năm 1815 hoàn thành. Bộ luật có tên là Hoàng Việt luật lệ, gồm 398 điều, chia thành 22 quyển gồm 21 quyển chính và một quyển phụ lục. Bố cục các quyển như sau:

-             Quyển 1: Biểu kê các luật lệ.

-             Quyển 2 và 3 (45 điều) : Danh lệ  (Quy tắc định luật lệ)

-             Quyển 4 và 5 (27 điều): Lại luật (Luật hành chính)

-             Quyển 6, 7 và 8 (66 điều): Hộ luật (Luật dân sự)

-             Quyển 9 (26 điều): Lễ luật (lễ tục)

-             Quyển 10 và 11 (58 điều): Binh luật

-             Quyển 12, 13, 14, 15, 16, 18, 19, 20 (166 điều): Hình luật

-             Quyển 21 (10 điều): Dinh tạo

Hoàng Việt luật lệ là bộ luật của triều Nguyễn “được áp dụng trên phạm vi toàn quốc cho đến năm 1949 mới bị bãi bỏ hẳn” [5; 11]. Pháp luật của triều Nguyễn chủ yếu được thể hiện qua nội dung và tinh thần của bộ Hoàng Việt luật lệ ban hành dưới thời vua Gia Long. Ngoài ra, dưới thời các vua tiếp theo còn ban hành những luật lệnh, chỉ dụ khác nhằm bổ sung hay giải thích thêm mà sau này Nội các triều Nguyễn tập hợp trong ĐạiNam hội điển sử lệ.

Khi đánh giá luật pháp triều Nguyễn, một số người cho rằng luật pháp triều Nguyễn nặng về hình luật vì thực tế số lượng các điều luật hình chiếm phần lớn trong bộ Hoàng Việt luật lệ. Tuy nhiên, bộ luật này bao hàm rất nhiều phương diện của dời sống xã hội được soạn ra trên cơ sở “lấy luật lệ của các triều đại nước ta làm căn bản, tham chiếu luật Hồng Đức và luật Thanh triều rút lấy, thêm bớt, cân nhắc, biên tập thành bộ luật tiện dụng”[5; 167]. Mặt khác, có ý kiến cho rằng những quyền lợi của phụ nữ được nhắc đến trong luật Hồng Đức đến triều Nguyễn đều bị xóa bỏ. Đồng thời, nhiều người cũng phê phán các chế định về hôn nhân gia đình trong pháp luật triều Nguyễn. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn góp thêm một cách nhìn nhận về pháp luật triều Nguyễn thông qua những quyền lợi về hôn nhân gia đình của người phụ nữ được nhắc đến trong các chế định của luật pháp triều Nguyễn.

1. Quyền lợi của người phụ nữ trong những chế định về kết hôn

 Kết hôn theo pháp luật hiện đại là do hai bên nam nữ tự do quyết định về đối tượng và thời điểm kết hôn. Nhưng dưới chế độ phong kiến, kết hôn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Điều này được pháp luật triều Nguyễn quy định khá rõ trong các điều 94, 96, 99, 100, 104, 108 của Luật Gia Long và cả trong Hoàng khai định luật lệ dưới thời vua Minh Mạng.

Về điều kiện để kết hôn, cổ luật Việt Nam đều nhấn mạnh đến sự mạo nhận, khi nhà trai hay nhà gái có sự đánh tráo, tức là khi làm mai mối thì đưa người không tật bệnh ra nhưng lúc cưới lại thay bằng người có dị tật về làm dâu, rể. Về điều này luật Gia Long quy định “Phàm ban đầu trai gái định chuyện lấy nhau phải không bị tàn tật, bệnh hoạn, già trẻ so le…Hai nhà cần nói rõ ra để hai bên thỏa mãn sự mong cầu. Nếu không bằng lòng thì định lại” [1; 39]. Việc võng mạo bị pháp luật trừng trị, và ở trường hợp này luật pháp triều Nguyễn có sự ưu ái với phụ nữ, cụ thể là nhà gái mang tội võng mạo sẽ bị xử phạt nhẹ hơn nhà trai: “Nếu người xin cưới mà nhà gái mạo nhận thì chủ hôn bị phạt 80 trượng. Như nhà gái có đứa tàn tật khi coi mặt thì mạo trá chị em ra, khi cưới lại đưa con gái tật nguyền ra làm thành vợ chồng thì truy thu lễ vật trả lại cho nhà trai. Nhà trai mạo nhận thì tăng thêm một bậc, nghĩa là không phải chính người con trai ấy mà là người con trai có tật nguyền, nhưng khi coi mặt thì mạo trá anh hoặc em ra, như vậy là không đáp ứng nguyện vọng của hôn nhân, không trả lại lễ vật” [1; 39].

Về việc đính hôn, một khi nhà trai hay nhà gái đã có sự giao ước đính hôn thì đó là một sự chắc chắn về cả trên phương diện quan hệ thực tế hai gia đình, hai dòng họ lẫn trước pháp luật. Vì thế luật Gia Long có những quy định về sự không tôn trọng lời hứa giá thú. Ở đây, quyền lợi của người phụ nữ được quan tâm ở chỗ nhà trai hay nhà gái bội ước thì đều bị xử phạt như nhau. Như thế không có việc nhà trai có toàn quyền quyết định khi đã hứa lấy con gái người ta mà nhà gái cũng có quyền bắt tội nếu nhà trai không giữ lời hứa. Điều này trong luật Hồng Đức quy định nhà trai nếu đính ước mà không cưới thì bị phạt 80 trượng và mất đồ sính lễ, còn nhà gái nếu đem gả cho người khác rồi và đã thành hôn thì bị xử tội đồ làm khao đính cho nhà quan. 

Mặt khác, khi đã đính hôn rồi, người phụ nữ và nhà gái vẫn có những quyền riêng, nhà trai không được phép thúc cưới mà phải theo ngày đã định. Điều 94 Luật Gia Long quy định “tuy đã nộp đồ sính lễ rồi nhưng chưa đến ngày nghinh hôn mà nhà trai đến cưỡng bách đón dâu thì chủ hôn nhà trai bị phạt 50 roi” [1; 46]. Điều này nhằm bảo vệ phẩm giá của người phụ nữ cũng như bảo vệ sự chủ động của nhà gái trong việc chuẩn bị lễ cưới, tránh việc biến hôn nhân thành vụ đổi trác, mua bán tức thời như dân gian thường nói “gả con đâu phải bán trâu”.

Đồng thời, sau khi đính hôn, pháp luật triều Nguyễn vẫn quan tâm đến thì của người con gái. Điều đó được thể hiện trong chế định về thời hiệu của sự đính hôn. Lệ 2 điều 108 Luật Gia Long quy định “trong thời hạn 5 năm kể từ sau ngày đính hôn, nếu người con gái không mắc lỗi lầm nào mà nhà trai không tổ chức lễ cưới, thì nhà gái được phép trình quan xin cấp giấy xác nhận và gả con gái cho nhà khác, mà không phải trả lại đồ sính lễ.” [1; 47]. Như vậy, theo quy định thời hiệu đính hôn là năm năm, quá thời hạn tối đa đó, khế ước đính hôn đó coi như là vô giá trị, không thể ràng buộc nhà gái và họ có thể lập giá thú khác. Về phía nhà trai cũng sau thời hạn này mới được quyền nghĩ đến người con gái khác. Điều này trong luật Hồng Đức không thấy có. Với quy định này, người phụ nữ được bảo đảm sau đính hôn nhà trai không thể cầm duyên của họ và cũng không thể tự tiện vứt bỏ giao ước đính hôn để lập giá thú khác.

Sau khi lập giá thú, vợ chồng cùng chung sống, để đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ vì thường thì “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên pháp luật phải đặt ra nghĩa vụ đồng cư của người chồng tức là trách nhiệm phải cùng chung sống, không được bỏ mặc vợ. Lệ 2 điều 108 Luật Gia Long quy định nghĩa vụ đồng cư của người chồng: “Nếu người chồng mất tích hoặc bỏ trốn 3 năm không về, người vợ được phép trình quan xin cải giá và không phải hoàn trả lại đồ sính lễ”. Đến thời Thiệu Trị có quy định lại như sau: “Nếu chồng vô cớ 5 tháng không đi về với vợ thì người vợ có quyền đi tố cáo với quan và người chồng sẽ bị mất vợ, nếu họ đã có con cái với nhau thì cho thời hạn đó là một năm” [1; 62]. Pháp luật đã tạo cho người phụ nữ một lối thoát trong trường hợp người chồng và một lí do nào đó mà bỏ rơi họ.

Như vậy, quyền lợi của người phụ nữ trong những chế định về kết hôn được thể hiện ở chỗ: Người phụ nữ còn được ngang hàng với nam giới về mặt thời hạn đính hôn, về hiệu lực của đính hôn thậm chí nếu nhà trai vi phạm còn bị xử phạt nặng hơn; Nghĩa vụ đồng cư không chỉ bắt buộc với người phụ nữ mà còn cả với người đàn ông, buộc họ phải có trách nhiệm quan tâm đến gia đình, một khi họ không để ý đến vợ con, người vợ có thể tái giá mà không bị một sự trừng phạt nào.

2. Quyền lợi của người phụ nữ trong những chế định về li hôn và phân chia tài sản

Li hôn là sự chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa người vợ và người chồng khi họ đang còn sống. Trong pháp luật triều Nguyễn cũng đặt ra quy định về những nguyên cớ người chồng có thể rẫy vợ, đó là khi người vợ phạm vào thất xuất (bảy trường hợp chồng có thể bỏ vợ). Tuy nhiên, nếu người vợ ở vào một trong các tình huống sau thì người chồng không được phép bỏ vợ, đó là người vợ đã để tang cha mẹ chồng được ba năm; khi lấy nhau thì nghèo hèn, về sau cùng làm ăn trở nên giàu có; khi lấy nhau còn có bà con, lúc bỏ nhau người vợ không có bà con để trở về. Như vậy, có thể thấy pháp luật cũng tính đến những trường hợp không may của người phụ nữ khi bị chồng ruồng bỏ. Bên cạnh đó, nếu người chồng có quyền được rẫy vợ khi vợ phạm vào thất xuất, thì pháp luật cũng chỉ ra những trường hợp người vợ có quyền được trình quan cho phép cải giá mà không phải nộp phạt. Theo điều 108 Luật Gia Long, người vợ có thể cải giá nếu người chồng bỏ đi ba năm, hoặc theo đạo dụ thời Minh Mệnh hay Thiệu Trị đó là sau năm tháng hoặc 1 năm nếu người vợ đã có con. Trong Hoàng triều khai định luật lệ chỉ rõ nếu người chống đã bỏ lững vợ và người vợ đi lấy chồng khác mà còn bắt lại vợ thì phải xử tội biếm. Điều 108 luật Gia Long cũng giải thích rõ: “khi người chồng bỏ nhà, người vợ không nơi nương tựa, không biết chồng sống chết thế nào mà cũng không hay kì hạn người chồng trở về. Nếu bắt người vợ phải thủ tiết, chờ đợi mãi thực là không hợp với nhân đạo”[1; 84].

Khi đã li hôn, luật Gia Long cũng quy định rằng nếu người mẹ sau khi li hôn tái giá hay không thì khi người mẹ chết người con (ở với cha) vẫn phải để tang một năm, nghĩa là không phải bắt đoạn tuyệt tình mẫu tử.

Về việc phân chia tài sản của vợ chồng sau khi một trong hai người chết đi, Quốc triều tân luật của vua Minh Mệnh quy định: nếu người vợ chết trước thì tài sản thuộc về người chồng quản lí, ngược lại nếu người chồng chết trước tài sản được giao cho người vợ quản lí, nếu người vợ có con thì khi người vợ chết giao lại tài sản đó cho con, nếu người vợ chưa có con và không cải giá thì tài sản gồm cả tài sản cha mẹ chồng cho người chồng đều thuộc về người vợ hưởng dụng, sau khi người vợ chết tài sản đó được chia đôi, một nửa thuộc về gia tộc người chồng, một nửa thuộc về gia tộc người vợ, cả hai gia tộc đều dành 1/10 tài sản đó để lập tự, còn lại gia tộc chia nhau. Ngoài ra nếu người chồng có nhiều vợ, khi người chồng chết, pháp luật vẫn có sự quan tâm nhất định với từng người vợ. Cụ thể là nếu người vợ trước có con, vợ sau không có con thì gia sản được chia làm ba phần, con người vợ trước được hưởng hai phần, vợ sau được hưởng một phần dùng để dưỡng lão suốt đời, sau khi chết được giao lại cho người con vợ trước. Nếu người vợ trước có hai con trở lên thì người vợ sau không có con được hưởng một phần như những người con khác của người vợ trước. Nếu người vợ trước có con và cùng chồng lập điền sản, người vợ sau không con và không tạo lập điền sản thì khi người chồng chết, tài sản đó được chia thành hai phần một nửa giao cho người vợ trước, phần còn lại sẽ chia cho người vợ sau một phần để dưỡng lão, khi chết phần này giao cho người vợ trước. Trong trường hợp hai vợ chồng có con nhưng một người chết trước và con cũng chết thì điền sản riêng của  người vợ được chia thành ba phần, hai phần cho người chồng, một phần cho người thờ tự, nếu cha mẹ người vợ còn sống thì tài sản đó chia thành hai phần, một cho người chồng và một cho cha mẹ. Nhìn chung trong việc phân định tài sản khi một trong hai người phối ngẫu mất đi đã được pháp luật quy định một cách khá chu đáo. Trong tất cả các trường hợp bao giờ người ta cũng đảm bảo cho người phụ nữ được cấp dưỡng tuổi già và để lại nếu họ có con cái, thậm chí gia tộc bên nhà gái vẫn được hưởng gia sản của người con gái dù đã lập giá thú và nay đã chết đi. Tinh thần của những chế định về phân chia tài sản trên đây cho thấy quyền làm chủ tài sản của người phụ nữ trong gia đình ngang hàng với người đàn ông. Điều đó cũng làm nổi bật vai trò của người phụ nữ trong gia đình không kém phần quan trọng.

Trong việc phân định tài sản giữa những người con sau khi cha mẹ chết, pháp luật triều Nguyễn tỏ ra khá công bằng giữa con trai và con gái. Trong những tài sản của cha mẹ để lại có một phần là thừa kế hương hỏa thường giao cho người con trai trưởng trông nom để lo việc thờ tự cho cha mẹ. Khi không có con trai thì có thể giao cho người thân thuộc có đủ điều kiện. Khi gia đình tuyệt tự không có người kế tự thì người con gái có thể thừa kế.

Đối với phần tài sản thông thường, nếu người chồng chết mà người vợ vẫn thủ tiết thì phần tài sản đó vẫn do người vợ quản lí, chỉ khi nào người mẹ chết thì con cái mới được phân chia tài sản. Việc phân chia tài sản cho con cái được Lệ 1 điều 83 Luật Gia Long quy định như sau: “Ngoại trừ phẩm tước tập ấm thì phải theo nguyên tắc là con trai và phân biệt giữa dòng đích và dòng thứ, trước hết phải chọn con cháu ngành trưởng dòng đích còn đối với việc phân chia gia tài và ruộng đất  của người chết được chia đều cho các con không phân biệt con vợ cả, vợ thứ hay nàng hầu. chỉ căn cứ vào tổng số con cái mà thôi.” [1;130]. Những chế định trên cho thấy trong phân chia tài sản của người chết không có sự phân biệt con trai, con gái, con vợ cả, vợ lẽ, con nàng hầu ngoại trừ thừa kế tập ấm, quan tước. Thậm chí trong trường hợp gia đình tuyệt tự thì con gái cũng có quyền được hưởng phần tài sản để lập tự.

Từ những điều đã trình bày trên cho phép chúng ta nhìn nhận lại pháp luật triều Nguyễn  trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. So với bộ luật Hồng Đức, những quyền lợi của người phụ nữ không hề bị xóa bỏ mà còn được minh thị hơn, đầy đủ hơn. Từ đó, chúng ta sẽ có cách nhìn thỏa đáng hơn với pháp luật triều Nguyễn nói riêng và với cả triều đại phong kiến này nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Huỳnh Công Bá, Hôn nhân và gia đình trong pháp luật triều Nguyễn, NXB. Thuận Hoa, Huế, 2005.

2.     Nguyễn Việt Hương (cb), Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB. Giáo dục, 1998.

3.        Đinh Xuân Lâm (cb), Đại cương lịch sử Việt Nam, Tập II, NXB Giáo dục, 2005

4.        Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỉ XIX (1802- 1884), NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

5.     Nguyễn Q. Thắng, Lược khảo Hoàng Việt luật lệ (Tìm hiểu luật Gia Long), NXB. Văn hóa thông tin, 2002



[1] Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam, giảng viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Thủ Dầu Một.

Phan Thị Lý


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24413755