Lịch sử Việt Nam

TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” - CẨM NANG VỀ XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA GIÁO VIÊN HIỆN NAY

  • Đặng Hoàng Sang
  • 04/07/2023

1. Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và những chỉ dẫn về xây dựng phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu giải phóng dân tộc, mang dấu ấn sâu đậm trong sự phát triển của đất nước và nhận loại. Suốt quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam rất nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết kết tinh những giá trị cao quý của dân tộc và thời đại. Trong đó, Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm có tầm vóc như một văn kiện quan trọng, tài sản tinh thần vô giá thể hiện sâu sắc tư tưởng lớn của Người về xây dựng phong cách làm việc  để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Tháng 10/1947, với bút danh X.Y.Z., Hồ Chí Minh hoàn thành tác phẩm Sửa đổi lối làm việc. Sang năm 1948, tác phẩm này được nhà xuất bản Sự thật cho xuất bản lần đầu tiên để phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên. 

Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước và công tác xây dựng Đảng đang đặt ra những yêu cầu mới. Sau hơn một năm gian nan chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến của ta gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể đã rút khỏi Hà Nội, chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn; song, so sánh lực lượng giữa ta và địch còn khá chênh lệch, quân Pháp vẫn giữ vị thế chủ động trên chiến trường. 

Trong khí đó, tháng 3/1947, Chính phủ Pháp cử Bollaert sang Đông Dương làm Cao ủy thay cho D’Argenlieu để thực hiện âm mưu mới là tập hợp lực lượng, dựng lên một chính quyền bù nhìn tay sai và đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta. Bollaert tuyên bố không công nhận Việt Nam độc lập thống nhất, không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam . Theo đó, một kế hoạch tiến công lên Việt Bắc được chúng vạch ra, âm mưu giành thắng lợi quân sự, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Tuy chiến đấu trong điều kiện bất lợi, nhưng với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” , quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, từng bước đẩy lùi cuộc tiến công của quân Pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là yếu tố quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ, vì thế Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đảng từ năm 1945 - 1947, trong thực tế đã bộc lộ  

Những cán bộ và đảng viên các nơi, hoặc chỉ nghiên cứu qua loa, hoặc nhận thấy khuyết điểm rồi nhưng không cố gắng sửa chữa” , làm giảm uy tín của Đảng trong nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. Chính vì lẽ đó, dù bận trăm công nghìn việc nhưng “ngay khi bước vào cuộc kháng chiến không cân sức chống quân xâm lược Pháp, Người vẫn dành thời gian viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc nhằm xây dựng một đời sống mới với lối làm việc mới cho một chế độ xã hội mới” .

Tác phẩm gồm 6 phần: (1) Phê bình và sửa chữa; (2) Mấy điều kinh nghiệm; (3) Tư cách và đạo đức cách mạng; (4) Vấn đề cán bộ; (5) Cách lãnh đạo; (6) Chống thói ba hoa . Trong mỗi mục lớn có nhiều mục nhỏ được sắp xếp theo trật tự chặt chẽ, bảo đảm tính logic, chỉnh thể của một tác phẩm lý luận.

Những nội dung Người huấn dạy hết sức cần thiết, phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài như là một quy luật tồn tại và phát triển của đảng cách mạng chân chính. Để Đảng thực sự xứng tầm là đảng cầm quyền và tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá dân tộc, ngoài vấn đề phải ngăn chặn, đẩy lùi những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng, thì việc xây dựng cho mỗi cán bộ, đảng viên một phong cách làm việc khoa học, dân chủ cũng được Người chỉ dẫn rất cụ thể trong Sửa đổi lối làm việc. Đó là một chỉnh thể bao gồm phương pháp, cách thức làm việc có tính khoa học, hệ thống, được thể hiện chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Để lề lối làm việc được khoa học, Người đã chỉ rõ ba khuyết điểm, căn bệnh thường thấy của cán bộ, đảng viên là chủ quan, hẹp hòi và ba hoa cần phải sớm được tiêu trừ. Theo Hồ Chí Minh, mỗi chứng bệnh là một kẻ thù của Đảng phá hoại từ trong phá ra. Cho nên, nó rất nguy hiểm, phải ra sức đề phòng, chữa một cách triệt để những chứng bệnh đó. Phương pháp hữu hiệu nhất để chữa lành những căn bệnh trên là mỗi cán bộ, đảng viên “phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình” .

Hồ Chí Minh cho rằng, “đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu” . Do đó, trong cách làm việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn rèn luyện cả đức lẫn tài, xây dựng phong cách làm việc quần chúng, dân chủ, khoa học để không phạm phải những khuyết điểm, sai lầm như đã nêu, bởi vì họ luôn là người đi đầu, gương mẫu và quyết định trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng. Người còn dạy rõ: “Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều” . Nghiêm trọng hơn là “tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân” . Rõ ràng, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên chính là “hồn cốt” để xứng đáng trở thành người đại diện cho sức mạnh trí tuệ, đạo đức của Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam. 

2. Sửa đổi lối làm việc - bài học về xây dựng phong cách làm việc của giáo viên hiện nay

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, thì việc mỗi cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên hiện nay nghiên cứu và học tập tác phẩm Sửa đổi lối làm việc để xây dựng cho mình phong cách làm việc theo sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Thứ nhất, xây dựng phong cách làm việc quần chúng.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ rõ cán bộ, đảng viên phải luôn đặt câu hỏi: “vì ai mà làm, đối ai phụ trách… Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ mọi cách giải thích cho họ hiểu rằng, những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm” . 

Soi chiếu lời dạy trên của Người, giáo viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình rất lớn lao. Chúng ta đều biết rằng, học tập là hoạt động sống hướng người học tới tri thức, kỹ năng, hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách. Song, không phải học sinh nào cũng thấy rõ mục đích của việc học tập, vì đa số các em không xác định được động cơ để học tập. Trong quá trình học tập, giáo viên chính là người dẫn dắt, học sinh sẽ tự mình hình thành động cơ học tập đúng đắn, lành mạnh. 

Trong mỗi giờ học, người thầy cần chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động, tạo không khí học tập sôi nổi, hăng hái, thoải mái để phát huy tinh thần dân chủ ở các em. Thông qua tổ chức cho học sinh tự phát hiện ra cái mới, cách giải quyết sáng tạo nhiệm vụ học tập, có những trải nghiệm hữu ích qua học tập dần dần làm phát sinh nhu cầu của học sinh về tri thức khoa học, nhu cầu giải quyết các vấn đề trong học tập, ứng dụng trong cuộc sống. Học tập ngày càng trở thành nhu cầu, niềm vui không thể thiếu của học sinh. Qua đó, học tập biến thành động cơ và bắt đầu định hướng cho các hoạt động học tập cụ thể, là động lực thúc đẩy cho học sinh vượt qua các khó khăn, nghịch cảnh trong quá trình học tập. Điều đó có nghĩa là học sinh đã hiểu được việc học này là “vì lợi ích của ai”, từ đó không còn thấy sự học là một “cực hình”, mà “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đối với các em.

Trách nhiệm của người giáo viên không chỉ là dẫn dắt học sinh trong học tập, mà còn phải biết lắng nghe, hiểu chính học trò của mình từ tính cách, năng lực và cả hoàn cảnh gia đình. Để làm được điều đó, giáo viên phải thật sự gần gũi, quan tâm học sinh và đặc biệt là phải biết lắng nghe học trò của mình. Về việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói. Không chỉ dạy qua lời nói, với tư cách là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Người thường xuyên dành thời gian đi thực tế về các địa phương thăm hỏi, lắng nghe ý kiến nhân dân, để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân hơn, từ đó có những quyết sách phù hợp với lợi ích của dân chúng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải “luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng” , “từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”; cũng giống như giáo viên phải biết học sinh mình muốn gì, cần gì, thiếu gì để tìm cách giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất chăm lo các em đến trường học tập. Người dạy: “Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và hàng triệu dân chúng” . Trong nhà trường thì mọi hoạt động giáo dục đều nhằm phục vụ lợi ích học tập của học sinh, “tất cả vì học sinh thân yêu”. 

Nếu giáo viên làm tốt lời dạy trên của Người sẽ có ý nghĩa giáo dục rất lớn, tạo nên sự gắn bó mật thiết, tình cảm sâu đậm giữa thầy và trò, để quá trình dạy và học được thuận lợi và thành công tốt đẹp.

Thứ hai, xây dựng phong cách làm việc dân chủ.

Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là mọi người dân được làm chủ nước nhà, đó là “chìa khóa vạn năng” để khơi dậy tính sáng tạo của nhân dân, huy động và sử dụng nguồn lực nhân dân vào các lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động khác nhau, bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ trên cơ sở phát huy dân chủ, mọi cán bộ, đảng viên mới có thể bày tỏ hết ý kiến, sử dụng trí tuệ tập thể, tránh được bệnh chuyên quyền, độc đoán. 

Trong quá trình lãnh đạo, Người vạch rõ thực trạng “cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì? Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực” . Muốn giải quyết triệt để hạn chế này “cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra” , khẩu hiệu được Người nêu cụ thể là: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái” . 

Từ thực tiễn giáo dục hiện nay ở trường phổ thông, việc phát huy dân chủ trong dạy và học có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học. Trong dạy học, mọi ý kiến khác nhau cần được thảo luận dân chủ, thẳng thắn và giáo viên phải là người điều hành cũng như kết luận lại những vấn đề thảo luận. Ngoài việc nâng cao nhận thức cho học sinh, điều quyết định bảo đảm thực hiện dân chủ trong dạy học một cách hiệu quả đó là phải có phương pháp đúng, có những quy định cụ thể và phải công bằng trong hoạt động dạy học. Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải cho học sinh thấy được dân chủ và phát huy tinh thần dân chủ là quyền và nghĩa vụ của người học nhằm xây dựng một môi trường học thuật, giáo dục và xã hội dân chủ thực sự.

Hồ Chí Minh khuyên rằng, khi giữ chức vụ, công việc nào đó, cán bộ, đảng viên “không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới” . Điều này càng đúng đối với cấp quản lý giáo dục trong việc phát huy phong cách làm việc dân chủ trong các cơ sở giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần dân chủ trong công việc, mọi việc lớn nhỏ đều cùng tập thể bàn bạc, thảo luận để đi đến thống nhất. Người cán bộ quản lý và giáo viên nếu làm tốt được vấn đề này thì dân chủ trong trường học, lớp học sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, giáo dục sẽ môi trường thuận lợi để dân chủ được thực thi.

Có thể nói, học tập theo Hồ Chí Minh về phong cách làm việc dân chủ không chỉ là mục đích phấn đấu, là quyền của thầy và trò mà còn là cách lãnh đạo, là phương thức để nhà trường, lớp học ra các quyết định liên quan đến hoạt động sư phạm cho đúng đắn, phù hợp.

Thứ ba, xây dựng phong cách làm việc khoa học.

Xuất phát từ đặc điểm nước ta là một nước thuần nông, điều kiện, hoàn cảnh lại có nhiều biến cố khó khăn, nên cách làm việc của chúng ta theo kiểu “làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn” . 

Hơn nữa, khi chính quyền vừa mới thành lập, tình hình đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, một số cán bộ, đảng viên lại mắc căn bệnh ỷ lại, lười biếng, “không chịu nghiên cứu rõ ràng” các nghị quyết, không phổ biến kịp thời các mệnh lệnh, nghị quyết cấp trên, mà “cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát, nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần” . 

Thấy được những hạn chế đó trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo viên ở trường phổ thông cần xây dựng cho mình phong cách làm việc khoa học thật sự để đáp ứng được sự nghiệp giáo dục đổi mới căn bản và toàn diện hiện nay. Giáo viên cần theo sự những chỉ dẫn của Người để có phong cách làm việc hiệu quả, mang lại hiệu suất cao trong công việc. Trong mỗi giờ học, người thầy cần chủ động, sáng tạo trong việc thiết kế, tổ chức các hoạt động, tạo không khí học tập sôi nổi, hăng hái, thoải mái để phát huy tinh thần học hỏi ở các em. Yêu cầu giáo viên cần nghiên cứu một cách kỹ càng, cụ thể: nghiên cứu, soạn giảng thật kỹ trước khi lên lớp, suy nghĩ các phương pháp giảng cho thật phù hợp với từng đối tượng học sinh khác nhau. Tránh tình trạng soạn giảng chưa chu đáo, dẫn đến truyền đạt kiến thức không đầy đủ hoặc không trọng tâm.

Người còn dạy, bất kỳ công việc gì muốn thành công thì chúng ta phải nghiên cứu đến tận cội rễ, phân tích rõ ràng rồi kết luận. “Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới” . Ở đây có thể hiểu là khi giáo viên có phong cách làm việc khoa học thì sẽ có được sản phẩm đầu ra là học sinh thành công, tạo động lực cho người thầy thêm niềm tin vào sự nghiệp trồng người đầy cao cả.

Thêm vào đó, giáo viên phải làm việc có kế hoạch rõ ràng, chi tiết, sắp xếp kỹ lưỡng các công việc hợp lý, đi từ nhỏ đến lớn, không nên tham lam, phải phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế. Đối với mọi vấn đề càn có sự so sánh, phân tích cụ thể. Đó chính là những lời dạy vàng ngọc của Người dành cho cán bộ, đảng viên mà giáo viên hiện nay có thể học tập để có cách làm việc khoa học, tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong môi trường giáo dục.

Có thể nói, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất cụ thể sự đối lập giữa cách làm việc khoa học đối lập hoàn toàn với cách thức làm việc mang nặng cảm tính, chủ quan, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tùy tiện, không có kế hoạch. Người làm công việc đưa đò càng phải khắc sâu lời dạy của Người: “Phải suy tính cho kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy” . 

3. Tạm kết

Mặc dù đã hơn 75 năm trôi qua, nhưng tư tưởng về xây dựng phong cách làm việc của người cán bộ, đảng viên trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vẫn còn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc. Đối với ngành giáo dục, việc học tập và làm theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần đẩy lùi những khuyết điểm, hạn chế trong môi trường sư phạm, khắc phục những căn bệnh: chủ quan, ba hoa, hẹp hòi của một vài giáo viên. Chỉ khi nào những căn bệnh đó được khắc phục thì giáo viên mới có khả năng trở thành một người thầy gương mẫu trước mắt học trò và sẽ thực hiện tốt được vai trò của mình trên bục giảng.

Theo tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản hiện nay, chúng ta cần phải nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó người thầy đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Do đó, xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh với đầy đủ phẩm chất, năng lực, có phong cách làm việc thật sự dân chủ, quần chúng và khoa học để không những khẳng định tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc, mà còn góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước.

Đặng Hoàng Sang


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24408598