Lịch sử Việt Nam

NGHĨ VỀ BÁNH MÌ SÀI GÒN

  • Nguyễn Thanh Lợi
  • 04/07/2023

Từ vị thế lịch sử của mình Sài Gòn đã là nơi hội tụ các dòng chảy văn hóa, cả trong và ngoài nước, trong đó có văn hóa ẩm thực với những biểu hiện rất phong phú. Bánh mì du nhập từ phương Tây vào đô thị Sài Gòn là một trường hợp điển hình cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa đó.

VÀI DÒNG LỊCH SỬ

Sau cuộc viễn chinh chiếm thành Gia Định của thực dân Pháp (1859), bánh mì đến gần hơn với người dân. Từ chỗ chỉ là một món ăn chơi bánh mì được dùng như bữa cơm hàng ngày trong hành trình hơn 160 năm trên mảnh đất Việt. Bánh mì đã trở thành một trong những nét đặc trưng không thể thiếu được trên bản đồ ẩm thực ở xứ ta.

Khởi thủy của bánh mì tại Việt Nam chính là Sài Gòn với bánh mì baguette của người Pháp mang đến vào đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1975, những lò nướng bằng gạch truyền thống của người Pháp vào thập niên 1950 - 1960 đã không đủ khả năng đáp ứng với lượng cầu ngày càng tăng tại Sài Gòn, một số lò nướng bằng điện và loại “bánh mì lò thùng phuy” được chế biến từ những thùng phuy lớn loại 200 lít đã ra đời.

Người Sài Gòn đã cải biên, chế biến chiếc bánh baguette của phương Tây thành bánh mì đặc trưng của Sài Gòn với chiều dài ngắn hơn, chỉ khoảng 30 - 40 cm. Ổ bánh mì biến chế và thêm nhân thịt, trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người Việt Nam. Thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau (Anh Quân Bakery, không rõ năm).

Bà Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1952), chị thứ ba trong gia đình cho biết, năm 1960, lúc chị đang học lớp 3 bán trú ở Trường Thánh Mẫu gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh nay), rất ấn tượng với bánh mì “con cóc”, chỉ nhỏ bằng nửa gang tay. Bánh có vị hơi ngọt, chút mặn vì có muối và đường pha trong bột, ngoài lớp màu vàng phết bên ngoài. Lúc ấy chỉ mua ăn không mà vẫn thấy ngon. Còn trên đường Hàng Sanh (đường Bạch Đằng ở quận Bình Thạnh nay), những người bán bánh mì từ 4 - 5 giờ chiều đã đạp xe len lỏi vào những con hẻm nhỏ bán bánh. Bánh lúc ấy có mùi thơm, vỏ dày hơn bánh bây giờ, gần giống bánh mì baguette. Người thợ rạch bánh bằng dao lam, có bình xịt nước cho bánh có màu vàng cho đẹp. Ở lớp học bán trú ấy của chị, cứ khoảng 2 tiết là đến lượt ra chơi, nhà trường phát cho nửa ổ bánh mì do Hội Caritas tài trợ. Bánh dài 4 - 5 tấc, màu hơi xám, đặc ruột, dẻo, để 2 - 3 ngày ăn vẫn được, gọi là “bánh mì lò đầu”. Ngày ấy học sinh ít ăn, do nhà nào cũng đầy đủ, nên có bữa chị tôi xách về nhà cả giỏ lác bánh mì dư, hấp lại ăn với nước mắm.

Bánh mì bán tại bến xe. Nguồn: Quốc Việt, 2022

Vào khoảng những năm 1965 - 1970, má tôi bán bánh mì ở chợ Phú Xuân (chợ Thị Trấn của huyện Nhà Bè nay). Cứ khoảng 4 giờ sáng là chị Hai (sinh năm 1948) và chị Ba tôi đến lấy bánh mì ở lò bánh mì chị Muối. Đây là lò bánh mì duy nhất của một người Hoa họ Tăng (gốc Quảng Đông) ở Phú Xuân, hoạt động cho đến những năm sau giải phóng, ngưng khi ông chủ đi Pháp. Hồi nhỏ tôi thỉnh thoảng cũng sang lò mua một vài ổ về cho gia đình. Nhìn những người thợ nhào nặn cục bột, ngắt thành những cục bột nhỏ vừa trọng lượng với cái bánh, để lên khay nướng, trông thật điệu nghệ. Lắm khi mồ hôi của họ nhễ nhại rơi trên khay bánh. Cái mùi thơm phức của những mẻ bánh mì vừa ra lò khiến tôi không thể nào quên được. Ban đầu là những lò nướng bằng củi, rồi sau mới đến bằng lò điện. Anh Tư của tôi còn nói là bánh mì nướng củi bao giờ cũng ngon hơn lò điện.

Má tôi chỉ bán bánh mì phá lấu, cá hộp, mỗi ngày trên 100 ổ, vì thịt của bà ram ngon, giá lại rẻ. Xe bánh mì đặt trước nhà bà Tám Đến, ở đầu chợ. Ổ bánh mì baguette dài cả mét được má cắt ra làm tư để bánh cho khách. Với những người khó khăn như công nhân trồng trụ điện lúc bấy giờ, họ chỉ có thể mua được ở bánh mì không, thì bà còn chan nước phá lấu, để mấy miếng dưa leo vào để họ lót dạ.

Những năm 1977 - 1978, là thời điểm đất nước ở trong hoàn cảnh đói kém do mất mùa, bị cấm vận. Các hộ phi nông nghiệp ở miền Nam được phân phối 13kg lương thực trên đầu người theo giá thương lượng cho mỗi sổ hộ khẩu, trong đó có bột mì do Liên Xô viện trợ. Ai không ăn thì bán lại cho các lò làm bánh mì. Người dân pha bột gạo với bột mì để làm bánh, do thiếu bột nổi, nên chiếc bánh mì cứng ngắc. Bánh lúc này nướng trong các lò củi làm bằng thùng phuy, men bột không ngon. Ở thời điểm ăn độn này, các gia đình phải ăn bánh mì hấp với cơm.

 

Xe bánh mì ở Kon Tum năm 1968 (ảnh tư liệu)

Chị Ba tôi kể, vào khoảng năm 1976 - 1977, chỗ bến xe lam sau Bệnh viện Sài Gòn có mấy bà gốc Bắc bưng thúng bánh mì bán dạo với các loại chả lụa, chả quế, chả chiên, muối tiêu, dưa leo. Chả miếng nào miếng nấy dày cui, đúng phong vị xứ Bắc, giá cả không rẻ nhưng ưng cái bụng của khách sành ăn.

Đối với người dân quê ở các tỉnh, kể cả ngoại thành của Sài Gòn, thì bánh mì Sài Gòn luôn là một thứ quà “đắt giá” bởi độ thơm ngon, phồng của nó. Dọc đường xa lộ (đường Điện Biên Phủ nay), đoạn từ cổng chào đến cầu Văn Thánh, tôi vẫn nhớ như in, nhiều giá bày những ổ bánh mì to dọc đường (chỗ cây xăng đối diện Trường Đại học HUTECH ngày nay) để bán cho khách đi xe ra miền Đông (Bà Rịa, Ngãi Giao, Cẩm Mỹ, Vũng Tàu), miền Trung. Ổ bánh dài 6 tấc, bề ngang 1,5 tấc. Người bán bánh cặp cái giỏ cần xé đựng bánh nhảy lên xe rao bán và nhiều người mua về làm quà cho người thân. Thậm chí họ còn chạy theo với đưa cho khách cho đến tận cầu Văn Thánh, chị Hai tôi kể. Những lần lên nhà chị tôi cũng thấy điều đó. Cái cảnh tượng đó ở bến xe Chợ Lớn, Miền Tây hay các bến phà về miền Tây cũng tương tự. Nhà chồng chị Ba tôi ở Thủ Đức, mỗi khi có người lên nội thành mua về mấy ổ bánh mì thiệt to, bà mẹ chồng nấu nồi vịt kho chao, hai ba nhà trong xóm xúm lại ăn. Mấy đứa nhỏ dùng bánh mì quét sạch chảo mà vẫn còn thòm thèm.

Đầu thập niên 1990, bà con người Sài Gòn ùn ùn kéo lên siêu thị Cora ở ngã ba Vũng Tàu, cốt để mua cho được vài “cây gậy”, tức cái bánh mì baguette trong siêu thị của Pháp mới mở ở miền Nam. Có người ăn luôn tại chỗ bởi cái vị thơm ngon của nó, sau một thời gian dài đất nước bị đóng cửa, người dân thiếu thốn đủ thứ, trong đó có cái ăn. Hiện nay các siêu thị như Metro có bán loại bánh này với giá khá rẻ, vỏ, ruột có độ dày vừa phải, bột ngon, để đến hôm sau vẫn được, như kiểu bánh mì Như Lan hiện nay.

Vào tháng 7/2021, khi thành phố siết chặt phong tỏa trong cơn đại dịch, thì người dân thành phố đã biết cách làm bánh mì bằng lò nướng tại nhà. Mọi người í ới chỉ nhau cách làm bánh trên mạng hoặc khoe thành quả sau khi làm được. Chỗ thị trấn Nhà Bè nơi tôi ở, lò bánh mì ở ngoài đường Huỳnh Tấn Phát vẫn hoạt động “lén lút”, làm bánh mì, kẻ ra vô thập thò như ăn trộm. Mấy hộ trong xóm nhờ xe ôm “vượt rào” để lấy bánh từ bên đường Phạm Hữu Lầu (quận 7) đem về bán. Mấy giỏ bánh để trước nhà, canh công an tới là dọt. Xem thế đủ biết bánh mì là món ăn quen thuộc đối với người Sài Gòn cỡ nào!

SÀI GÒN - “KINH ĐÔ” CỦA BÁNH MÌ VIỆT NAM

Sài Gòn là mảnh đất đã hội tụ đủ các dòng bánh mì khắp cả nước, bánh mì du nhập từ các nước với đủ các loại biến tấu, từ bình dân đến cao cấp.

Thành phần “nhân” của ổ bánh mì Sài Gòn gồm:

- Nguồn gốc động vật thì có heo quay, gà quay, vịt quay, thịt băm hầm, xá xíu, xíu mại, patê gan, lạp xưởng, xúc xích kiểu Việt Nam, thịt gà, cá mòi, phô mai, trứng rán, chả, thịt nguội, bì, bơ, mỡ hành v.v…

- Các loại rau: dưa leo, ngò, đồ chua, hành tây, húng thơm v.v…

-Nước sốt, gia vị: nước mắm, nước tương, tiêu, nước sốt, bột canh, tương ớt, mayonnaise v.v…

Nếu phân loại theo thức ăn kèm bên trong thì có: bánh mì thịt, bánh mì chả lụa, bánh mì chả bò, bánh mì xá xíu, bánh mì pate, bánh mì ốp la, bánh mì bì, bánh mì chà bông, bánh mì cá mòi, bánh mì phá lấu, bánh mì chả cá, bánh mì mỡ hành, bánh mì kem, bánh mì trái cây…

 

Xe bánh mì ở quận 3. Ảnh Phí Thành Phát

Theo hình dáng, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu chế biến thì có bánh mì que, bánh mì cóc, bánh mì gối, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ (có hình que, trụ thon dài, bên trong là hành phi, ớt, bơ, nước sốt đặc trưng), bánh mì thanh long , bánh mì rễ tre (bánh mì đen), bánh mì ngọt, bánh mì bơ (bán nhiều ở bến xe, bến phà, dọc đường).

Theo kiểu ăn thì có bánh mì bò kho, bánh mì cari, bánh mì chảo, bánh mì 1 phút 30 giây (thực chất là nướng, gồm hambuger, pita, sandwiches), bánh mì hamburger.

Theo kiểu chế biến thì có bánh mì hấp, bánh mì sấy, bánh mì thịt nướng, bánh mì tươi.

Theo địa danh thì có bánh mì Má Hải (Vũng Tàu), bánh mì chả cá Nha Trang, bánh mì que (Hải Phòng), bánh mì pate (Pleiku)…

Bánh mì từ thiện: bánh mì không đồng rải rác ở các góc phố, giúp cho người nghèo đỡ bữa, và nó ra đời mạnh mẽ nhất từ sau dịch bệnh Covid. Những người tổ chức bữa ăn sáng từ thiện này cũng là người lao động, không phải giàu có gì nhưng tấm lòng của họ luôn rộng mở trong việc chia sẻ với cộng đồng. Bánh mì là món ăn tiện lợi, dễ chế biến, không phải quá đắt, giúp cho họ thực hiện việc đó được thuận lợi. Thường là bánh mì chay, có khi chỉ là những ổ bánh mì không nhưng cũng đủ ấm lòng người nhận. Nhiều lò bánh mì vẫn được phép sản xuất khi phong tỏa thành phố, nhằm phục vụ cho các lực lượng chống dịch.

Bánh mì Sài Gòn có mặt ở muôn nẻo đường phố, từ những cửa hàng sang trọng, danh giá như Như Lan, Brodard, Huỳnh Hoa… cho đến những xe bánh mì ở đầu hẻm, xe đẩy (bánh mì thịt nướng), xe máy, xe đạp bán dạo. Mấy năm trước dịch đêm đêm vẫn còn nghe tiếng rao trên đường phố: “Bánh mì Sài Gòn, 3 đồng 1 ổ”. Ở đó bạn có thể được phục vụ bánh mì chả lụa.

Những hàng thịt heo quay, vịt quay như ở đường Tạ Uyên (quận 11), đường Nguyễn Trãi (quận 5)… luôn bán kèm với bánh mì, bánh hỏi, khách khỏi phải đi đâu xa. Một số lò đồng thời cũng là cửa hàng bán bánh mì thịt tại chỗ. Hồi đó còn có phương thức bán không hết thì có thể trả lại cho lò, giống kiểu bán vé số bây giờ.

NHỮNG THƯƠNG HIỆU BÁNH MÌ Ở SÀI GÒN

Có lẽ chẳng có một tỉnh thành nào ở nước ta lại có đủ mặt các thương hiệu bánh mì, từ Bắc chí Nam, từ ta cho đến Tây, với đủ kiểu loại sang hèn.

Bánh mì bì trộn thính da heo, ăn dai dai, nước pha loãng có thêm tỏi ớt chan vào thấm ổ bánh mì. Nước chan bánh mì bì chua chua, ngọt ngọt, cay cay, đậm đà mùi thơm của nước mắm được nấu cho kẹo lại bằng cách cho nước dừa (nước lọc), đường đun sủi tăm, để nguội rồi cho nước mắm, bột ngọt, chanh, ớt băm nhuyễn. Bì phải chế biến từ thịt tươi, cắt mỏng như cọng giá ống, trộn với tính. Tiệm bánh mì mì bì của cụ bà ở góc đường Điện Biên Phủ - Mai Thị Lựu nổi tiếng, bà bán từ khi còn con gái.

Bánh mì chả bò cụ Lý ở hẻm 91 Hai Bà Trưng (phường 6, quận 3) là bánh mì miền Bắc di cư sau năm 1954, trải qua 3 đời. Bánh mì chỉ gồm chả bò, thìa là, dưa leo, hành tây sống, tiêu, ớt, nước tương mà lúc nào cũng đông khách.

Bánh mì hấp là món đặc sản của miền Nam. Bánh được phủ bởi thịt bò xào cần tây, mỡ hành, đậu phộng giã, ăn với rau xanh, chấm nước mắm chua ngọt. Quán chị Thông ở số 187 Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) là địa chỉ quen thuộc của thực khách nghiện món này.

Bánh mì phá lấu có mặt ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Các “môn đệ” của món này có thể tìm thấy những gian hàng bán ở khu vực chợ Cũ, ngã tư Lê Lợi - Pasteur vào mỗi buổi chiều. Phá lấu bò thì có xe bánh mì của A Lý trước đình Phú Hòa (ngã ba Trần Quang Khải - Bà Lê Chân, quận 1). Bánh mì phá lấu có “nhân” là tai heo, xá xíu, lòng, bao tử, rau răm, dưa leo thái miếng dài và dày. Đến thập niên 1990, có phá lấu bò nấu nước cốt dừa chấm bánh mì, như ở cổng sau trường Lê Quý Đôn vào buổi chiều. Buổi tối thì bán ở con hẻm nhỏ bên quận 4. Hồi cuối thập niên 1990 có nhiều xe bán bánh mì phá lấu ở khu vực hồ Con Rùa (Chu Thị Hồng Anh, 2012:179-183). 

Bánh mì pate Gia Lai với hiệu Huỳnh Gia mới xuất hiện ở Sài Gòn mấy tháng nay với 4 điểm bán ở đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), của thương hiệu Huỳnh Gia (Gia Lai), giá 25k. Ruột ổ bánh dồn chả bò, chả lụa heo rừng, pate, chan nước sốt thịt, tương ớt (rim gia truyền). Bánh dồn thịt rồi còn được “hâm nóng” trên bếp than trước khi gửi cho khách.

  

Bánh mì Pa Tê hương vị Pleiku. Ảnh Nguyễn Thanh Lợi.

Bánh mì Má Hải Vũng Tàu được định vị bởi chả cá biển, nước sốt tứ vị, rau răm, dưa leo, tương ớt. Ngoài bánh mì chả cá miếng, còn có bánh mì ốp la, chả cá trứng, chả cá sợi. Thương hiệu này đã có vài trăm đại lý khắp toàn quốc, phong cách phục vụ “3 phút nóng giòn”, đánh vào tâm lý người tiêu dùng “Cảm ơn bạn đã ủng hộ cá biển của ngư dân Việt Nam”. Giá cả vừa túi tiền của người lao động với các “phân khúc” 15-20k/ổ.

   

Bánh mì chả cá Má Hải đặc sản Vũng Tàu. Ảnh Nguyễn Thanh Lợi

Bánh mì que Đà Nẵng với 3.000 điểm bán trên toàn quốc cũng có mặt ở Sài Gòn từ năm 2015 với các loại bánh truyền thống (12k), xúc xích (15k), nem nướng (17k), thịt xông khói (17k), phô mai sợi (17k). Cùng với bánh mì que Hải Phòng, đang là “mốt” thời thượng của học sinh tiểu học, vì ổ nhỏ vừa đủ ăn, sự nóng giòn của nó, cùng vị béo của pate.

  

Bánh mì que Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi

GU BÁNH MÌ CỦA NGƯỜI SÀI GÒN

Nếu người miền Bắc thích chọn bánh mì với pate, giò lụa, jambon, ruốc; người miền Trung thích ăn bánh mì với chả bò, chả cá; người miền Nam ưng bánh mì với heo quay, xíu mại, bì sợi, thịt khìa; người Hoa chuộng bánh mì phá lấu, xá xíu, vịt quay, bò nướng. Ăn kiểu Tây thì bánh mì với pate, thịt nguội, trứng ốpla, bò bít tết; ăn kiểu Ấn thì bánh mì cari, lagu. 

Người Sài Gòn còn có kiểu “ăn độn”, tức ăn thêm với hủ tíu, phở, bánh canh… khi lượng “lương thực” trong tô đó không đủ dùng đối với những người có sức ăn hoặc muốn thay đổi khẩu vị thay vì ăn với giò quẩy. Trong khoảng những năm 2015-2018, với 10k tô hủ tíu nạc, 15k là hủ tíu xương, ăn kèm thêm ổ bánh mì (2k) chấm nước lèo trước ký túc xá, là no cả buổi sáng hoặc tối. Ở đó còn có xe bán cháo lòng, ăn mau no, ăn kèm thêm ổ bánh mì là ngủ khỏe luôn. Học xong trên trường hơn 4 giờ chiều, về trước cổng ký túc xá mua tô cháo, ổ bánh mì đem về phòng ăn, Phí Thành Phát nhớ lại hồi học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh.

Bánh mì cũng là món ăn không thể thiếu được trong tiệc cưới, đám giỗ, liên hoan, cúng đình, cúng miếu cũng đều có mặt, ăn với ragu, cari, bò kho là phổ biến ở vùng đất này.

Bánh mì là loại thực phẩm dễ ăn, có thể ăn với bất cứ gia vị, thực phẩm nào như đường cát, đường tán, bánh mì chấm sữa đặc, kem, trái cây (chuối, sầu riêng), lạp xưởng, xúc sích, cá, chan nước cá, nước tương, nước mắm, muối tiêu, nem… 

Bánh mì hamburger bán nhiều ở các cổng trường học, trong hệ thống nhà hàng như KFC, Lotteria, Mc Donald’s, Buger King… theo kiểu thức ăn nhanh.

Bánh mì là người bạn trung thành với giới học sinh, sinh viên, viên chức thu nhập thấp, người lao động. Sinh viên có thể mua vội 1 ổ bánh mì thịt, tranh thủ “gặm” trên xe bus khi đến giảng đường. Không ít lần tôi gặp cảnh những em học sinh (cấp 1, 2), ngồi sau xe cha mẹ, vừa đi vừa ăn miếng hamburger trên đường đến trường.

Khác với ở miền Bắc, miền Trung, người Sài Gòn có thể bánh mì sáng, trưa, chiều, tối; ăn chơi hoặc thay cơm. Một thầy giáo dạy sử ở Trường PTTH Lương Thế Vinh (quận 1, quê ở Cần Thơ) cho biết việc trải nghiệm bánh mì: “những khi ngán vị thịt thì chuyển sang bánh mì cá mồi, bánh mì chả cá, bánh mì với nem nướng, bánh mì ốp la, hay bánh mì không với sữa đặc Ông Thọ. Rất đa dạng về hương vị, nhiều lựa chọn cùng với đó là tính tiện lợi, bánh mì đã trở thành một món ăn không thể thiếu cho thực đơn 1 tuần của tôi cho đến hôm nay”.

Hai người con trai bạn đồng nghiệp của tôi, có thể ăn bánh mì suốt cả tháng, hoặc 3 bữa trong ngày (thay đổi món) đều được. Các loại bánh mì du nhập như bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ hấp dẫn giới học sinh bởi các vị béo như sốt mayonnaise, bơ. Hay có hương vị lạ như pate trong bánh mì que. Bánh mì mỡ hành ở Sài Gòn cũng nằm trong xu thế bắt trend của giới trẻ, một thời nổi đình nổi đám, bây giờ gần như tàn lụi.

Chú Hai bạn đánh cầu lông mỗi sáng của tôi, dân Hải Phòng cự ngụ nhiều năm ở Sài Gòn, mỗi tuần vẫn ăn 1 - 2 lần bánh mì thịt hay chả, có bỏ cả dưa leo, đồ chua, vốn là những thứ không có ở bánh mì miền Bắc.

TẠM KẾT

Bánh mì Sài Gòn du nhập từ phương Tây, trải qua một quá trình dài, nó đã tích hợp trong mình nhiều yếu tố văn hóa, biến đổi để thích ứng với cư dân của một đại đô thị. Đó là văn hóa của nhiều vùng miền, tộc người, từ ổ bánh “nguyên bản” bên trời Tây cho ra đủ chủng loại bánh mì, nhiều cách thức chế biến, thưởng thức và cả tính “triết lý” của nó, để cho ta một vùng “văn hóa bánh mì Sài Gòn”.

Ở mảnh đất này, do điều kiện lịch sử, cộng với đầu óc sáng tạo, cư dân Sài Gòn đã tạo ra một thế ứng xử hết sức hài hòa với một loại thực phẩm để làm nên sự đa dạng, tinh tế trong việc thưởng thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, đáp ứng gu ẩm thực của nhiều đối tượng khác nhau. Sự tiện lợi (“cơm tay cầm”), nhanh chóng, giá cả bình dân, dễ kết hợp trong việc “phối” các nhân bánh. Với giới trẻ nó cũng thể hiện trào lưu trong việc tiếp nhận các giá trị ẩm thực mới, phần nào đáp ứng nhu cầu có thực của thời đại.

Như vậy, Sài Gòn xứng danh là “thủ đô” của bánh mì của cả nước từ việc là nơi tiên phong, khởi phát loại thực phẩm này, cho đến độ mở gần như không giới hạn trong việc tiếp nhận những cái mới ở loại thực phẩm đường phố này. Một di sản ẩm thực xứng đáng được vinh danh bởi đóng góp của nó trên bản đồ ẩm thực thế giới!

Nguyễn Thanh Lợi


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24405818