Lịch sử Việt Nam

ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỔNG TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ BÌNH DƯƠNG

  • Nguyễn Văn Thương
  • 04/07/2023

Tổng là đơn vị trung gian giữa huyện và xã trong hệ thống hành chính được duy trì trong một thời gian dài dưới thời phong kiến Việt Nam. Trước thời kì Lê Sơ, tuyệt nhiên chưa từng thấy dấu tích nào của đơn vị hành chính này. Ở giai đoạn Lê Sơ, tổng cũng chỉ mới xuất hiện ở một vài địa phương. Sang thời Mạc, đơn vị hành chính tổng này tiếp tục được duy trì và mở rộng hơn. 

Tổng ở thời Lê Sơ và Mạc xuất hiện gắn với nhu cầu các hoạt động tín ngưỡng khá sôi nổi, nhất là ở triều Mạc với sự xuất hiện ngôi đình làng và việc thờ thành hoàng ở đình, đồng thời gắn với nhu cầu mở rộng phát triển làng xã, nhiều xã mới hình thành và đòi hỏi có một cấp trung gian để cai quản các xã đó, trước hết về sinh hoạt tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, làm thuỷ lợi…

Cũng chính vì tổng xuất hiện do sự mở rộng của làng xã, nên mỗi tổng thường gồm một số làng xã có chung một tên Nôm gốc, do vậy, ngoài tên Hán Việt, mỗi tổng còn có tên Nôm. Sau mỗi làng có một tên Nôm riêng, có yếu tố gốc đứng đầu. Phần lớn tên gọi của tổng được lấy theo tên gọi của một xã đứng đầu. Những làng xã có tên được dùng cho tên của tổng được gọi là dân đầu tổng, thường ở vị trí trung tâm, có những đặc điểm nổi hơn về dân cư, kinh tế và trong nhiều trường hợp, cả về tính cách.

Trong khi hầu hết các đơn vị hành chính khác được sử dụng trong các triều đại phong kiến Việt Nam như đạo, lộ, phủ, huyện, xã đều có nguồn gốc từ Trung Hoa thì tổng hoàn toàn không mang yếu tố ngoại lai. 

Tuy nhiên, tổng chưa có chức năng thực thụ của một cấp hành chính ở địa phương. Xuất hiện từ thời Lê Sơ - Mạc và tiếp tục được duy trì ở thời Lê - Trịnh thế kỷ XVII, XVIII, song tổ chức này vẫn chủ yếu tồn tại với chức năng liên kết tự nguyện một cụm làng xã với nhau trong các hoạt động thuỷ lợi, tín ngưỡng. Vì thế trong thời kỳ này xuất hiện một số ngôi chùa và ngôi đình chung của một vùng được gọi là chùa Tổng, đình Tổng.

Từ đầu thế kỷ XIX, khi mà cấp tổng được thành lập phổ biến trong phạm vi cả nước, thì tổng mới có chức năng của một đơn vị hành chính trong bộ máy chính quyền địa phương. Đứng đầu tổng là cai tổng và phó cai tổng. Đầu thời Nguyễn, cai tổng mang hàm bát phẩm, về sau giảm xuống hàm tòng cửu phẩm. Chức cai tổng thường là do các viên tri phủ, tri huyện kén chọn người rồi làm tờ đề đạt lên.

Năm 1885, vua Đồng Khánh đổi tên gọi chức cai tổng thành chánh tổng để tránh tên húy của Kiên Thái Vương - Nguyễn Phúc Hồng Cai, là cha đẻ của Đồng Khánh.

Thời kì Pháp thuộc, chánh tổng và phó tổng được xếp trong ngạch nhân viên hành chính, được hưởng lương và xếp hạng bậc. Trước năm 1887, chánh tổng và phó tổng do chính phủ thực dân lựa chọn, chỉ định. Sau năm 1887, chánh tổng được tuyển chọn thông qua thi tuyển. Từ năm 1908, chánh tổng được tuyển lựa thông qua bầu cử mà cử tri là những người thuộc các thành phần có chức quyền, có tài sản, có bằng cấp và thống đốc là người có quyền quyết định cuối cùng trong việc tuyển chọn. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chánh tổng được tuyển lựa qua bầu cử và là người thay mặt cho tổng về mặt hành chính và pháp lí để giao thiệp với cấp trên.

***

Năm 1698 chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lúc bấy giờ đang trấn thủ dinh Bình Khang kiêm quản trấn Thuận Thành vào kinh lý miền Nam. Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long trực thuộc dinh Trấn Biên , lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình trực thuộc dinh Phiên Trấn . Địa bàn huyện Phước Long thuộc dinh Phiên Trấn bao gồm có 4 tồng là Tân Chính (Chánh), Bình An, Long Thành, Phước An. Như vậy, năm 1698 có thể xem là thời điểm bắt đầu của tỉnh Bình Dương. Việc Nguyễn Hữu Cảnh dựa trên tiêu chí nào để thành lập các đơn vị hành chính cơ sở thì chưa thấy tài liệu nào ghi chép cụ thể. 

Năm 1808, vua Gia Long nâng huyện Phước Long thành phủ Phước Long thuộc trấn Biên Hòa, nâng 4 tổng của huyện Phước Long thành 4 huyện là huyện Phước Chánh (đổi tên từ Tân Chính), huyện Bình An, huyện Long Thành, huyện Phước An. Địa bàn Bình Dương nằm trong huyện Bình An  và huyện Phước Chánh. Huyện Bình An gồm có 2 tổng là tổng Bình Chánh  và tổng An Thủy . Huyện Phước Chánh gồm có 2 tổng là Phước Vinh và Chánh Mỹ.

Năm 1821, do nhu cầu quản lí xã hội nên vua Minh Mạng đã chia lại hầu hết các tổng cũ ở Nam Bộ thành các tổng mới. Huyện Bình An gồm 2 tổng là Bình Chánh và An Thủy được chia thành các tổng mới, được đặt theo nguyên tắc dùng tên cũ rồi thêm chữ Thượng, Hạ, Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc vào phía sau. Tổng Bình Chánh được chia thành 4 tổng là tổng Bình Chánh Trung , tổng Bình Chánh Tây , tổng Bình Chánh Thượng , tổng Bình Chánh Hạ . Tổng An Thủy cũng được chia thành 4 tổng mới là tổng An Thủy Thượng, tổng An Thủy Trung, tổng An Thủy Hạ , An Thủy Đông . Huyện Phước Chánh có 6 tổng mới là tổng Phước Vinh Thượng, Phước Vinh Trung , tổng Phước Vinh Hạ, Chánh Mỹ Thượng, Chánh Mỹ Trung, Chánh Mỹ Hạ .

Năm 1837, vua Minh Mạng tách tổng Chánh Mỹ Hạ của huyện Phước Chánh hợp với các buôn, sóc của ba thủ Bình Lợi, Định Quán, Vĩnh Phước chia thành 4 tổng là Phước Thành, Bình Sơn, Bình Tuy, Bình Cách thành lập huyện mới là Phước Bình. Đồng thời tách 4 tổng là An Thủy (An Thủy Đông), An Bình (An Thủy Thượng), An Điền (An Thủy Trung), An Thổ (An Thủy Hạ) ra khỏi huyện Bình An, lập thêm tổng Chánh Thiện để lập thêm huyện Ngãi An .  Đến năm 1851, nhập huyện Ngãi An vào lại huyện Bình An.

Trong huyện Bình An, triều đình lấy vùng dân tộc thiểu số thuộc thủ An Lợi cùng với khu vực người Hoa sống trong vùng thành lập tổng mới là tổng Quản Lợi . Các tổng cũ được đổi tên lại như sau: tổng Bình Chánh Tây đổi thành tổng Bình Thổ , tổng Bình Chánh Thượng đổi thành tổng Bình Chánh , tổng Bình Chánh Trung thành tổng Bình Điền , tổng Bình Chánh Hạ thành tổng Bình Thiện . Năm 1846, vua Thiệu Trị chia tổng Bình Thổ thành 2 tổng là tổng Bình Thổ và tổng Bình Lâm , tổng Bình Thổ thuộc vùng người Kinh, tổng Bình Lâm thuộc vùng dân tộc thiểu số. 

Như vậy lúc này phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa có 6 huyện là Phước Chánh, huyện Bình An, huyện Long Thành, huyện Phước An, huyện Phước Bình, huyện Ngãi An. 

Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa người Pháp đã bắt đầu tổ chức nền hành chính tại 3 tỉnh này. Pháp đã thành lập Hạt thanh tra Biên Hòa. Ở cấp tổng vẫn giữa nguyên chức chánh tổng, phó tổng, bang biện phó tổng, sung biện phó tổng. Theo thống kê ngày 31/12/1862 Hạt thanh tra Biên Hòa gồm có 2 phủ là phủ Phước Tuy và phủ Phước Long. 

Phủ Phước Long bao gồm 2 huyện là huyện Phước Chánh và huyện Bình An. Huyện Bình An đặt huyện lị tại Búng, gồm 9 tổng: Bình Chánh (10 xã, thôn), Bình Thổ (9 xã, thôn), Bình Điền (11 xã, thôn), Bình Lâm (13 xã thôn), Bình Thiện (8 làng), An Thổ (8 xã, thôn), An Thủy (14 xã, thôn), An Bình (14 xã, thôn). Huyện Phước Chánh được nhập thêm tổng Chánh Mỹ Hạ từ huyện Phước Bình nên có 6 tổng là: Phước Vinh Thượng (24 xã, thôn), Phước Vinh Trung (16 xã, thôn), Phước Vinh Hạ (18 xã, thôn), Chánh Mỹ Thượng (18 xã, thôn), Chánh Mỹ Trung (10 xã, thôn), Chánh Mỹ Hạ (18 xã, thôn), huyện lị đặt tại Bến Cá.

Ngày 14/3/1864 tách huyện Bình An ra khỏi Hạt thanh tra Biên Hòa để thành lập 2 Hạt thanh tra mới là Hạt thanh tra Bình An và Hạt thanh tra Ngãi An trên địa bàn cũ hai huyện này.

Hạt thanh tra Bình An dời trụ sở tới Phú Cường, có 7 tổng là Bình Lâm, Bình Thổ, Bình Thiện, Bình Chánh, Quản Lợi, Cửu An, gồm có 71 xã, thôn. Hạt thanh tra Ngãi An gồm có 5 tổng là An Bình, An Thổ, An Điền, An Thủy, Chánh Thiện. Từ đây huyện Ngãi An vốn là một phần đất của huyện Bình An tách vĩnh viễn ra khỏi địa bàn Bình An . 

Ngày 5/6/1871, Hạt thanh tra Thủ Dầu Một được nhập thêm tổng Bình Thạnh Thượng từ Hạt thanh tra Sài Gòn. Ngày 18/11/1891, Thống đốc Nam Kì đổi tên tổng Bình Lâm thành tổng Bình Hưng . 

Ngày 26/7/1893, Thống đốc Nam Kì lấy tổng Thanh Sơn của Hạt tham biện Biên Hòa, tổng Ta Moun của tỉnh Kratié (Cambodia), cùng với các tổng Cửu An, Minh Ngãi, Quản Lợi, Phước Lễ, Lộc Ninh thành lập huyện Cần Lê. Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định kể từ ngày 1/1/1990 các Hạt tham biện sẽ được đổi thành tỉnh. Hạt tham biện Thủ Dầu Một bắt đầu được gọi là tỉnh Thủ Dầu Một từ đó. Ngày 1/3/1903, giải thể huyện Cần Lê, trả tổng Ta Moun của tỉnh Kratié về Cambidia, trả tổng Thanh Sơn về tỉnh Biên Hòa, đồng thời thành lập Đại lí Hớn Quản . Ngày 30/12/1913, Thống đốc Nam Kì đổi tổng Bình Thổ thành tổng Bình Phú. Ngày 31/8/1915, thành lập Quận Bù Đốp . 

Tính đến năm 1916, Đại lí Hớn Quản bao gồm 4 tổng là Tân Minh, Cửu An, Quản Lợi, Minh Ngãi. Quận Bù Đốp có 3 tổng là Phước Lễ, Thành Yên (An), Lộc Ninh.  Cũng trong năm 1916, thành lập quận Tương An, quận lị đặt tài làng Tương An. Quận Tương An bao gồm 4 tổng là tổng Bình Hưng , tổng Bình Phú , tổng Bình Thạnh Thượng , tổng Bình Thiện . Hai tổng trực tiếp làm việc với Tòa Bố là tổng Bình Chánh  và tổng Bình Điền .

Ngày 7/5/1926, quận Bù Đốp bị giải thể và nhập vào Đại lí Hớn Quản. Ngày 30/7/1926 giải thể quận Tương An thành lập 2 quận mới là quận Bến Cát và quận Châu Thành. Ngày 8/1/1927, Thống đốc Nam Kì ban hành nghị định điều chỉnh ranh giới trên các địa bàn các tổng thuộc khu vực người Kinh ở tỉnh Thủ Dầu Một như sau: Quận Châu Thành bao gồm 6 tổng là tổng Bình Chánh , tổng Bình Thiện , tổng Bình Điền , tổng Bình Phú . Quận Bến Cát gồm 2 tổng là tổng Bình Hưng  và tổng Bình Thạnh .

Ngày 12/9/1932, giải thể quận Châu Thành, các tổng làm việc trực tiếp với Tòa Bố Thủ Dầu Một. ngày 14/1/1935, giải thể quận Bến Cát, thành lập quận Lái Thiêu. Ngày 24/3/1936, giải thể quận Lái Thiêu, lập lại quận Châu Thành bao gồm các tổng Bình Chánh, Bình Điền, Bình Thiện, Bình Phú và quận Bến Cát bao gồm 2 tổng Bình Hưng và Bình Thạnh Thượng. Năm 1938, giải thể quận Bến Cát, đem 2 tổng Bình Hưng, Bình Thạnh Thượng nhập vào quận Châu Thành. Đại lí Hớn Quản (địa bàn Bình Phước) gồm 6 tổng là Tân Minh, Quản Lợi, Minh Ngãi, Lộc Ninh, Thanh An (Yên), Cửu An. Quận Bù Đốp (Địa bàn Bình Phước) có 7 tổng là Phước Lễ, D.Huyt, Sr Logne, Bou You, Jerman, Bou Krak, D. Yol.

Theo thống kê của sách “Thời sự cẩm nang” năm 1939, tỉnh Thủ Dầu Một có các đơn vị hành chính sau: Quận Châu Thành bao gồm các tổng: tổng Bình Chánh, tổng Bình Điền, tổng Bình Phú, tổng Bình Thiện, tổng Bình Hưng, tổng Bình Thạnh Thượng . Đại lí Hớn Quản có các tổng là tổng Tân Minh, tổng Cửu An, tổng Quản Lợi, tổng Thành Yên, tổng Lộc Ninh. Quận Bù Đốp chỉ còn tổng Phước Lễ.

Ngày 22/12/1943 tái lập quận Lái Thiêu bao gồm 2 tổng Bình Chánh và Bình Thiện. Tình trạng này được giữ đến năm 1945.

Ngày 9/10/1945, chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra quyết định các kì, các tỉnh, các phủ huyện trong cả nước vẫn giữ tên cũ. Các làng thôn đều được gọi là xã. Bỏ đơn vị hành chính cấp tổng. 

Sau đó Pháp trở lại nước ta. Ở địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một tồn tại song song hai chính quyền cho đến Hiệp định Giơnevơ 1954. Sau năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam vào ngày 15/2/1955 đã chia lại các khu vực hành chính trên địa bàn Thủ Dầu Một như sau: Quận Lái Thiêu bao gồm tổng Bình Chánh . Quận Châu Thành bao gồm 3 tổng là tổng Bình Điền, tổng Bình Phú, tổng Bình Thiện . Quận Bến Cát gồm có 2 tổng là: tổng Bình Hưng và tổng Bình Thạnh Thượng . Quận Dầu Tiếng gồm 1 phần của tổng Bình Thạnh Thượng với 4 thôn: Định Thành, Thanh An, Thanh Tuyền, Kiến An. Quận Hớn Quản gồm 5 tổng là: tổng Tân Minh (một phần), tổng Quản Lợi, tổng Minh Ngãi, tổng Lộc Ninh, tổng Thanh Yên. Quận Bù Đốp bao gồm 8 tổng là: tổng Tân Minh (một phần), tổng Phước Lễ, tổng D,.Jerman, tổng Dag Huyt, tổng Srolon, tổng Bu Rlap, tổng Bu Yu, tổng Dag Yol.

Ngày 22/10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tách vùng sơn cước của tỉnh Thủ Dầu Một thành lập 2 tỉnh Phước Long và Bình Long. Vùng đồng bằng còn lại thành lập tỉnh Bình Dương. Nhập quận Củ Chi của tỉnh Gia Định vào Bình Dương. Theo nghị định 09-BNV/HC/NĐ ngày 3/1/1957 thì các đơn vị hành chính của Bình Dương như sau: Quận Châu thành gồm các tổng: tổng Bình Điền, tổng Bình Phú, tổng Bình Thiện . Quận Lái Thiêu chỉ có 1 tổng là tổng Bình Chánh .  Quận Bến Cát gồm có tổng Bình Hưng và tổng Bình An . Quận Dầu Tiếng  có một  tổng là tổng Bình Thạnh Thượng . Quận Củ Chi gồm 3 tổng là: tổng Long Tuy Hạ, tổng Long Tuy Trung, tổng Long Tuy Thượng. 

Từ sau năm 1963, khi bắt đầu nền Đệ nhị Cộng hòa, theo đường lối quân sự hóa bộ máy hành chchinh quyền Việt Nam cộng hòa thực hiện giải thể dần cấp tổng. Bộ máy chính quyền địa phương còn 3 cấp là xã, quận và tỉnh, ứng với bộ máy quân sự là Phân chi khu (xã), Chi khu (quận) và Tiểu khu (tỉnh), đứng đầu các cấp là một sĩ quan quân đội. Sau năm 1975, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không thiết kế cấp tổng trong hệ thống chính quyền địa phương. Cấp tổng hoàn toàn biến mất từ đó.

***

Khác với các tỉnh ở ngoài miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đơn vị hành chính cấp tổng ở Bình Dương vẫn tồn tại cho đến những năm 1960 thời chính quyền Ngô Đình Diệm.  Sau đó cấp tổng mới hoàn toàn cáo chung. Ranh giới hành chính và địa bàn các tổng thường luôn có thay đổi ít nhiều cho phù hợp với điều kiện và chính sách quản lí đương thời của chính quyền. Khi nghiên cứu đơn vị hành chính cấp tổng ở Bình Dương trong tiến trình lịch sử cần đặt nó trong mối liên hệ cùng với những thay đổi về mặt địa giới và hành chính của các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Thương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24434380