Đất, Người Bình Dương

Chiến khu Đ oai hùng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của quân và dân Bình Dương

  • VĂN THỊ THÙY TRANG
  • 26/07/2012

Bình Dương là miền đất giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến Bình Dương là địa bàn quan trọng mặt chiến lược quân sự, là căn cứ địa quan trọng của cách mạng. Chiến khu Đ đi vào lịch sử Bình Dương và cả nước như một huyền thoại về bảo vệ lực lượng kháng chiến trong chiến tranh. Được hình thành sau Hội nghị cán bộ quân sự tháng 2-1946. Trải qua các giai đoạn lịch sử có quy mô phát triển rộng cùng với chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), chiến khu Đồng Tháp Mười... hình thành một hệ thống căn cứ địa cách mạng vùng Nam bộ.

Chiến khu Đ là một trong những hậu phương trực tiếp, tại chỗ của chiến trường Nam bộ và Khu 7, là đầu mối giao thông chiến lược từ Trung ương vào Nam bộ, nơi tiếp nhận, cất giữ, chuyển phát cơ sở vật chất, cung cấp một phần nhân vật lực cho cuộc kháng chiến.

            Tên gọi Chiến khu Đ gắn liền với những chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân miền Đông Nam bộ. Đó là chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Nhà Nai, Mã Đà, cầu Bà Kiên và hàng chục trận đánh bại các cuộc càn quét quy mô lớn kéo dài hàng tháng trời của địch trong kháng chiến chống Pháp; là chiến thắng Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Đường 14, Phước Long... trong kháng chiến chống Mỹ.

            Về phương diện chính trị, tinh thần, chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần đoàn kết toàn dân, là niềm tin và là nguồn hy vọng của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ.

Sự tồn tại và phát triển của chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chịu đựng và vượt qua bao thử thách ác nghiệt của thiên nhiên, đói rét, bệnh tật... bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù để bảo vệ, giữ vững căn cứ, góp phần làm nên truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và nỗi ám ảnh kinh hoàng của kẻ thù “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”.

Danh từ CHIẾN KHU Đ với nội dung lịch sử và những bài học kinh nghiệm của nó thì không hề mất đi mà còn lại mãi mãi. Giá trị thực tiễn của những bài học ấy chắc chắn góp một phần hữu ích vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Với ý nghĩa lịch sử đó UBND tỉnh Bình Dương chọn vị trí tại xã Đất Cuối là khu vực “cái nôi” của chiến khu Đ. Từ nơi đây chiến khu Đ đã hình thành và phát triển mở rộng qua các giai đoạn lịch sử - nơi chiến khu Đ ra đời đầu tiên cũng là nơi ta quy hoạch Khu tưởng niệm chiến khu Đ gồm 39,80 ha nhằm tái hiện quá trình hình thành và phát triển cuộc chiến tranh oai hùng của quân và dân miền Đông tại chiến khu Đ.

Lịch sử hình thành và phát triển chiến khu Đ: Khi thực dân Pháp chiếm đóng được quận lỵ Tân Uyên năm, tổng hành dinh Khu 7 và lực lượng vũ trang Biên Hòa rút sâu vào rừng, công tác xây dựng căn cứ được đặt ra một cách cấp thiết, từ đó chiến khu Đ đã ra đời. Tên gọi chiến khu Đ có nhiều cách giải thích:

Đ là chữ cái đầu viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ điểm đầu tiên, tập hợp lực lượng, mở trại huấn luyện ngay trong ngày đầu kháng chiến.

Đ là mật danh chỉ vị trí tổng hành dinh của Khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ quân sự được tính theo thứ tự các chữ cái A, B, C...

Đ là chữ cái viết tắt từ chỉ tính chất cách mạng của chiến khu (chiến khu Đỏ, chiến khu Đảng) để phân biệt với căn cứ một số ít lực lượng vũ trang không cách mạng lúc bấy giờ.

Đ là chữ viết tắt của chiến khu Đồng Nai, chiến khu Miền Đông, chiến khu Đầu tiên...

Địa điểm phân bố chiến khu Đ: Trong tiến trình 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể, chiến khu Đ có phạm vi rộng hẹp khác nhau.

Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa điểm chiến khu Đ được hình thành khởi đầu chủ yếu từ hạt nhân 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa - nay thuộc Bình Dương).

Từ năm 1948, 1949 chiến khu Đ được mở rộng ra, lấy đường 16 từ phía Tây và sông Đồng Nai từ phía Nam làm ranh giới để không ngừng mở rộng về phía Bắc lên tới Phước Hòa và phía Đông tới sông Bé, rồi vượt qua sông Bé phát triển mãi lên phía Bắc và Đông Bắc. Tuy nhiên, phạm vi của nó chủ yếu nằm trên vùng đất: Tây giáp đường 16 đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; Bắc giáp sông Bé đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng, Đông giáp sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và Nam giáp sông Đồng Nai đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên.

Trong thời kỳ chống Mỹ, do đặc điểm về quy mô của cuộc chiến tranh, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), ta chuyển dần trung tâm căn cứ lên phía Đông Bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ căn cứ địa nằm ở phía Bắc sông Đồng Nai, phía Tây giáp địa giới hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ, phía Bắc giáp biên giới Việt Nam - Campuchia và phía Đông giáp địa giới 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc hiện nay kéo về rừng Cát Tiên phía thượng nguồn sông Đồng Nai bên hữu ngạn.

Chiến khu Đ nằm trên vùng đất có mặt bằng khá thuận lợi, sông suối hiểm trở, hệ thống giao thông đường bộ chiếm vị trí chủ yếu. Xung quanh chiến khu Đ có các trục lộ quan trọng bao bọc: quốc lộ 20 về phía đông - đông nam và quốc lộ 13 về phía tây. Có 3 tuyến đường chủ yếu nối từ chiến khu Đ ra các tỉnh bên ngoài. Đó là đường 10 (Hoàng Diệu) dài khoảng 80km nối từ quốc lộ 14A tại đông bắc thị trấn Bù Đốp xuyên qua các vùng dân tộc ít người Bù Tun, Bù Gia Phúc, Bù Gia Mập, thị trấn Bù Đăng. Liên tỉnh lộ 1A dài khoảng 200km từ thị trấn Bù Đốp xuyên dọc theo chiều bắc nam của chiến khu (về phía tây) về thị xã Thủ Dầu Một. Con đường này nối liền các thị trấn, các đồn điền cao su như Phước Bình, Đa Kia, Thuận Lợi, Phú Riềng, các điểm dân cư Đồng Xoài, An Bình, Phước Vĩnh, Liên tỉnh lộ 13 và Quốc lộ 14B từ thị trấn Đồng Xoài chạy theo hướng đông - đông bắc là tuyến đường xuyên suốt từ cực tây sang cực đông của chiến khu với chiều dài khoảng 85km.

Trong lòng chiến khu Đ có các đường: tỉnh lộ 8 dài 32km nối từ thị trấn Tân Uyên với Hiếu Liêm chạy men theo bờ bắc sông Đồng Nai; đường 322 dài hơn 50km nối thị trấn Đồng Xoài với Cây Gáo xuyên qua sân bay Rang Rang, Mã Đà, suối Bà Hào; đường 323 dài hơn 70km nối liền giữa Cây Gáo, Vĩnh An và Tà Lài; đường liên xã nối thị trấn Bù Đăng với các xã Đồng Nai, Thống Nhất và vùng bắc Cát Tiên. Đường nối từ lộ 16 tại Bình Cơ vào Sình, Bà Đã, Hiếu Liêm, giáp với lộ 8 tại Lạc An.

Với những ưu điểm về điều kiện tự nhiên, chiến khu Đ có một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng. Nằm trong hệ thống rừng núi phía Bắc miền Đông Nam bộ, địa hình hiểm trở, chiến khu Đ là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, cất giữ kho tàng và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến. Lưng dựa vào Trường Sơn và vùng rừng núi miền Nam Đông Dương, dính với một phần đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, phía trước lấn sát vùng đồng bằng đông dân cư và các khu đô thị lớn, chiến khu Đ còn là một vị trí án ngữ chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là một trong những địa điểm liên lạc, tiếp nối, trung chuyển quan trọng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Hơn nữa, với ưu thế tiếp cận các đường giao thông chiến lược, các đô thị lớn và trung tâm sào huyệt địch - thành phố Sài Gòn, chiến khu Đ có ưu thế là một bàn đạp quân sự quan trọng đặc biệt. Từ đây, các lực lượng kháng chiến có thể mở các cuộc tiến công vào mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch ở Sài Gòn, thị xã Biên Hòa, thị xã Thủ Dầu Một cùng toàn bộ các đường giao thông và cứ điểm quân sự địch trên vùng Đông Bắc miền Đông Nam bộ.

Những sự kiện lịch sử quan trọng:

Vào thập kỷ 20 của thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi dần vào quỹ đạo cách mạng vô sản. Năm 1929, chi bộ Đảng Cộng sản ra đời tại Phú Riềng. Cuối năm 1936 tại xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời có các đồng chí Lê Văn Tôn, Huỳnh Liễn, Nguyễn Hồng Kỳ, Trần Văn Qùy (Chín Qùy)...

Năm 1937, Tỉnh ủy Biên Hòa thành lập, để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa năm 1940, Tỉnh ủy bí mật xây dựng lực lượng vũ trang tại quận Châu Thành và Tân Uyên. Quận Tân Uyên được chọn làm nòng cốt cho phong trào toàn tỉnh. Các chi bộ ở Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Quới, Mỹ Lộc đều tổ chức các nhóm quần chúng trung kiên, rèn dao, sắm ná, gậy tầm vông vạt nhọn.

Tháng 11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại. Tại Tân Uyên các chi bộ Đảng bị vỡ, địch truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Văn Qùy tập hợp bộ phận vũ trang khoảng tiểu đội rút về vùng rừng núi quê hương thuộc xã Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An và dần dần khôi phục lại lực lượng.

Đầu năm 1945, Xứ ủy cử một số cán bộ về Tân Uyên chọn địa điểm làm tiền trạm xây dựng căn cứ. Tại Đất Cuốc các công việc xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai xây cấp lán trại, chòi, kho, tập kết máy móc, tích lũy lương thực. Ngày 25-8 trở đi, hàng ngàn đồng bào các xã, có lực lượng vũ trang Chín Qùy và lực lượng thanh niên tiền phong tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay cầm tầm vông vạt nhọn giành chính quyền thắng lợi tại huyện lỵ Tân Uyên.

Ngày 25-10-1945, giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một... Trong khi đó ngày 22-10 Ủy ban Kháng chiến miền Đông rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết. Một bộ phận 40 người và 30 súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trở về Tân Tịch, Đất Cuốc dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống Pháp.

 Tại quận Tân Uyên, tiểu đội vũ trang của đồng chí Chín Qùy, bộ phận kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, tự vệ chiến đấu các xã, công nhân cao su Phước Hòa... lần lượt đến gia nhập bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Lực lượng vũ trang toàn huyện được thống nhất lại và nhiều lực lượng yêu nước khác như Ban tiếp tế miền Đông, các đơn vị tự vệ của Tổng Công đoàn Nam bộ, công nhân xưởng Ba Son, Đề-pô Dĩ An, BIF Biên Hòa... thành bộ đội Huỳnh Văn Nghệ gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đóng căn cứ tại 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa) được bổ sung thêm lực lượng ta mở trại huấn luyện tại miếu Đất Cuốc (xã Tân Hòa cũ) - nay là Miếu Bà ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tháng 12-1945, tại Đức Hòa hội nghị quân sự toàn Nam bộ được triệu tập. Hội nghị quyết định chia Nam bộ thành các chiến khu 7, 8, 9. Chiến khu 7 - một tổ chức hành chánh quân sự thành lập gồm Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Bình làm Khu trưởng - chọn khu vực Lạc An lập căn cứ địa cho toàn khu. Cơ quan khu bộ đóng tại thị trấn Tân Uyên. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa đóng ở Tân Tịch, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chỉ huy trưởng.

Đến đầu năm 1946, Tân Uyên trở thành một trong những trung tâm kháng chiến ở miền Đông Nam bộ - trở thành căn cứ của Khu 7.

Ngày 20-2-1946, căn cứ tổng hành dinh Khu 7 được gọi là Chiến khu Đ (theo ký hiệu mật danh của quân sự). Như vậy, chiến khu Đ được hình thành vào tháng 2-1946. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiến khu Đ chủ yếu từ hạt nhân 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa - nay tỉnh Bình Dương. Ban đầu chiến khu Đ được gọi là chiến khu Đất Cuốc hay chiến khu Lạc An. Vì Đất Cuốc và Lạc An được đồng chí Nguyễn Bình chọn làm căn cứ địa cho toàn khu.     

            Trong kháng chiến chống Pháp, chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận đến Khu 7, Phân Liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi xây dựng các đơn vị vũ trang tập trung các cấp từ phân đội nhỏ lẻ buổi đầu kháng chiến đến Chi đội (1, 10), Trung đoàn (301, 310), liên Trung đoàn (301- 310), Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320...

            Thời kháng chiến chống Mỹ, địa bàn chiến khu Đ là nôi xây dựng, đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục. Từ đây đã ra đời những đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của miền Đông và của các Xứ ủy như: C50, C9, C80, C59, C200, C250, Tiểu đoàn 800, Tiểu đoàn 500, Trung đoàn Đồng Nai. Đây cũng là nơi thành lập và đứng chân tác chiến của lực lượng chủ lực Miền như: Trung đoàn 762, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7... Và trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 là nơi tập kết của lực lượng Quân đoàn 1, Quân đoàn 4 trước khi tiến về giải phóng Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh).

            Về điều kiện tự nhiên ở chiến khu Đ chứa đựng nhiều nhược điểm trong việc xây dựng căn cứ địa. thời tiết khắc nghiệt, thú dữ rắn rết, vắt, muỗi... là nguyên nhân của nhiều bệnh tật, nhất là sốt rét rừng. Đất rộng nhưng dân cư thưa thớt, phân bố không đều, có nơi không có dân để vừa làm nhiện vụ vừa bảo vệ căn cứ vừa cung cấp nhân tài vật lực. Mùa mưa đi lại trong căn cứ khó khăn. Dù vậy, mặt thuận lợi ưu điểm trong điều kiện tự nhiên ở chiến khu Đ là căn bản. Đất rừng, gần sông suối, dễ trồng tỉa lương thực hoa màu ngắn ngày, lại có nguyên liệu cao lanh làm gốm... rừng vừa “che bộ đội” vừa cung cấp cây thuốc chữa bệnh và nguồn thịt động vật, các loại cây, lá, củ, quả... nuôi con người nhất là trong thời chiến ác liệt. Hệ thống đồi núi phủ xanh, những tuyến hào phòng thủ thiên nhiên do sông suối tạo nên và các đường giao thông lớn nhỏ bao quanh, từ trong ra và đan dệt trong lòng rừng đã tạo cho chiến khu Đ một thế lợi hại về mặt quân sự.

            Trước khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta lần thứ hai, chiến khu Đ đã là nơi cư nghiệp của hàng vạn người gồm đồng bào dân tộc ít người, nông dân và công nhân cao su.

            Ngoài truyền thống chung của dân tộc, nhân dân ở vùng chiến khu Đ còn có những nét truyền thống riêng do đặc điểm riêng về kinh tế - xã hội, lịch sử quy định. Đó là lòng tin sắt đá vào lẽ phải và ý chí kiên cường, sẵn sàng xả thân bảo vệ niềm tin. Đó là tinh thần thượng võ, thích tự do phóng khoáng nghĩa hiệp đầy khí phách và rất giàu lòng yêu thương nhân hậu tương trợ đùm bọc lẫn nhau. Đó là sự đam mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, sản xuất, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại vươn lên không ngừng.

Chiến khu Đ, với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập nên những chiến công vẻ vang mãi mãi là niềm tự hào của quân dân miền Nam nói chung, quân dân miền Đông Nam bộ nói riêng.

Nhân vật lịch sử tiêu biểu:

1. Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ), sinh năm 1914 và mất năm 1977, ông chưa được Nhà nước phong tặng tướng, nhưng thực tế ông đã nắm chức Khu trưởng Khu 7 - một trong 3 quân khu của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945- 1954). Với cương vị Khu trưởng Khu 7, ông đã đương đầu dũng mãnh với các tướng tư lệnh của Pháp ở Nam kỳ như: tướng Nyo (12.1946 – 2.1948), tướng Boyer de la Tuor (2.1948 - 9.1949), tướng Chanson (9.1949 - 7.1951) và tướng Bondis (9.1951 - 6.1953). Như vậy có thể gọi ông là tướng.

Ngoài tài đánh giặc, Huỳnh Văn Nghệ còn là nhà thơ. Nên gọi ông là “Thi tướng”, trong tuyển tập Nguyễn Hùng gọi ông là “Thi tướng chiến khu xanh”. Một số bài thơ tiêu biểu của Huỳnh Văn Nghệ như: Bà bán câu (1935), Đám ma nghèo (1938), Mộ bia (1936), mộng làm thơ (1937), Tết quê người (1942), Xuân chiến khu (1926), Bên bờ sông xanh (1948), Mất Tân Uyên (1949), Về làng (1950), Em bé liên lạc (1953)... và đặc biệt bài thơ Nhớ Bắc (Chiến khu Đ - 1946) có hai câu thơ nổi tiếng:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

2. Nguyễn Bình, Phái viên quân sự Trung ương được Bác Hồ và Bộ Tổng phái vào Nam với nhiệm vụ giữ vững miền Nam. Ông đã có một bản Thông cáo số 1 được sọan thảo tại chiến khu Đ năm 1945, như một lời hiệu triệu đầy chất anh hùng ca:

“Tôi là Nguyễn Bình, Phái viên quân sự Trung ương được Bác Hồ và Bộ Tổng phái vào Nam với nhiệm vụ giữ vững miền Nam. Thành phố Hải Phòng tặng tôi khẩu súng Wicker để tự vệ. Nay tôi xin thề cùng đồng bào cả nước:

Nam bộ còn, Nguyễn Bình còn

Nam bộ mất, Nguyễn Bình mất.

Xin đồng bào hãy cùng quân giải phóng chúng tôi giữ vững miền Nam thân yêu của chúng ta.

Chiến khu Đ cuối năm 1945”.

Sau 35 năm thống nhất đất nước, chiến khu Đ trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là chiến trường căn cứ địa cách mạng vững chắc. Giờ đây là một vùng đất sôi động của những cánh đồng lúa ven sông, những nông trường cao su trải rộng, những lâm trường bạt ngàn, những nhà máy và công trình thủy điện. Hàng vạn đồng bào từ khắp mọi miền đất nước đã về đây xây dựng những trung tâm kinh tế mới. Dấu tích của một căn cứ kháng chiến tồn tại trong gần một phần ba thế kỷ đang dần mờ nhạt trước những chuyển đổi nhanh của cuộc sống mới.

Năm 2009 Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương lập các thủ tục về pháp lý và hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia, nhằm bảo tồn di sản văn hóa và đề ra phương án bảo vệ, đầu tư, khai thác và phát huy giá trị của di tích đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử truyền thống cách mạng của bao thế hệ đi trước, tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

                                                                        

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Bộ tư lệnh Quân khu 7 - Tỉnh ủy Sông Bé - Tỉnh ủy Đồng Nai, Lịch sử chiến khu Đ, NXB Đồng Nai, 1997

2.       Sở Văn hóa - Thông tin Bình Dương; Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Di tích và Danh thắng Bình Dương, Xí nghiệp in Nguyễn Hoàng, 2008.

 Nhiều tác giả, lịch sử liên Trung đoàn 301, 310 (1945-1950), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội  2007.

 Nhiều tác giả, lịch sử truyền thống huyện Tân Uyên, NXB Sông Bé, 1992.

 Nguyễn Hùng, chiến khu Đ của tôi (tái bản), NXB Công an nhân dân.

 Nguyễn Hùng, Thi tướng chiến khu xanh, NXB Công an nhân dân.

 Nguyễn Hùng, Nguyễn Bình - huyền thoại và sự thật, NXB Công an nhân dân.

VĂN THỊ THÙY TRANG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 25412505