Kiến thức lịch sử chung

Nhiếp sinh của Đại thiền – y Tuệ Tĩnh

  • LÊ HƯNG
  • 26/07/2012
I- Khái niệm nhiếp sinh:
Vào mùa xuân hàng năm, các thầy thuốc đông y (xưa và nay) đều có truyền thống làm lễ giỗ kỷ niệm:
- Cụ Hải Thượng Lãn Ông vào ngày rằm tháng giêng ÂL.
- Cụ Tuệ Tĩnh vào ngày rằm tháng 2 ÂL, bởi vì hai danh y này đều có chung quan niệm “phải biết chữa bệnh khi chưa mắc bệnh” (tức là chú trọng khâu phòng bệnh hơn chữa bệnh) bằng phương pháp “Nhiếp sinh & Dưỡng sinh”.
Trong nền y học cổ truyền (YHCT) nước ta, các thầy thuốc thường phân định hai chuyên ngữ: Nhiếp sinh & Dưỡng sinh. Theo học giả Đào Duy Anh:
-      Dưỡng sinh là nuôi cho sống (l'art de nourrir la vie) (“Hán Việt từ điển” quyển thượng).
- Nhiếp sinh là chăm giữ sức khỏe (l'art de conserver la santé) (“Hán Việt từ điển” quyển hạ) và khái niệm “sức khỏe đích thực” của người phương Đông (nói chung) đặc biệt là người trí thức cổ (kẻ sĩ) nước ta (nói riêng) bao gồm một khía cạnh hạt nhân (noyau) và 5 khía cạnh quỹ đạo (orbite).
 
1. Khỏe mạnh về thể chất (là hạt nhân)
2. khỏe mạnh về tinh thần
3. Khỏe mạnh về cảm xúc
4. Khỏe mạnh về nhân cách ứng xử
5. Khỏe mạnh về tâm linh
6. Khỏe mạnh về tương quan xã hội
(là quỹ đạo)
Do đó chúng ta không thể không nghĩ đến công trình đề xuất ý tưởng nhiếp sinh độc đáo của bậc đại thiền – đại y nhà nước Đại Việt cổ vào thế kỷ 14: sư thầy Tuệ Tĩnh.
II- Sơ lược tiểu sử sư thầy Tuệ Tĩnh
Theo tài liệu “bibliographie annamite (Thư tịch học nước An Nam) của nhà sử học người Pháp Gaspardone, đã cho biết khá chi tiết về nhân thân của đại thiền y Tuệ Tĩnh như sau:
- Nhà sư Nguyễn Bá Tĩnh người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương). Ông sinh vào đời vua Trần Duệ Tông (1372-1377) thế kỷ 14, tư chất thông minh, thời trai trẻ đã thi đậu Tiến sĩ đệ nhị giáp (đời nhà Trần gọi là Hoàng Giáp); ông xuất gia tu theo giáo lý đạo Phật với pháp hiệu: Tuệ Tĩnh; khi nghiên cứu y học, ông có biệt danh: Tráng tử vô dật (hàm nghĩa: chỉ là người khờ khạo, sống nay đây mai đó...) còn khi trước tác y học, ông lấy biệt hiệu: Hồng Nghĩa (tên ghép ngắn của làng Nghĩa Phú với phủ Thượng Hồng, nơi sinh quán của ông). Công lao chữa bệnh cứu người của ông ở Trung Quốc (thời gian ông làm “cống thần” - người tài bị trưng dụng phục vụ cho nước lớn) đã được Hoàng đế nhà Minh (Trung Quốc) phong hàm “Đại y Thiền sư”. Tuy người đời nay vẫn chưa được rõ năm sinh và năm tử của thầy thuốc Tuệ Tĩnh (mặc dù hàng năm vẫn làm lễ giỗ ngày mất là rằm tháng hai âl, theo tập quán của các địa phương có làm miếu thờ cụ Tuệ Tĩnh) nhưng ai ai cũng biết hai danh tác y học quý báu của tiên sinh:
- Hồng Nghĩa giác tư y thư (nghĩa: sách thuốc của người thầy thuốc có tên là Hồng Nghĩa).
- Nam dược thần hiệu (nghĩa: các vị thuốc nam chữa bệnh có nhiều hiệu quả), sách giới thiệu cách sử dụng 499 vị thuốc có sẵn trên lãnh thổ của người Việt phương Nam và kinh nghiệm chữa 184 loại bệnh & chứng thường gặp.
III- Phép Nhiếp sinh của đại thiền – y Tuệ Tĩnh:
Trong các câu lạc bộ dưỡng sinh và tập luyện khí công bây giờ, mọi người rất nhớ câu thơ của sư thầy Tuệ Tĩnh:
- Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình...
Tức là muốn chăm sóc “sức khỏe đích thực” được tốt, thì cần phải rèn luyện 7 tiêu chí cùng lúc:
3.1 Bế tinh: Bế là đóng lại, lấp tắc lại, tinh là vật chất cơ bản của cơ thể giúp dinh dưỡng cơ quan tạng phủ; do đó gìn giữ tốt “tinh” (không để thất thoát) thì cơ thể không suy yếu.
3.2 Dưỡng khí: “Khí” theo cổ đông y là nguồn năng lượng vô hình vô ảnh (nhìn không thấy) luôn trôi chảy trong cơ thể, là lực hoạt động của các tổ chức tạng phủ. Do vậy, khi biết vận hành tốt nguồn “khí lực” này, thì duy trì được sự sống.
3.3 Tồn thần: “Thần” theo YHCT là thể thăng hoa của “tinh” và của “khí” hợp lại. Thần là biểu hiện của sức sống trong mỗi cơ thể người được toát ra bên ngoài; do đó: “thần” là cách diễn tả “ngoại hình” của tình trạng ý thức, tri giác vận động của mỗi người.
Vậy: Tồn thần là bảo vệ bản lĩnh sống thường ngày.
3.4 Thanh tâm: Hiểu theo nghĩa của tâm lý học là không đua đòi, luôn ung dung không lo nghĩ - không để danh lợi, tiền bạc cám dỗ...
3.5 Quả dục: “Quả” là làm cho ít đi, giảm bớt đi... “dục” là ham muốn, thèm khát... Do đó, sức khỏe chỉ được tốt khi người ta giảm thiểu dần tư tưởng cầu cạnh công danh, địa vị, hạn chế đắm chìm sắc đẹp nhục thể...
3.6 Thủ chân: “Thủ” là gìn giữ, bảo vệ; “chân” là sự thật (của mỗi sự vật – sự kiện không bao giờ thay đổi...). Vậy phải biết tôn trọng và giữ gìn mọi sự thật trong cuộc sống, để tinh - khí - thần không bị ảnh hưởng.
3.7 Luyện hình: Là phương pháp vận động cơ thể (chủ yếu là các tổ chức cơ – khớp...) để tăng tốc độ các hoạt động biến dưỡng cần thiết của các cơ quan tạng phủ, giúp tăng khả năng thích ứng và sức chịu đựng của cơ thể trong mọi môi trường sống (người xưa gọi cơ thể người là “linh khu”).
Tam kết:
Tóm lại, Nhiếp sinh có thể được hiểu là “nắm lấy sự sống cơ bản” cũng là khái niệm “sức khỏe đích thực” (đã trình bày ở phần đầu), cho nên đề xuất cách chăm sóc sức khỏe của sư thầy Tuệ Tĩnh hẳn nhiên là cách “sống toàn diện” (conception holistique de la vie) vừa nâng cao thể lực, vừa giúp rèn luyện bản lĩnh tích cực về tinh thần cho mọi người (cần phải có trong mọi hoàn cảnh và điều kiện sống). Ý tưởng độc đáo của đại thiền - y Tuệ Tĩnh (thế kỷ 14) phải chăng đã là nguồn gốc ý tưởng về sức khỏe (being heathy) đầy đủ nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):
- Sức khỏe là một trạng thái hoàn hảo về thể chất, tinh thần và phúc lợi xã hội! Đã được định nghĩa trong thế kỷ XX vừa qua (tức là sau sư thầy Tuệ Tĩnh đến 7 thế kỷ!(1))?
Ghi chú thêm:
 (1): Vào thế kỷ 18, đại y tôn Lê Hữu Trác (tức Hải Thượng Lãn Ông: ông là người phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương) đã “tu chỉnh” hai tiêu chí chăm sóc sức khỏe của đại thiền - y Tuệ Tĩnh như sau:
... Cần nên tiết dục thanh tâm
Giữ lòng liêm chính chẳng ham tiền tài
Chẳng vì danh lợi đua đòi
Chẳng vì sắc đẹp đắm người hại thân.
Giữ tinh dưỡng khí tồn thần...
Tức là: + Chỉ cần tiết dục (thay vì quả dục)
+ Chỉ cần giữ tinh (thay vì bế tinh)
Bởi vì cụ Lãn Ông vốn có nghiệm lý của một bậc đại nho uyên thâm Dịch lý đời thường:
- Nhiếp sinh phép có từ xưa,
Âm dương, thời tiết, bốn mùa thuận theo...
Nên không thể “triệt để tu luyện” như cụ Tráng Tử Vô Dật (tức Tuệ Tĩnh) là bậc đại thiền của giáo lý nhà Phật vậy.

LÊ HƯNG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24429090