Đất, Người Bình Dương

Văn bia cách mạng Bình Nhâm, bản anh hùng ca chiến đấu của nhân dân Thuận An, Bình Dương

  • TRẦN THANH ĐẠM
  • 26/07/2012

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2009) và ngày ra đời Chi bộ Cộng sản Bình Nhâm (8.1930 - 8.2009) đọc và suy ngẫm bản văn bia Cách mạng Bình Nhâm càng thêm tự hào về truyền thống quật cường của quê hương Thuận An, Bình Dương.

Đền Bình Nhâm, tọa lạc trên khuôn viên cao ráo, thoáng mát, ngoảnh mặt ra đường ĐT.745, cạnh trụ sở HĐND, UBND xã Bình Nhâm, sát nách về phía Bắc, thị trấn Lái Thiêu.

Đền xây dựng kiên cố với cột kèo bằng xi măng giả gỗ, mái cong vút lên theo kiểu kiến trúc đình chùa cổ Việt Nam. Du khách từ xa đã nhìn rõ mồn một tấm biển “Đền Bình Nhâm” trên cổng tam quan, khánh thành ngày 11-2-2003.

Ở gian giữa, trên cao là cờ Đảng, cờ nước đỏ thắm. Trên bàn thờ bằng xi măng lớn đặt tượng Bác Hồ bán thân mạ vàng óng ánh, phía trước có lư hương và cặp đèn đồng sáng giới. Hai bên bàn thờ có đôi liễn với dòng chữ vàng “Tiền hiền khai khẩn” “Hậu hiền khai cơ”, nổi bật trên nền sơn mài đỏ chói. Hai bên bàn thờ, dựng hai tấm bia lớn ghi danh sách 291 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ các thời kỳ đã ghi nhận, xã có những người con ưu tú, đóng góp nhiều xương máu cho Tổ quốc khá cao so với tỷ lệ dân số (theo số liệu năm 1996, dân số toàn xã là 13.593 người). Phía trước mặt ghế thờ là bảng danh sách 6 đảng viên tiền bối của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một Bình Dương(1).

Giữa sân rộng, dựng tấm bia lớn bằng xi măng đá rửa màu hồng, ghi đậm truyền thống anh hùng từ thời mở đất (cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17) của 4 dòng họ Võ, Trần, Lê, Nguyễn cho đến cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh vừa qua do nhà văn hóa Huỳnh Ngọc Trãng chấp bút.

“Làng Bình Nhâm ta xưa

Người bẻ lái Đồng Nai

Người day thuyền Gia Định

Tả ngạn sông Sài Gòn, đất lành chim đậu.

Bến Bình Nhâm rạch mời suối gọi

Trần, Lê, Nguyễn, Võ cắm sào”...

Họ đã mang tâm thức của người đi khai hoang là cần cù trong lao động sản xuất, tình nghĩa sắt son trong sinh hoạt: “Khi gánh nặng qua mương” để cùng nhau lập vườn, khai mương, đắp đường, dựng chợ, mở lò chén, lò đường...

“Xanh thẳm vườn sầu riêng, măng cụt. Nhà ai đó, vẫn câu hát “Chiều chiều muôn ngựa ông Đô, đưa cô về chợ Thủ bán hũ, bán ve, bán bộ đồ chè”.

Bảng lảng khói lò chén, lò đường, xóm làng đầy ắp lời ru “mít vườn nhỏ múa thơm lâu... ầu ơ... nào khi gánh nặng qua mương anh đợi!”...

Những tưởng cảnh hạnh phúc êm đềm đó mãi mãi bên nhau. Nhưng bọn giặc ngoại bang đã cấu kết với bọn cường hào gian ác, cướp mất đất, bắt sưu cao thuế nặng. Người dân phải một cổ đôi tròng khốn khó.

...“Tấc đất, ngọn rau kẻ chẳng cuốc, chẳng trồng nay đến hái.

Chén cơm manh áo của đời, cắt cớ bây giờ giặc thù đến giựt”.

Cho đến tức nước ắt vỡ bờ. Khi nghe tin công nhân đồn điền Phú Riềng (Bình Phước) rầm rộ xuống đường, người thợ xe lửa Dĩ An vang lên tiếng thét đòi cơm áo, đòi quyền sống, nhân dân Bình Nhâm, tiêu biểu là 6 thanh niên đã giác ngộ lý tưởng cộng sản đứng ra thành lập chi bộ, hưởng ứng phong trào do Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời lãnh đạo, chi bộ cộng sản Bình Nhâm thành lập do thầy thuốc Trương Văn Phèn làm bí thư.

...“Năm 20 ở làng ta, hạt giống đỏ ươm từ 23 - 27 đã nảy mầm.

Tháng tám tại Bình Nhâm, đội tiền phong năm bảy người mấy lần thử thách đã thành lập chi bộ” ...

Cũng từ những hạt nhân đó, năm 1932, Chi bộ huyện Lái Thiêu (Thuận An) thành lập(2). Chi bộ Lái Thiêu đã lãnh đạo nhân dân Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh phối hợp với nhân dân xã Bà Điểm (Hóc Môn) nổi dậy kéo về Gia Định đòi nợ áo cơm.

Phát huy thành quả vừa đạt được, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chính thức ra đời do đồng chi Hồ Văn Cống làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã lãnh đạo nông dân, thợ thủ công lập ra Ủy ban hành động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) đưa thỉnh cầu đòi giảm thuế thân, thuế chợ, bãi bỏ thuế trâu bò.

Nhiều đảng viên dù phải tù đày hy sinh, nhưng “hết trận này bày trận khác”, đã vận động nhân dân Thủ Dầu Một nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940), nhất là tập hợp được đông đảo quần chúng dưới nhiều vỏ bọc hợp pháp để cướp chính quyền trong Tổng khởi nghĩa 8-1945.

Những cảnh vui mừng “làm dân một nước độc lập chưa thỏa”, giặc Pháp đã trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh giặc, bảo vệ nền độc lập mới giành được.

... “Ngã ba Cây Liễu ta thắng trận đầu, lại chặn đánh tại Lái Thiêu, cản đường quân giặc”

...”Lõm căn cứ Bình Phước, Bình Hòa, đội du kích chỉ vài ba cây súng cũ, ngày lùng diệt ác ôn, tối hạ đồn Bình Nhâm, đồn Cây Me, cắt lộ mười ba hàng chục lần”...

Đến kháng chiến chống Mỹ tuy giặc lắm mưu ma chước quỷ:

“Từ Bưng Bố đến Suối Đờn, tuyến ranh giới chiến khu Thuận An Hòa, giặc rào ấp chiến lược đào hào, đắp đê, giăng kẽm gai mấy lớp. Một làng con có mấy ngàn dân mà bám đầy bình định, phượng hoàng, lại thêm Anh cả đỏ, Tiểu đoàn 127 Đại Hàn cùng bọn lính ngụy sắc lính nào cũng đủ mặt, chà đi xát lại”...

Nhưng nhân dân Bình Nhâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không nề gian khổ, không ngại hy sinh, sẵn sàng với khí thế của nghĩa sĩ Cần Giuộc, hào khí Đồng Nai là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “tìm Mỹ mà đánh”, “mở đường mà đi”, chiến công nối tiếp chiến công.

... “Đồn Cây Me, tua Cây Duối, Bình Nhâm, Cầu Sắt ta bứng đi mấy bận, giặc đóng lại mấy lần.

Cống Nam Dương hôm nay cùng với Suối Đờn, Vườn Dâu, Hàng Gòn hôm khác đánh cho mấy trận. Từ ấy hết dám đi càn, đi lấn chiếm...”.

Bình Nhâm sớm bắt nhịp với khí thế “thần tốc và thần tốc hơn nữa” của cả nước, đã được hoàn toàn giải phóng vào cuối tháng 4-1975.

Kết thúc bài văn bia, với thể loại văn biền ngẫu, tác giả đã thay mặt nhân dân tỏ lòng thương tưởng tri ân những chiến sĩ đã vì nước quên mình thật cảm động và thành kính.

... “Đã dành trong hồi binh lửa để trong lòng trong dạ hoặc đến ngày sóc vọng đốt nén nhang thơm cắm ở bìa rừng.

Nay đất nước thái bình, niềm tôn kính, dựng bia, khắc chữ, viết họ tên, tháng năm nỡ để phôi pha”.

Càng suy ngẫm, lòng ta càng bừng bừng hào khí “Đất Thủ anh hùng”. Nếu tác giả giản lược lời dẫn và đối ngẫu hàm súc hơn nữa thì bản anh hùng ca chiến đấu càng tăng thêm giá trị tư tưởng và nghệ thuật lắm thay!

TRẦN THANH ĐẠM

Ghi chú:

 

(1) Trương Văn Phèn (Ba Phèn), Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết) - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thủ Dầu Một (1946-1948), Nguyễn Văn Lộng (Tư Chùa), Đinh Văn Sáng (Tám Sáng), Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu), Hồ Văn Cống- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thủ Dầu Một, 1937-1939.

 

(2) Đinh Văn Sáng (Bí thư chi bộ), Nguyễn Văn Nâu, Hồ Văn Cống, Trần Văn Bằng, Nguyễn Văn Đò.

TRẦN THANH ĐẠM


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24371595