Đất, Người Bình Dương

Những nghi thức trong tết cổ truyền của người Việt và người Hoa ở Bình Dương

Định cư trên cùng một vùng đất, trải qua một quá trình chung đụng văn hóa với nhau, phong tục truyền thống của người Việt và người Hoa ở Bình Dương có nhiều điểm tương đồng. Dĩ nhiên còn có những điểm khác biệt mang bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Bài viết này chỉ đề cập đến hình thức ăn tết cổ truyền của người Việt và người Hoa ở Bình Dương, qua đó sẽ thấy được sự khác và giống nhau giữa họ như thế nào?

            Tết của cả người Việt và người Hoa đều được ấn định cùng một thời gian. Đó là những ngày đầu năm mới, còn gọi là tết nguyên đán. “Nguyên đán” là âm Hán Việt , có nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới. “Tết” là âm đã được dân gian đọc trại lại từ chữ “tiết” Hán Việt. “Tiết” theo Hán Việt có nghĩa là đốt, đoạn, mắc (tre, mía…), đoạn, âm tiết (vd: tiết 8 chương 3)…Theo lịch cổ truyền (âm lịch), dòng thời gian liên tục trong một năm người ta phân lập ra nhiều tiết. Ví dụ như “nguyên tiêu tiết” tức là tết nguyên tiêu (rằm tháng giêng), “đoan ngọ tiết” tức là tết đoan ngọ (mồng 5 tháng 5), “trung thu tiết” tức là tết trung thu (rằm tháng 8) và “xuân tiết” tức là tết xuân, tết nguyên đán. Tết nguyên đán là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng đối với người Việt lẫn người Hoa. Tết là sự đón mừng năm mới, mong mỏi cái mới và kỳ vọng vào sự đổi mới vào năm mới. Cả người việt và người Hoa đều có cùng một triết lý tết, nhưng nghi thức tết thì có cái giống có cái khác. Ngay như người Việt trên đất nước Việt Nam mỗi nơi lại có những nghi thức tết khác nhau chứ đừng nói chi đến nghi thức tết của người Việt và người Hoa.

            Ở Bình Dương, người Việt và người Hoa đều có cách chuẩn bị đón tết gần như giống nhau. Khi năm cũ sắp hết, cả người Việt và người Hoa đều có cùng động tác là lau dọn nhà cửa, sơn phết làm mới nhà cửa từ trong ra ngoài. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được may sắm quần áo mới. Đối với người Việt còn chuẩn bị đồ ăn thức uống như: muối củ cải, củ kiệu ngâm giấm đường, làm dưa cải, dưa giá, dưa mít…Ở những nhà vườn có điều kiện thì làm bánh mứt như mứt dừa, mứt me, mứt tắc, chùm ruột…và làm bánh tráng, làm rượu nếp…nếu không có điều kiện thì mua. Người Hoa thì không chuẩn bị những món ăn kể trên, tuy nhiên qua một thời gian sống kề cận người Việt, đa phần các gia đình người Hoa cũng ăn bánh tráng, củ kiệu…nhưng thường là mua chứ ít người biết làm.

            Tuy nói tết là ngày đầu năm mới nhưng không khí tết đã đến từ ngày 23 tháng chạp (23 tháng 12 của năm cũ). Đó là ngày đưa ông Táo về trời. Cả người Việt và người Hoa đều thực hiện nghi thức đưa Táo quân về chầu Ngọc Hoàng. Cái khác nhau giữa người Hoa và người Việt là nơi thờ Táo quân. Người Việt theo truyền thống thì thường thờ Táo quân ở trang thờ trên cao giữa nhà, còn người Hoa thì thờ táo quân tại bếp. Hiện tại do điều kiện sinh sống và chung đụng văn hóa với nhau, nhiều gia đình người Việt ít lập trang thờ táo quân trên cao mà thờ tại bếp như người Hoa.

Sau khi đã làm mới nhà cửa thì cả người Việt và người Hoa đều tập trung chưng dọn, trang hoàng nhà cửa. Cái đặc trưng của người Việt ở Bình Dương là hầu hết các gia đình đều phải tìm cho được một cây mai hoặc một cành mai chưng tết. Bên cạnh hoa mai, các loại hoa vạn thọ và hoa cúc đều được người Việt rất ưa thích trang trí trong những ngày tết. Ngoài ra, người Việt còn chưng mâm ngũ quả như mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, sung với ý nghĩa là “cầu vừa (dừa) đủ xài (xoài), sung túc”  (theo âm nói của vùng quê nam bộ).

Người Hoa ở Bình Dương không chưng mâm ngũ quả và cây mai như người Việt mà chưng hoa huệ, hoa cúc và các loại trái cây theo ý thích. Trái cây được họ ưa chuộng là  quít, táo, lê…Đặt biệt người Hoa ở Bình Dương rất thích quít. Đó là loại trái cây được người Hoa cho là may mắn, vì xuất phát từ chữ Hán:  桔子 ( một bên là chữ  “mộc”, một bên là chữ   “ kiết”. “kiết” có nghĩa là may mắn). Một trong những công việc chủ yếu của việc chưng dọn nhà cửa của người Hoa ở Bình Dương  là thay mới các câu đối (liễn) từ các trang thờ cho đến liễn tết dán cửa ra vào. Người Việt ở Bình Dương thì không trang trí liễn đối. Họ chỉ thay mới tờ giấy đỏ viết chữ Nôm được cho là bài vị của Táo quân. Nhưng gần đây hầu như ít có người viết nên thường là mua giấy in sẵn.

Người Việt ở Bình Dương cúng cỗ rước Ông Bà vào ngày cuối năm,  ngày 30, với ý nghĩa đón Ông Bà đã khuất về ăn tết cùng con cháu. Và sau khi đã làm nghi thức rước Ông Bà rồi thì bắt đầu nghi thức cúng cơm bữa mỗi ngày. Nếu rước Ông Bà vào buổi sáng thì phải cúng bữa cơm chiều và cúng 3 bữa sáng - trưa - chiều vào các ngày sau cho đến khi thực hiện nghi thức đưa Ông Bà. Tùy từng gia đình mà làm nghi thức đưa Ông Bà sớm hay trễ, nhưng phần nhiều đưa Ông Bà vào ngày mồng 3 tết, hoặc có một số gia đình đưa ông Bà trễ hơn (ngày mùng 4, mồng 5). Đối với người Hoa, họ làm lễ cúng ông bà tổ tiên rất sớm, có người cúng vào ngày 28 Al, có người cúng vào ngày 29AL, ít có người cúng vào ngày 30 AL. Đặc biệt là người Hoa ở Bình Dương không cúng cơm 3 bữa cho Ông Bà mỗi ngày như người Việt, bởi vì họ cúng Ông Bà với ý nghĩa là cúng mừng năm mới cầu chúc Ông Bà phù hộ cho con cháu bình an chứ không cúng để rước Ông Bà như người Việt.

Lễ cúng giao thừa được người Hoa ở Bình Dương rất coi trọng. Đó là thời khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, gọi là giao thời ( có lẽ sau bị biến âm thành giao thừa). Đến giờ giao thừa (00giờ đêm cuối năm), nhà nào cũng bày hương đèn, trà nước, bánh mứt, hoa quả ra phía trước cửa chính để cúng, họ gọi là cúng ông Trời. Đối với người Phước Kiến ở Thủ Dầu Một theo tục lệ xưa thì cúng giao thừa phải có 12 đĩa bánh mứt tượng trưng cho 12 tháng trong năm, năm nào nhuần thì bày 13 đĩa. Họ cúng bái rất thành khẩn, cầu đấng siêu nhiên cao nhất ban cho sự bình an, ấm no, hạnh phúc cho gia đình trong năm mới. Dần dần việc cúng giao thừa cũng được phổ biến rộng rãi trong cả cộng đồng người Việt ở Bình Dương và lễ vật cũng đơn giản hơn, có khi chỉ cần một quả dừa tươi và một bình hoa là có thể cúng được.

Sau  giao thừa, người Việt và người Hoa đều có nghi thức rước Ông Táo. Sau đó là tục xin lộc đầu năm. Đó là sau khi cúng giao thừa xong, người Hoa ở Bình Dương thường rủ nhau đi đến các chùa, miếu, các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng mà phổ biến nhất là chùa Bà Thiên Hậu và các cơ sở tín ngưỡng ngoài cộng đồng như núi Bà Đen ở Tây Ninh, Núi Sam ở Châu Đốc…để xin lộc đầu năm. Phong tục này lan rộng sang cộng đồng người Việt. Người Việt ở Bình Dương cũng hòa trong không khí tín ngưỡng xin lộc đầu năm, họ đến bất cứ cơ sở tín ngưỡng nào mà họ cho là linh thiêng chứ không phân biệt cơ sở đó là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa hay người Việt.

Người Việt ở Bình Dương còn khác người Hoa ở chỗ là không thể thiếu bánh chưng bánh tét trong ngày tết. Các gia đình có điều kiện thì tổ chức việc gói bánh ngày cuối năm hoặc sang ngày mồng 1 để có bánh cúng tết nhà, nếu không có điều kiện gói thì mua. Nghi thức cúng tết nhà của người Việt ở Bình Dương được làm vào mồng 3 hoặc mồng 4 tùy vào từng gia đình và cúng vào sáng sớm. Tết nhà thường cúng gà luộc và bánh tét. Gà cúng được chọn rất kỹ, thường là gà trống tơ. Sau khi cúng xong, gia chủ thường xem chân con gà luộc, nếu chân chúm lại kín kẽ thì năm mới làm ăn thuận lợi, còn nếu chân có nhiều kẻ hở thì làm ăn không được thuận lợi. Một nghi thức của tết nhà nữa là việc dán vàng bạc (vàng mã) ở những nơi trọng yếu của gai đình như cột nhà, giếng nước, cây ngoài vườn, chuồng heo, chuồng gà…mỗi nơi một tấm. Sau tết nhà, người Việt lại làm cỗ cúng đưa Ông Bà. Sau khi đưa Ông Bà xong thì xem như đã làm xong các nghi thức tết, mọi người có thể vui chơi theo ý thích.

Đối với người Hoa, ngoài các món ăn, thức uống truyền thống như bánh tổ của người Hoa Phước Kiến họ Vương, trà mè của người Sùng Chính, việc ăn uống trong các ngày tết của người Hoa ở Bình Dương cũng có các loại dưa cải, dưa hành, củ cải muối, họ cũng kho thịt heo và hầu như họ cũng ăn bánh tráng, củ kiệu và khi khách tới nhà họ cũng đãi bánh mứt, uống nước trà như người Việt

Ở Bình Dương, người Việt cũng như người Hoa đều có quan niệm trong những ngày tết phải mặc đẹp. Bà con, bạn bè tới nhà chúc tết cho nhau, trẻ em được nhận những bao lì xì đỏ thắm. Người Việt và người Hoa đều xem trọng việc xông nhà vào sáng mồng một tết. Họ quan niệm: người đến nhà đầu tiên vào ngày đầu năm nếu hợp tuổi với gia đình thì họ sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Ngoài việc dán câu đối ngày xuân, một đặc trưng văn hóa khác của người Hoa ở Bình Dương là nghệ thuật múa lốt như múa lân, múa rồng. Ở nơi nào có đông người Hoa sinh sống  khi tết đến rất dễ nhận ra bởi không khí sôi động, náo nhiệt của tiếng trống, tiếng chiêng múa lân, múa rồng vang vọng khắp nơi. Từng đội lân, rồng thay nhau biểu diễn trên khắp các nẻo đường, nếu được gia đình  nào mời, các chú lân, rồng sẽ vào nhà chúc tết gia chủ để được nhận lì xì. Sinh hoạt văn hóa tết của người Hoa ở Bình Dương rất nhộn nhịp, không khí nhộn nhịp ngày tết của cộng đồng người Hoa ở Bình Dương kéo dài cho đến rằm tháng giêng. Người Việt ở Bình Dương cũng hòa vào không khí vui xuân đầy màu sắc này.

Tết vừa có lễ vừa có  hội, là dịp để người Việt cũng như người Hoa vui xuân đón chào năm mới. Nhưng đây cũng là dịp để cả người Việt lẫn người Hoa thực hiện những nghi thức mang tính tâm linh thiêng liêng nhằm duy trì truyền thống đạo lý Nho giáo mà cả hai dân tộc đều chịu ảnh hưởng rất lớn. Những  nghi thức tưởng chừng như mang đầy màu sắc mê tín nhưng đó chỉ là những nghi thức mang nặng những điều kỳ vọng về một tương lai tươi đẹp, cuộc sống luôn có nhiều điều thay đổi, cái mới phải tốt và đẹp hơn cái cũ, năm mới phải tốt và đẹp hơn năm cũ. Tuy nhiên cũng cần tránh bớt những nghi thức làm tiêu tốn tiền bạc một cách vô bổ. Người ta nói về mặt tâm linh “nếu tin thì có không tin không có”, thờ khấn thần linh, thờ khấn vong linh những người đã khuất bằng cái tâm của mình, chết tức là đã được siêu thoát tâm hồn còn thần linh là người cõi trên không cần thiết những tiền bạc hay vật chất, cho nên vàng mã không cần phải đốt quá nhiều. Thờ khấn thần linh, thờ khấn vong linh người đã khuất là thể hiện đức tin, bởi con người luôn cần một điểm tựa trong đời sống tâm linh. Đồng thời đó cũng là thể hiện duy trì truyền thống đạo lý: con người có tổ có tông mà cả người Việt và người Hoa đều tôn thờ.

Người Hoa cũng như người Việt ở Bình Dương đều là những cánh hoa trong một đóa hoa Việt Nam, hãy duy trì những nghi thức tốt đẹp trong tết cổ truyền để truyền thống văn hóa dân tộc không nhạt phai.

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24373193