Xu hướng phát triển của nghệ thuật sơn mài Bình Dương
- 25/07/2012
Nghề sơn cổ truyền ở Bình Dương đã hình thành và phát triển gần 300 năm cùng với chiều dài lịch sử của vùng đất này. Từ cuối thế kỷ 17, những lưu dân từ đàng ngoài đã đến đây lập nghiệp, mở cỏi gắn bó ổn định bằng nghề nông và một số nghề thủ công làm phụ thêm trong những lúc thời vụ nhàn rỗi hoặc có khách hàng yêu cầu phục vụ thưởng ngoạn, tín ngưỡng hoặc xây nhà, làm chùa…“Nhờ vào nguồn nguyên liệu dồi dào, lúc nông nhàn, cư dân người Việt đã tham gia làm các nghề cưa, xẻ, mộc, sơn mài, điêu khắc, gốm. Sản phẩm các nghề thủ công không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân hàng ngày mà nó còn được đem buôn bán, trao đổi với cư dân các địa phương khác trên cả nước, nhất là Nam Kỳ Lục Tỉnh” .
Cho đến nay Bình Dương là nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật trong các công trình kiến trúc cổ xưa với nhiều đình, chùa và những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn sơn và nghề sơn cổ truyền có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật đặc sắc.
Chùa Hội Khánh (1741), còn lưu giữ gần 100 pho tượng, nhất là các pho tượng ở khu chánh điện đều được tạc bằng gỗ mít và sơn son thếp vàng, nổi bật trên hết là hai bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương. Cùng với các bức hoành phi, câu đối, trướng trích từ nội dung kinh Phật, được khắc trên gỗ quý sơn son thếp vàng, cẩn ốc xà cừ thật lộng lẫy. Đặc biệt các tủ đựng sách, kệ, triện được phết bằng loại sơn then (sơn đen ) bóng loáng, chạm đường diềm, hoa văn tỉ mỉ. Công trình đình Bà Lụa xây dựng năm 1861 là ngôi đình đồ sộ đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Trong đình còn nhiều bức hoành phi câu đối, sơn son thếp vàng nguyên vẹn bằng sơn mài tuyệt đẹp. Bên cạnh đó còn có hàng loạt ngôi nhà cổ mang giá trị lịch sử nghệ thuật nghề sơn như: nhà ông Trần Văn Tề, nhà ông Trần Công Vàng, nhà ông Năm Trong…Tiêu biểu có ngôi nhà Đốc phủ sứ Trần Văn Hổ (tự Đẩu), hiện được bảo tàng Bình Dương quản lý, nằm trong khu chợ Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, xây dựng năm 1890 với lối kiến trúc thấp mang đậm nét nhà truyền thống người Việt. Bên trong nội tự có các khánh thờ là các bức hoành phi được sơn son thếp vàng, các bức liễng cẩn xà cừ vẫn mới nguyên là nhờ chất liệu son, vàng và của sơn thếp.
Như vậy nghề sơn cổ truyền đã định vị trên đất Bình Dương và đều do các nghệ nhân nơi đây tạo tác thông qua các di vật sơn son thếp vàng, sơn then, sơn chùi còn lại trong các công trình đình, chùa, nhà cổ …
Trước những năm 1975 nghề sơn tại Bình Dương tiếp tục phát triễn mạnh mẽ mà đỉnh cao tiêu biểu là làng sơn mài Tương Bình Hiệp (cuối TK 17), trường Mỹ nghệ Thực Hành Thủ Dầu Một (1901), xưởng Sơn mài Thành Lễ (1943)., Trần Hà… Đã đào tạo nhiều lớp thợ, nghệ nhân, họa sỹ hạt nhân, một số trở thành nhà giáo, nhà doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh tham gia xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau năm 1975, với giai trò quản lý của nhà nước sơn mài tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng nghệ thuật truyền thống và chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài với các quốc gia khối Đông Âu và Liên Xô. Từ sau những năm thập niên 90 nghề sơn và nghệ thuật sơn mài gặp phải những bước thăng trầm có nguy cơ mai một. Đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI lúc này thị trường Việt Nam đã mở rộng, các chính sách khuyến khích ưu đãi được áp dụng thiết thực hơn, tạo cơ hội cho nghệ thuật sơn mài và nghề sơn trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng đã có những bước đột phá và tiếp tục phát triển mạnh mẽ với những bước đi mới trong nghệ thuật, chất liệu, kỹ thuật kể cả phương pháp sản xuất kinh doanh…Riêng mảng nghệ thuật sơn mài luôn được các ngành các giới quan tâm thông qua các phương tiện thông tin báo đài, internet, triển lãm, hội thảo chuyên đề…từ đó cũng có nhiều hướng suy nghĩ, phân tích, đánh giá khác nhau cho loại hình này. Thực trạng trong lĩnh vực sơn mài của Bình Dương đã và đang ngày một ổn định và đang có xu hướng phát triển ở cả ba mãng: trang trí, ứng dụng và nghệ thuật tựu trung qua hai loại hình là sơn mài thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật tạo hình.
- Sơn mài thủ công mỹ nghệ
Nghệ thuật sơn mài hiện tồn tại và phát triển tại Bình Dương gồm hai loại hình chính là thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật tạo hình. Sơn mài thủ công mỹ nghệ là các sản phẩm được làm ra chủ yếu bằng tay có kết hợp với máy móc để sản xuất ra số lượng nhiều, nguyên liệu sử dụng bằng sơn và các hóa chất công nghiệp. Sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và thích nghi với nhu cầu sử dụng của con người thông qua môi trường kinh doanh mà đối tượng chính là khách hàng (người tiêu dùng). Người thợ và nghệ nhân là đối tượng chính chủ đạo trong quá trình sáng tác mẫu và sản xuất, có khi một người quán xuyến toàn bộ sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, nhưng thông thường chỉ làm theo hệ thống dây chuyền một vài công đoạn nào đó mà thôi.
Sản phẩm sơn mài Bình Dương ngày nay so sánh với sơn mài trước đây về tính thẩm mỹ không những không thay đổi mà còn có nhiều đổi mới đa dạng phong phú sao cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng ( khách hàng đóng giai trò chủ đạo), từ chất liệu, kỹ thuật, hình thức trang trí (mẫu mã, kiểu dáng, nội dung đề tài, màu sắc…).
Chất liệu:
Thị trường trong nước ngày càng hiếm loại sơn ta (Phú Thọ, Nam Vang) và giá thành lại rất cao (khoảng 10 lần so với sơn hạt điều). Song song đó xuất hiện một số chất liệu mới, nhà sản xuất sơn mài đã đưa vào sử dụng các loại như: nhựa PU (Polyuréthan), sơn hạt Điều.(Polycashew), sơn Nhật (polycite)...
Sơn hạt Điều: còn gọi là Polycashew, được tổng hợp từ dầu vỏ hạt điều, qua tinh chế cho hai loại sơn cánh gián và sơn then. Với ưu điểm là khô tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời, pha được với tất cả các màu, đặc biệt có độ mọng cái rất tốt thường được dùng trong kỹ nghệ gỗ và sơn mài ở khâu lót, phủ bóng nhờ có màu nâu đỏ giống như sơn ta truyền thống vốn hạn chế trong việc pha trộn màu sắc. Nhựa PU: có tên viết tắt là Polyurethane do có độ trong bóng, cứng và mau khô, mài được trong nước, có thể làm chất phủ bề mặt sản phẩm với 2 loại độ bóng mờ và bóng trong như gương giữ được nguyên màu sắc bên trong khi vẽ, nên có được nhiều màu tươi sáng như: tím, lục, lam, vàng chanh… khi phủ bóng rất bắt mắt hợp với thị hiếu khách hàng.Sơn Nhật : Còn gọi là Polycite được đưa vào sản xuất sơn mài có hai loại sơn cánh gián và sơn đen. Từ nguyên liệu sơn sống được tách các thành phần axit… (chất gây ngứa dị ứng hoặc chậm khô) và một số tạp chất không có lợi, sau đó được tinh luyện theo phương pháp công nghiệp. Do vậy khi vẽ bằng sơn nhật chỉ cần thời gian ít hơn mà không cần ủ ẩm, nhờ vậy rút ngắn công đoạn và thời gian, mài được trong nước, dễ đánh bóng như sơn ta.
Sự phát triển về khoa học công nghệ đã mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật sơn mài, việc ứng dụng sơn trên các chất liệu như: gốm, composite, polymer, MDF, tre, vỏ cây, đất nung…đã làm phong phú hơn loại hình nghệ thuật này.
Tấm MDF: Có tên viết tiếng Anh là Medium-density fiberboard được sản xuất từ bột gỗ ép keo, nó cómột số đặc điểm giống như gỗ đó là dày đặc, phẳng, cứng, và có thể dễ dàng gia công nên có thể thay thế ván ép nhờ dễ dàng thực hiện các công đoạn sơn mài, ít tốn kém nguyên liệu, dễ tạo dáng sản phẩm khi được cắt, khoan, gắn ghép… Fiberglass: là vật liệu được chế tạo tổng hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau (nhựa, sợi thủy tinh…) nhằm mục đích tạo ra một vật liệu mới có tính năng ưu việt hơn hẳn vật liệu ban đầu (polymer). Với những ưu điểm nhờ có độ cứng, độ bền cơ học cao, chịu nhiệt và chịu sự ma sát ít bị biến dạng của vật liệu trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, dễ triển khai được các thủ pháp công nghệ, thuận lợi. Đất nung: Có tên la tinh là Terracotta có màu nâu đỏ đặc trưng, xám, nâu xám…. có trữ lượng rất lớn ở Bình Dương (từ 500 triệu m3 đến 890 triệu m3), có khả năng chống thấm tốt, bề mặt sần sùi tạo độ bám cho sơn mài, dễ dàng gia công trong quá trình chế tác. Tre, trúc: là vật liệu có sẳn được các nghệ nhân Bình Dương nghiên cứu và phát hiện mới dùng tạo dáng các sản phẩm bình, dĩa, khai... hoặc cẩn, gắn kết hợp với vỏ cây khuynh diệp, tràm tạo ra sắc thái mới làm phong phú thêm kiểu dáng và hình thức trang trí, tranh khảm sơn mài hiện nay.
Ngoài ra còn nhiều nguyên vật liệu khác ngày càng phong phú có nguồn nhập khẩu hoặc trong nước được các nhà sản xuất sơn mài Bình Dương sử dụng như: Các loại sơn, giấy nhám, bột trét, bột màu, keo công nghiệp… Máy móc cũng được đưa vào sản xuất hỗ trợ tối đa góp phần cải tiến kỹ thuật sơn mài: máy đánh sơn, máy ép, máy cưa xẻ, tạo dáng, máy phun thổi, lót, phủ, mài đánh bóng…để làm giảm bớt sức lao động của con người.
Về kỹ thuật:
Hiện nay nghề sơn mài thủ công mỹ nghệ Bình Dương có nhiều thay đổi cơ bản, nhất là về kỹ thuật chế tạo nhằm mục đích sản xuất ra hàng loạt sản phẩm với quy trình công nghệ khép kín, bao gồm nhiều công đoạn dựa trên nhiều loại máy móc kết hợp được vận hành bởi đội ngũ thợ chuyên môn hóa. Trước yêu cầu mới đòi hỏi sản phẩm sơn mài phải đạt được tính thực dụng tối đa, khác với nghề sơn mài truyền thống, vẻ đẹp của một sản phẩm sơn mài hiện đại là kết quả của tư duy thẩm mỹ, kỹ thuật, khoa học chính xác. Mỗi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sử dụng cao nhất vừa đẹp, bền nhưng lại phải tiết kiệm nguyên liệu, thời gian, công lao động, chi phí… mà quy trình sản xuất phải đơn giản hóa để tạo hiệu quả về mặt kinh tế và nghệ thuật.
Cốt vốc dùng trong sơn mài hiện nay có ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều so với các sản phẩm sơn mài truyền thống qua tiến bộ của khoa học công nghệ nên đạt được tính ổn định cao, bền chắc nhờ được xử lý tốt không bị co rút, biến dạng cùng với độ bám dính tốt cho chất liệu sơn đó cũng là ưu thế rất lớn cho loại hình sơn mài mới. Sơn hạt điều trước đây dùng trong phủ bóng nhưng do không giữ được độ trong, bóng theo thời gian , sau này được chuyển vào sử dụng các công đoạn vóc. Kỹ thuật truyền thống vẫn được sử dụng nhưng công đoạn giảm gần ½, do sơn mau khô không bị trở như sơn ta nên trong một ngày có thể hom, lót từ một đến hai nước, khi mài có hai dạng là mài khô và mài nước. Bình quân trong 10 đến 15 ngày là hoàn thành giai đoạn vóc có để đưa vào thể hiện (cẩn, vẽ…).
Nhựa PU là loại hóa chất trong suốt và sơn polycite có màu hung đỏ là 2 loại được dùng phủ bóng có độ nhớt cao, mình sơn rất mỏng lại mau khô khi sử dụng pha với xăng, các nghệ nhân không thể dùng thép mà phải thổi bằng máy pictuler, muốn đạt yêu cầu phải phủ từ 2 đến 3 nước là có thể mài đánh bóng .
Nếu nhờ vào kỹ thuật tinh xảo kết hợp nguyên vật liệu thật tốt để tăng chất lượng sản phẩm, thì giá trị thẩm mỹ lại trông cậy vào kiểu dáng, kỹ thuật vẽ, cẩn, thếp, dây rắc mới, sơn thổi, màu, gắn vỏ trứng , vỏ trai, vàng, bạc lá hoặc rây nhuyển. Một số thể loại cổ truyền như: sơn lộng, sơn khắc, sơn khoét trủng, sơn vẽ mỏng, vẽ dày… không còn phù hợp mà sơn mài ngày nay kỹ thuật sơn mài đã được vận dụng kết hợp nhiều nguyên liệu trên cùng sản phẩm.
Hình thức trang trí:
Tính trang trí có nhiều cách tân theo xu hướng mới, cách nhìn mới, dựa trên thủ pháp thể hiện mang tính khái quát hóa cao trong những đặc trưng rõ rệt đảm bảo tốt các yếu tố thẩm mỹ gồm: yếu tố thị giác, quy luật cấu trúc, bố cục, tạo hình, phối màu ... Hình thức trang trí sản phẩm sơn mài Bình Dương khi còn thời các hợp tác xã thường vẽ: hoa, lá, chim, thú, cảnh sinh hoạt của người dân và nông dân Việt Nam, phong cảnh, thuyền chày, bốn mùa…
Trong thời điểm hiện nay cách trang trí có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, nhờ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nước ngoài nên tư duy nghệ thuật của nghệ nhân có nhiều thay đổi. Họ nghiên cứu từ mẫu các cataloge của nước ngoài sau đó thêm thắt hoặc lược bỏ để cho ra mẫu trang trí mới. Nhìn chung mẫu mã ngày càng có xu hướng đơn giản dần, không cầu kỳ phức tạp như trước đây. Các sản phẩm sơn mài Bình Dương hiện nay tận dụng nhiều từ ngưồn nguyên liệu thiên nhiên truyền thống kết hợp với nguyên liệu mới (công nghiệp) làm phong phú thêm nghệ thuật trang trí, ứng dụng như: gắn trứng phẳng, gắn trứng ngửa cho đọng sơn, gắn trứng nướng độn màu chỗ dày chỗ thưa, gắn kim loại, gốm, vỏ trai, vỏ ốc, vỏ tre, vỏ cây… với nhiều màu sắc tươi sáng, phong phú đa dạng, tạo mảng, tạo hình tùy theo giải pháp ứng dụng như: cách trang trí màu không hình tạo chiều sâu bằng cách vò nhăn vàng kiếng, dây rắc vàng bạc vụn, vỏ trai vụn, vỏ trứng vụn phủ sơn cánh gián rồi mài phẳng tạo được hiệu quả sáng tối, không gian sâu đẹp và bắt mắt. Riêng giải pháp trang trí có hình mang dáng dấp hiện đại như: dán toàn bộ một màu bạc ánh sáng trên sản phẩm sau đó cẩn vỏ trứng theo nhiều hình dạng, xoắn ốc, lượn sóng, vuông, tròn… phủ sơn cánh gián trên bạc sẽ ửng sắc hoàng kim lộng lẫy, hay phủ quang sẽ tạo tương phản nổi bậc trắng – đen.
Các sản phẩm sơn mài thủ công mỹ nghệ Bình Dương đã và đang ứng dụng phù hợp với tốc độ phát triển của xã hội. Muốn trang trí trong một vật dụng hay bộ phân công trình nào đó, việc tạo dáng cho sản phẩm ở đây cũng đóng một giai trò khá quan trọng nó góp phần tạo ra nhiều mẩu mã mới lạ với nhiều kiểu dáng khác nhau giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn theo sở thích hoặc không gian tương thích bằng những đặc điểm riêng rất Bình Dương.
Sự phát triển, đổi mới của chất liệu, kỹ thuật thể hiện và hình thức trang trí trong sơn mài là hướng đi đúng nhằm hoàn thiện hơn sản phẩm về mọi mặt, tạo bước đột phá chuyển tiếp từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm hiện đại trong điều kiện hiện tại, ngành sơn mài Bình Dương đã có chỗ đứng trên thị trường, chiếm được niềm tin trong mắt khách hàng. Bên cạnh đó các nghệ nhân, doanh nghiệp Bình Dương cũng đã biết giữ lấy chữ: “Uy tính, chất lượng và hiệu quả”.
Sơn mài nghệ thuật tạo hình
Sơn mài nghệ thuật tạo hình Bình Dương hiện nay là những tác phẩm tranh vẽ do các họa sỹ sáng tạo mang dấu ấn thủ pháp riêng (không có bản sao), tính sáng tạo vượt trội. Nghệ thuật sáng tác qua kỹ thuật, chất liệu chính là sơn ta (Phú Thọ, Nam Vang) truyền thống hoặc có kết hợp. Đối tượng thưởng ngoạn chủ yếu là công chúng, nhà phê bình, nghiên cứu, sưu tầm… không có giá trị về mặt sử dụng (unless), đôi khi không có giá trị kinh tế.
Nghệ thuật sơn mài tạo hình đã có từ rất lâu trên đất Bình Dương với các thế hệ họa sỹ tiền nhân bậc thầy như: Ngô Từ Sâm, Thái Văn Ngôn, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Thạnh, Trương Văn Cang, Nguyễn Hữu Sang… đây là các họa sỹ được đào tạo chính quy trường lớp họ chuyên vẽ theo lối tả thực và sáng tác các đề tài truyền thống như: quê hương, đất nước con người, cảnh vật…Đặc biệt có bí quyết pha chế sơn độc đáo và sử dung tinh thông kỹ thuật sơn mài riêng có của Bình Dương theo tiêu chí: “phẳng -bóng- trong –sâu”.
Đặc trưng trong giai đoạn sau 1975 đến nay Bình Dương đã có lớp họa sỹ kế thừa hầu hết đều tốt nghiệp từ trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh như: Thái Kim Điền, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Tấn Công, Nguyễn Quang Sơn, Huỳnh Đức Hiếu…
Qua nhiều cuộc triển lãm Địa phương, khu vực, toàn quốc đều được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ trước đây nhiều người cho rằng Bình Dương đơn thuần chỉ sản xuất những sản phẩm sơn mài thủ công mỹ nghệ mang tính thực dụng thì loại hình sơn mài mỹ thuật đã làm phong phú thêm cho nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương.
Thế hệ họa sỹ sau này đã mạnh dạn tìm tòi sáng tạo từ chất liệu, kỹ thuật đến các đề tài mà họ từng trăn trở trong cuộc sống. Qua tác phẩm Ly Hôn của họa sỹ Nguyễn Quang Sơn đã đưa yếu tố biểu hiện lên sơn mài. Với lối vẽ hình không cần tỉ lệ, công thức, bỏ hình họa và phối cảnh cổ điển. Toàn bộ bức tranh như một phác thảo dang dở, chất liệu sơn mài đắp nổi gồ ghề thô ráp, sắc đen của sơn then bên cạnh màu hoàng kim lung linh huyền ảo của vàng bạc lá. Màu sắc tạo tương phản mạnh gây cảm giác đau đớn, dằn xé, ray rức bên trong khung cảnh gia đình chia ly đổ vỡ. Tác phẩm Cuộc đời, phá rừng thì nội dung xoáy vào các vấn đề hiện thực cuộc sống, xã hội.
Có thể nói Họa sỹ Nguyễn Quang Sơn có sức lao động nghệ thuật rất sung sức anh làm việc không mệt mỏi, tham gia triển lãm khu vực, toàn quốc thường xuyên đạt giải thưởng cao và hiện có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Dương.
Trong tác phẩm Sự đắn đo của họa sỹ Huỳnh Đức Hiếu, cũng trên chất liệu sơn ta truyền thống và lối tạo hình hiện thực hàn lâm kết hợp hài hoà với chất trang trí được thể hiện khá sinh động trong tác phẩm. Các mặt nạ tuồng được vẽ phía xa như bay nhảy, trêu cợt vây quanh một chân dung có khuôn mặt buồn, một nổi buồn khôn tả của một diễn viên trước bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay. Theo nghề hay bỏ nghề? Đó là một câu hỏi luôn được đặt ra đối những ai đang sống bằng nghề và yêu mến nghệ thuật tuồng cổ truyền Việt Nam. Rõ ràng cho thấy đây là sự “đắn đo” lựa chọn không hề dễ dàng được thể hiện trên một khuôn mặt sầu não đầy lo lắng của nhân vật trong tác phẩm.
Riêng họa sỹ Nguyễn Tấn Công tiêu biểu có tác phẩm: Hương quê, Bóng áo cà sa. Trong tác phẩmBóng áo cà sa, anh đã khai thác mô típ cổ phương Đông mà Việt Nam là điển hình để đưa vào không gian hội họa hiện đại. Khéo xử lý bố cục và màu sắc, thể hiện rõ nét ý tưởng tìm về cội nguồn. Những khuôn mặt trẻ thơ, những bóng dáng thiên thần vươn cung bay nhảy uốn lượn trong chất liệu cẩn vỏ trứng đệm màu và hình thân tre bật góc uốn cong quanh sát mép tranh làm cho người xem nhiều liên tưởng, suy nghĩ.
Với nhân vật thiếu nữ được khắc họa trong tác phẩm Hương quê anh đã nâng cao bút pháp hiện thực của mình, chú trọng khai thác tình cảm, nét đẹp nội tâm, sâu lắng của nhân vật. Thiếu nữ trong tranh họa sĩ Công dịu dàng, khỏe mạnh, có tư thế, dáng điệu, đường nét linh hoạt. Hệ thống màu sắc là yếu tố quan trọng góp phần tạo sự thành công của tác phẩm như Vàng – son – then - vỏ trứng được sử dụng hòa quyện, tôn nhau tạo cảm giác dễ chịu.
Hoa Súng, Trâu Trắng – Trâu Đen, Phóng Sinh là những tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Văn Quý sáng tác có nội dung, ý tưởng mang tính triết lý về cuộc sống con người và xã hội. Tác phẩm hoa Súng được sáng tác thiên về khuynh hướng trang trí, ở thể loại sơn mài cẩn và dây rắc vỏ trứng, cẩn ốc trai. Ở đề tài nầy tác giả mạnh dạn sử dụng gam màu xanh chủ đạo. Dùng kỹ thuật tạo nhăn sơn chồng màu tạo thành những đường lượn ngang theo khoảng cách ô. Đây là kỹ thuật tạo nhăn theo ý muốn, bên cạnh các ô rây vỏ trứng nhuyễn đệm màu xen kẽ chạy khắp mặt tranh như sóng nước cách điệu nhấp nhô, lăng tăng nhẹ nhàng, mềm mại nơi mặt hồ. Vỏ trứng nguyên nướng hơi vàng, cẩn chừa khoảng hở ngẫu hứng giống như mảng bèo nằm chen chúc dưới chân những lá súng tập trung giữa tranh, lá súng cũng được sử dụng kỹ thuật rây vỏ trứng đệm màu. Nổi bật là ba đóa hoa súng được cẩn ốc tỏa sáng ẩn chứa nhiều màu sắc lung linh, được bố cục theo hình tam giác với ba cấp độ nở khác nhau, dù được cách điệu nhưng trông hoa rất mềm mại làm cho tác phẩm tăng thêm phần sinh động.
Trâu trắng – Trâu đen tác giả bố cục theo dạng tẩu mã, áp dụng luật phối cảnh tạo không gian trong tranh có chiều sâu từ xa - gần. Cận cảnh là vài tàu lá chuối đưa ra phất phơ. Bên dưới là một mảng đất bùn rộng được tạo nhăn bằng sơn ta chồng màu xanh, xám, vàng, son…cho ra một bãi sình lầy ven bờ sông, nơi mà bầy trâu thường xuyên tụ tập sau những buổi chiều về được ăn no tắm mát.
Hai trâu trắng sắp sửa lên bờ , Phía sau là bầy trâu cẩn trứng nướng có sắc độ xám, đen (Trâu đen) đang lay hoay vật lộn với dòng nước để vào bờ nhưng do nước chảy xiết nên chưa được, sắc mặt tỏ vẻ bối rối, giận dữ. Trong xã hội luôn xuất hiện nhiều thứ đối lập, cái xấu, cái chưa hay, sự hiềm khích, đố kỵ, lòng ganh tị vẫn còn tồn tại từng lúc từng nơi. Tác phẩm Phóng sinh: được họa sĩ Nguyễn Văn Quý sáng tác bằng kỹ thuật sơn mài truyền thống: “mặt tranh phẳng, bóng, trong và sâu” với nguyên liệu bạc lá, vỏ trứng kết hợp vẽ màu tạo hiệu ứng nổi bật khi thì chìm ẩn, khi nổi cộm. Bạc nguyên lá thiếp hình vảy Rồng đệm màu mỏng chồng bên trên làm cho bạc bớt thô khi phủ lớp cánh gián mài ra cho sắc sáng uyển chuyển mềm mại không kém phần sinh động. Vỏ trứng được đem nướng nhiều sắc độ vừa cẩn vừa rây lớp hiện, lớp ẩn chôn dấu dưới lớp màu tạo thành những dấu rạn chân chim tự nhiên không trùng lấp, lớp vỏ trứng lộ bên ngoài khi thì dày, khi thưa nhiều sắc độ làm cho người xem có cảm giác tự nhiên nhẹ nhàng, dễ chịu.
Với lối tạo hình đơn giản hóa một nhân vật được vẽ bán thân làm nhân vật trung tâm nổi bật trong tranh có một em bé phía sau lưng ngước nhìn như hướng về một tương lai đang rộng mở. Bức tranh có hòa sắc chung là màu đỏ của sơn mài truyền thống, riêng mái tóc của cô gái có màu đen (then) ửng màu xanh trẻ trung. Vỏ trứng cẩn ngửa tạo những bông hoa độn màu, bạc vụn chiếm nhiều trên áo dài truyền thống. Đôi tay thiếu nữ đang nắm hờ một con chim bồ câu trắng sắp phóng sanh, bên ngoài một con đã bay xa. Cá và chim là hai trong những vật thường được chọn để phóng sinh.
Thái Kim Điền với Tác phẩm Bến Ghe, diễn tả không khí ghe thuyền đang neo đậu trên sông, qua tác phẩm trên gợi cho ta nhớ lại khi xưa ghe thuyền ra vào mua bán tấp nập trên chợ Thủ “ ai về chợ Thủ bán hủ bán ve, bán bộ đồ chè bán cối đâm tiêu”. Với không khí ấy, bố cục cô động lại thành một nhóm ghe tả cận cảnh gồm năm chiếc, đậu cạnh chiếc cầu cây, phía trước là vài bụi môn nước thể hiện đặc điểm của vùng đồng bằng Nam Bộ, không khí có phần êm ả với buổi chiều sau một ngày rong rủi ngược xuôi trên sông nước giờ đây những chiếc ghe nằm cạnh nhau mệt mỏi nghỉ ngơi. Cách thể hiện bằng kỹ thuật truyền thống, cẩn trứng dát vàng, bạc lá với sắc phối màu son chôn dưới lớp màu ẩn hiện để diễn tả trời, diễn tả nước làm tôn vẻ đẹp sông nước, bóng ghe đen mạnh làm nổi bậc trọng tâm.
Trong tác phẩm Xóm lò, họa sĩ Điền diễn tả khu vực sản xuất các mặt hàng gốm truyền thống Bình Dương. Bức tranh thể hiện theo phong cách tả thực dạng phong cảnh, toàn cảnh với nền màu son đỏ, ửng sắc vàng ráng chiều của vàng, bạc lá, thể hiện sự sâu lắng với không gian trải rộng bên cạnh những mảng hình sáng rực và sự ẩn hiện của nét đen làm rung lên không khí của xóm lò đang lao động sản xuất. Với ánh sáng khá đều chạy dẫn từ nền trời đến sân phơi. Ở trong tranh này tác giả đã phát huy được những hiệu quả của những mảng vỏ trứng, những miếng bạc phủ sơn cánh gián trong trẻo và lung linh trong ánh sáng buổi chiều, những mảng đen phóng khoáng làm cho bố cục thêm vững chãi, nhịp điệu lên xuống của những mái lò tạo nên không khí hoạt động sôi nổi vốn có của một xóm lò.
Tóm lại, sự nối tiếp và phát triển nghệ thuật sơn mài Bình Dương là xu hướng tất yếu của nhu cầu cuộc sống và thời đại. Ngày nay sơn mài Bình Dương đã qua rồi cái thời lao đao, chìm nổi. Kinh tế thị trường vốn khắc nghiệt trong mọi ngỏ ngách đời sống và nó cũng không loại trừ nghệ thuật. Cái gì thích ứng thì sẽ tồn tại và phát triển, ngược lại sẽ bị loại trừ. Sự phát triển của nghệ thuật sơn mài không chỉ là tiếp nối tinh thần của nghề sơn truyền thống nhằm kế thừa những tinh túy được lưu truyền nhiều thế kỷ nay, mà còn làm tăng lên những giá trị thẩm mỹ mới cho kỹ thuật và chất liệu sơn mài Bình Dương. Như vậy các thế hệ nghệ nhân, họa sỹ, doanh nhân tiếp tục kế thừa, xây đắp thành quả mà các thế hệ trước đã đặt nền móng cho nghề sơn cổ truyền. Kế thừa là yếu tố khách quan giữa cái cũ và mới trong quá trình phát triển chung về mọi mặt của đời sống xã hội cũng như các ngành nghề nghệ thuật. Không nằm ngoài quy luật đó nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương đã và đang nâng cao các hình thức phát triển mới để phù hợp với những bước tiến của nghệ thuật và sự phát triển chung của địa phương.
- TIỂU ĐOÀN PHÚ LỢI CHIẾN ĐẤU CHỐNG CUỘC PHẢN CÔNG CHIẾN LƯỢC MÙA KHÔ LẦN THỨ NHẤT (1965-1966)
- HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC CỦA NGUYỄN SINH SẮC Ở THỦ DẦU MỘT - BÌNH DƯƠNG (1923-1926)
- THẦY NĂM NHỊ - VỊ VÕ SƯ ĐÃ ĐEM MÔN VÕ LÂM TÂN KHÁNH BÀ TRÀ RA TỨ PHƯƠNG
- MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC TIÊU BIỂU CỦA LINH MỤC VÀ GIÁO DÂN Ở BÌNH DƯƠNG TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH...
- NGỌN ROI CỦA THẦY NĂM NHỊ ĐẤT VÕ TÂN KHÁNH BÀ TRÀ KHUẤT PHỤC TƯỚNG CƯỚP TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY NAM...
- DI TÍCH MỘ ÔNG CẢ TRƯỞNG TRẦN VĂN LONG (THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT, TỈNH BÌNH DƯƠNG)
- LÀNG CÔNG GIÁO LẠC AN - THÁI HƯNG TRONG 20 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1954 - 1974)
- VÕ ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN TRUYỀN DẠY MÔN VÕ LÂM TÂN KHÁNH BÀ TRÀ Ở SÀI GÒN
- DẤU ẤN TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN TIỀN SỬ ĐÔNG NAM BỘ
- THIẾT GIÁP M113 - CHỨNG TÍCH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC CỦA QUÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG