Đất, Người Bình Dương

Dầu Tiếng: địa danh một vùng đất nổi tiếng, đầy ấn tượng …

  • Nguyễn Hiếu Học
  • 25/07/2012

(Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Dầu Tiếng được giải phóng: 13/3/1975 - 13/3/2011)
 

            Về mặt tự nhiên Dầu Tiếng là vùng đất ở giữa hai dòng sông có hình dạng  chữ V (như là một biểu tượng chiến thắng), được bao bọc bởi hai con sông đẹp và khá nổi tiếng. Sông Sài Gòn (còn có tên là sông Tân Bình) ở phía tây và phía nam với chi lưu là sông Thị Tính (còn gọi là Băng Bột) ở phía tây. Tuy không phải là vùng đất đỏ nhưng Dầu Tiếng vẫn là một trong những vùng cao su nổi tiếng ở miền Đông Nam bộ với loại đất xám bình nguyên hiệnnay đã được mở rộng gần 29.000 hécta (chiếm khoảng 60% diện tích tự nhiên của toàn huyện, sản lượng gần 50.000 tấn mủ/năm, giải quyết tốt đời sống cho trên dưới 24.000 công nhân.

            Tiếp giáp ở phía bắc huyện này là hồ thủy lợi rất quan trọng và khá đẹp có diện tích mặt hồ thuộc loại lớn nhất ở phía Nam. Tuy nằm trên địa bàn tỉnh giáp ranh Tây Ninh nhưng lại mang tên hồ Dầu Tiếng. Hồ rộng 27.000 ha có sức chứa hơn 1,5 tỷ m3 nước, tưới xanh cho cả một vùng ruộng rộng lớn ở miền Đông Nam bộ. Hồ còn là một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách kể cả khách tham quan của đất Bình Dương - Dầu Tiếng. (1)

            Cũng giống như tên gọi Thủ Dầu Một, Dầu Tiếng là một địa danh nôm na thuần Việt, trong đó có yếu tố “dầu” tức là cây dầu rái (dầu lông) mà người Hoa gọi là “thổ long mộc” (cây rồng đất) vì có chất nhựa rất dễ bén lửa (mãnh hỏa du). Theo tư liệu truyền khẩu cho rằng có tên gọi Thủ Dầu Một vì vùng đất này có cây dầu cao lớn hơn cả nên gọi là “Dầu một”, lại mọc gần cái đồn để kiểm soát canh giữ (thủ). Các thành tố “thủ” và Dầu một ghép lại thành địa danh Thủ Dầu Một. Cũng gần giống như thế “Dầu Tiếng là vùng đất có cây dầu nổi tiếng”.Thưở ấy nơi đây là chốn hoang vu. Rừng cây chủ yếu là cây dầu thâm u, rậm rạp bên bờ sông Sài Gòn, khu vực Cầu Tàu bây giờ, có một cây dầu lớn ba, bốn người ôm không xuể, không hiểu vì lí do gì đổ xuống, thân nằm vét ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên dân ghe thuyền đi trên sông Sài Gòn, dân từ hai bên bờ sông qua lại đều không thể không nói đến chiếc “cầu” này …). Từ đó nhân dân đã lấy luôn tên cây “dầu” nổi tiếng này để gọi vùng đất sinh ra nó là Dầu Tiếng”.

            Thế nhưng về sau Dầu Tiếng không còn nổi tiếng về cây dầu độc đáo này cũng như cả rừng dầu bạt ngàn càng ngày càng bị phá đi để khai hoang, mà lại nổi tiếng về một loại cây đặc biệt  : cây công nghiệp cao su mới bắt đầu trồng từ đầu thế kỷ XX. Đến năm 1917 tại Dầu Tiếng đã có hơn 7.000 hecta cây cao su cùng với sự ra đời của công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Preumatiques Michelin on Viet Nam). Sản phẩm của cây cao su Dầu Tiếng nổi tiếng khắp Đông Dương qua thương hiệu Michelin. Đây là một trong bốn công ty cao su quan trọng nhất thuộc ngành khai thác cao su của người Pháp tại Đông Dương.

            Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước trong đấu tranh chống áp bức bóc lột trong kháng chiến chống ngoại xâm và cả trong xây dựng phát triển, đội ngũ công nhân cùng nhân dân Dầu Tiếng luôn vinh dự nhận lãnh vị trí hàng đầu trong sự nghiệp chung của dân tộc và của địa phương.

            Dầu Tiếng là một địa danh dân dã nhưng đầy ấn tượng. Trước khi trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bình Dương như hiện nay, vùng đất này đã trải qua một quá trình biến động về lịch sử địa lý qua sự chuyển đổi, tách nhập từ hai vùng đất kế cận khác nhau là Gia Định – Sài Gòn và Bình An – Thủ Dầu Một. Ngay trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương trước 1975 và Sông Bé – Bình Dương sau ngày giải phóng, vùng đất Dầu Tiếng vẫn còn không ít lần thay đổi tách, nhập…

            Căn cứ vào một số sử liệu đáng tin cậy, dưới đây chúng ta thử phát họa quá trình diễn tiến lịch sử địa lý ấy của vùng đất Dầu Tiếng từ khi những đơn vị hành chính đầu tiên của người Việt được thiết lập ở vùng đất mới phía Nam (1698) cho đến ngày nay.

            Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu mở mang vùng đất Đồng Nai –Gia định (chính thức từ 1698) cho đến triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn, vùng đất này là huyện Dầu Tiếng xưa có tên là tổng Dương Hòa Hạ, dưới triều Thiệu Trị đổi thành tổng Bình Thạnh Thượng (BTT) đều thuộc tỉnh Gia Định. Đến khi người Pháp xâm chiếm xứ Nam kỳ lục tỉnh, đất Dầu Tiếng được sáp nhập vào tỉnh Thủ Dầu Một. Sau khi trở thành một tổng hay một huyện (quận) của tỉnh Thủ Dầu Một (sau đó là tỉnh Bình Dương, Sông Bé rồi tỉnh Bình Dương tái lập) Dầu Tiếng còn tiếp tục chịu nhiều sự thay đổi về đơn vị hành chính nhất là với huyện kế cận : Bến Cát. Sau đây là đôi nét về quá trình biến động ấy của vùng đất Dầu Tiếng :

            1/ Là tổng Dương Hòa Hạ thuộc tỉnh Gia Định : (từ 1698 đến triều Minh Mạng 1820 – 1840) :

            Bộ tổng kết sưu tập Địa hạ dưới thời Minh Mạng thực hiện vào năm 1836, đã ghi rõ : “Tổng Dương Hòa Hạ thuộc huyện Bình Dương (nay là địa bàn TPHCM) phủ Tân Bình tỉnh Gia Định gồm có 8 thôn : 1/ An Định Thôn (xứ Bến Tàu); 2/ An Sơn Thôn (xứ Bến Oãn); 3/ An Thành Thôn (xứ Bến Đồng); 4/ An Thành Tây Thôn; 5/ Phú Thuận Thôn (xứ Suối Cương); 6/ Thanh An Thôn (xứ Bến Chùa); 7/ Thanh Tuyền Thôn (xứ Bến Gỗ); 8/ Bảo Định Thôn (xứ Dầu Tiếng).

            Đặc biệt địa danh Dầu Tiếng sau này được dùng đặt tên cho cả vùng đất “huyện Dầu Tiếng”, đã xuất hiện trong địa hạ 1836 như là tên gọi một thôn, xóm (*).

            2/ Là Tổng Bình Thượng Thạnh (BTT) thuộc tỉnh Gia Định (dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức) :

            Sau khi chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, người Pháp sắp xếp lại các đơn vị hành chính ở đây. Từ ngày 11-2-1864, tổng BTT (trước đây là tổng Dương Hòa Hạ) trực thuộc huyện Tân Minh, hạt Thanh Tra (một đơn vị hành chính ngang cấp tỉnh) Tây Ninh.

            Đến ngày 3-2-1866, tổng BTT, huyện Tân Minh lại thuộc về hạt Thanh Tra Sài Gòn

            Tổng BTT lúc bấy giờ có 12 thôn gồm : An Sơn, An Thành Tây, An Thuận, An Thành, Định Thành, Kiến An, Kiến Điền, Phú Thứ, Phú Thuận, Thanh Điền, Thanh An, Thành Trị (Bến Súc)

            Chú ý thôn Định Thành sau này trở thành thị trấn là huyện lỵ của huyện Dầu Tiếng như hiện nay.

            3/ Tổng Bình Thạnh Thượng được sáp nhập vào tỉnh Thủ Dầu Một 1871.

            Sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam Kỳ, ngày 16-8-1867, người Pháp chia Nam Kỳ thành 24 hạt Thanh tra (Inspection), trong đó có hạt TDM, Sài Gòn, Biên Hòa (trước đó hạt TDM nguyên là huyện Bình An thuộc tỉnh Biên Hòa).

            Đến 5-6-1871, Thống đốc Nam Kỳ ban nghị định điều chỉnh 24 hạt thanh tra xuống còn 18 hạt, hạt TDM vẫn tồn tại và được nhận thêm TỔNG BÌNH THẠNH THƯỢNG (vẫn gồm 12 thôn như cũ) ĐƯỢC TÁCH RA TỪ HẠT SÀI GÒN. Như vậy vùng đất huyện Dầu Tiếng ngày nay đã trở thành đất của hạt Thủ Dầu Một (năm 1899 đổi thành tỉnh) từ năm 1871 đến nay đã đúng 140 năm (1871 – 2011).

            4/Tổng Bình Thạnh Thượng thuộc quận Tương An tỉnh Thủ Dầu Một (1916).

            Năm 1916 trên địa bàn tỉnh TDM, thành lập quận Tương An gồm 4 tổng người Kinh ở xa tỉnh lỵ, trong đó có tổng BTT gồm có 11 làng : An Sơn, Kiến Điền, An Thành Tây, Định Thành, Phú Thứ, An Thành thôn, Kiến An, Phú Thuận, Thanh An, Thanh Điền (không có làng Thành Trị tức Bến Súc).

            5/ Là Tổng Bình Thạnh Thượng quận Bến Cát (1926).

            Ngày 30-7-1926 quận Tương An giải thể và thành lập hai quận mới là Châu Thành và Bến Cát. Quận lỵ Châu Thành đặt ở làng Phú Cường, tỉnh TDM. Quận lỵ Bến Cát đặt ở Bến Cát gồm có hai tổng là Bình Hưng và Bình Thạnh Thượng. Ở Tổng BTT có một số thay đổi : nhập làng Phú Thuận với làng Phú Thứ và làng An Tây Thôn. Nhập làng An Sơn với làng Kiến Điền thành làng An Điền xã. Nhập làng Thanh Điền và làng Thanh Trì thành làng Thanh Tuyền. Các làng Định Thành, Kiến An, Thanh Sơn vẫn giữ nguyên không thay đồi.

            6/ Là Tổng Bình Thạnh Thượng thuộc quận Châu Thành tỉnh Thủ Dầu Một (1938-1945).

            Năm 1938, quận Bến Cát bị giải thể, tỉnh TDM chỉ còn 3 quận : quận Châu Thành, quận Bù Đốp và đại lý Hớn Quản (đại lý là đơn vị hành chính cấp quận, huyện ở vùng dân tộc ít người). Tổng BTT trực thuộc quận Châu Thành gồm có 7 làng : Phú An Thôn, An Tây Thôn, Định Thành, An Điền xã, Kiến An, Thanh An và Thanh Tuyền.

            Ngày 4-3-1936 tỉnh TDM thành lập quận Châu Thành và quận Lái Thiêu. Tổng BTT thuộc quận Châu Thành. Tình trạng đó tồn tại cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

            7/ Quận Dầu Tiếng thành lập năm 1946 thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.

            Sau khi tái chiếm thị xã TDM và các vùng phụ cận, quân Pháp thành lập quận Bến Súc và quận Dầu Tiếng vào ngày 7-3-1946. Từ đây DẦU TIẾNG TRỞ THÀNH ĐƠN VỊ CẤP QUẬN, HUYỆN. Đến ngày 30-8-1945 quận Dầu Tiếng bao gồm các làng Định Thành và Thanh Tuyền thuộc tổng BTT trước đây.

            8/ Quận Dầu Tiếng là một trong sáu quận hành chính của tỉnh Thủ Dầu Một (1955).

            Ngày 15-2-1955 Thủ hiến Nam Việt (thuộc chính phủ bù nhìn) chia tỉnh TDM ra làm 6 quận, trong đó có quận Bến Cát và quận Dầu Tiếng. Quận Dầu Tiếng gồm một phần tổng BTT với 4 thôn : Định Thành, Thanh An, Thanh Tuyền, Kiến An. Phần còn lại của tổng BTT về quận Bến Cát gồm có : An Điền xã, Phú An thôn, An Tây thôn.

            Ngày 14-12-1955 đại biểu chính phủ tại Nam Việt thành lập trên địa bàn quận Dầu Tiếng, ba làng mới lấy tên là Rạch Kiến tách từ làng Thanh Tuyền ở ven lộ 14, các làng Xuân Ninh và Trà Cổ nằm trong khu rừng cấm 171 tách khỏi làng Kiến An.

            9/ Quận Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương (1956).

            Ngày 22-10-1956 do sắc lệnh 143/NV, chính quyền Sài Gòn chia tỉnh TDM thành ba tỉnh. Vùng sơn cước phía bắc thành hai tỉnh phước Long và Bình Long. Phần đồng bằng phía nam thành tỉnh Bình Dương. Theo qui định mới từ đây các đơn vị hành chính thôn, làng, xã đều thống nhất gọi là XÃ. Quận Dầu Tiếng là một trong 5 quận (4 quận kia là Châu Thành, Lái Thiêu, Bến Cát, Củ Chi) của tỉnh Bình Dương. Quận lỵ Dầu Tiếng đăt ở xã Định Thành, quận gồm tổng BTT với 8 xã Định Thành, Thanh An, Thanh Tuyền, Định Phước, Định Thọ, Định An, Định Thới (đặt chữ đầu là Định trong địa danh Định Thành là quận lỵ của quận Dầu Tiếng).

            10/ Quận Dầu Tiếng được đổi tên thành quận Trị Tâm (1962).

            Ngày 2-7-1962 do Nghị định số 669/ND/CP của chính quyền Sài Gòn, quận Dầu Tiếng đổi thành QUẬN TRỊ TÂM và thành lập ở quận này một xã mới tên là xã Thủ Nhơn.

            Ngày 14-3-1963 do sắc lệnh 23SL của chính quyền Sài Gòn, xã Bến Củi thuộc về quận Khiêm Thạnh tỉnh Tây Ninh được sáp nhập vào quận Trị Tâm tỉnh Bình Dương, nhưng đến 20-1-1967 xã Bến Củi quận Trị Tâm lại được trả về cho quận Khiêm Hạnh tỉnh Tây Ninh.

            11/ Huyện Dầu Tiếng của tỉnh Sông Bé (1976).

            Đây là lần đầu tiên vùng đất này được chính thức gọi là đơn vị hành chính cấp huyện (dù trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong vùng kháng chiến, giải phóng, chính quyền cách mạng chỉ dùng đơn vị cấp huyện chứ không dùng đơn vị “quận” như ở vùng tạm chiếm). Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tỉnh Sông Bé được thành lập từ việc sáp nhập hai tỉnh TDM và Bình Phước, và là một trong 21 đơn vị hành chính cấp tỉnh thành trực thuộc chính phủ CMLTCHMNVN. Dầu Tiếng là một trong 14 huyện thị trực thuộc tỉnh Sông Bé.

            12/ Huyện Dầu Tiếng sáp nhập vào huyện Bến Cát (1977) thuộc tỉnh Sông Bé.

            Ngày 11-3-1977 Hội đồng chính phủ ra quyết định số 55/1977/QĐKD : hai huyện Dầu Tiếng và Bến Cát hợp thành huyện Bến Cát, huyện lỵ ở Bến Cát.

            Ngày 29-8-1994 theo nghị định số 101/1994/QĐ-CP, tại huyện Bến Cát, chuyển xã Định Thành thành thị trấn Dầu Tiếng.

            13/ Huyện Dầu Tiếng được tái lập và thuộc tỉnh Bình Dương (mới) 1999.

            Ngày 6-11-1996, theo nghị quyết của quốc hội khóa IX của nước CHXHCNVN, tỉnh Sông Bé được chia thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước huyện.

            Ngày 23-7-1999 theo nghị định số 58/1999/NĐ-CP của chính phủ, huyện Dầu Tiếng được tái lập trên cơ sở một phần diện tích và dân số tách từ huyện Bến Cát, huyện lỵ đặt ở thị trấn Dầu Tiếng. Huyện Dầu Tiếng gồm 1 thị trấn và 10 xã là : An Định, Định Hiệp, Minh Hòa, Minh Tân, Minh Thạnh, Long Tân, An Lập, Thanh An, Thanh Tuyền, An Hòa và Định Thành.

            Như vậy khi lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía Nam, chính thức lập ra những đơn vị hành chính đầu tiên của người Việt tại đất Đồng Nai, Gia Định, đất Bình Dương ngày nay lúc bấy giờ nằm trên địa bàn của tổng (1808 là huyện) Bình An thuộc dinh Trấn Biên về sau là tỉnh Thủ Dầu Một – Bình Dương (1869 – 1956), thì đất Dầu Tiếng thuộc tổng Bình Thạnh Thượng (trước đó có tên là Tổng Dương Hòa Hạ) thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình tỉnh Gia Định (là địa bàn TPHCM hiện nay).

            Sau khi người Pháp chiếm xứ Nam Kỳ lục tỉnh, năm 1871 họ sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tổng Bình Thạnh Thượng vốn thuôc hạt Sài Gòn (đất Gia Định xưa) mới được sáp nhập vào địa hạt Thủ Dầu Một, đến nay đúng 140 năm (1871 – 2011) và trong quá khứ cũng như hiện tại luôn là một huyện nổi tiếng về cây công nghiệp cao su của địa phương cũng như của miền Đông Nam bộ.

            Trước đây Dầu Tiếng là vùng đất đã chịu nhiều sự bóc lột, đàn áp từ chính sách khai thác, vơ vét của bọn thực dân thuộc địa Pháp. Cũng từ đó các phong trào đấu tranh tự phát, tự giác của công nhân và nhân dân Dầu Tiếng ngày càng được rèn luyện thêm mạnh mẽ góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc ởNam bộ trong cuộc cách mạng Tháng Tám 1945. Phát huy truyền thống đó, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, Dầu Tiếng đã đóng góp một cách xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của cả đất nước.

            Lịch sử đấu tranh yêu nước của dân tộc sẽ mãi còn ghi nhớ những chiến tích, những địa danh vang dội trên vùng đất Dầu Tiếng anh hùng mà có lần Bác Hồ đã nhắc đến như Bầu Bàng, Long Nguyên, Núi Cậu, Nhà Mát, Đường Long, Căm Xe, Tam Giác Sắt. Địa danh Dầu Tiếng càng được tô đậm, vinh danh qua những cột mốc lịch sử đáng nhớ như cuộc tấn công Dầu Tiếng năm 1958đồng khởi Dầu Tiếng năm 1960, chiến thắng Dầu Tiếng trong các năm 1961 và năm 1972 và nhất là việc giải phóng Dầu Tiếng ngày 13-3-1975 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn Miền nam ngày 30/4/1975.

            Nhắc đến lịch sử đấu tranh của công nhân Miền Đông Nam Bộ đã có một tổng kết khá chính xác:“Trong thời kỳ trước 1975, nếu Phú Riềng Đỏ là nơi mở đầu phong trào đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam bộ thì Dầu Tiếng là nơi khởi đầu phong trào ấy đi hết cuộc kháng chiến giải phóng ba mươi năm”.

            Trong đấu tranh, trong chiến tranh, Dầu Tiếng là một đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.Trong thời hòa bình và xây dựng, Dầu Tiếng là một tập thể “Anh hùng lao động”.

            Dầu Tiếng:địa danh một vùng  đất rất xứng đáng tiêu biểu cho miền Đông “gian lao mà anh dũng” từng được vinh danh như trong một khúc tráng ca. “Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng. Trong lao động người lại cũng anh hùng” (ca khúc "Tình đất đỏ miền Đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn)./.

N.H.H

             

Ghi chú : Bài viết có tham khảo các sách báo, tài liệu dưới đây :

1/ Đại Nam Nhất thống chí (tập thượng) bản dịch của Nguyễn Tạo, Sài Gòn TB 1973

2/ Địa chí Sông Bé XB 1991

3/ Địa chí Bình Dương XB 2010

4/ Lịch sử phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng XB 2000 (*)

5/ Nguyễn Đình Đầu, tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh XB 1994

6/ Nguyễn Quang Ấn, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính … XB 1997

7/ Nguyễn Hiếu Học, lối xưa đất Thủ XB 2009 và nhiều tư liệu từ nhiều nguồn khác.

Nguyễn Hiếu Học


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24284576