Đất, Người Bình Dương

Quân đội Sài Gòn ở Bình Dương bại trận và tan rã như thế nào?

  • Trần Thanh Đạm (Hội Sử học Bình Dương)
  • 25/07/2012

Kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2011)
   

36 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh quân đội Sài Gòn ở Bình Dương tan tác trước sức mạnh nổi dậy của quần chúng và nếm đòn của quân Giải phóng như vừa qua một trận “siêu động đất kinh hoàng”, không phai mờ trong ký ức nhân dân Bình Dương.

Đó là, ngay từ đầu năm 1975, quân và dân tỉnh Bình Dương đã quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976 và khi thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Nhưng sau chiến thắng Phước Long (06-01-1975), chiến thắng Buôn-Ma-Thuột (10-03-1975) và chiến thắng Dầu Tiếng (13-03-1975), quân đội Sài Gòn chạy khỏi Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung (cuối tháng 3 và đầu tháng 4-1975). Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trong tháng 4 năm 1975. Tại Bình Dương chiến thắng Dầu Tiếng đã giải phóng hoàn toàn huyện Dầu Tiếng ở ngay sát nách thành phố Sài Gòn, buộc quân ngụy phải tháo chạy. Nhưng thảm hại nhất là Quận trưởng Qúi đã cởi hết quần áo giả thường dân để chạy thoát thân. Giải phóng Dầu Tiếng đã mở rộng vùng giải phóng thành một vùng rộng liên hoàn từ thị trấn Dầu Tiếng đến Chiến khu Đ, tạo điều kiện cho đại quân ta đứng chân tiến công vào Sài Gòn. Chỉ huy sở chiến dịch giải phóng Sài Gòn từ căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh – Bình Phước) chuyển đến căn cứ Căm Xe (Dầu Tiếng) để thuận tiện chỉ đạo tấn công và nổi dậy trong nội ô thành phố.

Ngày 12-04-1975, đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong việc giải phóng tỉnh Bình Dương. Tại căn cứ huyện Đồng Phú (Bình Phước), Quân đoàn 1 quyết định thành lập Bộ chỉ huy thống nhất của tỉnh Bình Dương do Thiếu tướng Nguyễn Chuông – Tư lệnh Sư đoàn 312 làm Tư lệnh. Đồng chí Nguyễn Văn Luông (Sáu Phát), Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là Chánh ủy. Đồng chí Một Hữu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Dương làm Phó Tư lệnh.

Dưới sự chỉ huy thống nhất, các Sư đoàn 312, Sư đoàn 320B, đại đội đặc công Miền, Tiểu đoàn Phú Lợi 1, 2, 3, các đơn vị trực thuộc Tỉnh đội Bình Dương, các huyện thị trong tỉnh và các đội mũi công tác lộ và mật của các địa phương… đã cùng một mục tiêu tấn công, chia cắt, cô lập các căn cứ quân sự của đối phương. Mục tiêu chính của ta là làm tan rã và xóa sổ Sư đoàn 5 Sài Gòn, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện…” đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương trong thời gian ngắn nhất. Nhưng ta đã đánh giá một cách khách quan tình hình đối phương. Thiếu tướng Nguyễn Chuông cho biết: “Để đánh bại Sư đoàn 5 này không phải là chuyện dễ dàng. Vì ngoài lực lượng thiện chiến, vũ khí trang bị hiện đại, phòng thủ ở các căn cứ khác nhau và có thể hỗ trợ mỗi khi có sự cố”.

Thật vậy, đến đầu năm 1975, chưa kể số tàn quân từ các nơi chạy về, nếu tính cả các sắc lính và công chức hành chính Sài Gòn tại tại tỉnh Bình Dương có khoảng 6 vạn tên. Ngoài lực lượng Sư đoàn 5 ở căn cứ Lai Khê, còn có lực lượng thủy quân lục chiến tại căn cứ Sóng Thần (Dĩ An), các căn cứ Phú Lợi, căn cứ Công Binh… còn nguyên vẹn. Các đơn vị biệt động quân, hệ thống bảo an, dân vệ rải rác khắp tỉnh được trang bị vũ khí, hỏa lực mạnh, hệ thống đồn bốt bố phòng vững chắc. Tại thị xã Thủ Dầu Một, Bến Cát, Phú Lợi… chúng bố trí 50 khẩu pháo 105 và 175 ly.

Do đánh giá đúng tình hình đối phương nên trước giờ cùng xuất kích tiến công quân đội Sài Gòn, ta đã chuẩn bị chu đáo và có kế hoạch tỉ mỉ hợp lý. Vào chiều ngày 26-04-1975, Tiểu đoàn Phú Lợi 1 do đồng chí Năm Châu nguyên Tỉnh đội phó Bình Dương chỉ huy, được Sư đoàn 320B hỗ trợ trợ pháo, đã tiến công hạ đồn Bình Cơ, Bình Mỹ xóa sổ Tiểu đoàn quân Sài Gòn 306 anh hùng, mở đường tiến qua Tân Uyên, Lái Thiêu. Đại quân ta đi tới đâu, quân đội Sài Gòn tháo chạy như vịt đến đó. Thừa thắng, bộ đội địa phương Phú Giáo đã báo vây bức đối phương rút bỏ đồn Sông Bé (Phước Hòa) giải phóng thị trấn Phước Vĩnh. Du kích xã Tân Bình (Tân Uyên, Chánh Phú Hòa (Bến Cát) bao vây bắt sống xe tăng quân đội Sài Gòn. Sau khi làm chủ thị trấn Uyên Hưng, bộ đội địa phương và du kích huyện Tân Uyên mở mặt trận ở bến đò Bà Miêu, chận tàn quân chạy sang Biên Hòa, Sài Gòn. Trung đoàn chủ lực 27 bao vây uy hiếp đối phương ở thị trấn Lái Thiêu. 2.000 tân binh ở Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương kéo cờ trắng ra hàng. Bộ đội địa phương và du kích chiếm lĩnh các đồn bốt trong thị trấn. Bộ đội chủ lực đã anh dũng chiến đấu chiếm giữ đầu cầu Lái Thiêu và cầu Vĩnh Bình ngăn chúng trốn chạy về Sài Gòn, cô lập bọn thủy quân lục chiến ở căn cứ Sóng Thần (Dĩ An). Xe tăng, pháo binh của Sư đoàn 320B ào ạt tiến lên đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Tại Bến Cát, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) đã lập nhiều chốt trên quốc lộ 13 không cho địch từ Lai Khê chạy về thị xã Thủ Dầu Một. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích Bến Cát đã bao vây bức hàng Tiểu đoàn 301, 4 đại đội bảo an, giải phóng các xã An Điền, Phú An, An Tây.

Đêm 27 đến sáng ngày 28-04, các Trung đoàn 165, 141, 209 (thuộc Sư đoàn 312) đã áp sát, bao vây Tiểu khu Bình Dương, căn cứ Phú Lợi, căn cứ Công Binh, căn cứ Lai Khê. Tại các chốt trên quốc lộ 13 ta bí mật ém quân, chỉ dùng súng AK, B40 đánh lính Sư đoàn 5 từ Lai Khê nống ra. Do đó, bọn chỉ huy ở căn cứ Lai Khê vẫn yên trí là chỉ có một bộ phận nhỏ quân chủ lực về hỗ trợ cho bộ đội địa phương hoạt động. Bọn lính thông tin Sư đoàn 5 ở căn cứ Lai Khê tuy có bắt được tin qua máy bộ đàm PRC25 là có quân của Sư đoàn 312 hoạt động trên quốc lộ 13, nhưng chúng không dám báo cáo về trên vì sợ bọn chỉ huy “quy chụp” là tung tin gây hoang mang trong binh lính chúng. Còn tướng Lê Nguyên Vĩ, Tư lệnh Sư đoàn 5 Sài Gòn đã điện đàm về Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của là “Sư đoàn 312 không làm được gì đâu ?”.

Đến 23 giờ đêm ngày 29-04, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của phát hiện có Sư đoàn 312 và báo cáo cho Tư lệnh Sư đoàn 5 là: “Thị xã Thủ Dầu Một, căn cứ Phú Lợi, căn cứ Công binh đã bị quân Sư đoàn 312 bao vây. Quân rất đông, có pháo lớn và xe tăng ở rừng Tân Hội và cầu Thợ Ụt”.

Tướng Vĩ còn hùng hổ nhắc  nhở Của là “tăng cường phòng thủ Thị xã, dinh Tỉnh trưởng và căn cứ Phú Lợi. Sư đoàn 5 sẽ tăng quân cho tỉnh và căn cứ Phú Lợi để đánh vào phía sau, cắt đôi Quân đoàn 1 thành nhiều mảnh mà tiêu diệt. Sư đoàn 312 chưa làm gì được đâu ? Cứ theo kế hoạch thì 8 giờ, chúng tôi trên này về gặp nhau sẽ bàn”.

Được thế, Của càng hò hét quân lính “tử thủ giữ Bình Dương”, cho đào nhiều hào, làm nhiều hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật chống xe tăng vào thị xã.

Ở căn cứ Lai Khê từ sáng ngày 29-04, chúng cho pháo bắn dữ dội vào các trận địa chốt của ta trên Quốc lộ 13 và xung quanh các căn cứ Phú Lợi, Công Binh. Chúng cho 70 xe tăng, thiết giáp, xe tải xuất phát từ Lai Khê húc thục mạng vào các chốt chặn của ta. Ta bắn cháy 2 xe tăng. Nhiều lính Sư đoàn 5 sợ hãi trốn chạy. Nhưng có 15 xe tăng đã liều chết vượt chốt chặn chạy được về tiểu khu Bình Dương. Ta rút kinh nghiệm lập nhiều chốt chặn trên quốc lộ 13 kiên cố hơn, quyết tâm ngăn địch tháo chạy.

Đúng 6 giờ sáng ngày 30-4, ta đồng loạt bắn pháo và các loại súng như đổ lửa vào các căn cứ Lai Khê, Tiểu khu Bình Dương và căn cứ Công Binh. Trước sức tấn công như vũ bão của ta, tướng Vĩ ra lệnh cho rút khỏi căn cứ Lai Khê về thị xã Thủ Dầu Một. Nhưng quốc lộ 13 đã bị quân ta chốt giữ. Vĩ ra lệnh cho quân sĩ tháo chạy theo đường 14, 15 cũ. Lực lượng tháo chạy trên 20 xe cơ giới với 100 binh sĩ do Vấn – Tư lệnh phó Sư đoàn 5 chỉ huy vừa qua khỏi đường 14 đến đường 15 thì bị quân ta đón đánh. Chúng tạt vào rừng ngồi im. Tướng Vĩ ở lại Lai Khê đã tự sát. Khi ta vào tiếp quản căn cứ Lai Khê thấy bên xác Vĩ còn một tờ giấy viết tay của ông ta ghi “nhiều tiền, nhiều của, nhục nhã quá…”. Đây là lời sám hối của một tướng Sài Gòn đã lầm đường theo quan thầy Mỹ, trước giờ dãy chết.

Đến 10 giờ ngày 30 tháng 4, Tỉnh trưởng Của đã điện đàm xin gặp  người chỉ huy cao nhất của ta:

- Thưa ngài, chúng tôi xin ngài cho quân vào. Chúng tôi xin gặp ngài để bàn giao.

Tướng Chuông trả lời:

- Thôi được. Ông cứ ra lệnh cho quân sĩ dưới quyền không được bắn. Tất cả công sở cắm cờ trắng lên. Tôi hẹn 30 phút nữa !. Ông không nghe theo lệnh này, tôi sẽ lệnh cho pháo binh và xe tăng vào đánh thì chẳng còn gì bàn nữa !.

Nhưng sau đó Của và Sư phó Sư đoàn 5 đã lên xe jeep chạy theo hướng về Sài Gòn và bị tổ công tác của nữ đồng chí Cẩm Vân bắt tại ngã tư Phú Văn.

Khi quân ta tiến vào thị xã, tại dinh Tỉnh trưởng cũng như tại căn cứ Công Binh, tàn quân còn lại đã xếp hàng ngay ngắn ở sân. Một sĩ quan trong đám tàn quân ra báo cáo:

- Thưa ngài, xin ngài nhận bàn giao kho tàng, tài liệu, công sở…

Tướng Chuông nói:

- Các anh không phải bàn giao. Bây giờ tôi không bắt giữ ai cả. Các anh đi đi.

Lập tức bộ đội tỉnh và các mũi công tác chia nhau chiếm giữ các công sở, kho tàng. Khu nhà cao tầng căn cứ Công Binh được chuẩn bị cho cơ quan Sư đoàn 312 làm việc.

Được tin quân đội Cộng hòa ở Sài Gòn đã đầu hàng, đám tàn quân do Tư lệnh phó Vấn cầm đầu tạt vào rừng đã cử người ra gặp ta xin hàng. Đến 15 giờ cùng ngày, đám tàn quân này mới chịu xin giao nộp vũ khí. Cùng lúc ấy, tại căn cứ Gò Đậu – thị xã Thủ Dầu Một, chỉ có 2 du kích đã bao vây gọi hàng 2 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép quân đội Sài Gòn. Tại Dĩ An và căn cứ Sóng Thần, đại đội đặc công Miền và đại đội đặc công 73 của tỉnh bao vây, uy hiếp buộc 4.000 lính Sài Gòn ra hàng. Nữ đồng chí Đinh Thị Thảo, đội trưởng đội công tác và tổ du kích xã Đông Hòa (Dĩ An) đã vận động làm tan rã một lữ đoàn biệt kích hơn 1.000 tên từ Long Khánh chạy qua Dĩ An tan rã.

Nếu lấy thời điểm quân ta chiếm lĩnh thị xã Thủ Dầu Một thì đúng 12 giờ ngày 30-4-1975 tỉnh Bình Dương đã hoàn toàn giải phóng. Nhưng tại thị xã Thủ Dầu Một còn 5.000 lính và tại Lai Khê đến chiều ngày 30-4 tàn quân Sài Gòn còn lẩn quẩn chạy theo ta để xin cho được giấy chứng nhận đã đầu hàng quân Giải phóng để trở về quê. Sư phó Vấn cho biết, lính Sư đoàn 5 thương vong ít (nếu có chỉ vài trăm), chủ yếu là chúng chạy trốn. Theo lệnh của ta đúng 8 giờ sáng ngày 1-5, Vấn đã tập hợp hơn 3.500 tàn quân tại một bìa rừng cao su gần Lai Khê để tiếp nhận đầu hàng. Tên nào tên nấy cũng mặt mũi tiu nghỉu, đầu tóc bù xù, quần áo nhiều màu xốc xếch như đàn gà sau trận mưa bão. Có tên mặc quần áo dân thường. Có tên mặc quần không có áo. Tướng Nguyễn Chuông thay mặt Nhà nước và quân Giải phóng tuyên bố:

- Chúng tôi không bắt giữ ai cả, thả hết các anh em về với gia đình, quê hương mình. Riêng anh em cấp tá trở lên còn phải khai báo thêm, sẽ về sau.

- Lúc đó trên quốc lộ 13 từ Lai Khê về thị xã Thủ Dầu Một, súng đạn, xe cộ, quần áo, mũ giày chúng vứt ngổn ngang. Pháo bị chúng tháo bỏ lại để lấy xe chạy trốn. Nhưng ta chưa kịp thu dọn và quản lý.

- Thế là, sau 3 ngày rưỡi chiến đấu, quân và dân Bình Dương dưới sự chỉ huy của của Bộ chỉ huy thống nhất: quân chủ lực, bộ đội địa phương, các đội mũi công tác lộ và mật đã hợp đồng chặt chẽ cùng xuất quân giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, làm tan rã quân đội và công chức Sài Gòn. Đây là chiến công hào hùng chưa từng có của quân và dân Bình Dương tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc ./.

Trần Thanh Đạm (Hội Sử học Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24384495