Sử học Thế giới

Gốm Lái Thiêu

  • NGUYỄN THỊ HIỀN
  • 25/07/2012
Những ngành nghề thủ công mỹ nghệ chính là nét đặc sắc trong truyền thống văn hóa của vùng đất Bình Dương. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này một tài nguyên rừng phong phú với nhiều loại gỗ quý hiếm và một nguồn khoáng sản đất sét, caolin rất dồi dào. Đây chính là những nguồn nguyên liệu quan trọng trong việc hình thành và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ như: Nghề điêu khắc gỗ, nghề sơn mài, nghề làm gốm...
Bình Dương là một tỉnh có nguồn khoáng sản đất sét, cao lanh rất phong phú là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất gốm sứ và là nơi rất thuận tiện cho việc lưu thông buôn bán hàng hóa nên đã thu hút được nhiều nghệ nhân làm gốm từ vùng Cây Mai - Bến Nghé về đây sinh sống và lập nghiệp. Nhờ những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó và con người có tính cần cù, sáng tạo ngành gốm sứ Sông Bé (Bình Dương) đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành gốm sứ đã trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng nhìn chung nó không bị lụi tàn mà còn có nhịp độ phát triển đi lên ngày càng nhanh.
Những nghiên cứu về nguồn gốc của gốm sứ Bình Dương cho rằng cái nôi của gốm sứ Bình Dương ở vùng Tân Phước Khánh (Tân Uyên). Cũng có ý kiến cho rằng cái nôi của gốm sứ Bình Dương là ở vùng Chòm Sao (Búng) thuộc xã Hưng Định. Lại có ý kiến cho rằng ở Suối Sâu (Hòa Thạnh) huyện Thuận An mới chính là cái nôi của gốm sứ Sông Bé, Bình Dương chứ không phải hai địa điểm trên.
Còn cái nôi (hay nơi khởi nguồn đầu tiên) của gốm sứ Bình Dương là ở đâu? Câu hỏi này cũng gây ra nhiều sự bàn cãi nhưng cho đến nay, cũng chưa xác định được chính xác là nó ở đâu. Hy vọng một ngày gần đây các nhà khoa học sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác về nguồn gốc của gốm sứ Bình Dương. Sau đây là một số tư liệu nói về nguồn gốc của gốm sứ Lái Thiêu (Bình Dương) mời bạn đọc cùng tham khảo.
Ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX, gốm Lái Thiêu là sự kết hợp giữa kỹ thuật làm gốm Nam Trung Hoa và truyền thống gốm Nam Trung bộ Việt Nam. Cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ gốm Lái Thiêu cùng với gốm Sài Gòn - Biên Hòa hình thành nên một tam giác gốm nổi tiếng của khu vực Nam bộ.
Làng gốm Lái Thiêu xưa nay thuộc ấp Bình Đức, Bình Hòa, Long Thới, Hòa Long... thuộc thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cách TX.TDM 10km về phía bắc, cách TP.HCM 15km về phía Nam. Với hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy, nên ngay từ xa xưa vùng đất Lái Thiêu rất thuận lợi cho việc thông thương buôn bán với các nơi khác trong khu vưc.
Vùng đất Lái Thiêu cũng như Bình Dương nói chung lượng khoáng sản rất phong phú, đặc biệt là đất sét, cao lanh. Được sự ưu đãi của thiên nhiên với nhiều trái cây ngon như sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, chôm chôm... ngoài ra vùng đất này còn được biết đến với các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lát, chạm khắc gỗ, vẽ tranh trên kính mà tiêu biểu nhất là nghề gốm sứ. Nó đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Vì thế, không phải ngẫu nhiên trước kia người ta nói đến gốm Sông Bé tức là nói đến gốm Lái Thiêu, mặc dù từ xa xưa vùng đất Sông Bé (Bình Dương) đã hình thành 3 khu vực sản xuất gốm ngoài Lái Thiêu còn có làng gốm Chánh Nghĩa và làng gốm Tân Phước Khánh.
     Theo “Địa lý tự nhiên của tỉnh Bình Dương” thì nghề gốm Lái Thiêu có từ những năm 1850 của thế kỷ thứ XIX trở về trước với lớp cư dân của người Hoa đến lập nghiệp tại Bình Nhâm, Tân Thới khi đó các lò gốm dựng dọc theo bờ rạch Tân Thới với việc sử dụng các triền đồi để xây dựng lò gốm theo nguyên tắc gió tự nhiên. Trong giai đoạn đầu sản phẩm gốm Lái Thiêu chủ yếu ở các lò thuộc trường phái của người Phước Kiến như các loại lu, khạp, hủ, chậu, nồi, siêu nấu nước... men màu đen (lu dùng để đựng đường cho các lò đường lúc bấy giờ), một số lò nổi tiếng ngày xưa như lò Anh Ký, Quảng Thái Xương, Kiến xuân, Liên Hiệp Thành đến nay vẫn còn tồn tại và phát triển.
Những người lớn tuổi trong thân tộc của lò gốm Kiến Xuân kể lại rằng: Cách đây khoảng 145 năm đến 155 năm có ông Vương Tô người Phước Kiến đã từ Trung Quốc qua Gia Định sau đó đến Lái Thiêu mở lò gốm lập nghiệp đầu tiên, nơi này giờ thuộc ấp Bình Đức, xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ông Vương Tô là ông cố nội của của ông Vương Thế Hùng chủ lò gốm Kiến Xuân theo lối cha truyền còn nối. Bà con trong thân tộc cho rằng lò gốm Kiến Xuân đã xây dựng và duy trì tới bây giờ với mặt hàng truyền thống là lu, khạp... đây là nơi xuất hiện đầu tiên của ngành gốm sứ Bình Dương.
Bên cạnh đó, những người Hoa gốc Quảng Đông ở Tân Phước Khánh giới thiệu rằng lò gốm Thái Xương Hòa là cơ sở gốm lâu năm nhất ở Bình Dương. Tục truyền rằng chú Mầu Quảng Đông đến Tân Phước Khánh đã lâu và lập nên lò gốm sứ cũng từ xưa, xưa lắm rồi. Họ bảo rằng chú Mầu đã cúng Chùa Bà cái lư hương và chiếc bình hoa làm di vật trong năm 1867 lúc Chùa Bà làm lễ khánh thành. Hiện nay cái lư hương vẫn còn song không có dấu hiệu là sản phẩm của Tân Phước Khánh, riêng cái bình hoa vẽ hình bát tiên có in chữ “Tân Khánh Thôn”. Hiện vật tuy ít nhưng chứng tỏ vùng Tân Phước Khánh cũng là nơi sản xuất gốm từ rất lâu đời.
Do vậy, từ những cứ liệu trên về vùng đất Lái Thiêu, ta thấy rằng đây là vùng đất nằm ở vị trí hết sức thuận lợi trong việc giao thương với TP.HCM (Sài Gòn - Gia Định xưa) cách trung tâm gốm sứ Cây Mai 15km. Bên cạnh đó, Lái Thiêu lại có cả đường thủy và đường bộ thuận lợi để xuất nhập nguyên, nhiên liệu và sản phẩm. Đó dường như là một lợi thế mà những người lập ra trung tâm này đã nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng đó.
Nếu so sánh Lái Thiêu với vùng Chánh Nghĩa (TX.TDM) hay vùng Tân Phước Khánh (Tân Uyên) là vùng cư dân hình thành chậm hơn Lái Thiêu, lại cách xa trung tâm Sài Gòn - Gia Định. Nếu muốn đến Sài Gònđều phải đi qua Lái Thiêu... qua đó ta thấy rằng Lái Thiêu là vùng thích hợp hơn cả (thiên thời, địa lợi, nhân hòa) cho việc phát triển ngành gốm sứ đương thời.
Như vậy, mặc dù còn thiếu vắng nhiều tư liệu song chúng ta có thể hình dung được rằng, nghề gốm Lái Thiêu đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX trở lại đây và do người Hoa sáng lập nên, lúc đầu là trường phái Phúc Kiến sau đó gốm Lái Thiêu còn có sự tổng hòa của 3 trường phái gốm Nam Trung Hoa đó là:
Trường phái Quảng Đông (lò Quảng) chuyên sản xuất các loại sản phẩm tượng trang trí, các loại chậu hoa, đôn voi nhiều loại, loại to thường dùng để ngồi, loại nhỏ để trang trí nội thất. Nét nổi bật của trường phái này là sử dụng men nhiều màu, hoa văn thường cách điệu, đẹp và trang nhã.
Trường phái Triều Châu (lò Tiều) chuyên sản xuất gốm gia dụng, phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như: chén, đĩa, tô và các loại độc bình dùng để cắm hoa... trường phái này thường sử dụng men xanh, trắng, nét vẽ đa dạng phong phú. Họ chú ý vẽ hoa văn bình dị, cảnh sơn thủy hữu tình, hình ảnh các con vật như con rồng, con gà; cây cối như tùng, cúc, trúc... có tính nghệ thuật gợi cảm.
Trường phái Phúc Kiến (lò Phúc Kiến) chuyên sản xuất chóe đựng rượu, lu vại đựng nước, các đồ dùng như hủ, vịm... trường phái này thường sử dụng men màu đen, da lươn, hoa văn trang trí sinh động và tạo dáng đẹp mắt.
Ngày nay, các trường phái gốm sứ hầu như không còn sự phân định rõ ràng như trước kia, bởi lý do có sự phát triển về công nghệ, thị trường yêu cầu, nên các trường phái đã có sự pha trộn, xâm nhập lẫn nhau. Các chủ cơ sở sản xuất nếu muốn tồn tại và phát triển, họ phải liên tục cải tiến mẫu mã đổi mới công nghệ, để sản phẩm cạnh tranh được với những mặt hàng nổi tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu...
Những thập niên đầu thế kỷ XX với sự bổ sung của những thợ gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu phát triển cực thịnh, sản phẩm không chỉ tiêu thụ ở khu vực Nam bộ mà còn được tiêu thụ khắp cả nước. Nổi tiếng lúc bấy giờ là các sản phẩm tô, đĩa vẽ hoa văn hình con gà trống với tên gọi “bát đĩa con gà” do lò Vinh Phát, Đào Xương, Duyệt An... sản xuất.
Đến thập niên 1950-1960 của thế kỷ XX, bên cạnh đồ gia dụng thông thường gốm Lái Thiêu bắt đầu sản xuất gốm mỹ thuật, gốm trang trí như các loại tượng trang trí, đôn voi, chậu hoa mang nhiều yếu tố nghệ thuật, phù hợp với xu thế thẩm mỹ và hiện đại. Sản phẩm lúc này không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà cònđược xuất khẩu sang các nước Liên Xô và châu Âu.
Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, lúc này gốm Lái Thiêu bị hụt thị trường, do thị trường tại các nước tư bản không còn, thị trường trong nước có nhiều biến động, mặt khác, sản phẩm gốm sứ Lái Thiêu không cạnh tranh được với hàng gốm sứ Trung Quốc nhập khẩu nhiều với giá rẻ cũng như không cạnh tranh nổi với các mặt hàng gia dụng bằng nhựa, melamin... đây là thời kỳ khó khăn nhất của nghề gốm Lái Thiêu. Trước những thách thức đó buộc các cơ sở sản xuất gốm phải cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ tiên tiến cũng như cải cách phương thức quản lý và kinh doanh sao cho có hiệu quả, cái yếu của gốm Lái Thiêu là ở thiết bị sản xuất quá cũ kỹ, lạc hậu, kinh nghiệm tiếp thị, tìm kiếm thị trường quá hạn chế, mẫu mã, chủng loại đơn điệu, chất lượng sản phẩm thấp, ít chú ý đến xây dựng thương hiệu và không chú trọng đến thành tố mỹ thuật - trang trí. Song chỉ mấy năm sau ngày giải phóng nghề gốm Lái Thiêu bắt đầu ổn định và phát triển trở lại. Nhà nước đã có những chính sách khuyến khíchđể nghề gốm phát triển, từ giai đoạn này thị trường gốm Lái Thiêu cũng như các làng gốm khác trong khu vực bắt đầu có mặt ở một số nước xã hội chủ nghĩa, đây là một thị trường mới, rất hấp dẫn đối với nhiều nhà sản xuất. Thời gian này, các lò gốm ở Bình Dương lao vào cuộc cạnh tranh làm đồ gốm xuất khẩu trong bối cảnh khác trước. Do đó, việc phân công theo các chi phái phương tộc cũng bị phá vỡ. Mỗi lò tự lo việc tìm đơn đặt hàng và lo nguyên vật liệu và nhân công. Chính vì vậy, trong giai đoạn này (1991) không những tăng về số lượng cơ sở lò sản xuất đồ sành sứ mà còn có không ít những cải tiến về kỹ thuật mẫu mã cũng như có những sáng kiến mới về màu men, kỹ pháp và đồ án trang trí... nổi bật trong thời kỳ này là các lò Bình Minh, Bạch Yến (Thủ Dầu Một), Cường Phát, Minh Long (Thuận An) và Hiệp Ký (Tân Phước Khánh). Những nỗ lực đổi mới của một số cơ sở sản xuất gốm tiên phong này đã khai mở con đường cho gốm Lái Thiêu bước vào thời đại mới.
Đối với gốm Cây Mai (Sài Gòn xưa) và gốm Biên Hòa - Đồng Nai có hình dáng thanh thoát, nhẹ nhàng, tươi mát thì gốm Lái Thiêu lại có dáng khỏe khoắn, đậm đà, mộc mạc. Sự khác biệt đó không những không làm giảm giá trị của gốm Lái Thiêu mà còn làm tăng thêm tính hấp dẫn và sự phong phú về mẫu mã, hình dáng của các sản phẩm gốm vùng Đông Nam bộ, chính sự khác biệt này càng làm tăng thêm tính độc đáo của gốm Lái Thiêu.
Gốm Lái Thiêu tuy ra đời muộn nhưng đã nhanh chóng hòa nhập và ngày càng phát triển mạnh. Người thợ gốm Lái Thiêu đã lấy hình ảnh thực của vùng đất Nam bộ như con gà, con cua, con cá, cây chuối, hoa cúc, thảo mộc... để làm cảm hứng trên sản phẩm gốm của mình, tạo nên những bức tranh gốm hồn nhiên, hấp dẫn cùng với nghệ thuật thể hiện màu sắc tương phản, sinh động bút pháp điêu luyện càng làm cho người sử dụng yêu thích và mến mộ.
Đến nay, tuy có chịu ảnh hưởng chút ít của gốm nước ngoài về một số thể loại nhất định nhưng chủ yếu nghề gốm Lái Thiêu vẫn giữ được truyền thống, giữ được những sắc thái riêng của mình trong quá trình tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Vì vậy, các sản phẩm làm ra luôn tạo được chỗ đứng trên thị trường cũng như góp phần làm phong phú thêm các thể loại gốm trong khu vực Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tuy nghề gốm Lái Thiêu đã phát triển, nhất là kể từ khi Nhà nước có chính sách đổi mới, có chủ trương phát triển ngành nghề truyền thống, nhưng vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như thiếu vốn đầu tư, chưa được sự quan tâm nhiệt tình của lãnh đạo cấp trên, thiếu thợ làm gốm có tay nghề cao... Để tồn tại và phát triển được trong giai đoạn hiện nay cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, cũng như có chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo đội ngũ lớp thợ trẻ năng động có tay nghề cao...
Theo Sở Công nghệ Bình Dương (17-7-2007): Hiện nay có 252 cơ sở sản xuất gốm sứ thuộc khu vực Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An) và Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Mật) gây ô nhiễm, thải khói bụi, rơi vãi đất đá, nguyên liệu, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Cho nên, UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương từ nay đến năm 2013 phải di dời các cơ sở gốm lên vùng Tây Bắc, Tân Uyên và Bến Cát.
Việc ô nhiễm môi trường là một mặt, mặt khác là các sản phẩm gốm sứ truyền thống làm ra từ các công đoạn sản xuất thủ công không cạnh tranh được trên thị trường hiện nay là vấn đề bất cập của gốm Lái Thiêu. Năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 37/2004/QĐ-UB về việc thành lập Khu công nghiệp gốm sứ tại Đất Cuốc I (ấp 5, xã Tân Thành, huyện Tân Uyên) với diện tích quy hoạch 208 ha, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu di dời các cơ sở gốm ở trong tỉnh về đây. Theo đánh giá của cơ quan, việc chọn địa điểm này để thực hiện dự án di dời vì nó gắn liền với vùng nguyên vật liệu tại chỗ như đất đai, củi đốt và cách vùng dân cư, bảo đảm môi trường sống cho người dân. Đồng thời với chủ trương di dời các lò gốm này, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động hiện đại hóa đồng bộ dây chuyền sản xuất từ chế biến nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, lò sấy, lò nung, nhà xưởng, hệ thống xử lý chất thải. Đặc biệt, khuyến khích xây dựng là nung đốt bằng gaz, than hóa khí, dầu, dần dần chấm dứt việc dùng củi đốt lò.
Việc quy hoạch Cụm công nghiệp gốm sứ Đất Cuốc I là nhằm phát triển ngành gốm Lái Thiêu truyền thống theo hướng kết hợp công nghệ tiên tiến với truyền thống gốm thủ công để phù hợp với xu thế thời đại và giữ gìn được tinh hoa nghệ thuật truyền thống được hình thành hơn 150 năm qua. Đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của gốm sứ Bình Dương so với sản phẩm gốm sứ trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và bảo vệ được môi trường.
Nói chung, trong hơn 150 năm tồn tại, gốm Lái Thiêu không chỉ phát triển mạnh về số lượng lò/ cơ sở sản xuất mà còn phát triển về chủng loại sản phẩm, mẫu mã cũng như kỹ thuật chế tác. Tuy nhiên, một số lò gốm không chịu cải tiến mẫu mã cùng với những hạn chế của các chủ trương chính sách nghề gốm Lái Thiêu có nhiều biến động. Hy vọng khi có chủ trương quy hoạch nghề gốm tập trung về một vùng thì nghề gốm Lái Thiêu sẽ tìm được một hướng đi mới cho mình.
 
 
Tài liệu tham khảo
1. Phan An (1999), “Về các thủ công Bình Dương” Thủ Dầu Một - Đất lành chim đậu. NXB Văn nghệ TP.HCM.
2. Nguyễn Xuân Dũng (1997), Làng nghề gốm Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, Luận văn thạc sĩ Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
3. Nguyễn An Dương (1992), Gốm sứ Sông Bé, NXB Tổng hợp Sông Bé.
4. Nguyễn Đình Đầu (1998), Địa lý hành chính tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Thủ Dầu Một - Bình Dơng 300 năm hình thành và phát triển.
5. Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên), Gốm Lái Thiêu, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, năm 2009.

NGUYỄN THỊ HIỀN


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24373441