Đất, Người Bình Dương

Khăn xếp Suối Đờn nét đẹp của người Bình Dương xưa

  • NGUYỄN THỊ LAN (Bảo tàng Bình Dương)
  • 25/07/2012
Quan niệm về cái đẹp của trước đây và bây giờ hầu như không còn giống nhau nữa nhất là về vấn đề trang phục. Trước đây, để làm đẹp cho mình, những gianh giàu có họ thường sắm sửa chiếc áo dài, khăn đóng để mặc khi đi ra đường vào các ngày lễ, Tết... Còn ngày nay, thì đã xa rồi cái thời ''áo dài, khăn đóng'', ''quần lĩnh, áo lụa'', nam thanh nữ tú bây giờ cho rằng mốt đó đã quá lỗi thời không còn thích hợp trong xu hướng hiện nay. Có đôi lúc quên đi những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã gìn giữ, nét đẹp trong trang phục truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi chạy theo xu hướng của nền kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới bên ngoài, luôn năng động và tìm tòi sự sáng tạo. Đó là điều tốt nhưng sự năng động và sáng tạo phải đúng nơi, đúng chỗ (không thể chấp nhận việc cô dâu xúng xính trong áo soire mà không mặc áo dài để lạy ông bà tổ tiên).
Những năm đầu thế kỷ XX, Bình Nhâm (Lái thiêu) có chợ Cây Me là trung tâm du ngoạn thu hút nhiều người từ Sài Gòn và phụ cận đến vùng đất này. Bên cạnh chợ cây Me còn có Suối Đờn - một địa danh thu hút nhiều người Pháp đến đây. Theo lời kể của những người sống trong vùng, thì Suối Đờn xuất phát từ sáng kiến dùng sức mạnh của suối nước như kiểu guồng nước của ông Mười Hoài. Ông đã làm hình tượng con hổ bằng gỗ được căng ở trên mặt nước, một con cá cũng bằng gỗ dưới mặt nước, phía xa là Dây căng vào một điểm tựa, khi nước chảy xiết, con hổ sẽ gõ vào con cá cứ thế lặp đi lặp lại mãi... tạo ra những âm thanh nghe rất vui tai với hình tượng trên cao thì rồng phun nước xuống, ở dưới suối cá hóa long tự động phun nước lên, làm cho không khí ở đây thêm mát mẻ và khoáng đãng. Đây là điểm vui chơi, giải trí của những người giàu có như các hương chức, hội tề, quan lại, địa chủ... Họ đến đây để chưng diện, coi ai là người ăn mặc đẹp nhất, sành điệu nhất để làm đẹp cho những người này, người dân vùng Suối Đờn - Bình Nhâm đã làm ra loại khăn xếp đẹp và khéo. Từ đó, tiếng lành đồn xa, người dân ở đây cũng như các vùng phụ cận gọi loại khăn xếp này là khăn xếp Suối Đờn. Khăn xếp Suối đờn nó được coi là thời trang ăn mặc của người Bình Dương và người dân Nam bộ xưa Lúc nào trong trang phục của họ cũng có khăn xếp đội đầu Bên cạnh việc sử dụng khăn xếp trong các cuộc vui thì khăn xếp còn được dùng trong các dịp cúng bái, lễ, Tết... Khăn xếp Suối Đờn theo ''Địa chí Sông Bé'' [...] thì do ông Nguyễn Văn Bút sản xuất và chào hàng đầu tiên là ở Cầu Bông (Sài Gòn), được quảng cáo trên các báo, tiếng đồn khắp các vùng nông thôn. Nổi tiếng không chỉ vùng Nam kỳ lục tỉnh mà cả Trung bộ cũng sử dụng loại khăn xếp này. Chất lượng khăn rất tốt, dùng the lụa mỏng mua từ Sơn Tây, lùng Bùng (quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan) nơi có truyền thống dệt bùng. Khăn được xếp thành bảy hoặc chín lớp. Lớp dưới cùng được xếp thành hình chữ Nhân tượng cho người quân tử, con người phải luôn lấy chữ Nhân làm đầu. Bởi đó là chữ hình thành nên tính cách một con người.
Nét riêng của khăn xếp Suối Đờn là bên trong khăn xếp được lót vải mềm. Nó tạo cho người đội một cảm giác thoải mái, không bị gò bó. Khăn được quấn lại thành từng vòng theo đường cung tròn của chiếc bình gốm, rồi dùng vành nan tre để nưng ở bên trong. Cuối cùng đem phơi nắng cho khô cứng. Khăn xếp Suối Đờn đến nay chỉ còn là một kỷ niệm đẹp trong lòng người dân vùng Suối Đờn - Bình Nhâm Lái Thiêu. Ít ai còn nhớ đến vùng đất này đã từng hình thành một nghề khá nổi tiếng. Hiện nay, chỉ còn một người biết làm loại khăn xếp đặc biệt này đó là ông Trần Văn Chưởng (nhưng ông đã hơn 80 tuổi). Cái khăn xếp cuối cùng ông làm Cách đây đã mấy năm để dành tặng cho đứa cháu gái. Hiện chiếc khăn này đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương tại gian trưng bày về văn hóa dân tộc Việt.
N.T.L
Tài liệu tham khảo
1- Địa chí tỉnh Sông bé NXB Tổng hợp Sông bé,1991.
2- Tài liệu thuyết minh trưng bày Bảo tàng Bình Dương.
3. Hồ sơ hiện vật ''khăn xếp Suối Đờn”.

NGUYỄN THỊ LAN (Bảo tàng Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24370171