Đất, Người Bình Dương

Những đặc trưng của phong trào công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)

Phong trào đấu tranh của đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng, ngoài những đặc điểm chung của phong trào công nhân cao su toàn miền và cả nước, còn có những nét riêng như sau:

1. Thành phần hợp thành đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm (1945-1975) chủ yếu là phu contrat Bắc, Trung kỳ và nông dân, người dân tộc thiểu số ở địa bàn phía Bắc hai tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà.

Cùng với sự phát triển của các đồn điền cao su Thủ Dầu Một, đội ngũ công nhân cao su ngày càng được bổ sung và trở thành một lực lượng khá hùng hậu trong hàng ngũ công nhân cao su Việt Nam. Với chu trình sản xuất khép kín (trồng, khai thác mủ, sơ chế và sản xuất thành hàng hoá) của các đồn điền cao su Thủ Dầu Một đã tạo ra ở đây một lực lượng công nhân phong phú về thành phần, sống bên cạnh lực lượng nông dân bản địa.

Lực lượng lao động ban đầu để khai phá rừng lập đồn điền, chủ tư bản Pháp sử dụng chủ yếu là lao động tại chỗ và thuê mướn nhân công ở các địa phương lân cận. Thế nhưng, số lao động ở địa phương và các khu vực xung quanh đã không thể đáp ứng cho nhu cầu mở rộng và lập thêm đồn điền, cho nên các chủ đồn điền phải tiến hành chiêu mộ lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến làm việc. Họ là những người nông dân khánh kiệt ruộng đất, vô sản, buộc phải ký giao kèo, làm phu, bán sức lao động cho chủ đồn điền. Lớp phu giao kèo này sống và làm việc với nông dân địa phương, hợp thành đội ngũ công nhân có mối liên hệ gần gũi với nhau về phương diện tâm lý và mối quan hệ gia tộc, xã hội. Mối quan hệ mật thiết này đã trở thành một thế mạnh đấu tranh cách mạng rất cao.

Nhìn chung, đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một xuất thân từ nông dân bao gồm các dân tộc: Việt, Hoa, Stiêng, Chơro, Mạ … Họ là những người lao động nghèo khổ ở khắp nơi trong nước đến lao động sinh sống ở các đồn điền và trở thành người công nhân cao su. Mặc dầu giữa họ có những phong tục, tập quán, tôn giáo… khác nhau, nhưng khi đã bước chân vào đồn điền cao su họ đều chịu chung số phận là bị bọn tư bản thực dân áp bức bóc lột nặng nề, hành hạ hết sức dã man, trở thành lớp người cùng khổ nhất trong xã hội. Mặt khác, công nhân cao su tuy là những người lao động chưa được đào tạo tay nghề, đa phần là lao động thủ công trong lao động nhưng lại sống tập trung trong từng làng sở nhất định. Vì vậy, họ đã nhanh chóng cố kết lại với nhau thành một khối đoàn kết thống nhất. Từ đó ý thức giai cấp trong công nhân cao su sớm được hình thành, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Từ khi có ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng cách mạng của Đảng cộng sản thâm nhập vào, người công nhân cao su trưởng thành rất nhanh về ý thức chính trị và nhận thức xã hội. Phong trào đấu tranh của công nhân cũng chuyển nhanh từ “tự phát” sang “tự giác”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một là lực lượng cách mạng nòng cốt, là đội quân tiên phong của Đảng. Cùng với toàn dân họ đã đóng góp một phần lớn xương máu, công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc.

2. Địa bàn hoạt động đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một chủ yếu diễn ra ở vùng cao su và dọc các lộ giao thông. Vùng cao su là chi ến trường, là hậu phương và là căn cứ tin cậy của kháng chiến.

Ở Thủ Dầu Một, các đồn điền cao su được hình thành khắp tỉnh, thường nằm sát cạnh các trục lộ giao thông chiến lược (như quốc lộ 13, 14, đường xe lữa Sài Gòn – Lộc Ninh…) và gần các căn cứ địa kháng chiến quan trọng như: Đồn điền Dầu Tiếng nối với chiến khu Long Nguyên, Đồn điền Phước Hòa nối với chiến khu Đ… Mối quan hệ giữa chiến khu và đồn điền được thiết lập vững vàng. Đồn điền thường xuyên ủng hộ sức người sức của cho căn cứ. Từ trong căn cứ ra chỉ thị, hướng dẫn, hỗ trợ cho đồn điền cũng nhanh chóng và hiệu quả cao. Khác với Biên Hòa, vùng cao su Biên Hòa chỉ nằm tập trung chứ không trải rộng khắp, dày khắp tỉnh như ở Thủ Dầu Một và xa chiến khu Đ hơn so với các vùng cao su ở Thủ Dầu Một.

Thủ Dầu Một có nhiều đường bộ và đường thủy chiến lược, trong lúc máy bay còn hạn chế, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cơ động vận chuyển tiếp tế, ứng cứu cho nhau chủ yếu bằng cơ giới, tàu chiến. Do vậy, ngoài mặt trận kinh tế chiến như phá hoại kinh tế địch: cây cao su, thành phẩm cao su, tháo máy móc, lấy dụng cụ lao động đem vào chiến khu, thì giao thông chiến trở thành một lối đánh phổ biến của công nhân cao su Thủ Dầu Một.

Đặc biệt, công nhân cao su Thủ Dầu Một từng tham gia trận đánh quân sự thật sự lớn trong chiến dịch Bến Cát năm 1950, chiến dịch diễn ra ở vùng cao su và rất đông công nhân cao su tham gia đánh giặc. 21 năm ròng chống Mỹ, vùng cao su Thủ Dầu Một là chiến trường quyết liệt của những trận đánh đã ghi nhận trong bộ lịch sử quân sự Quốc gia: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Long Nguyên, Núi Cậu, Nhà Mát, Đường Long, Căm Xe, Tam Giác Sắt.. Tiến công Dầu Tiếng năm 1958, Đồng Khởi Dầu Tiếng năm 1960, chiến thắng Dầu Tiếng năm 1965, công nhân cao su Thuận Lợi trong chiến dịch Đồng Xoài năm 1965, công nhân cao su tham gia trong chi ến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, chiến dịch Phước Long, lộ 14, Bình Long … đã làm cho giặc hoàn toàn thất thủ, phải chấp nhận rằng “Bình Long mất, Sài Gòn không còn”, công nhân cao su tham gia giải phóng Bình Long, giải phóng Dầu Tiếng ngày 13 tháng 3 năm 1975. Đó là điểm khác với Biên Hòa, công nhân cao su Biên Hòa chưa từng tham gia đông đảo vào các trận đánh quân sự lớn như vậy.

3. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một diễn ra với nhiều nội dung và hình thức hết sức phong phú.

Ở buổi đầu, khi chưa chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, chưa có sự lãnh đạo của Đảng, công nhân cao su Thủ Dầu Một cũng như các nơi khác đều đấu tranh bằng hình thức như bỏ trốn, lãng công, tập hợp đưa kiến nghị, vận động kiện cáo bọn chủ, cai hoặc mạnh hơn nữa là bạo động, nổi dậy chém chủ sở, chủ đồn điền… Mặc dù hình thức này là tự phát, chưa mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng là báo hiệu cho sự phản kháng quyết liệt không thể dung hoà.

Từ sau năm 1930, với sự lãnh đạo của các chi bộ cộng sản trong đồn điền, phong trào công nhân được tổ chức chặt chẽ, tự giác hơn. Bắt đầu xuất hiện những cuộc tập hợp lực lượng đưa yêu sách với tính thống nhất cao, những cuộc đình công, bãi công làm áp lực và cả những khởi nghĩa vũ trang với kế hoạch chuẩn bị chu đáo (tiêu biểu là sự kiện “Phú Riềng đỏ”). Công nhân không chỉ đấu tranh đơn thuần bằng lực lượng chính trị mà còn xây dựng cho mình lực lượng vũ trang (các đội xích vệ, tự vệ) để hành động khi cần thiết. Và điều độc đáo là từ năm 1930, công nhân còn biết sử dụng báo chí “tờ giải thoát” như là một vũ khí, một hình thức đấu tranh tuyên truyền, tập hợp lực lượng. Hình thức tổ chức các hội ái hữu, nghiệp đoàn biểu hiện rất có hiệu quả. Nhờ có hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt đó, công nhân cao su Thủ Dầu Một đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cách mạng Tháng Tám ở địa phương mình.

Trong suốt 30 năm kháng chiến (1945 – 1975), công nhân cao su Thủ Dầu Một luôn có những sáng tạo về phương thức đấu tranh. Bên cạnh những hoạt động đấu tranh với khẩu hiệu chống đánh đập, cúp phạt, chống phát gạo mục, cá thối, đòi tăng lương giảm giờ làm, đòi được cấp thuốc, đòi được đi bệnh viện điều trị khi ốm đau, đòi thực hiện đúng giao kèo trả về quê, đòi tự do nghiệp đoàn…, công nhân cao su còn đấu tranh phá hoại kinh tế địch, xây dựng kinh tế cho kháng chiến, cho cách mạng, và những hoạt động vũ trang diệt ác, phá đồn bót tiêu hao sinh lực địch, đi bộ đội, hỗ trợ và tham gia các chiến dịch của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương mình… Ngoài ra, công nhân cao su còn có những hoạt động bền bỉ, âm thầm trong lòng địch để nắm tin tức, tình hình địch cung cấp cho cách mạng, đùm bọc chở che cho cán bộ, bộ đội, đảng viên, ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến. Nhờ có phương pháp đấu tranh thích hợp – biết kết hợp các hình thức công khai, bí mật, nên mặc dù trải qua những khó khăn khốc liệt, đội ngũ công nhân cao su Thủ Dầu Một vẫn duy trì được phong trào đấu tranh, không ngừng trưởng thành và liên tiếp giành được thắng lợi rực rỡ trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy hy sinh gian khổ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước.

4. Mục tiêu, tính chất, phương thức và mức độ đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một gắn liền, đồng nhất với phong trào kháng chiến của địa phương.

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng, công nhân ở Thủ Dầu Một nói riêng hay Nam Bộ nói chung là đội ngũ tương đối mạnh và đa bộ phận gồm có: công nhân làm việc trong các đồn điền cao su, công nhân xe lữa Dĩ An, công nhân lục lộ (làm cầu đường), công nhân đốt than ở các sở củi, công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp …

Phong trào đấu tranh của công nhân Thủ Dầu Một cùng có những điểm chung về: thành phần là những người công nhân bản địa, công nhân contrat; điều kiện làm việc cùng chung hoàn cảnh “địa ngục trần gian”; đối tượng đấu tranh: chống tư bản Pháp và đế quốc Mỹ; Mức độ đấu tranh: quyết liệt, được Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, công nhân vừa đấu tranh vừa sản xuất.

Xét về hoàn cảnh lịch sử và địa lý cụ thể từng khu vực thì công nhân cao su Thủ Dầu Một là đội ngũ đông nhất về số lượng. Họ sống, làm việc và đấu tranh trong môi trường đặc biệt nên có những nét đặc thù riêng:

 Tính chất: Có ác liệt hơn vì tính chất cưỡng bức của quá trình vô sản hoá đặt người công nhân cao su vào hoàn cảnh những người đau khổ nhất trong số những người bị mất nước. Hơn ở đâu hết và hơn ai hết, hằng ngày, hằng giờ họ chịu đựng hậu quả của việc mất chủ quyền độc lập; kẻ thù dân tộc luôn luôn đứng trước mắt họ. Cũng hơn ai hết, thông qua sự đau khổ và nhục nhã bản thân họ sớm hiểu thế nào là chủ nghĩa tư bản và sớm đấu tranh chống lại chế độ này vì lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc.

 Phương thức: công nhân cao su là đội ngũ đông người nhất trong giai tầng gọi là vô sản “áo nâu”. Họ tuyệt đại bộ phận xuất thân từ nông dân bần cùng hoá. Họ làm những công việc nặng nhọc nhất, bị bóc lột mấy lần và cùng khổ nhất. Đứng về mặt phân công lao động xã hội, họ chỉ thực hiện những công việc lao động giản đơn, dùng nhiều tới chân tay, ít kỹ thuật. Họ bị bóc lột theo phương thức tư bản chủ nghĩa, nhưng công cụ lao động của họ không phải cái gì khác hơn là con dao phát hoang, cái cuốc và con dao cạo mủ cây. Họ không hề biết tới một quá trình sản xuất cơ khí hoá.

Dù vậy, đội ngũ công nhân cao su đã tạo cho mình một ưu điểm lớn về phương thức đấu tranh. Vai trò và thành quả của “cao su chiến “, của những cuộc bỏ trốn tập thể hoặc cá nhân và những vụ đánh giết cai Tây gian ác là phương thức đấu tranh đặc trưng. Hiện tượng bỏ trốn, lãng công, đình công, biểu tình, đưa kiến nghị…. bản thân nó tố cáo một sự cưỡng bức, một mối quan hệ áp bức, bóc lột cực kỳ khốc liệt giữa chủ với công nhân. Sự kiện rõ rệt hơn nữa là việc đánh, giết cai Tây. Đây là hành

động vũ lực chống lại kẻ áp bức giai cấp, kẻ thù chung của dân tộc. Ngay từ ban đầu mọi hành vi của công nhân “áo nâu” đều đã mang tính chất chính trị và đều đánh đúng vào kẻ thù chủ yếu rồi. Cao hơn nữa là công nhân cao su trực tiếp tham gia vào các trận đánh quân sự lớn. Những hành động đó dễ dàng thu hút đựơc cả dân tộc ủng hộ và bản thân những hành động này cũng là sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân vào phong trào dân tộc.

 Mức độ đấu tranh: liên tục, cường độ đấu tranh cao và quyết liệt hàng ngày, hàng giờ.

Ngày thường khi không có tiếng súng thì mỗi công nhân đều sẵn sàng ở mỗi vị trí khác nhau: Ngoài việc thực hiện phần việc thường nhật ở lô, người công nhân còn hướng về cách mạng. Những gói cơm lô, những viên thuốc, những ống nước muối bằng nhiều hình thức đều đặn tiếp sức cho cán bộ đoàn, đảng, chiến sĩ bí mật làm nhiệm vụ bên trong và khu vực ngoài đồn điền.

Do vùng cao su rộng lớn, tiếp nối với các chiến khu nên là trọng điểm bình định, càn quét, tìm diệt của hàng loạt các chiến dịch nối tiếp nhau trong những năm chống Mỹ.

Công nhân cao su lúc nào cũng sẵn sàng tay dao, tay súng sử dụng khi cần thiết.

 Mục tiêu: đấu tranh đòi cải thiện dân sinh, đòi tự do dân chủ, đòi hoà bình thống nhất đất nước, độc lập dân tộc. Cái đạt được đáng ghi nhận ở đây là công nhân cao su Thủ Dầu Một đã đặt vấn đề sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, lợi ích giai cấp công nhân đặt trong lợi ích tối cao của dân tộc. Và mục tiêu đấu tranh này đã vươn tới được sự phối hợp đấu tranh giữa công nhân trong ngành, giữa công nhân đô thị, nông dân … tạo thành một mặt trận liên hoàn, kiên cố, dồn đối phương vào thế bị động và thất thủ hoàn toàn.

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24431867