Tin tức

Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước: Giải phóng Dầu Tiếng - Cánh én sớm báo hiệu mùa xuân

Giải phóng Dầu Tiếng - Cánh én sớm báo hiệu mùa xuân
            
TỐNG THỊ PHƯƠNG (Giáo viên lịch sử trường THPT Dĩ An)
  
                        Những khoảnh khắc cuối cùng của người Mỹ trên đất Việt Nam
Do thất bại trên chiến trường Việt Nam và Đông Dương, Mỹ buộc phải lùi bước trong chiến tranh, đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973) và 2 tháng sau (29-3-1973) phải rút hết quân về nước. Nhưng vì muốn giữ “danh dự, uy tín” và vì quyền lợi, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ Việt Nam.
Thực hiện tiếp ý đồ đối với Việt Nam, khi rút quân đội, Mỹ vẫn giữ lại hơn 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự, lập lại bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự cho quân ngụy. Chính quyền Nixon đã ra sức giúp chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tăng cường lực lượng về mọi mặt, như giúp chính quyền Thiệu đôn quân, bắt lính... Mỹ còn tăng thêm viện trợ quân sự, kinh tế, đưa nhiều vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam. Nhờ đó quân đội Thiệu được nâng tổng số lên 1,1 triệu người, tổ chức thành 4 quân đoàn, với 1.850 máy bay các loại, 2.074 xe tăng, 1.601 tàu chiến, 1.588 khẩu pháo và hàng triệu tấn vật tư chiến tranh. Tiếp nhận viện trợ từ Mỹ và được cố vấn Mỹ chỉ huy chính quyền Thiệu ngang nhiên phá hoại Hiệp định Paris, chúng tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến tranh được sắp đặt trước khi ký hiệp định, chính quyền Thiệu huy động gần như toàn bộ lực lượng, tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, liên tiếp mở những cuộc hành quân lấn chiếm các vùng do cách mạng kiểm soát.
     Mục đích của chúng là chiếm đất, giành dân, phá bỏ hình thức “da báo”, mở rộng và củng cố vùng chúng kiểm soát, thu hẹp và đi đến xóa bỏ vùng giải phóng, biến từ thế bị động sang thế chủ động trên chiến trường. Âm mưu đó của Mỹ - Thiệu cũng giống như bản chất của chúng, là không hề thay đổi so với trước đây. Nhưng nó lại được thực hiện trong tình hình Việt Nam và Đông Dương đã thay đổi nhiều sau Hiệp định Paris, không có lợi cho chúng. Về quân sự, quân đội xâm lược Mỹ - chỗ dựa của chính quyền Sài Gòn đã rút hết về nước, viện trợ của Mỹ cho Thiệu bị cắt giảm dần:

Tài khóa 1972-1973 là 1 tỷ 614 triệu đôla
Tài khóa 1973-1974 là 1 tỷ 026 triệu đôla
Tài khóa 1974-1975 chỉ còn 701 triệu đôla
       Cho nên dù đông hơn 1 triệu quân nhưng quân đội Thiệu vẫn không thực sự mạnh, trong khi đó nước Mỹ lại đang rơi vào một cuộc suy thoái toàn diện, chính quyền Nixon phải rời khỏi Nhà Trắng (8-1974) do dính líu tới vụ Watergate, kinh tế suy thoái, lạm phát và thất nghiệp tăng lên, xã hội Mỹ bị rối loạn, nội bộ chính quyền và các Đảng phái bị chia rẽ sâu sắc. Nhân dân Mỹ hoàn toàn thất vọng với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, họ đã nhận ra sự lừa bịp, dối trá ẩn danh dưới lá bài công lý và văn minh. Ngay trong chính phủ Mỹ cũng thực sự cảm thấy chán chường cuộc chiến tranh hao người, tốn của.
Cũng giống như thực dân Pháp thời điểm 1953-1954, Mỹ đang cố tìm cho mình một lối thoát trong danh dự. Trong thư của Tổng thống Mỹ Geral Ford gửi cho Nguyễn Văn Thiệu có đoạn viết: « ...Cuộc tấn công hiện nay của Bắc Việt chống lại quý quốc thật vô cùng xáo trộn khiến riêng cá nhân tôi lo âu. Riêng đối với Hoa Kỳ thì vấn đề cũng không kém phần cấp bách... Riêng tôi, tôi quyết tâm rằng Hoa Kỳ sẽ đứng vững sau lưng Việt Nam Cộng hòa trong giờ phút tối quan trọng này. Với mục đích tôn trọng những bổn phận của Hoa Kỳ trong tình thế này, tôi đang theo dõi những biến chuyển với chủ tâm cao độ nhất và đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn của tôi về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép...”. Dù là nói tới quyết tâm ủng hộ nhưng Geral Ford đã khôn khéo rào lọng: “...(tôi) đang khẩn cấp tham khảo ý kiến các cố vấn về những hành động mà tình thế có thể đòi hỏi và pháp luật cho phép...” rõ ràng người Mỹ không còn mặn mà gì với cuộc chiến ở Việt Nam, với chính quyền Sài Gòn và nhất là khi họ nhìn thấy được thế và lực trên chiến trường đang có sự chuyển biến rõ rệt.
              Giải phóng Dầu Tiếng - Phá vỡ mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự Bắc Sài Gòn
Nắm bắt được tình hình trên, Đảng ta đã triệu tập hội nghị lần 21 Ban Chấp hành TƯ Đảng, trong đó nhận định: “Kẻ thù chính vẫn là đế quốc Mỹ và quân Thiệu - kẻ đang phá hoại hòa bình, ngăn cản nhân dân ta đi đến độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Hội nghị cũng nêu rõ nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Dù trong tình huống nào cũng tiếp tục con đường cách mạng bạo lực, phải nắm vững chiến lược tiến công trên cả 3 mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, không ngừng phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, linh hoạt và chủ động trong mọi tình huống, đưa cách mạng miền Nam đi lên, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng...”.
Quán triệt tư tưởng của Trung ương Đảng, tháng 10-1974 Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra nghị quyết lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tích cực công tác chuẩn bị và đẩy mạnh mọi hoạt động, sẵn sàng đón thời cơ mới.
Ngày 6-1-1975, tỉnh Phước Long được giải phóng, đây là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một nói riêng và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tuy nhiên, trên thực tế địch vẫn ra sức thực hiện kế hoạch bình định, quản chặt các ấp chiến lược. Trong 2 tháng đầu năm 1975, bộ đội địa phương cùng dân quân du kích đã liên tục đột nhập vào các ấp chiến lược diệt ác, trừ gian, giải phóng phòng vệ dân sự, tuyên truyền quần chúng xây dựng các cơ sở cách mạng.
Tại Dầu Tiếng, trong đợt 1 chiến dịch mùa khô 1974-1975, đã có 171 gia đình công nhân gồm 618 người vựơt ấp chiến lược trở về các làng giải phóng. Huyện ủy khắc phục khó khăn, tạo điều kiện mua trâu, bò về cho nhân dân sản xuất sinh sống.
Sau thời gian chuẩn bị, ngày 4-3-1975, bộ đội ta đã nổ súng mở màn chiến dịch Tây nguyên. Ở chiến trường Đông Nam bộ, bộ đội chủ lực Miền và quân dân các tỉnh đã bước vào đợt 2 của kế hoạch mùa khô 1974-1975.
Nhằm kịp thời phối hợp với lực lượng chủ lực Miền tham gia giải phóng Dầu Tiếng, cuối tháng 2- 1975, Tỉnh ủy đã triển khai chỉ đạo cho Huyện ủy huyện Dầu Tiếng khẩn trương triển khai các mặt chuẩn bị, từ lực lượng 3 mũi phối hợp tác chiến đến công tác hậu cần sau khi giải phóng. Tỉnh ủy đã phân công 2 đồng chí Tỉnh ủy viên là đồng chí Lê Văn Trọng và Tám Tấn cùng một số đồng chí cán bộ khác cùng Huyện ủy Dầu Tiếng triển khai công tác chuẩn bị và triển khai lực lượng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Phối hợp với chiến trường Tây nguyên, ngày 10-3-1975, Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 chủ lực miền Nam cùng bộ đội địa phương Dầu Tiếng triển khai lực lượng tấn công tiêu diệt Chi khu quân sự Trị Tâm.
Ngày 11-3, quân và dân Tây nguyên thắng lớn, thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tạo ra một sự cổ vũ mạnh mẽ cho nhân dân Dầu Tiếng quyết tâm giành thắng lợi.
Đúng 5 giờ sáng ngày 11-3-1975, trong khi các mũi tiến công của lực lượng Sư đoàn 9, Trung đoàn 16 đồng loạt nổ súng tiến công địch ở Bến Củi, Cầu Tàu, Ong Hùm thì tại khu vực Suối Dứa, Đại đội 64 cùng Đội biệt động của huyện và du kích Thanh An dùng cối 60 ly bắn uy hiếp cầm chân địch.
Kết hợp pháo kích, bao bó, vây ép, cán bộ binh vận của huyện phát loa kêu gọi địch đầu hàng, đồng thời vận động gia đình binh sĩ thuyết phục chồng con mang súng về với nhân dân. Tại khu vực thị trấn, mũi tiến công của các lực lượng vũ trang đánh chiếm sân bay, diệt đồn tam giác, đánh địch trong chi khu, chốt vườn chuối, ngã ba Rắc, Cầu Tàu. Sau những đợt pháo 130 ly bắn cấp tập vào các vị trí quân sự còn lại của địch trong chi khu, các cánh quân của Sư đoàn 9 nhanh chóng đánh chiếm, giữ vững các vị trí trọng yếu trong thị trấn khiến tên quận trưởng Quý phải lột bỏ cả quân phục để trà trộn vào dân chạy về phía Cầu Tàu trốn qua xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Đến sáng 13-3-1975, các mũi tiến công của các đơn vị chủ lực Sư đoàn 9 tiếp tục tiến công mãnh liệt vào các vị trí còn lại của địch trong chi khu. Đúng 10 giờ sáng ngày 13-3-1975, lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh quận trưởng Dầu Tiếng.
Chiến thắng Dầu Tiếng đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, phá hủy 81 xe quân sự, 6 khẩu pháo, 7 máy bay, giải phóng cho gần 7.000 đồng bào trong thị trấn Dầu Tiếng. Vùng giải phóng Dầu Tiếng nhanh chóng được thiết lập ổn định.
Như vậy, nếu việc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam là bước ngoặt lớn trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc thì việc giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Phước Long - Dầu Tiếng là bước ngoặt quan trọng thứ hai đánh dấu sự chủ động và linh hoạt của quân ta trên khắp các chiến trường. Chiến thắng Phước Long - Dầu Tiếng còn đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về thế và lực, ngay một khu vực đầy tính chiến lược như Phước Long - Dầu Tiếng mà địch không còn đủ sức để giữ nổi thì những khu vực khác chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng giành thắng lợi. Chiến thắng này còn khẳng định quyết tâm thống nhất đất nước trong năm 1975 là hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn, nó thể hiện khả năng nắm bắt và đọc tình hình rất chuẩn xác của Đảng ta.
Chiến thắng Dầu Tiếng đã bứt đi một khâu trong tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn, phá vỡ một mảng quan trọng mà trước đây địch đã từng quản lý. Giải phóng huyện Dầu Tiếng tạo cho ta một vùng giải phóng rộng lớn ngay gần hang ổ cuối cùng của địch. “Sài gòn nguy kịch, Ngụy quyền lung lay”. Chiến thắng Dầu Tiếng đã góp phần đẩy nhanh công cuộc giải phóng đất nước, đó là một cánh én sớm báo hiệu mùa xuân, một mùa xuân của sự đoàn kết, xum tụ...
 
 
TÀI LIU THAM KHẢO
1. Địa chí sông Bé, NXB Tổng hợp sông Bé, 1991
2. Lịch sử Đảng bộ Sông Bé tập II (1954-1975), Ban TVTU Sông Bé xuất bản 1995.
3. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), NXB CTQG, 2003
4. Lịch sử Đảng bộ huyện Dầu Tiếng (1930-1975)
6. Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư, Đại Cương lịch sử Việt Nam tập III, NXB Giáo dục, năm 2006
7. Nguyễn Như Đồng, Ký ức cuộc tiến công mùa xuân năm 1975, NXB Quân đội, 2002
8. Nhiều tác giả, 30 năm nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, NXB Quân đội, 2005

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24433972