Tin tức

Lần đầu tiên phục dựng đại lễ Tịch điền Đọi Sơn

  • TUẤN HẢI - PHẠM HẢI
  • 26/07/2012

- Lễ hội Tịch điền có lịch sử hơn 1000 năm ở Đọi Sơn (Duy Tiên-Hà Nam) lần đầu tiên được phục dựng, gần 4 vạn người từ khắp nơi đã đổ về chứng kiến con trâu kéo cày lật những luống đất đầu tiên của năm Kỷ Sửu

Đây là lần đầu tiên phục dựng lại đại lễ Tịch điền nên từ sáng sớm, hàng vạn dân sở tại và các vùng phụ cận đã đổ dồn về cánh đồng Đọi Sơn chờ đợi giây phút con trâu kéo lật những luống cày màu mỡ cầu cho quốc thái dân an, phong đăng hoà cốc.

Lão nông Đinh Trọng Kim được khoác Long bào và mang mặt nạ để cày ba luống đầu tiên

Theo tục lệ đã tồn tại từ thời Lê Đại Hành và được tuân thủ qua các triều đại, đầu năm mới đích thân nhà vua cầm cày hạ điền, cày những luống cày đầu tiên vừa làm gương cho dân chúng vừa thể hiện quan điểm "dĩ nông vi bản" của một đất nước nông nghiệp. Ở lớp nghĩa biểu tượng văn hoá thì việc lưỡi cày lật đất thể hiện tín ngưỡng phồn thực, mùa vụ rất rõ. Theo sử liệu còn ghi lại, Lễ tịch điền gần đây nhất được tổ chức vào thời Nguyễn.

Ông Nguyễn Như Lâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng BTC lễ hội Tịch điền Đọi Sơn cho biết: Có tới hơn 4 vạn lượt khách về tham dự Lễ hội từ ngày tổ chức lễ Rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ Đền Lăng (Liêm Cần-Thanh Liêm-Hà Nam) về Đọi Sơn ( 5 Tết) cho đến ngày diễn ra lễ hội Tịch điền (mùng 7 Tết).

Trước khi tiến hành đại lễ Tịch Điền, những lễ rước nhỏ đã được thực hiện từ mùng 5 Tết và kéo dài đến tận lễ chính: Lễ rước nước, Lễ Sái tịnh, Lễ Cáo yết.

Nhiều chú nghé cũng theo trâu mẹ vào lễ Tịch điền

Sáng nay, 7 Tết, gần 4 vạn dân cờ hoa rực rỡ chen chân như nêm cối quanh cánh đồng Đọi Sơn. Nhiều người trèo lên cả tầng 2 của trường học gần đó để nhìn cho rõ. 9h sáng lễ dâng hương lên vua Lê Đại Hành và Thần Nông được tiến hành trong không khí trang nghiêm, thành kính. Sau nghi lễ dâng hương là màn trống hội hùng tráng với gần 100 chiếc trống làm cho không khí lễ hội càng thêm sôi động.

10 trâu cày chính và 35 trâu được tuyển chọn đã có màn khởi động trước khi được đưa vào Lễ tịch điền. Những con Trâu được trang trí hoa văn sặc sỡ trong cuộc thi vẽ trâu ngày hôm trước ( mùng 6 Tết) cũng được đưa ra đóng vạy để chuẩn bị vào lễ chính.

Sau Lễ xin sái từ linh vị vua Lê Đại Hành, cụ ông Đinh Trọng Kim, thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn được khoác Long bào và mang mặt nạ để cày ba luống đầu tiên. Sau đó, các vị lãnh đạo tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên cùng các vị bô lão trong làng cùng xuống cày ruộng với niềm tin sẽ có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gặp nhiều may mắn.

Lão nông Đinh Trọng Kim- người được chọn vào vai vua Lê Đại Hành, rất phấn hứng: "Tôi rất phấn khởi khi là người khai cày của Lễ hội Tịch điền năm nay. Chúng tôi vui vì được làm gương cho con cháu noi theo. Năm nay, lần đầu tiên Đọi Sơn tổ chức lễ hội, lại có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là người con của quê hương Hà Nam về dự nên dân chúng nô nức đi xem. Lâu lắm rồi, dân chúng tôi mới nức lòng như hôm nay"

Ông Nguyễn Trung Đắc ở làng Nội, xã Tiên Ngoại - một chủ Trâu tham gia Lễ Tịch điền, vừa cười vừa nói: "Năm nay năm Trâu, Trâu nhà tôi được chọn xuống cày chắc cả năm sẽ may mắn. Cả tỉnh cả huyện mới có chục con được cày, vinh dự lắm chú ạ"

Trưởng BTC, ông Nguyễn Như Lâm cũng tiếc nuối khi khâu tổ chức chưa được như ý muốn dù không xảy ra sự cố nào đáng tiếc về an ninh trật tự cũng như an toàn giao thông. Ông nói: "Những năm tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng hơn để người dân thật hài lòng khi về tham dự Lễ Tịch điền Đọi Sơn".

 

9h sáng, thực hiện lễ dâng hương lên vua Lê Đại Hành và Thần Nông

35 trâu được tuyển chọn đã có màn khởi động trước khi được đưa vào Lễ tịch điền

 

Trâu cầy đến đâu, hạt được gieo đến đó

Trâu khởi động trước khi được đưa vào Lễ tịch điền

 

Rất đông người dân đã về Đọi sơn tham gia lễ Tịch điền

Trâu cầy đến đâu, hạt được gieo đến đó

TUẤN HẢI - PHẠM HẢI


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24420391