Tin tức

Từ lăng đá Bắc Giang đến bảo tàng đá đầu tiên tại VN

Theo số liệu thống kê mới nhất, ngành văn hóa thông tin Bắc Giang đã phát hiện và công nhận 46 công trình kiến trúc đá cổ, chủ yếu là lăng đá.

Đây là quần thể di tích có số lượng nhiều nhất, mức độ dày nhất, quy mô lớn nhất, vật liệu bền vững nhất và loại hình phong phú nhất, tiêu biểu cho những di tích có cùng niên đại và loại hình ở Việt Nam. Đây cũng là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc xưa.

Giá trị văn hóa độc đáo của các lăng đá

Lăng đá Bắc Giang là di tích kiến trúc mộ táng kết hợp thờ tự của quan lại cao cấp thời Lê-Trịnh, do những phường thợ đá xứ Kinh Bắc xây dựng. Theo lý giải của các nhà khoa học, người xứ Kinh Bắc từ xa xưa đã có cuộc sống năng động và phong phú.

Đặc biệt, nơi này có nhiều làng nghề thủ công truyền thống đạt trình độ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cao trong đó có nghề chạm khắc đá. Lại thêm, người xứ Kinh Bắc vốn có truyền thống khoa cử, hiếu học. Trong 73 khoa thi (1554-1787), riêng Kinh Bắc có tới 199 vị tiến sĩ vào làm quan lớn trong triều. Chính những vị này, khi về già thường về quê chọn đất xây lăng mộ làm chỗ nghỉ vĩnh hằng cho mình, cũng là nơi để dòng tộc thờ phụng.

 

Các lăng đá ở Bắc Giang đều là lăng có mộ táng. Các lăng mộ tập trung nhiều nhất ở Hiệp Hòa, còn khá nguyên vẹn, thể hiện sự quy mô, bề thế và nghệ thuật xây dựng, tạo tác tinh tế tiêu biểu cho hệ thống lăng đá Bắc Giang.

Tất cả các lăng này đều được xây dựng trên những vùng đất đạt yêu cầu: phong thủy ngoại thất đẹp, hài hòa với nội thất, gần làng, sát nước... và với kỹ thuật đạt trình độ cao. Điều độc đáo nhất của các lăng đá ở Bắc Giang là nghệ thuật điêu khắc, được thể hiện qua những tượng người, tượng thú, nhà bia - bia - cổng lăng - mộ - nhà mộ và đồ thờ.

Các tượng người với các hình mẫu quan hầu áo dài, quan hầu áo giáp, quan hầu nữ, quan hầu dắt ngựa, phỗng chàm... đều được tạo tác tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ móng chân, móng tay, mũ, áo, mắt, miệng đến tư thế, động tác đứng, ngồi, đi. Hầu hết các tượng đều được tạo tác liền một khối và giàu chất tả thực và khá đa dạng.

Nếu như tượng voi có nhiều tư thế ngồi, đứng, quỳ, phục với cách điêu khắc chung là vòi cuộn lại, trên lưng không có óc bành, cổ đeo chuông lớn, tạc tròn thì ngựa lại được tạc chi li đến từng chi tiết và đẹp lộng lẫy: yên cương, nhạc ngựa, lục lạc, ngò hoa, vải phủ, khăn thêu... Nghê và sấu được miêu tả rất có hồn; chó được miêu tả đơn giản hơn, ít phục sức hơn song không vì thế mà mất đi nét độc đáo riêng.

Có thể nói, hệ thống 46 lăng đá ở Bắc Giang cho thấy một nền nghệ thuật xây dựng và điêu khắc lăng mộ đã phát triển đến đỉnh cao và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật lăng tẩm Việt Nam.

Và ước mong của những người làm văn hóa

Khi đến Bảo tàng Bắc Giang để gặp Phó giám đốc Nguyễn Hạnh, tôi thực sự bất ngờ trước những bức tượng voi, ngựa, người hầu... đặt khắp sân bảo tàng. Ông Hạnh cho biết: đó là các bức tượng được mô phỏng lại dựa theo những bức tượng ở các khu lăng mộ.

Chưa tìm được nơi nào nên tạm trưng bày ở đấy. Ông kể về mơ ước xây dựng một bảo tàng đá ngoài trời ở Bắc Giang, trên một khu đất rộng ở một ngọn đồi nào đó, và những người như ông sẽ lại "sục sạo" khắp những nơi mà người ta bảo có tượng, có lăng để chụp, để xem, để nghiên cứu, để phục dựng và mang về bảo tàng này.

 

Cũng theo ông Hạnh, hiện nay, các khu lăng mộ ở Bắc Giang đang bị xâm phạm, bị lấn chiếm đất đai nghiêm trọng. Trước đây các lăng đều có hồ rộng phía trước nhưng hiện nay, diện tích các hồ đều đã giảm. Nhiều lăng của các dòng họ bị cắt bớt phần đất trống để cho người thừa tự xây nhà ở ngay tại trong lăng (lăng họ Ngọ, lăng họ Trần)...

Sự xâm chiếm này khiến cho quần thể và một địa thế đã được chọn đặt kỹ lưỡng theo phong thủy của các lăng bị phá vỡ, làm cho công tác bảo tồn gặp nhiều trở ngại. Nghiêm trọng hơn nữa là việc người dân phá hoại các hạng mục trong lăng.

Mặc dù đã được xây dựng bằng những vật liệu bền vững, rất khó bị hỏng do điều kiện tự nhiên nhưng cho đến nay, tất cả các lăng đều không còn tường bao bằng đá ong như cũ, nhiều lăng mộ, nhiều pho tượng bị phá vì những lời đồn có vàng bên trong (lăng Dinh Hương, lăng Nội Dinh...), nhiều lăng mộ bị đào bới để tìm đồ quý; nhiều bệ thờ, ban thờ bị vẽ bậy lên rất khó tẩy xóa...

Tình trạng xâm phạm lăng đá diễn ra với mức độ khá cấp bách, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đưa ra các biện pháp bảo tồn và phát triển. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong tỉnh, trong đó có hệ thống lăng đá.

Ngành văn hóa thông tin Bắc Giang cũng tổ chức nghiên cứu và xuất bản nhiều ấn phẩm về các công trình lăng đá cổ, xếp hạng và công nhận 46 lăng mộ, phục chế hàng chục bức tượng, bia mộ từ các lăng, bảo tồn tại chỗ nhiều lăng, kết hợp với du lịch văn hóa. Đặc biệt, Sở Văn hóa Thông tin (cũ), Bảo tàng Bắc Giang, chủ trì là Phó giám đốc Nguyễn Huy Hạnh đã xây dựng đề án xây dựng bảo tàng đá trong thời gian tới - đây sẽ là bảo tàng đá ngoài trời đầu tiên của Việt Nam, quy mô và có chất lượng.

Tuy lộ trình này còn dài nhưng những người tham gia dự án đều hy vọng rằng công trình sẽ góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của lăng đá Bắc Giang.

Theo HUYỀN THANH

 

 

 

 

Tượng đá trong lăng họ Ngọ

 

Những bức tường và cổng đá ong như thế này đã mất ở hầu hết các lăng

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24420480