Tin tức

Khai quật di chỉ khảo cổ học hàn ông Đại

  • NGUYỄN VĂN QUỐC
  • 26/07/2012

Di chỉ khảo cổ học Hàn Ông Đại thuộc địa phận ấp 2, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Khu vực mở hố khai quật nằm ở bờ phải sông Bé, thuộc trang trại ông Đoàn Minh Chiến.

Trên cơ sở kết quả điều tra và đào thám sát vào tháng 12-2006 cho thấy đây là một di chỉ khảo cổ lớn, mang tính chất công xưởng, chứa nhiều thông tin khoa học quý giá cho công tác nghiên cứu và phục vụ công tác trưng bày ở Bảo tàng.

Từ những tư liệu trên, vào tháng 7-2008, Bảo tàng tỉnh Bình Dương và Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di chỉ này dưới sự chủ trì khoa học của Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng.

Các hố khai quật được mở trên các bậc cao trình khác nhau và đồng thời mở các hố thám sát ở nhiều địa điểm nhằm tìm hiểu diện phân bố và mật độ tập trung của di chỉ này.

Tổng diện tích khai quật là 100m2 mang các ký hiệu H1, H2, H3, H4 và các hố thám sát có ký hiệu TS1, TS2, TS3, TS4, TS5, TS6, TS7, TS8.

Các hố khai quật H1, H3 mang tính chất là các điểm chế tác công cụ đơn thuần, bình diện khai quật cho thấy cư dân cổ đã tiến hành chế tác công cụ nơi đây và để lại một tầng văn hóa dày trung bình 25 - 30cm với các mảnh tước ken dày và các phác vật cùng các công cụ chế tác như: đe, hòn nghiền, chày. Các mảnh tước thu được có nhiều kích cỡ, rất nhiều vảy tước nhỏ. Điều này cho thấy tại di chỉ này công cụ được chế tác qua nhiều quy trình khác nhau và một số hiện vật tìm thấy đã được mài gần như hoàn thiện. Đồ gốm cũng xuất hiện trong các hố này, nhưng không nhiều, chủ yếu là các loại đồ đựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cư dân cổ nơi đây.

Các hố khai quật H2 và H4 ngoài tính chất của khu chế tác công cụ còn có yếu tố của cứ trú. Tuy nhiên, điều này cần dựa vào kết quả chỉnh lý mới có thể đưa ra nhiều thông tin hơn.

Các hố thám sát được mở các hố khai quật khá xa nhằm tìm hiểu mật độ phân bố. Kết quả cho thấy khu vực mở các hố khai quật là nơi chế tác tập trung nhất của di chỉ. Trên các sườn dốc nghiêng nhẹ cũng có dấu hiệu chế tác công cụ nhưng mật độ thấp hơn, tầng văn hóa thường dày khoảng 20cm và nghiêng đồng hướng với sườn đồi nguyên thủy.

Qua kết quả khai quật trên, bước đầu có sự nhận thức đây là một di chỉ xưởng chế tác công cụ bằng đá thời tiền sử có diện tích phân bố khoảng 2 ha, là di chỉ xưởng chế tác đá lớn được phát hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Dương và có thể nói là lớn nhất miền Đông Nam bộ trong tình hình tư liệu hiện nay. Các di chỉ dạng này có thể có nhiều địa điểm khác nằm ven bờ sông Bé trên những ngọn đồi có địa thế thuận lợi.

Hiện vật trong di chỉ này có rất nhiều loại hình khác nhau như: rìu tứ giác, rìu có vai, đục, dao đá các loại... là các hiện vật phổ biến trong các di chỉ tiền sử ở miền Đông Nam bộ. Điểm đặc biệt của di chỉ này là sự xuất hiện rất phổ biến các loại hình dao đá. Hiện vật gốm thu được trong di chỉ cho thấy di chỉ khảo cổ Hàn Ông Đại có mối quan hệ giao lưu với các di chỉ khảo cổ đã phát hiện ở hạ lưu sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai: Cù lao Rùa, Mỹ Lộc, Bình Đa... Sự giống nhau này thể hiện trên loại hình đồ gốm và motif trang trí. Các mối quan hệ có thể gián tiếp hay trực tiếp còn cần nghiên cứu thêm.

Niên đại của di chỉ khảo cổ này cần nghiên cứu thêm nhưng có thể ước định tương đương với di chỉ Cù lao Rùa vào khoảng 3500 - 3000 năm cách ngày nay.

Những kết quả của cuộc khai quật ở di chỉ khảo cổ học Hàn Ông Đại có giá trị cho việc nghiên cứu và bổ sung tư liệu về thời tiền sử ở tỉnh Bình Dương.

NGUYỄN VĂN QUỐC


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24420268