Tin tức

Xã Bình Hòa : “Làng kháng chiến kiểu mẩu” của Nam bộ

  • TRẦN THANH ĐẠM
  • 26/07/2012

Xã Bình Hòa thuộc vùng đất gò đồi về phía Đông Nam TX.TDM, 10 cây số, tiếp giáp với trung tâm phía Bắc thành phố Sài Gòn 15 cây số.

Vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, người Việt đến khai hoang lập ra các làng Bình Đáng, Bình Đức, thuộc tổng Bình Thiện, huyện Bình An, phủ Phước Long, dinh Trấn Biên. Về sau, 2 làng Bình Đáng và Bình Đức hợp nhất thành xã Bình Hòa, thuộc tổng Bình Thiện, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương). Năm 1946, xã Bình Hòa trong chiến khu Thuận An Hòa (ghép các chữ đầu của tên các xã Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa). Nơi đây, có cầu Bưng Bố cách Quốc lộ 13 (mới) 50m, bắc qua con suối nhỏ trên cánh đồng trồng cây gai để dệt bao bố, nên cầu mang tên ấy. Hai bên lan can cầu bằng bê tông hình bán nguyệt, theo kiểu kiến trúc cầu đường thời Pháp. Nhưng cầu đã trở thành địa danh lịch sử (*). Khi quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, chúng đóng đồn “Sư tử” tại đầu cầu. Chẳng bao lâu, con “Sư tử” của Pháp đã bị du kích xã Bình Hòa đánh cho tan tác và lập nên trạm gác tiền tiêu, bảo vệ cửa ngõ vào xã. Còn khi liên quan Mỹ - Đại Hàn lập căn cứ ở Sóng Thần đóng đồn dã chiến tại đây. Chúng đã bị du kích thường xuyên bắn tỉa, làm cho chúng đêm ngày ngồi trên đống lửa, phải bỏ đồn mà chạy. Quốc lộ 13 (mới) do Mỹ làm vào thập niên 60 của thế kỷ trước chạy qua xã hòng xé nát chiến khu ta. Nhưng nhân dân Bình Hòa đã đào hào, đắp ụ... phục kích đánh xe, biến quốc lộ này thành con đường máu và nước mắt của Mỹ- Ngụy.

Bình Hòa còn sớm chịu ảnh hưởng của phong trào Thiên địa hội chống Pháp do ông Phan Xích Long đề xướng từ năm 1914-1916; cuộc khởi nghĩa Bình An của Phó đề đốc Lê Quang Tiến và cuộc vận động chống Pháp của Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo.

Khi Chi bộ Cộng sản Đề-pô xe lửa Dĩ An thành lập (1929) và Chi bộ xã Bình Nhâm Lái Thiêu (8-1930) ra đời, nhân dân xã Bình Hòa đã tập hợp xung quanh Đảng Cộng sản Đông Dương, hướng đến viễn cảnh xã hội tốt đẹp hơn. Năm 1944, tại xã Bình Hòa có phong trào thanh niên hướng đạo và Hội Ái hữu do đồng chí Võ Thuận Kiều lãnh đạo, đã bí mật tiếp xúc với Mặt trận Việt minh và được quần chúng hưởng ứng, tham gia đông đảo các đoàn thể cứu quốc: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, phụ lão... Đoàn thanh niên tiền phong đã phát triển rộng khắp trong xã. Đến tháng 7-1945, tại ấp Đồng An đã có hàng trăm đoàn viên thanh niên tiền phong. Ủy ban khởi nghĩa sớm thành lập do đồng chí Võ Thuận Kiều làm tổng thư ký, anh Lưu Văn Dựa chỉ huy dân quân du kích, ráo riết chuẩn bị mọi mặt, cho Tổng khởi nghĩa, du kích lập kế hỏa công, tưới xăng đốt một phần kho vũ khí của Nhật, buộc chúng tập trung cứu chữa, tạo điều kiện cho dân quân xã Bình Hòa và các xã bạn xông vào cướp hơn 60 súng các loại để trang bị cho lực lượng ta trong tổng khởi nghĩa. Mặt trận Việt minh còn vận động toàn ban tề mang vũ khí về với nhân dân. Hơn 30 lính Nhật được Mặt trận thuyết phục đã án binh bất động, khi quần chúng nổi dậy.

Tuy xã nằm sát nách hang ổ của địch ở thành phố Sài Gòn, huyện Lái Thiêu, Dĩ An, nhưng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra nhanh chóng và không đổ máu vào chiều ngày 25-8-1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngoài việc xây dựng thực lực đánh địch ta còn khéo léo cài người vào làm thông ngôn, hương chức, thân binh để theo dõi địch tình, thừa cơ đánh đồn nội ứng.

Đến tháng 9-1946, Chi bộ xã Bình Hòa thành lập do đồng chí Võ Thuận Kiều được chỉ định làm bí thư đầu tiên. Chi bộ đã lãnh đạo phong trào kháng chiến phát triển toàn diện. Đầu xóm, bìa rừng, ruộng lúa, vườn cà đều cắm chông, gài bẫy, đào giao thông hào chờ giặc. Tuy quân giặc tạm thời đóng bót ở Bình Đức, cầu Bưng Bố, chợ Miễu, Đồng An... nhưng chúng đêm ngày nơm nớp lo sợ. Tại chợ Miễu, với mìn tự tạo, du kích đã diệt gọn Bộ tham mưu, bẻ gãy cuộc hành quân lớn của Pháp. Tháng 8-1946, du kích đã phục kích tại cầu Bưng Bố diệt gọn từng tiểu đội lính Pháp, từ thị trấn Lái Thiêu đi lùng sục, thu nhiều vũ khí.

Sau Hiệp nghị Giơnevơ (1954), Mỹ - Diệm thừa cơ hất cẳng Pháp, lập liên gia, khu trù mật, ấp chiến lược, bình định nông thôn, với âm mưu thâm độc tố cộng, diệt cộng, trả thù những người kháng chiến cũ. Nhưng đầu năm 1960, tiếng mõ đồng khởi từ An Sơn, An Thạnh, Thuận Giao vang rền thúc giục, nhân dân Bình Hòa đã nổi dậy như nắng hạn gặp trận mưa rào. Tổ vũ trang Bình Đức, sau nhiều ngày chờ đợi đã khai hỏa diệt bọn dân vệ tại ngã ba cầu Bưng Bố, mở màn cho phong trào phá banh khu trù mật, ấp chiến lược. Không đánh chiếm bằng phi pháo, chúng dùng xe tăng, xe cơ giới san ủi địa bàn, hòng làm cho ta mất chỗ đứng chân. Nhưng rừng bị triệt phá, ta lập căn cứ trong lòng dân. Bộ đội, du kích ém trong các khu ấp chiến lược hoạt động đánh địch. Được nhân dân bảo vệ, tại Hố đá ấp Đồng An, hàng trăm trái DKP của bộ đội ta đã trút bão lửa vào Bộ Tổng tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất, hồi Đông Xuân 1971-1972. Mùa xuân năm 1975, bộ đội ta thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, du kích xã Bình Hòa đã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy làm chủ xã, làm chướng ngại vật cản địch rút chạy về Sài Gòn, góp phần giải phóng huyện Lái Thiêu, căn cứ Sóng Thần. Thế là, sáng ngày 30-4-1975, xã Bình Hòa hoàn toàn giải phóng.

II

Có được những chiến công đời đời còn truyền tụng, nhưng nhân dân Bình Hòa đã trả giá bằng xương máu quá đắt. Hơn 300 người (trong tổng số 3.000 dân) đã ngã xuống; tức là cứ 100 người dân có 10 người hy sinh. Anh Ba Nữa, người chỉ huy dân quân du kích đã gắn bó cuộc đời với quê hương. Ngay đêm trước Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, cô Mai Thị Niên, 16 tuổi, có sáng kiến, giả vào rừng kiếm củi, chờ trời tối đã cạy cửa vào kho vũ khí của Nhật, lấy súng giấu vào bó củi vác qua trạm gác của chúng đem về cho du kích. Cứ thế, cô đã lấy được hơn 10 súng các loại. Tiểu đội phó du kích Nguyễn Văn Trửng với quả mìn tự tạo đã diệt gọn bọn tham mưu, bẻ gãy cuộc hành quân cấp tiểu đoàn của thiếu tá Depuis ở chợ Miễu. Chị Nguyễn Thị Quy leo lên cây quan sát bị bắn ngã, lập tức chị Đỗ Thị Ru lên thay: Chị Ru bị moóc chi-ê bắn bị thương, có chị Nguyễn Thị Thới lên thay. Chị Thới bị địch bắn gãy chân, khi chân đi còn khập khiễng vẫn bám trạm gác theo dõi địch. Sau đó chị Thới được xã đội hướng dẫn lập kế mở quán bán cà phê gần bót Cây Cầy để theo dõi địch, kịp thời báo cho du kích hoạt động. Chị Nguyễn Thị Mùi, chẳng may bị địch bắt. Mặc dù bị địch tra tấn dã man chị đã nén đau, không một lời tiết lộ cơ sở ta. Khi địch đưa đi chỉ hầm bí mật, chị dẫn chúng đến địa điểm có trận địa của du kích, đã thét to:

- Hầm bí mật ở trong đầu tao, chúng bay hãy moi ra mà phá!

Lập tức du kích đã xông lên tiêu diệt toán địch. Gia đình ông Ba Thể, Ba Hiển (Đồng An), hàng ngày vừa lo việc đồng áng, vừa canh gác, cơm nước cho các đồng chí Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai, Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Văn Thi, Đào Sơn Tây, Trần Thắng Minh... ăn ở an toàn, chỉ đạo phong trào chiến tranh nhân dân trong tỉnh. 

Đặc biệt, tấm gương đồng chí Võ Thuận Kiều, Bí thư chi bộ đầu tiên của xã đã nhanh trí đấu khẩu với địch bằng tiếng Pháp, vừa tự cứu mình và nhiều chiến hữu, còn lưu truyền đến hôm nay. Đó là, khi đồng chí chẳng may bị địch bắt, trong một trận chúng càn vào xã. Trước đòn roi tra khảo dã man của giặc đã không làm đồng chí nhục ý chí chiến đấu. Chúng đưa đồng chí đến cột vào cọc, dưới có huyệt đào sẵn, trước đồn Bình Đức để chờ xử tử. Đồng chí đã bình tĩnh chất vấn chúng:

- Tôi có tội gì mà các ông dẫn đi giết?

- Mày là Việt minh! - Chúng trả lời.

Đồng chí dõng dạc đáp:

- Tôi không phải là Việt minh. Tôi là thầy giáo, là công chức của chính quyền cai trị Pháp. Vì chiến tranh chưa yên nên tôi chưa ra trình diện. Chừng nào chính quyền cai trị ổn định, tôi sẽ ra trình diện.

Nghe đối đáp có lý, chúng chịu mở trói cho đồng chí. Nhưng  chúng gạn hỏi:

- Mày có biết ở đây ai là Việt minh?

Chớp thời cơ, đồng chí đã chỉ ngay tên Bảy Kiệm ở xã bạn, vừa đầu hàng phản bội, nhận làm thư ký cho tên quận trưởng Lái Thiêu, để chúng trừ khử ngay. Thấy đồng chí nói thông thạo tiếng Pháp, chúng quay sang gạ gẫm làm thông dịch cho chúng. Để có cơ hội thoát thân, tạm thời đồng chí nhận lời làm thông dịch cho chúng, nhưng phải cho về sắp xếp việc gia đình. Trong thời gian nhận làm phiên dịch, đồng chí đã chỉ cho chúng thả những cán bộ của ta bị bắt giam với lý do quân Pháp bắt lầm là dân vô tội. Sau đó đồng chí yêu cầu chúng cho về thu xếp việc gia đình để trở lại phục vụ lâu dài. Nhưng vừa về đến nhà, đồng chí đã kịp thời đưa vợ con lánh đi nơi khác sinh sống và nhanh chân thoát ly vào chiến khu kháng chiến.

Được trở về với nhân dân, đồng chí đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên quyết tâm bám đất, bám dân, xây dựng làng chiến đấu, không để một tấc đất rơi vào giặc.

III

Bình Hòa sớm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân từ sau ngày Nam bộ kháng chiến. Nam nữ thanh niên tích cực được tổ chức thành 4 trung đội, dân quân du kích; trong đó có 1 trung đội nữ du kích. Cả xã bố trí thành 7 trạm gác ngay ở các đường ra vào và những bìa rừng xung yếu, kẻ địch dễ xâm nhập, để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mỗi trung đội chịu trách nhiệm canh gác 2 trạm và thay nhau tuần tra theo dõi địch. Trung đội nữ du kích có 36 chị em, do chị Mai Thị Quan làm trung đội trưởng, nhận gác trạm tiền tiêu gần Đề-pô xe lửa Dĩ An. Phần lớn nhà ở của dân được quy tụ ra gần các trục đường giao thông để làm tai mắt cho du kích. Tại các bìa rừng được cò cây dày, cắm nhiều chông thò... chống xe cơ giới và bộ binh địch lùng sục. Đường giao thông hào nối thông các trạm gác và các xã bạn để du kích di chuyển đánh địch. Nhiều bà con, nhất là chị em phụ nữ thường xuyên ra đồng, được hóa trang bôi bùn đất bẩn thỉu, ăn mặc rách rưới theo kiểu người nông dân lam lũ làm ăn để dễ lẩn tránh khi chúng bao vây úp chụp bắt và canh giới địch từ xa. Khi “phát hiện có địch đi càn, lập tức các trạm gác dùng mõ tre đánh thúc 3 tiếng một liên hồi kỳ trận để nhân dân kịp thời né tránh. Khi giặc rút chạy tiếng mõ đánh thong thả, một hồi dài báo an. Cả xã trở lại sinh hoạt bình thường.

Chợ Miễu là một chợ kháng chiến nhỏ ở vùng giáp ranh giữa xã Bình Hòa và xã An Phú. Nhân dân trong xã và các xã bạn thường theo con đường cò cây và bắc ván qua các bãi chông, mìn của du kích đến chợ mua bán. Chợ thường họp vào buổi sáng. Nhưng sáng nào nghe có tiếng súng nổ đì đẹt gần ở bìa rừng thì chợ họp muộn hơn thường ngày. Chợ đang họp mà có tiếng mõ báo động; bà con nhanh chóng di tản xuống các giao thông hào. Nghe tiếng mõ báo an, chợ trở lại mua bán đông đúc. Chợ có bán đủ các loại rau, củ, thực phẩm cần thiết cho nhu cầu của bộ đội và nhân dân trong chiến khu. Quán cà phê, hủ tiếu, cháo cá của ông Hai Lo, ngon nổi tiếng, còn được bộ đội nhắc đến hôm nay.

Các má, các chị chiến sĩ phân công nhau vận động bà con đóng góp lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, phục vụ bộ đội và du kích đánh giặc. Đêm đến, ánh đuốc, ánh đèn dầu chai sáng cả một khu rừng của bà con, kéo nhau đến lớp học bình dân học vụ. Hòa trong tiếng đánh vần ê a học chữ là tiếng hát rộn ràng của nam nữ thanh niên “... ngày 23 ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà xao xuyến, tiến ta tiến...”, như thôi thúc mọi người thêm hăng hái kháng chiến.

Ngoài ra, kinh nghiệm vận động binh lính địch trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 được tiếp tục phát huy. Khi biết chúng cần có người am hiểu tình hình địa phương làm xếp bót, ta kịp thời đưa ông Mai Văn Liền là hương quân cũ ra nhận làm đồn trưởng và đưa nhiều thanh niên tốt vào lính thân binh để có thời cơ làm nội ứng diệt đồn. Chị Mai Thị Niên, con gái ông Liền (sau này là Tỉnh ủy viên tỉnh Thủ Dầu Một) được giao làm liên lạc, nắm tình hình địch (do cha chị cung cấp) đã kịp thời báo ra cho du kích đối phó. Khi bị lộ, bộ đội ta phá sập một góc đồn, nhanh chóng đưa toàn bộ xếp bót và 24 lính thân binh vào chiến khu kháng chiến. Nhưng để đề phòng địch trả thù gia đình, chị Niên đã nhanh trí đến đồn lính Pháp bù lu bù loa khóc lóc và báo là “Đêm qua Việt minh đột nhập vào làng đánh sập đồn, bắt mất cha và toàn bộ lính đem vào rừng nào không biết, mong các ông cứu giúp”. Cùng với chiến công đánh giặc Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, du kích và nhân dân xã Bình Hòa đã thường xuyên đột nhập, tác động buộc liên quân Mỹ - Hàn phải rút bỏ đồn dã chiến cầu Ông Bố, co cụm, về cố thủ căn cứ Sóng Thần. Vào Đông Xuân năm 1971-1972 nhân dân và du kích ấp Đồng An đã bảo vệ tốt bộ đội chủ lực trút hàng trăm trái ĐKP vào Bộ Tổng tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù nơi bộ đội đặt trận địa pháo không cách xa sào huyệt của chúng mấy mà địch không dám ló ra phản kích ta. Thế là, suốt 30 năm chống địch giữ làng, xã Bình Hòa là nơi đứng chân vững chắc của cơ quan tỉnh Thủ Dầu Một, huyện Lái Thiêu, huyện Thủ Đức, Chi đội 1, Chi đội 6 và bảo đảm thông suốt đường hành lang từ chiến khu Đ vào nội thành Sài Gòn. Những địa danh Bình Đáng, Bình Đức, Giếng Đá, Truông Cối, Rừng Thơm, cầu Bưng Bố... đã ghi đậm bản đồ chiến tích của huyện Thuận An, tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Niềm kiêu hãnh chính đáng của nhân dân Bình Hòa là đã nén đau thương tang tóc kháng chiến đến cùng, không có một người nào đầu hàng giặc. Chưa kể nhiều người trực tiếp cầm súng, đào công sự, bố phòng canh gác, nhiều bà con tùy theo sức của mình đóng góp gạo nuôi quân, chắt chiu trồng rau, nuôi gà kháng chiến. Công tác binh địch vận sớm được phát huy, lấy vũ khí, dùng binh lính địch đánh địch, hạn chế tổn thất đổ máu của nhân dân.

Vào dịp kỷ niệm 2 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.1947). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên dương xã Bình Hòa là “Làng kháng chiến kiểu mẫu của Nam bộ”.

Đồng chí Phạm Văn Bạch, Chủ tịch UBKCHC Nam bộ đã tặng nhân dân Bình Hòa tập album, hình ảnh các vị đại biểu Quốc hội nước VNDCCH khóa đầu tiên.

Kết thúc 30 năm chiến tranh giữ nước, thống nhất Tổ quốc, ngày 29-1-1996, xã Bình Hòa được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Bình Hòa đã đóng góp xứng đáng, làm vẻ vang chiến khu Thuận An Hòa, huyện Thuận An và tỉnh Bình  Dương là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

T.T.Đ

(*) Còn theo dân gian kể, cầu bắc qua suối trên cánh đồng của ông quan Bố chánh nên cầu có tên là cầu Ông Bố!

TRẦN THANH ĐẠM


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24418283