Tin tức

Quân dân tỉnh Thủ Biên chủ động tiến công địch góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch Đông Xuân 1953-195

  • NGUYỄN VĂN BÌNH (Chuyên viên Nghiên cứu lịch sử quân sự Bình Dương)
  • 13/07/2012

Tỉnh Thủ Biên là sự sáp nhập hai tỉnh: Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) và Biên Hòa vào tháng 5-1951, thuộc Phân liên khu miền Đông Nam bộ. Tỉnh Thủ Biên có chiến khu Đ, là căn cứ chiến lược của cách mạng; là địa bàn có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở chiến trường Nam bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Trên chiến trường tỉnh Thủ Biên, đến cuối năm 1953, địch còn hơn 26.000 tên và chúng thực hiện nhiều biện pháp bổ sung, điều chỉnh lực lượng, nhưng trong thế bị động, chứa nhiều mâu thuẫn trong sử dụng lực lượng giữa tập trung cơ động và phải phân tán để chiếm đóng, trong khi tinh thần binh lính đang có sự sa sút nghiêm trọng.

 

Bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, quán triệt nghị quyết của trung ương, của Xứ ủy và căn cứ thực tình hình trên chiến trường, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự kết hợp công tác binh vận tạo ra bước chuyển biến mới phối hợp với chiến trường chính. Cụ thể là đẩy mạnh hoạt động quân sự trên các trục giao thông, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch trên quốc lộ 13, đường số 2, đường liên tỉnh lộ 14... Sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh ở trọng điểm các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, phối hợp lực lượng của huyện, du kích các xã thực hiện tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền để củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân vùng du kích yếu, vùng tạm chiếm, vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp, ủng hộ kháng chiến. Tại huyện Bến Cát, ta mở đầu đợt hoạt động trên quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14. Ngày 5-9-1953, lực lượng Đại đội 55, Đại đội 65 của Tiểu đoàn 303 và Đại đội Lê Hồng Phong (Bến Cát), tiến công đồn Bến Tranh xã Thanh An kết hợp ''nội công, ngoại kích'', ta đã ''xóa sổ''Đại đội Commando đóng giữ đồn Bến Tranh, bắt giữ 54 tên, thu trên 100 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Phát huy thắng lợi, du kích xã Thanh An kết hợp cơ sở nội ứng (do địa phương xây dựng trước đó), tập kích bắt gọn tiểu đội địch đóng tua cầu Cần Nôm, thu toàn bộ vũ khí.

 

Tại xã Mỹ Phước, trinh sát Tiểu đoàn 303 phối hợp với lực lượng huyện Bến Cát và du kích xã Mỹ Phước tập kích, đánh thiệt hại nặng trung đội địch đóng bót Cây Xoài xã Mỹ Phước... Trong hai tháng 11 và 12-1953, lực lượng vũ trang tỉnh tập trung hoạt động mạnh địa bàn huyện Châu Thành và Lái Thiêu. Tỉnh linh hoạt sử dụng lực lượng lúc tập trung, khi phân tán; kết hợp bộ đội chủ lực tỉnh, bộ đội địa phương huyện và du kích xã chặn đánh lực lượng Commando đột kích vùng du kích Tân Hiệp, Thái Hòa, Khánh Vân.,. Bảo vệ nhân dân thu hoạch vụ mùa thắng lợi.

 

Tại huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang ta luồn sâu xuống xã Tân An, tập kích trụ sở V? Xã, diệt tên Xếp Tròn tại ấp chợ Bến Thế. Tiếp đó, ta tiến công tiêu diệt trung đội địch đóng giữ bót Tương Bình Hiệp, cách trung tâm thị xã chưa đầy 3km về phía bắc, bắt sống 11 tên (có cả tên đồn trưởng), thu toàn bộ vũ khí.

Tại huyện Lái Thiêu, lực lượng Tiểu đoàn 303 của tỉnh phối hợp với bộ đội địa phương huyện Lái Thiêu đánh diệt trung đội địch đóng bót Vnh Ký; chiến đấu chống địch càn quét, đột kích vào căn cứ thuận – An - Hòa, căn cứu kích xã Bình Nhâm, An Thạnh... kết hợp xây dựng cơ sở, vận động nhân dân làm công tác ngụy vận, đấu tranh chống địch bắt xâu, bắt lính. Chỉ trong tháng 12-1953, tại huyện Lái Thiêu đã có hơn 100 lính ngụy bỏ ngũ về với gia đình, gây ảnh hưởng tốt trong nhân dân.

Từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954, các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Biên đã đánh 137 trận lớn nhỏ, diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, thu 186 súng các loại, phá hủy 19 xe quân sự, đánh sập 3 bót, 5 tháp canh, bức rút 25 tháp canh khác. Các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập 147 lần vào vùng tạm chiến, diệt tề trừ gian, xây dựng cơ sở. Kết quả hoạt động quân sự đã hỗ trợ và thúc đẩy trực tiếp cho phong trào du kích chiến tranh của tỉnh phát triển, đã khôi phục và xây dựng được 52 đội du kích tập trung, đưa lực lượng du kích từ 140 người lên 513 người, dân quân từ 453 người, phát triển lên 1.862 người, du kích mật từ 219 người lên 527 đội viên... Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh đứng chân trên địa bàn đã chủ động phối hợp hoạt động, dìu dắt bộ đội huyện, du kích xã trong chiến đấu đánh đồn bót; chống càn, chống đột kích, vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian, xây dựng cơ sở Nhiều căn cứu kích trong vùng tạm chiếm, vùng du kích được củng cố. Chiến khu Đ được mở rộng lên phía bắc tới đường 14, phía đông tới Tà Lài. Chiến khu Long Nguyên mở rộng từ đường 30 lên tới Minh Thạnh... Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng được củng cố. Các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng căn cứ kháng chiến và vùng giải phóng từng bước được xây dựng, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến. 

 

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, từ tháng 3-1954, Tỉnh ủy thủ Biên chủ trương phát huy chiến thắng, tiếp tục tiến công đánh mạnh vào hệ thống đồn bót của địch trên các trục giao thông quan trọng, các điểm xung yếu bao quanh thị trấn, thị xã, tiêu hao, tiêu diệt, kiềm chân địch nhằm tạo đà cho sự phát triển tiếp theo ở vùng sau lưng địch.

 

Từ tháng 3 đến cuối tháng 5-1954, tỉnh sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện, dân quân, du kích mở đợt hoạt động trên diện rộng tại địa bàn huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu đánh địch đột kích vào khu du kích Thái Hòa, Tân Phước, khu Thuận - An - Hòa; tập kích địch tuần tiễu trên quốc lộ 13, hạ tháp canh Sở Xoài, Bình Trị... tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch càn quét vào căn cứ Vnh Lợi, sở Bác Vật... Vang dội nhất là trận tấn công địch đóng bót Cầu Định (án ngữ quốc lộ 13, cách TX.TDM 10km về phía Bắc), trong đêm 31-5- 1954, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đại đội Commando 147 tên, thu một súng cối 60 ly, 4 súng đại liên, 130 tiểu liên và súng trường, hơn 9 tấn đạn và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Cầu Định là đỉnh cao trong đợt tiến công Đông Xuân năm 1953-1954, là sự phối hợp và phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ tuyệt đẹp của quân và dân tỉnh thủ Biên trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trong trận đánh bót Cầu Định đã xuất hiện tấm gương Ngô Chí Quốc, tiểu đội trưởng trinh sát đặc công Tiểu đoàn 303, dũng cảm ôm bộc phá lao lên mở cửa, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Ngô Chí Quốc anh dũng hy sinh và đượctruytặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy chiến thắng Cầu định, lực lượng vũ trang tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện Bến Cát tấn công đồn Bến Tranh (xã Thanh An) lần thứ hai, diệt và bắt sống toàn bộ đại đội địch; diệt gọn trung đội địch đóng đồn Cây trắc. Bộ đội địa phương Châu Thành chống càn 11 ngày đêm, bẻ gãy cuộc càn quét của 2 tiểu đoàn Âu - Phi vào căn cứ Truông Bồng Bông, loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên...

 

Những thắng lợi đã giành được trong đợt hoạt động phối hợp chiến trường trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 của quân và dân tỉnh Thủ Biên, trước hết là thắng lợi về chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy sớm khắc phục sửa chữa khuyết điểm về vận dụng phương châm bavùng, khắc phục tư tưởng hữu khuynh, co thủ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng và hành động từ tỉnh đến huyện, xã; chủ động đưa lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện mở những đợt hoạt động mạnh trên vùng du kích; kết hợp với vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian với xây dựng phục hồi cơ sở chính trị vùng tạm chiếm. Cũng cần nói thêm rằng, trận bão lụt năm Nhâm Thìn (10-1952) đã để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt, nhất là thiếu thốn lương thực, nạn đói hoành hành cả nhân dân và lực lượng kháng chiến trụ bám trong vùng căn cứ chiến khu, trong khi kẻ địch lợi dụng bão lụt tăng cường càn quét đánh phá căn cứ, triệt hạ mùa màng. Trong hoàn cảnh thiên tai, địch họa, cấp ủy cùng ỦY ban Kháng chiến hành chính các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân dân trong tỉnh khắc phục tư tưởng hữu khuynh, anh dũng chiến đấu chống càn, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, phát huy sức mạnh đoàn kết giúp nhau khắc phục vượt qua gian khổ, thiếu thốn những ngày sau bão lụt; chủ động tiến công địch, giành nhiều thắng lợi.

 

Hình thái chiến trường đến giữa năm 1953 đã có những thay đổi, thế giằng co đã xuất hiện ở một sốvùng du kích. Do đó, khi có lệnh phối hợp với chiến trường chính trong Đông Xuân năm 1953-1954, Đảng bộ, quân và dân tỉnh thủ Biên đa ở trong thế chủ động cả về tinh thần và thực lực lực cách mạng, nhanh chóng triển khai mở đợt hoạt động và giành thắng lợi ngay trong những ngày đầu cũng như suốt chiến dịch diễn ra.

 

Thắng lợi trong đợt hoạt động phối hợp chiến trường chính trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thủ Biên là kết quả của một quá trình chăm lo xây dựng thực lực cách mạng về mọi mặt, trước hết là chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang; là kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả mũi tấn công binh ngụy vận; kết hợp tấn công tiêu diệt với gọi hàng, bứt rút đồn bót và vận động lôi kéo, thức tỉnh binh lính ngụy trở về với nhân dân, trở về với kháng chiến; là kết quả của không ngừng xây dựng, củng cố căn cứ kháng chiến (tỉnh, huyện, xã) tạo nên hệ thống căn cử liên hoàn; là xây dựng phát triển cơ sở chính trị, cơ sở hậu cần rộng khắp cả vùng du kích và vùng tạm bị chiến tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang linh hoạt sử dụng lực lượng lúc tập trung, khi phân tán, chủ động tiến công tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tạo bàn đạp áp sát địch ngay cửa ngõ trung tâm TX.TDM.

 

Một bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất trong đợt hoạt động phối hợp chiến trường chính trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của Đảng bộ, quân vàdân tỉnh Thủ Biên là Tỉnh ủy luôn luôn kiên định đường lối chiến lược của Đảng, chỉ đạo vận dụng sáng tạo phương châm, phương pháp cách mạng sát với điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương; động viên và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tạo thành thế trận liên hoàn, liên tục tấn công, giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Thắng lợi và những bài học của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thủ Biên trong đợt hoạt động phối hợp chiến trường trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, đã được đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Dương tiếp tục phát huy và phát triển ngày càng sáng tạo và phong phú trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong hơn 30 năm qua.

NGUYỄN VĂN BÌNH (Chuyên viên Nghiên cứu lịch sử quân sự Bình Dương)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24401067