Đất, Người Bình Dương

Hồi cứu y sử: Chuyện thầy thuốc Trâu Canh chữa chứng liệt dương cho vua nhà Trần (1341 – 1369)

Thuật châm cứu chữa bệnh ở nước ta đã có từ lâu, nhiều thầy châm cứu đã nổi tiếng (được giới thiệu trên các sách viết về đông y – châm cứu VIỆT NAM bấy lâu nay):

- đời Hùng Vương có An Kỳ Sinh ở Đông Triều

- đời An Dương Vương có Cao Lỗ ở Chí Linh

- đời nhà Lý có sư Minh Không ở Ninh Bình,

- đời nhà Hồ có Nguyễn Đại Năng ở Hải Dương …

- riêng thầy thuốc Trâu Canh đời nhà Trần được nhiều người chú ý hơn cả, ông này vang danh là “Thần y đất Thăng Long” vì đã châm cứu thành công cho vua Trần Dụ Tông (sinh năm 1334 mất năm 1369) hai lần: một lần vào năm Kỷ Mão (1339) vua bị chết đuối ở Hồ Tây châm cứu sống lại (năm Dụ Tông 6 tuổi); một lần vào năm Tân Mão (1351) vua bị chứng liệt dương (năm Dụ Tông 18 tuổi) châm cứu chữa khỏi. Một giáo trình đông y – châm cứu (bậc đại học) đã viết (1): “đời Trần, Trâu Canh đã châm cứu để cứu sống con của vua Trần Minh Tông là hoàng tử Hạo bị chết đuối ở hồ Tây. Khi hoàng tử Hạo lên ngôi vua tức là vua Trần Dụ Tông lại bị bệnh liệt dương. Trâu Canh đã dùng châm cứu chữa khỏi và Trần Dụ Tông sinh được ba hoàng tử. Trâu Canh được bổ làm Ngự y và giữ chức Thái y viện đời nhà Trần”

Sự thật của câu chuyện này ra sao? Người viết xin phép được “hồi cứu y sử” về thầy thuốc Trâu Canh, chỉ bàn về 2 lãnh vực:

-          Châm cứu có làm sống lại người chết đuối được không?

-          Cách chữa liệt dương của Trâu Canh như thế nào?

để quí vị tường lãm và cùng tham khảo thêm câu chuyện lý thú này.

I. Sơ yếu nhân thân thầy thuốc Trâu Canh:

Thầy Trâu Canh là con ông Trâu Tôn người phương Bắc (Trung Quốc); Trâu Tôn làm thầy thuốc trong đoàn quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), bị quân dân Đại Việt bắt làm tù binh; khi được tha mạng thì tự nguyện xin ở lại nước ta sinh sống (lúc lực lượng Nguyên Mông bị đại bại phải rút về). Vì có kinh nghiệm chữa bệnh, nên Trâu Tôn được các vương hầu thời đó tín nhiệm và trở nên giàu có. Trâu Canh nối nghiệp cha cũng nổi tiếng trong dân chúng vào các đời vua sau: Minh Tông – Hiến Tông - Dụ Tông (khoảng từ 1314 – 1369).

Thành tích “nổi bật sử sách” của thầy thuốc Trâu Canh là dùng thuật châm cứu (acupuncture):

- cứu vua Dụ Tông (lúc nhỏ) khỏi bị chết đuối (năm Kỷ Mão – 1339)

- chữa khỏi chứng liệt dương (impotence sexuel) cho vua Dụ Tông (lúc thanh niên, năm Tân Mão 1351)

Đến đời Trâu Bảo (hậu duệ Trâu Canh) thì cơ nghiệp – gia sản nhà họ Trâu lụn bại … (dân gian đồn đãi: Trâu Canh sinh thời có tâm hồn và cuộc sống dâm đãng, nên đã mỉa mai: “đời cha ăn mặn, thì đời con khát nước”?)

II. Châm cứu có cứu sống người chết đuối được không?

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép năm Kỷ Mão (1339): “mùa thu, tháng 8 ngày 15, ban đêm con của Thượng Hoàng là Hạo đi thuyền chơi hồ Tây bị chết đuối, vớt được ở lỗ cống đơm cá. Thượng Hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Canh nói: “dùng kim châm sẽ sống lạinhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương” Dùng kim châm thì quả như lời ông ta nói, từ đấy mọi người gọi Trâu Canh là thần y. Canh sau mãi được thăng lên Quan Phục Hầu Tuyên Huy Viện Đại Sứ kiêm Thái Y Sứ” (2)

Trong lâm sàng thuật châm cấp cứu người bị chết đuối, các sách dạy châm cứu (xưa & nay) đều đã đề cập rất đỗi bình thường, các thầy châm cứu thực tế đều biết và áp dụng (khi hữu sự) phương huyệt thông dụng là châm tả 4 huyệt chính yếu: nhân trung – hội âm – tố liêu – trung xung (ngoài ra có thể gia giảm các huyệt khác như dũng tuyền, túc tam lý, nội quan, bá hội … tuỳ theo bệnh cảnh và thể trạng người bị nạn) nhằm tăng cường nhịp đập của tim, cải thiện chức năng hô hấp (sau khi đã sơ cứu: xốc ngược đầu bệnh nhân xuống gần đất và cõng chạy nhiều vòng, để nước trong mũi – miệng người bất tỉnh thoát hết ra ngoài. Theo YHHĐ, trường hợp cấp cứu hồi sức người bị ngưng tim – ngưng thở do ngạt nước (vì phản xạ tự nhiên của thanh quản – khí quản co thắt lại, mỗi khi một lượng nhỏ nước hít vào mũi) là phải tiến hành ngay lập tức (khẩn trương) các động tác hô hấp nhân tạo & ấn tim ngoài lồng ngực cho người bị nạn. Động tác “xốc nước” chỉ làm “mất thời gian vàng” (là thời gian cần phục hồi hệ hô hấp & hệ tuần hoàn: nguồn cung cấp ô xy cho não) để giúp người bị nạn hồi tỉnh lại. Do vậy, mà thầy Trâu Canh kịp thời đạt kết quả: “cứu người chết đuối sống lại” cũng không phải là “kỳ công” gì cho lắm về hoạt động y khoa thời trung cổ nước nhà. Thượng Hoàng Trần Minh Tông sở dĩ trọng đãi Trâu Canh có thể do việc “tiên lượng – prognostic”: hoàng tử Hạo sau này sẽ bị liệt dương (impotence sexuel) và điều này đã làm vang danh tài nghệ tiên tri của thầy thuốc Trâu Canh đời nhà Trần?

Nếu như những ai đã nghiên cứu khoa “nhân tướng bệnh học cổ truyền” – physiognomonie pathologique traditionnelle – thì đều biết tính năng đặc hiệu của huyệt nhân trung (philtrum) nằm trên rãnh thuỷ cấu.

Nhân trung là nơi hội tụ chính khí của cơ thể (vì hai đại kinh Nhâm & Đốc đều giao hội ở huyệt này), nó phản ánh sự tồn vong của sự sống (tức dương khí) và sự thịnh suy của thận lực tiên thiên. Vọng chẩn rãnh thuỷ cấu (tức làđường lõm ở giữa môi trên nối liền tới vách mũi) và chú ý một huyệt cách 1/3 rãnh ở dưới vách mũi, gọi là huyệt nhân trung) giúp cho người chẩn bệnh đón nhận được các thông tin (cận lâm sàng) về  các bệnh chứng tiềm tàng ởcơ quan sinh dục của cả người Nam và người nữ, tuỳ theo hai “chìa khoá vàng” (thông tin bệnh lý cơ bản) là rãnh thuỷ cấu nông hay sâu? và rãnh thuỷ cấu dài hay ngắn? Thầy thuốc đông y Đầu Sơn (cụ Lê Lã Sảng, 1905 – 1963) cho con cháu biết chi tiết nghiệm sinh thực tế về rãnh thuỷ cấu (tồng quát) và huyệt nhân trung (chi tiết) như sau: (3)

2.1- Nếu rãnh thuỷ cấu có độ dài khoảng 2 thốn (đơn vị đo “đồng thân thốn” của đông y cổ) gọi là rãnh dài; nếu ngắn hơn 1 thốn gọi là rãnh ngắn; còn ở khoảng giữa của 2 số trên, gọi là rãnh trung bình. Hình thái rãnh thuỷ cấu khi nào cũng cần thẳng và ở chính giữa môi trên, thì phản ánh cơ thể phát dục bình thường. Nếu rãnh ngắn và cong lệch, là hệ giải phẫu phát dục yếu kém (đàn ông dương vật nhỏ hoặc ngắn, hoặc tình dục phồn thực yếu – liệt dương …; đàn bà có cổ tử cung ngắn hoặc lỏng rộng, hoặc kinh nguyệt thất thường). Còn nếu rãnh thuỷ cấu dài và thẳng, là người phát dục sung mãn (đàn ông có dương vật dài hoặc to, chức năng phồn thực mạnh mẽ, tinh trùng khoẻ, dễ sinh con …; đàn bà có tính dục dẻo dai & mắn con …)

2.2- Yếu tố quan sát thứ hai là xem rãnh thuỷ cấu nông hay sâu? Nông là khi 2 bờ rãnh phẳng và có khoảng cách rộng; sâu là khi 2 bờ rãnh gồ lên và khoảng cách hẹp. Rãnh thuỷ cấu nông là dấu hiệu chức năng sinh lý kém hiệu quả (đàn bà dễ xảy thai hoặc thường rối loạn kinh nguyệt … còn đàn ông thì tinh trùng yếu đuối khó làm thụ thai …) Khi rãnh thuỷ cấu sâu là dấu hiệu sinh hoạt tình dục mạnh mẽ, hiệu quả trong việc sinh con (đàn ông có tinh trùng khoẻ, đàn bà có buồng trứng và tử cung ở sâu, không bị lệch …)

2.3-  Quan trọng trong phương pháp “nhân trung vọng chẩn” là phải phát hiện các biến tướng – dị hình (từ bẩm sinh đã có, hoặc từ khi bị tổn thương thực thể trong quá trình sống) của huyệt nhân trung (nên nhớ rằng: huyệt nhân trung là huyệt dùng để cấp cứu khi bị kích ngất – bị hôn mê – bị chết lâm sàng bất tỉnh nhân sự;(4) ngoài ra còn đểchẩn đoán các bệnh lý tiềm tàng nơi cơ quan sinh dục nữ hoặc nam …) Do đó, chúng ta có thể đặt giả thuyết (có thể xảy ra):

- thầy thuốc Trâu Canh khi làm thủ thuật cấp cứu tai nạn chết đuối cho hoàng tử Hạo (6 tuổi), chắc chắn sử dụng “tốc tả châm” (tức là châm mạnh tay và kích thích mạnh) huyệt nhân trung (thường dùng loại kim tam lăng – loại kim to cứng có 3 ngạnh ở đầu kim) đã làm tổn thương lâu dài vị trí huyệt nhân trung? Chưa kể còn có thể để lại nhiếu vết thẹo (sẹo) dọc dài trên cả rãnh thuỷ cấu ? (5)

Với quá trình trưởng thành của hoàng tử Hạo (từ lúc 6 tuổi đến năm 18 tuổi), những “di chứng hình thái” không toàn vẹn ở rãnh thuỷ cấu & huyệt nhân trung (do thao tác của thầy Trâu Canh gây ra) đã để lại kết quả: vua Trần Dụ Tông bị chứng liệt dương (erectile dysfunction syndron) và Trâu Canh chỉ là thầy thuốc “thuộc bài vở”về hiệu quả lâm sàng huyệt nhân trung & rãnh thuỷ cấu (đã có ghi chép trong y thư cổ đại phương đông từ xa xưa rồi …) nên ông ta dễ dàng nói được tiên lượng:

- “dùng kim châm sẽ sống lại, nhưng chỉ lo sợ sẽ bị liệt dương” cũng là điều dễ hiểu, không có gì là thần kỳ” hoặc bất ngờ cả! (6)

III. Cách chữa chứng liệt dương của Trâu Canh như thế nào?

Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi chép vào năm Tân Mão 1351 như sau:

- “bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu”

Như vậy rõ ràng: không có chuyện Trâu Canh đã dùng phương pháp châm cứu chữa khỏi chứng liệt dương cho nhà vua, mà chỉ có chuyện Trâu Canh dâng bài thuốc “cực kỳ dã man & vô luân lý” để điều trị liệt dương cho nhà vua mà thôi! Theo cách phân tích hiện đại của TS.BS Bùi Minh Đức (7) (tác giả bộ sách “lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa” của NXB. Văn Hoá – Văn Nghệ mới ấn hành quí 2/2012) thì thầy thuốc Trâu Canh đã dâng vua một bài thuốc kép: “hư chiêu” về dược liệu (mật trẻ con, dương khởi thạch) nhưng lại “độc chiêu” về tâm lý tình dục học mạnh mẽ cho nhà vua: sau khi uống thuốc vờ (placebo) thì “loạn luân” (thông dâm với chị ruột) là một liều thuốc táo bạo cực lớn, để làm cương cứng dương vật nhà vua mỗi khi giao hợp … với Thiên Ninh công chúa! Sự việc này chứng tỏ rằng vua Dụ Tông nhà Trần đã được chữa chứng liệt dương bằng liệu pháp kích hoạt tâm lý “ham chuộng sự mới lạ” của những ông hoàng trẻ tuổi thích ăn chơi trác táng. Sách “Việt Nam Sử lược (tác giả: Trần Trọng Kim – NXB. Tổng Hợp Tp.HCM – 2005) ghi rõ: “Vua Dụ Tông về sau cứ rượu chè chơi bời … và bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống rượu được một trăm thăng, thì thưởng cho hai trật” Dân tình khổ sở, năm nào cũng phải đói kém. Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy (8)

Năm Kỷ Dậu (1369), vua Dụ Tông mất, không có con, triều đình lập người con nuôi của Cung túc Vương (anh của Dụ Tông) là Dương Nhật Lễ lên ngôi vua … Các tôn thất nhà Trần (trong đó có lực lượng của bà công chúa Thiên Ninh) mới hội nhau đem binh về kinh sư bắt Nhật Lễ và giết đi, rồi rước Cung Tĩnh Vương về làm vua, tức là vua Nghệ Tông (1370 – 1372) … Vậy thì nội dung của đoạn giáo trình đại học nêu chi tiết:

- Trâu Canh chữa khỏi bệnh liệt dương cho vua Trần Dụ Tông bằng phương pháp châm cứu là không có thật, và chuyện nhà vua sinh được ba hoàng tử và sáu công chúa (9) cũng là … hoang tưởng thôi!

IV. Giải thích lời mỉa mai của dân gian về thầy Trâu Canh:

Sử sách ghi: đến đời Trâu Bảo (thế hệ hậu duệ Trâu Canh) thì cơ nghiệp – danh vọng nhà họ Trâu lụn bại … Dân gian đã mỉa mai: “đời cha ăn mặn, thì đời con khát nước”! nguyên do: sau hai lần góp công trạng giúp vua Dụ Tông thoát nạn chết đuối và cải thiện khả năng “thiểu năng nhục dục” cho nhà vua trẻ tuổi “ham vui vẻ” này, thầy thuốc Trâu Canh được triều đình tín nhiệm & trọng dụng. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” ghi chép:

- “Canh từ đấy càng được yêu quí hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng Hoàng (Trần Minh Tông) định bắt Trâu Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha …”

Rõ ràng tư cách nghề nghiệp (y đức) của thầy thuốc Trâu Canh là “thương luân bại lý” (tức là có hành vi làm tổn hại nếp sống đạo đức của một vị vua, cũng như của người thầy thuốc xưa và cả bây giờ) (10) Xét về các chứng cứ cấu thành tội “phạm y đức” của Trâu Canh, chúng ta có thể tóm lược:

- tội thứ nhất: sử dụng việc giết hại trẻ con chỉ để làm thuốc vờ (placebo)

- tội thứ hai: khuyến khích vua loạn luân giao cấu với chị ruột mình (tuy cùng cha khác mẹ) như là một “chỉ định” của liệu pháp chữa chứng bất lực sinh lý.

- tội thứ ba: lợi dụng tín nhiệm của hoàng gia (thân chủ của mình) để thông dâm với các cung nữ của hoàng gia …

Thế nên, cơ nghiệp thịnh vượng nhưng bất chính của Trâu Canh đến thế hệ tiếp nối là Trâu Bảođã “bị quả báo”: khánh kiệt! Dân gian vì vậy đã khách quan mỉa mai: đời cha ăn mặn thì đời con khát nước” là rất sòng phẳng vậy.

Tạm kết

Người viết khách quan nhận thấy có sự “chênh lệch thông tin” về thầy thuốc Trâu Canh, đó là:

- tài liệu trong các giáo trình châm cứu (đại học đông y) hiện nay đã giới thiệu thành tích “thần y châm cứu” của Trâu Canh và giúp vua sinh được 3 con trai và 6 công chúa.

- tài liệu ghi chép trong các sách lịch sử có uy tín, thì phủ nhận hai chi tiết: vua Dụ Tông không hề được chữa bệnh liệt dương bằng phương pháp châm cứu và nhà vua cũng không có con nối dõi.

Theo chủ quan của người viết: độ tin cậy nghiêng về các tài liệu đã ghi chép trong lịch sử (là bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, Việt Nam Sử lược …; nhưng điều quan trọng hơn cả: không nên lưu danh những nhân vật “tai tiếng về đạo đức” (dù cho họ có biệt tài chuyên môn) trong các tài liệu giảng dạy, như nhân vật Trâu Canh là một điển hình.

 

                                                                          Lê Hưng VKD

                                                                    (biên khảo “Nhiếp sinh”)

 

 

Chú thích:

(1) từ nguồn sách “y học cổ truyền” – trường ĐH Y Hà Nội, NXB. Y học 1994; trang 772

(2) từ nguồn sách “Đại Việt sử ký toàn thư” – NXB khoa học xã hội – 2010; các trang: 285, 286, 288, 289.

(3) từ nguồn sách “Nhiếp sinh” (gia phổ huyền thư dòng họ Lê Lã – Hưng Yên), tủ sách gia đình của nhóm n/c hậu Thiên Lương (Bình Dương) sưu tập.

(4) từ nguồn sách “cẩm nang châm cứu” – tg Thượng Trúc, NXB. Chi lăng – Sai gon trước 1975, trang 124.

(5) Hình đồ rãnh thuỷ cấu & huyệt nhân trung

 

 

 

(6) từ nguồn sách “Danh từ huyệt vị châm cứu” – tg Lê Quí Ngưu, NXB Hội châm cứu & Viện y dược học dân tộc tp.HCM – 1988, các trang 10, 167, 507.

(7) từ nguồn sách “Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa” – tg Bùi Minh Đức, NXB. Văn hoá – văn nghệ - 2012; trang: 161, 165, 169.

 (8) từ nguồn sách “Việt Nam sử lược” – tg Trần Trọng Kim, NXB. Tổng Hợp tp.HCM – 2005; các trang: 161, 162

(9) từ nguồn sách “Châm cứu chữa bệnh” tg.GS. Nguyễn Tài Thu NXB. y học – 1994, trang 11.

(10) từ nguồn sách “Lịch sử Việt Nam”(tập 1) – nhà in Alpha tp.HCM – 1976, trang 186.

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24283017