Đất, Người Bình Dương

Di tích Miếu Bà Đất Cuốc: Nơi lưu giữ văn hoá truyền thống tại Chiến khu D oai hùng!

  • Văn Thị Thùy Trang
  • 26/07/2012

Di tích Miếu Bà Đất Cuốc hiện tọa lạc tại ấp Suối Sâu, trên khoảng đất có tổng diện tích 1781,00m2, miếu Bà được lập vào năm 1919, do người dân địa phương lập nên thờ Ngũ Hành Nương Nương thuộc ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tại sao miếu được lập nên và lại thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương thì không ai biết rõ, chỉ biết ở đây ngoài cơ sở miếu bà ra thì từ xưa đến nay trên địa bàn Đất Cuốc không còn cơ sở tín ngưỡng nào khác.

Theo các cụ cao niên, thì nguyên trước đây vùng Đất Cuốc là rừng rậm thiêng liêng và nhiều thú dữ, để tạ ơn đất trời, những đấng linh thiêng khác giúp họ vượt qua những trở ngại thử thách, ổn định cuộc sống… bà con tụ cư vùng đất Cuốc này người có của, góp công cùng lập nên ngôi miếu Bà – nơi gửi gắm niềm tin vào các đấng siêu nhiên, thỏa lòng tín ngưỡng và kỳ vọng của cộng đồng.

Vùng Đất Cuốc trước đây nguyên là địa danh thuộc xã Tân Hòa xưa (Biên Hòa), rồi đến xã Tân Mỹ, nay là xã Đất Cuốc (Bình Dương) được hình thành muộn hơn so với các vùng đất khác của huyện Tân Uyên. Do cuộc sống ngày càng phát triển, những cư dân từ khắp các nơi như: Mỹ Lộc, Bình Cơ, Phú Hòa, Thường Lang, Tân Tịch, Tân Uyên… cùng cộng cư về sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này vào những năm cuối thế kỷ XIX. Vùng đất Tân Hòa lúc này có địa giới rất rộng, là một trong 5 xã hạt nhân hình thành nên CHIẾN KHU Đ oai hùng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cuối năm 1936 tại xã Mỹ Lộc, quận Tân Uyên chi bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời có các đồng chí Lê Văn Tôn, Huỳnh Liễn, Nguyễn Hồng Kỳ, Trần Văn Qùy (Chín Qùy)… Tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Namkỳ thất bại. Tại Tân Uyên các chi bộ Đảng bị vỡ, địch truy lùng gắt gao, đồng chí Trần Văn Qùy tập hợp bộ phận vũ trang khoảng tiểu đội rút về vùng rừng núi quê hương thuộc xã Tân Hòa (trong đó có vùng Đất Cuốc), Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An và dần dần khôi phục lại lực lượng.

Đầu năm 1945, Xứ ủy cử một số cán bộ về Tân Uyên chọn địa điểm làm tiền trạm xây dựng căn cứ. Tại Đất Cuốc các công việc xây dựng căn cứu bắt đầu được triển khai xây cất các lán trại, chòi, kho, tập kết máy móc, tích lũy lượng thực…. Ngày 25 tháng 8 trở đi, hàng ngàn đồng bào các xã, có lực lượng vũ trang Chín Qùy và lực lượng Thanh niên Tiền phong tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay cầm tầm vông vạt nhọn giành chính quyền thắng lợi tại huyện lỵ Tân Uyên.

Ngày 25 tháng 10 năm 1945, giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một… Trong khi đó ngày 22 tháng 10 Uỷ Ban kháng chiến miền Đông rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết. Một bộ phận 40 người và 30 súng trường do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy trở về Tân Tịch, Đất Cuốc dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống thực dân Pháp.

 Tại quận Tân Uyên, tiểu đội vũ trang của đống chí Chín Qùy, bộ phận kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, tự vệ chiến đấu các xã, công nhân cao su Phước Hòa,… lần lượt đến gia nhập bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Lực lượng vũ trang toàn huyện được thống nhất lại và nhiều lực lượng yêu nước khác như Ban tiếp tế miền Đông, các đơn vị tự vệ của tổng công đoàn Nam bộ, công nhân xưởng Ba Son, đề Pô Dĩ An, BIF Biên Hòa…. thành bộ đội Huỳnh Văn Nghệ gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, đóng căn cứ tại 05 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa) được bổ sung thêm lực lượng ta mở trại huấn luyện tại Miếu Đất Cuốc (Miếu Bà Đất Cuốc), xã Tân Hòa cũ – nay là Miếu Bà ấp Suối Sâu, xã Đất Cuốc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tại đây, Trường huấn luyện Quân chính ra đời vào năm 1945 và góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển, đào tạo lực lượng vũ trang nòng cốt cho các phong trào chống Pháp tại Tân Uyên về sau.

Trại huấn luyện tại Miếu Đất Cuốc ra đời hàng trăm thanh niên tự vệ chiến đấu, công nhân, nông dân, sinh viên được trang bị những kiến thức quân sự cơ bản. Học viên học xong, một nữa trở về các xã làm nồng cốt cho du kích địa phương, một nữa ở lại gia nhập bộ đội. Đến cuối tháng 11 năm 1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tổ chức thành 4 phân đội, gọi là vệ quốc đoàn Biên Hòa, hoạt động chủ yếu trong phạm vi quận Tân Uyên.

Đến tháng 11/1945, trường huấn luyện du kích tỉnh Biên Hòa từ ấp Vĩnh Cửu (xã Tam Hiệp, Châu Thành) chuyển về Gành Rái, sau đó về Sở Tiêu (Căn cứ Vĩnh Lợi), gần trại huấn luyện Đất Cuốc. Đây là trại huấn luyện quân sự đào tạo cán bộ chỉ huy đánh du kích và phân đội nhỏ của tỉnh ra đời sau Hội nghị Bình Phước (Biên Hòa).

Cùng với trại huấn luyện Miếu Đất Cuốc, trường huấn luyện Sở Tiêu đã góp phần đào tạo các cán bộ nòng cốt cho phong trào du kích địa phương trong toàn tỉnh.

Miếu bà là một trong những điểm tập trung hoạt động cách mạng tại cái nôi của Chiến khu Đ trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Một địa điểm quan trọng xây dựng lực lượng, nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ cách mạng góp phần hình thành nên địa danh Chiến khu Đ oai hùng!

Ban đầu Chiến khu Đ được gọi là chiến khu Đất Cuốc hay chiến khu Lạc An. Vì Đất Cuốc và Lạc An được đồng chí Nguyễn Bình chọn làm căn cứ địa cho toàn khu. Chiến khu Đ với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập nên những chiến công vẻ vang mãi mãi là niềm tự hào của quân dân miền Nam nói chung, quân dân Miền Đông Nam bộ nói riêng, trong đó có nhân dân Đất Cuốc anh hùng.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, cuộc sống nơi vùng đất mới, với rừng thiên nước độc, thời tiết khắc nghiệt, thú dữ rắn rết, vắt, muỗi... Đất rộng nhưng dân cư thưa thớt. Dù vậy, mặt thuận lợi ưu điểm trong điều kiện tự nhiên ở đây là đất rừng, gần sông suối, để trồng tỉa lương thực hoa màu ngắn ngày, lại có nguyên liệu cao lanh làm gốm… rừng vừa là nguồn cung cấp các sản vật cây lấy gỗ vừa cung cấp cây thuốc chữa bệnh và nguồn thịt động vật, các loại cây, lá, củ, quả… nuôi con người nhất là trong thời chiến ác liệt.

Để có một nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi thờ cúng, lễ bái theo quan niệm truyền thống văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, họ luôn ghi nhớ và biết ơn những bậc tiền nhân, những đấng linh thiêng, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màn xanh tốt, người người ấm no… Những cư dân mới của vùng đất đã lập nên Miếu Bà để thờ tự, cúng bái cầu nguyện cho “Quốc thái, dân an”. Ở đây, ngôi miếu được xem như là một ngôi đình của xã, hàng năm tổ chức cúng khai sơn đầu năm, nơi gửi gắm niềm tin của bà con vào sự độ trì, phù hộ của đấng thiên nhiên, họ giữ vững niềm tin và an tâm lao động sản xuất, phát triển cộng đồng ngày một phồng vinh.

Đến năm 1945, ngôi Miếu lúc này được xây dựng có qui mô to lớn, trên diện tích rộng xây dựng hơn 200 mét vuông (m2), lợp ngói âm dương, ngôi miếu được làm toàn gỗ Sao, Dầu, trang trí rồng phụng rất đẹp... Khu vực miếu có nhiều khu rừng rậm, có rất nhiều cây cổ thụ to như Sao, Sến,… và cạnh ngôi miếu có những khoảng đất trống, địa hình bằng phẳng có đồi gò, địa thế rất thuận lợi cho việc học tập, huấn luyện quân sự.

Miếu Bà Đất Cuốc là một trong những trung tâm đầu tiên hình thành của Chiến khu Đ. Tại đây đã thành lập Trường Quân Chính huấn luyện quân sự, đào tạo lực lượng kháng chiến làm nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào Chiến khu Đ lẫy lừng trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong năm 1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ (QK7) trực tiếp về hoạt động tại ấp Đất Cuốc. Cán bộ đóng tại ngôi miếu bà, mọi hoạt động, hội họp, sinh hoạt đều tại miếu.

Lúc này có ông Lê Văn Ban làm trưởng ấp Đất Cuốc – trực tiếp điều hành ấp. Tại ngôi miếu lực lượng Thanh niên Tiền phong ở địa phương và các nơi khác về tập trung học tập và rèn luyện quân sự. Hàng ngày khí thế học tập và huấn luyện quân sự diễn ra sôi nổi.

Ban huấn luyện có: ông Huỳnh Văn Nghệ, Ban, Phúc, Hưng, Lạn, Pha…Ông Huỳnh Văn Nghệ làm chỉ huy trưởng. Ban huấn luyện Trường quân chính có các đồng chí Phúc, Hưng, Lạn, Pha… Thanh niên tại ấp Đất cuốc thường xuyên có trên dưới khoảng 50 thanh niên tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong.

Tập trung một đợt về tại khu Miếu Bà mỗi đợt có từ 200 - 300 thanh niên về tập quân sự tại khu gò bên cạnh Miếu Bà và học chính trị trong ngôi miếu. Thời gian học tập mỗi đợt từ 1 – 2 tháng và rất nhiều đợt.

Hoạt động huấn luyện đến cuối năm 1946, thì bị giặc Pháp đánh chiếm và đóng quân tại Miếu Bà. Để bảo toàn lực lượng đội quân Huỳnh Văn Nghệ phải rút sâu vào Bưng Tre, Bà Sầm, Lò Than, Suối Cái…

Đầu năm 1947, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tập kích liên tục vào bót địch đóng tại miếu Bà, buộc bọn lính Pháp phải rút đi nơi khác.

Trong thời gian quân lính Pháp đóng tại miếu Bà năm 1946, hành động rất tàn ác và dã man, chúng bắt giam người Đất Cuốc tại căn hầm trước miếu – khi Pháp đóng bót tại miếu có xây một căn hầm dùng để giam cầm những người con Đất Cuốc yêu quê hương, bảo vệ vùng đất thiêng liêng của mình. Trong đó, nổi bậc có sự kiện ông Ba Giác (5 Giác) và ông Lê Văn Ngót còn sống cho đến sau này tuổi già mới qua đời kể lại cho con cháu nghe về sự dã man của lính Pháp.

Thường ngày bà con thả trâu chiều tối về chúng thông báo là phải tập trung trâu bò cho chúng giữ - mục đích chúng tránh không cho bà con  tiếp tế nguồn lương thực, thực phẩm vào căn cứ cho cán bộ chiến sĩ hoạt động cách mạng. Trong khi đó những chú trâu hiền lành nhìn thấy lính Pháp liền nhảy tán loạn, không chịu vào nơi tập trung…. không gom được trâu bò được chúng bắt người giam vào trong hầm, phụ nữ thì chúng hãm hiếp… nhân chứng này có bà (Lê Thị Phẩm). Mỗi ngày chúng cứ bắt từ 1đến 2 người ra bắn giết thật dã man, chúng treo lên cành cây (trong đó có ông Giác) hoặc bắt người tự đào hầm rồi chúng bắt chết chôn tại chỗ (ông Ngót) nhằm răn đe những người dân ở đây nuôi giấu và tiếp tế cho lực lượng cách mạng của ta.

Ông Ba Giác (Năm Giác) bị chúng bắt và treo lên cành cây, chúng đâm ông 5 giác (nên sau này người dân địa phương cứ gọi ông là ông Năm Giác), nhưng rồi chúng sơ hở ông chạy thoát thân được.

Ông Lê Văn Ngót, lúc đó khoảng mười mấy tuổi, đi thả trâu thì bọn lính Pháp bắt rồi chúng nhốt ông trong hầm, hôm sau chúng bắt ông đi đào hầm và định chôn ông tại chỗ, thì ông Ngót chạy thoát…

Ngôi miếu bà trải qua nhiều lần xây dựng với nhiều vật liệu gỗ quí và trang trí rồng phụng, nhưng rồi bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 1986, bà con địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu Bà trên nền ngôi miếu cũ (hiện nay nền miếu cũ vẫn còn), nhưng nhỏ hơn, bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn xi măng rất khang trang, thờ 5 vị thần cho đến ngày nay.

Miếu Bà Đất Cuốc thờ Ngũ Hành Nương Nương thuộc tín ngưỡng dân gian người Việt. Ngũ Hành Nương Nương là biểu tượng năm chất: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ tức là năm chất căn bản cấu tạo vạn vật vũ trụ. Do đó , Ngũ Hành Nương Nương còn được gọi là “Năm Mẹ”, dân gian tin rằng các vị nữ thần này liên quan đến tất cả các nghề nghiệp thuộc đất đai, củi lửa, nước nôi, cây cối, kim loại.

Hàng năm có các ngày cúng chính như: Lệ 16/10 âm lịch – đây là ngày vía bà, ngày cúng lớn nhất của Miếu Bà, dân làng tập trung đông đủ, có tổ chức hát cải lương, nhạc trẻ... cầu siêu “Mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”. Ngày 07/01 âm lịch -  cúng đầu năm khai sơn (khai hạ): bà con có gì cúng vía bà tự do (tùy lòng hảo tâm) không theo khuôn mẫu qui định. Ngoài hai ngày cúng chính ra các ngày mồng 1, rằm miếu đều mở cửa cho bá tánh đến viếng bà và nhang khói cho bà.

Trước đây, vào thời điểm trước năm 1945 tại ngôi miếu cứ 3 năm đáo lệ một lần có tổ chức rước hát bội về diễn tại ngôi miếu 3 ngày liền, ngày bế mạc bao giờ cũng có đào kép đứng lên kể chuyện về đặc điểm vùng Đất Cuốc… những người cao niên ở đây còn nhớ … “…Đất Cuốc nghèo tàn, nghèo mạc, nghèo khạt ra tro, nghèo ho ra bụi….” được dân chúng ghi nhớ nằm lòng.

Tại miếu bà đất cuốc có nhân vật nổi tiếng từng sống và hoạt động cách mạng, có Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đồng chí Nguyễn Bình,… Và rất nhiều, rất nhiều đồng bào Đất Cuốc đã tham gia vào công cuộc giải phóng quê hương, họ đã ngã xuống vì mãnh đất thân yêu của mình, nhiều người đã để lại tên tuổi như Lê Văn Nghe (sinh năm 1936), Lê Văn Rãnh (1934), Lê văn Huơn (1918), Nguyễn Văn Ề, Lê Thị Phẩm (1927), Nguyễn Thị Bông (1934), Huỳnh Văn Thới (1927), Phan Thị Hận… làm sáng ngời địa danh Đất Cuốc, góp phần làm nên Chiến khu Đ đi vào huyền thoại.

Cứ địa cách mạng Miếu bà Đất Cuốc là nơi thành lập Trường Quân chính, nơi đào tạo bao lớp thanh niên tiền phong học tập, huấn luyện và góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẽ vang, đặc biệt là miếu bà nằm trong vùng căn cứ chiến khu Đ, đã làm nên kỳ tích Chiến khu Đ oai hùng trong hai thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược. Và là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng dân gian người Việt.

Nhân dân ở vùng Đất Cuốc cũng như bao người dân khác trong vùng Chiến khu Đ luôn phát huy truyền thống chung của dân tộc Việt. Họ vẫn bảo lưu và gìn giữ được nét văn hóa truyền thống, mang đậm tín dân gian. Song song đó là lòng tin sắt đá vào lẽ phải và ý chí kiên cường, sẵn sàng xả thân bảo vệ niềm tin. Đó là tinh thần thượng võ, thích tự do phóng khoáng nghĩa hiệp đầy khí phách và rất giàu lòng yêu thương nhân hậu tương trợ đùm bọc lẫn nhau.. đó là sự đam mê, kiên nhẫn và sáng tạo trong lao động, sản xuất, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục hoàn cảnh để tồn tại và vươn lên không ngừng.

Chính quyền, Ban nghi lễ và nhân dân địa phương luôn quan tâm và bảo quản tốt ngôi miếu. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu đó, miếu Bà Đất Cuốc đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh xếp hạng là một di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28/01/2011. Miếu Bà hiện tồn là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho sự ra đời của một căn cứ kháng chiến đi vào huyền thoại đó là Chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm là chiến trường căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ tư lệnh Quân khu 07 – Tỉnh ủy Sông Bé – Tỉnh ủy Đồng Nai

     Lịch sử chiến khu Đ, NXB Đồng Nai, 1997

2.     Sở Văn hóa - Thông tin Bình Dương; Ban Quản lý Di tích và Danh thắng,

     Di tích và Danh thắng Bình Dương, Xí nghiệp in Nguyễn Hoàng, 2008

  1. Nhiều tác giả, lịch sử liên trung đoàn 301, 310 (1945 -1950), NXB Công an nhân dân. Hà Nội  2007.
  2. Nhiều tác giả, lịch sử truyền thống huyện Tân Uyên, NXB Sông Bé, 1992
  3. Nguyễn Hùng, chiến khu Đ của tôi (tái bản), NXB Công an nhân dân.
  4. Nguyễn Hùng, Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật, NXB Công an nhân dân.
  5. Tư liệu điền giã và đóng góp của các chú, bác, cô trong Ban nghi lễ và những nhân chứng cách mạng của xã Đất Cuốc.

Văn Thị Thùy Trang


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24389144