Đất, Người Bình Dương

Vài nét về công tác vận động đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn Thủ Dầu Một (Bình Dương) (từ 1945-1954)

  • HÀ VĂN THĂNG
  • 25/07/2012
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một lúc đó rộng hơn nhiều so với địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay. Từ khi thực dân Pháp tiến hành đổi tiểu khu Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Dầu Một (1899) đến tháng 7-1954, tỉnh Thủ Dầu Một bấy giờ gồm 12 tổng và 8 làng của người Việt ở xen kẽ trong các tổng của đồng bào các dân tộc ít người (chủ yếu thuộc địa bàn vùng Lộc Ninh, Bù Đốp hiện nay) như Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi, Phước Lễ, Quản Lợi, Thạch An và 8 làng của người Việt nằm xen kẽ trong các tổng đồng bào các dân tộc ít người là: Mỹ Thạnh, Tân Khai, Tân Lập, Tân Quan, Tân Phú, Tân Thanh, Thanh Phú, Thanh Sơn.
Với địa bàn một tỉnh có khá đông đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, công tác vận động đồng bào các dân tộc ít người ủng hộ, tham gia cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, luôn được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Giác ngộ nhằm không ngừng nâng cao sự hiểu biết về cách mạng đối với đồng bào các dân tộc ít người trên địa bàn Thủ Dầu Một nói riêng cũng như đối với đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên còn là vấn đề nhằm giữ vững Tây nguyên, một địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự.
Nhận rõ tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Tây nguyên, suốt quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp ra sức thực hiện những âm mưu xảo quyệt nhằm phá vỡ khối đoàn kết giữa người Việt với đồng bào các dân tộc ít người vùng Tây nguyên cũng như trên địa bàn Thủ Dầu Một nói riêng. Một trong những thủ đoạn mà thực dân Pháp thường thực hiện đối với đồng bào các dân tộc ít người là mua chuộc, dụ dỗ và nói xấu cách mạng. Chúng tung các đội tuyên truyền đi sâu vào các vùng, mang theo những thứ khan hiếm đối với đồng bào như muối, vải, thuốc chữa bệnh, đá lứa, dầu hôi... để dụ dỗ, mua chuộc. Mặt khác, chúng còn ra sức tuyên truyền về sức mạnh của thực dân Pháp, sự giàu có của thực dân Pháp và nói xấu Việt minh; kích động chia rẽ và gây hận thù giữa người Việt với đồng bào các dân tộc ít người.
Những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp là vậy còn kết quả đem lại cho chúng thì sao? Trở lại giai đoạn lịch sử trước năm 1945, chúng ta thấy cuộc sống của đồng bào các dân tộc ít người ở phía Bắc Thủ Dầu Một và vùng Nam Tây nguyên ngày càng bị đẩy sâu vào những vùng xa xôi hơn, do chính sách tước đoạt đất đai của đồng bào để mở mang các đồn điền cao su. Kế đến là sự bóc lột sức lao động của đồng bào trong các đợt lao công, lao dịch vì lợi ích của bọn tư bản Pháp. Ngoài ra, sự chiếm đóng của quân đội Pháp trong vùng đồng bào các dân tộc ít người đã làm xáo trộn cuộc sống bình yên vốn có nơi đây. Từ đó mâu thuẫn giữa đồng bào các dân tộc ít người với thực dân Pháp ngày càng tăng, những cuộc xung đột ngày càng lan rộng, đồng bào các dân tộc ít người ở nhiều nơi đã đứng lên chống lại sự bất công và tàn ác của kẻ xâm lược. Tiêu biểu là phong trào khởi nghĩa do N'Trang Long lãnh đạo kéo dài suốt 23 năm đã quy tụ được đông đảo nghĩa quân trên một địa bàn rộng lớn, bao gồm cả nghĩa quân đồng bào các dân tộc ít người Thủ Dầu Một tham gia.
Với những điều kiện nêu trên, khi bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng bào các dân tộc ít người ở thủ Dầu Một đa số đã nhận thức đúng đắn về con đường đấu tranh cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Ngay trước khi tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã phân công các đồng chí trong cấp ủy phụ trách vùng đồng bào các dân tộc ít người và vùng công nhân cao su, như đồng chí Lê Đức Anh, phụ trách vùng đồng bào các dân tộc ít người và quận Hớn Quản, Bù Đốp; đồng chí Nguyễn văn Trung, phụ trách vùng công nhân cao su... Nhiệm vụ các đồng chí này là tuyên truyền, vận động đồng bào, công nhân hiểu rõ hơn về con đường đấu tranh cách mạng, từ đó ủng hộ, tham gia kháng chiến. Kết quả là đến tháng 5-1945 cùng với các Hội Cứu quốc của người Việt, “Hội người Việt Nam mới” cũng được ra đời ở hai quận Hớn Quản, Bù Đốp, đồng bào các dân tộc ít người tham gia với số lượng khoảng 40 người, trong đó có hai nhà giáo Điểu Du và Che Nen trong ban lãnh đạo hội. Khi giành chính quyền thắng lợi tại địa phương, Ủy ban khởi nghĩa đã cử một lực lượng đồng bào các dân tộc ít người khoảng 50 người, trang bị gươm, dao, mác, cung ná và cả súng săn cùng 100 công nhân ở Lộc Ninh, Hớn Quản kéo về thị xã Thủ Dầu Một tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong ngày 25-8-1945.
Bước vào năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai đã lan ra toàn quốc. Trước tình hình đó, tháng 11-1946, cả nước phân chia thành khu hành chính và khu quân sự. Tỉnh Thủ Dầu Một lúc đó năm trong khu 7. Năm 1949, khu 7 lập ra một tổ chức nghiên cứu và vận động đồng bào các dân tộc ít người, gọi là Ban Quốc dân thiểu số để thực hiện chính sách dân tộc của chính quyền cách mạng. Riêng tỉnh Thủ Dầu Một, lập ra phòng dân tộc thiểu số để vận động đồng bào tại địa phương. Năm 1950, Ban Quốc dân thiểu số khu 7 giải thể, thay vào đó là những đội võ trang tuyên truyền được lập ra để đi sâu vào các địa bàn thuộc khu 7 tuyên truyền, giác ngộ đồng bào. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, những đơn vị này còn phát hiện và tiêu diệt bọn tay sai của giặc ẩn náu trong các buôn sóc. Với những hoạt động đó, đầu năm 1951, các đội võ trang tuyên truyền đã xây dựng được những cán bộ cốt cán người dân tộc thiểu số ở cơ sở. Noi gương các chiến sĩ cách mạng, nhiều thanh niên dân tộc ít người đã rời buôn sóc gia nhập vào lực lượng võ trang tham gia đánh giặc, hoặc vận động cách mạng trong những vùng đồng bào dân tộc còn nằm sâu trong sự kiểm soát của giặc và những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất.
Nhờ sự giác ngộ của đồng bào các dân tộc ít người ngày càng đông đảo, nên từ những căn cứ kháng chiến nhỏ đã dần dần mở rộng thành những chiến khu nổi tiếng như chiến khu Đ Cũng từ các chiến khu đó, lực lượng vũ trang cách mạng ngày càng trưởng thành. Đó còn là nơi xuất phát của lực lượng võ trang tham gia những trận đánh lớn đem lại những chiến thắng vang dội ở Bến Cát Dầu Tiếng, Hớn Quản, Quốc lộ 14... Trong năm 1950, những chiến khu đó càng có ý nghĩa to lớn, khi cách mạng có những bước phát triển trong giai đoạn 1950-1954.
Từ khi được giác ngộ cách mạng và trong suốt quá trình đấu tranh, đồng bào các dân tộc ít người ở Thủ Dầu Một - Bình Dương ngày càng có những chuyển biến và nhận thức đúng đắn, luôn kiên trì đi theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng. Đồng bào các dân tộc ít người đã tích cực tham gia cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến công giải phóng dân tộc ở Thủ Dầu Một, có những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ít người trong tỉnh. Đó cũng là thắng lợi của chính sách Đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc.
Nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác vận động đồng bào các dân tộc ít người trong cuộc đấu tranh giải phóng đã đem lại chiến thắng vinh quang. Việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và chính sách đối với đồng bào các dân tộc ít người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay càng có ý nghĩa lớn lao.

HÀ VĂN THĂNG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24381811