Kiến thức lịch sử chung

Người khai sáng dân ta phải biết sử ta

  • NGUYỄN MINH ĐứC (CBHT)
  • 25/07/2012
Mừng Bác Hồ kính yêu 120 năm sống mãi với sự nghiệp độc lập tự do hạnh phúc - CNXH của nhân dân ta. Vui tháng năm đến rực rỡ mặt trời cách mạng học tập làm “Thật sự Đảng trong sạch vững mạnh, đạo đức, văn minh”.
          Đối với tôi và đồng nghiệp chúng ta còn thêm một gánh nặng bên vai là tìm lại bài thơ diễn ca “Dân ta phải biết sử ta” do cụ Nguyễn Ái Quốc sáng tác cách đây 69 năm kể từ năm 1941.
          Chúng ta cùng tìm hiểu những giá trị của 6 chữ vàng: dựa vào đâu, mục đích biên soạn, tác giả có đặc điểm gì khác với các nhà thơ, nhà viết lịch sử.
          Nhà viết sử là thư ký thời đại
          Trước năm 1941, các bậc sử gia biên soạn những bộ sách: Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đời Lê, Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn đời hậu Lê, lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đời Nguyễn...
          Tổng quát lại bộ Việt Nam Lược Sử quyển 1 (cổ đại tự chủ thời đại), quyển 2 (tự chủ thời đại, cận kim thời đại). Theo niên biểu từ 2879 đông lịch đời Hồng Bàng đến năn 1902 Tây lịch đời Nguyễn Đức Tông của Trần Trọng Kim (1882-1953) quê ở Hà Tĩnh, viết xong năm 1919, ấn hành lần đầu năm 1921. Năm 2001 NXB TP.HCM tái bản 1.000 cuốn.
          Những vị tiền nhân sử học biên soạn bằng chữ Hán và chữ Việt, theo thể văn chính luận, ghi chép các biến cố về đời sống, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội nước nhà. Phong cách viết khác nhau, xong họ đều giống nhau theo hướng yêu tha thiết quốc sử chống giặc ngoại bang. Tuy thế, do bị hạn chế cách nhìn của học giả dưới thời phong kiến, Pháp thuộc nên dòng lịch sử theo dòng tư tưởng đương đại mà tung hô “Vạn tuế” và ca ngợi “Những công việc của chính phủ bảo hộ”.
          Khát vọng cháy bỏng
          Năm 1941 tại Pắc Pó, cụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo Việt Nam Độc Lập và viết bài cho cơ quan ngôn luận Việt minh bí mật đóng ở căn cứ rừng núi Cao Bằng. Ý định của cụ là giúp cán bộ Việt minh có thêm nguồn tư liệu đi truyền bá vào quần chúng tham gia vào đoàn thể cứu quốc, vào đội bán vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng khi thời cơ đến. Theo chủ trương mới của Việt minh: “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”.
          Để phục vụ mục tiêu cao cả cụ Ái Quốc viết 30 bài thơ gắn mỗi bài một chủ đề riêng cho từng giới: nông dân, lão thành, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, sư sãi, thiên chúa giáo và binh lính... Cụ còn viết phục vụ chung cho người bình dân và trí thức với hai bài thơ diễn ca lịch sử địa dư, lịch sử nước ta và nhấn mạnh “Xét trong lịch sử Việt Nam. Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng”.
          Tác giả viết bằng thơ lục bát về lịch sử đấu tranh thể hiện nội dung phong phú, hình thức đa dạng giá trị tư tưởng sâu sắc dễ đi vào tâm hồn độc giả.
          Mở đầu người ẩn danh là lãnh đạo Việt minh kêu gọi thiết tha: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Kể hơn 4.000 năm. Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa.
          Sự tích năm 2979 TCN “Hồng Bàng là tổ nước ta. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang”. Năm 1942 SCN: “Bấy giờ Pháp mất nước rồi không đủ sức không đủ người trị ta. Giặc Nhật Bản thì mới qua. Cái nền cai trị chưa ra mối mành”.
          Bài thơ sử Việt Nam có 210 câu dài nhất từ cổ đến kim của Nguyễn Ái Quốc. Ngược dòng thời gian truyện thơ Lục Vân Tiên với 2.080 câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu; truyện thơ Kiều với 3.254 câu của Nguyễn Du. Mỗi bài thơ theo chủ đề tư tưởng riêng nhằm phản ánh đời sống văn hóa xã hội đương thời khác nhau. Tức là, mỗi thời thế tạo ra một danh nhân văn hóa đáp ứng sự đòi hỏi của công chúng, của lịch sử.
          Chủ đề chính tư tưởng của lịch sử Việt Nam nhằm nêu cao tinh thần đoàn kết các thế hệ. Tác giả nhấn mạnh khi nào sự đoàn kết được lực lượng yêu nước chung quanh tướng lĩnh trung quân ái quốc, lấy quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy đánh đổ giặc ngoại xâm và tay sai của chúng, đặng cứu nòi giống Lạc Hồng ra khỏi nước sâu lửa nóng. Ngược lại, nếu ai không đoàn kết được thì bị kẻ thù chia rẽ đè đầu cởi cổ như ngựa trâu.
          Sự kiện năm 40-43, Trưng Vương khởi binh đánh quân Mã Viện chiếm đất Giao Chỉ: “Quân Tàu nhiều kẻ tham lam. Dân ta há hễ chịu làm tôi ngươi? Hai bà Trưng có đại tài. Phất cờ khởi nghĩa đánh người tà giang. Ra tay khôi phục giang san. Tiếng thơm ghi tạc đá vàng nước ta”.
          Sự kiện năm 939-965, tiền Ngô Vương đóng đô ở Cổ Loa thành đã giải phóng nước nhà khỏi ách Bắc thuộc với ý chí cùng quân dân dựng nghiệp lâu dài... ”Ngô Quyền quê ở Đường Lâm. Cứu dân thoát khỏi cát lầm ngàn năm. Đến hồi Thập Nhị sứ quân. Bốn phương loạn lạc muôn dân cơ hàng”.
          Sự kiện đột biến tháng chạp Bính Thìn - 1076 nước ta bị đại quân nhà Tống đánh vào, dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072-1087). Vua cử tướng tài giỏi nhất là Lý Thường Kiệt đem đại quân ta đánh chận đại quân Tàu ở sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Hai bên chiến đấu hao binh tổn tướng, hại dân lành mà chưa thành thắng bại.
          Quyết tâm của Tổng chỉ huy Lý Thường Kiệt là không cho địch tiến công vào thành Thăng Long. Song “Sợ quân mình có ngã lòng chăng, bèn đặt ra một chuyện nói rằng có thần cho 4 câu thơ: Nam quốc sơn hà nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lệ lai xâm phạm. Nhử đẳng hành khan thủ bại hư”.
          Lời kết của sử gia Trần Trọng Kim: “Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy ai nấy đều nức lòng đánh giặc, quân nhà Tống không tiến lên được”.
          Thanh gươm thiêng diệt thù. Cây bút thần chinh phục lòng người. Cây bút thay thế tiếng nói tâm huyết tác giả như một thứ vũ khí sắc bén cùng thanh gươm giành thắng lợi.
          Cụ Nguyễn Ái Quốc diễn ca: “Công Uẩn là kẻ phi thường. Mở mang văn hóa, cầm quyền nước ta” và “Lý Thường Kiệt là hiền nhân. Tuổi già phỉ chí công danh. Mà lòng yêu nước trung thành không phai”.
          Sự kiện năm 1802-1888, nhà Nguyễn Thế Tổ lên ngôi vua là Gia Long truyền nghiệp đến đời vua thứ 7 là Đồng Khánh thì “Trung kỳ cũng mất Bắc kỳ cũng tan! Ngàn năm gấm vóc giang san. Bị vua nhà Nguyễn đem hàng cho Tây! Tội kia càng đắp càng dầy. Sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”.
          Sự kiện 1941-1942, cuộc chiến tranh Thái Bình Dương do Nhật phát xít phát động là một bộ phận của đại thế chiến thứ II đang ảnh hưởng vào nước ta. Trước đó có 3 cuộc “Kéo cờ khởi nghĩa đánh Tây bạo tàn” Năm 1940. Trong 2 năm sau “Bấy giờ Pháp mất nước rồi. Không đủ sức không đủ người trị ta. Giặc Nhật Bản thì mới qua. Cái nền thống trị chưa ra mối mành”.
          Động lực chủ yếu được vang lên ở những dòng thơ cuối bài, người kêu gọi đồng bào cả nước ta: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên! Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau. Bất kỳ nam nữ nghèo giàu. Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn”.
          Dựa vào diễn biến mới nhất cuộc chiến tranh thế giới cuối năm 1941 đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ TƯ Đảng đưa ra lời kết luận: “...Gây ra chiến tranh Thái Bình Dương tức là Nhật tự xác” và Nhật bản bị các lực lượng quân đồng minh đánh bại. Người chỉ rõ: “Dân ta có Hội Việt minh. Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh” hãy “Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông”. Thay mặt Hội Việt minh người ra tuyên bố: “Mai sau sự nghiệp hoàn thành. Rõ tên nước Việt rạng danh Lạc Hồng” và nhấn mạnh “Dân ta xin nhớ chữ đồng. Đồng tình đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Gọi tắc là Việt minh.
          Đầu năm 1942, tác giả kết thúc tác phẩm lịch sử nước ta và ghi thêm: “Những năm quan trọng có 28 sự kiện đã diễn ra: số 1 là Hồng Bàng và số 28 là năm 1940 Nam Kỳ khởi nghĩa. Không dừng lại ở đó như các sử gia, cụ Nguyễn Ái Quốc ghi sự kiện số 29 là Việt Nam độc lập - 1945 chưa diễn ra.
          Báo vừa phát hành được nhiều công nhân nhà in tờ Việt Nam độc lập và cán bộ đọc liền có ý kiến “anh em người nói sớm, kẻ nói muộn, Bác nghe trao đổi chỉ nói ừ để rồi xem” lời kể lại của đồng chí Vũ Anh.
          Cần hiểu thêm, bài thơ Diễn ca Lịch sử Việt Nam (còn gọi là tập thơ Việt Nam Lịch sử Diễn ca) do cụ Nguyễn Ái Quốc sáng tác được in đá (in litô hồi đó. Sau này, nhờ cán bộ Viện Bảo tàng cách mạng sưu tầm được trong một ống bương do một lão hội viên cứu quốc ngày trước giữ trong nhà. Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp: những chặng đường lịch sử, NXB VH 1977. Năm 1980 lịch sử nước ta toàn văn đăng trong tập 36, Tổng tập văn học Việt Nam NXB KHXH HN...
          Hành động quyết liệt
          Mùa xuân 1942 cụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra lời tiên đoán Việt Nam Độc lập năm 1945, sang mùa thu năm ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
          Lệnh tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa, hỏa tốc, hỏa tốc đưa đi khắp tổ chức Việt minh chớp thời cơ ngay. Chỉ trong 15 ngày (14 đến 28-8) bạo lực cách mạng của 20 triệu đồng bào hành động quyết liệt. Kết quả giành được chính quyền 61 tỉnh, thành trên tay súng phát xít Nhật Bản bị tê liệt tinh thần.
          Mở đầu ở Bắc bộ ngày 14-8 tại các tỉnh căn cứ Cao – Bắc – Lạng – Thái - Tuyên. Ngày 21-8 kết thúc các tỉnh đồng bằng trung du. Nổi nhất tại trung tâm Bắc bộ Phủ là xứ bảo hộ trước kia nay không còn ai bảo vệ.
          Sáng chủ nhật ngày 19-8-1945, Quảng trường Nhà hát Lớn TP. Hà Nội hơn 2 vạn người kêu hãnh “Ta được làm dân, dân có nước. Nước có chủ, chủ là ta” thơ Phan Trọng Bình. Họ phấn chấn hát vang lời ca “Mười chín tháng tám khi khối dân căm hờn kêu thét. Đồng đứng lên gông xích ta đập tan...” của nhạc sĩ Xuân Oanh vừa sáng tác đêm qua phổ biến ngay. Một chiến sĩ tự vệ trèo lên ban công vứt xuống đất lá cờ quẻ ly” Chính phủ Nam Triều đã treo lên năm 1911 khi khánh thành nhà hát này. Chiến sĩ ta trân trọng kéo lá quốc kỳ Việt Nam bay phấp phới.
          Đúng 11 giờ, sau phút mặc niệm hát bài “Chiêu hồn tử sĩ” vì nước hy sinh và 2 triệu đồng bào chết đói do chính sách dã man Pháp - Nhật gây ra. Chiến sĩ ta nổ 3 phát súng làm lễ chào quốc kỳ, nhạc cử quốc ca hùng tráng do đoàn nam nữ tự vệ hợp xướng. 3 nghi thức được Đại hội Quốc dân Tân Trào quyết định công nhận từ lá cờ đỏ sao vàng khởi nghĩa Nam kỳ, từ bài Tiếng quân ca và phải hát theo. Địa điểm núi rừng Tân Trào là tên mới do Bác Hồ đặt thay tên cũ làng Kim Lũng, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây chứng minh tia lửa tiềm tàng trong đá lửa. Chỉ hội tụ đủ hoàn cảnh là tia lửa lại bùng lên ngọn lửa từ đá lửa lặng lẽ.
          Trở lại Nhà hát TP., đại diện Ủy ban quân sự cách mạng do đồng chí Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi toàn dân đi biểu tình giành chính quyền. Hôm sau, Báo Hà Nội đưa tin đến khắp nơi: đồng bào Hà Nội - Thăng Long đã giành độc lập thật sự, đánh đổ chính quyền phát xít và bè lũ bù nhìn của chúng. Không có sự chống trả của đối phương, tuy trong tay họ vẫn còn đầy đủ súng đạn.
          Tại TP. Huế, nơi đặt dinh cơ của hoàng đế Bảo Đại và chính quyền Trần Trọng Kim trong bầu không khí trầm cảm: “Đức Kim Thượng đêm nay trong ngọc điện ngự lên lầu, trông lên cao sao xuyến muôn vì sao lạnh lẽo thấm áo bào. Người rung mình tưởng đứng trên đỉnh cao cù lao...” - Thơ Tố Hữu. Bởi những làn sóng khởi nghĩa thắng lợi các tỉnh Trung kỳ: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đưa dồn dập tới Huế, do sự chỉ đạo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên là Nguyễn Chí Thanh (1914-1967).
          Ngày 21-8, Ủy ban Giải phóng dân tộc từ Hà Nội gửi bức điện khẩn đến vua Bảo Đại yêu cầu ông ta thoái vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy không nên dùng vũ lực lật đổ triều đình mà gợi ý Bảo Đại thoái vị thì có lợi về sách lược nhằm phân hóa kẻ thù cách mạng.
          Thứ năm ngày 23-8-1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên huy động trên 150.000 nhân dân TP. Huế và các huyện xung quanh nổi dậy chiếm công sở buộc vua Bảo Đại phải đầu hàng. Kết quả phá tan mưu đồ của Chính phủ Trần Trọng Kim cố gượng sức tàn làm một cuộc biểu tình tại Huế mừng quan thầy Nhật vừa ban cho tự trị chính quyền Nam kỳ đang hấp hối mà trước kia họ độc đoán nắm như giữ vàng rồng.
          7 ngày sau chính quyền cách mạng đứng ra làm lễ thoái vị vua Bảo Đại tại Ngọ Môn. Trước đó ông ta hỏi cận thần: Nếu Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc Hồ Chí Minh và nhân vật thần kỳ Nguyễn Ái Quốc là một. “Nếu vậy thì ta không còn cách nào khác là chấp nhận thoái vị” nhà thơ Tố Hữu hân hạnh có mặt ở đó và cảm nhận: “...Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy hãy bay lên sông núi của ta rồi!”.
          Mùa thu năm Ất Dậu 1945, hoàn toàn chấm dứt lập tức tập tục “Con vua thì được làm vua” do chế độ phong kiến tập quyền lâu đời đẻ ra.
          Mùa thu vàng son năm ấy mở ra thế hệ đầu tiên mang danh dự “Cháu Bác Hồ”, “Bộ đội Bác Hồ” hiên ngang đi trên đường thiên lý.
          Lịch sử Nam bộ đi đầu khởi nghĩa Nam kỳ lại về cuối tổng khởi nghĩa, trong hoàn cảnh nhiều sự kiện chính trị xã hội phức tạp, diễn biến sôi động giữa Việt minh với các đối thủ, khác với thành phố Huế và TP. Hà Nội?
          Ngày 19-8, Nguyễn Văn Sâm phái viên đắc lực của vua Bảo Đại từ Huế đáp máy bay vô Sài Gòn đến cầu viện tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Đông Dương cung cấp vũ khí và ủng hộ cho lực lượng các đảng phái, cao Đài, Hòa Hảo, nhóm Tờ- rốt-kít theo Nhật - thân Pháp đang chống Việt minh.
          Hơn thế nữa, bọn cầm đầu phái tả Nhật tuân lệnh quan đại diện Anh quốc đồng minh ở Sài Gòn ra lệnh thả tù binh Pháp cấp cao Đông Dương đang bị giam ở Lộc Ninh. Chúng công khai đi xe lửa đến sân bay Phú Hòa tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, về Sài Gòn giữ vai trò chủ chốt phá hoại cách mạng sắp tới.
 Sức mạnh phi thường của Đảng bộ Nam kỳ tại Sài Gòn đã quy tụ khoảng 250.000 người vào các tổ chức cứu quốc của Việt minh: Hội Công nhân, Hội Thanh niên tiền phong, Hội Phụ nữ, Hội Lão thành, các lực lượng vũ trang cựu chiến binh và tự vệ... Quân dân nội thành, ngoại thành chờ lệnh “Lên đàng” giành chính quyền.
          Khi ấy, có một số đại diện các giới trí thức đảng phái yêu nước đến gặp vị đại diện Tổng bộ Việt minh ở Hà Nội vào đang làm việc với Xứ ủy Nam bộ nhà ở gần dinh Đốc phủ Nam kỳ. Họ thật thà, thẳng thắn hỏi đồng chí Hoàng Quốc Việt và được vui vẻ trả lời ngay:
          - Xin cho biết Hồ Chí Minh là ai, có phải là Nguyễn Ái Quốc?
          - Còn ai nữa, chính Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh!
          Mọi người vỗ tay đồng thanh hô: Nhiệt liệt ủng hộ chính phủ TW do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Khẩu hiệu này lần đầu được tung hô, phải chờ mấy năm nữa mới trở thành tâm khẩu của đồng bào hô “Hồ Chí Minh muôn năm” hoặc “Hồ Chủ tịch muôn năm” trong các ngày lễ, các cuộc mít-tinh.
          Đúng 10 giờ thứ bảy ngày 25-8-1945, vừa dứt tiếng còi báo hiệu thì khai mạc cuộc mít-tinh tại quảng trường phủ toàn quyền Đông Dương. Đồng chí Trần Văn Giàu đại diện Ủy ban khởi nghĩa, Chủ tịch UBND lâm thời Nam bộ, Bí thư Xứ ủy Nam bộ đứng trên bục diễn đàn tuyên bố đã giành chính quyền thắng lợi từ hôm qua. Giờ đây chính quyền cách mạng ra mắt với toàn dân, với các tôn giáo yêu nước...
Đồng chí Chủ tịch UBND đọc bài diễn văn quan trọng trước 1.200.000 đồng bào Sài Gòn, các tỉnh Nam bộ, các lực lượng chính quy và lực lượng vũ trang tự vệ. Nội dung diễn văn được báo Điển Tín Sài Gòn đăng tải ngày 26-8-1945 có đoạn:
          “Hỡi đồng bào!
          Bây giờ chủ quyền về tay ta rồi nhưng còn phải chờ sức nỗ lực làm việc và phấn đấu của ta thì nó mới vững bền và rực rỡ.”
          10 giờ 15 phút, quần chúng vừa đi vừa tung hô đoàn đi trước: “Việt minh”, “Dân chủ Cộng hòa” đoàn đi sau đáp “Muôn năm, muôn năm, muôn năm”.
          Làn sóng thần hòa nhịp tiếng hát vang lừng “Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi...” tiếng hô lớn của đoàn cựu thủy binh: “Ủng hộ Việt minh, sẵn sàng đổ máu với quân ngoại xâm bảo vệ bờ cõi”. Tiếng hô dồn dập của Đoàn thanh niên tiền phong “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm” và “Độc lập hay là chết”.
          Trên tờ báo Sài Gòn đăng bài thơ chào cách mạng 1945 của đồng chí Trần Bạch Đằng “...Rộn ràng tiếng hát quê hương. Sài Gòn trong nắng tà dương đỏ bừng. Một, hai, chân bước giục lòng. Nón rơm với ngọn tầm vông tung hoành”.
          Khi đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt (1902-1992), ở Sài Gòn trong bầu không khí cách mạng tưng bừng điện nhanh ra Hà Nội kính báo lên Chính phủ TƯ: “21 tỉnh mà tôi đã đi qua đều giành được chính quyền. Các tỉnh Nam bộ cũng đã xong”.
          Đêm 25-8, Xứ ủy Nam bộ họp ngay quyết định đầu tiên là tổ chức một đoàn cán bộ đưa tàu ra giải phóng nhà tù Côn Đảo, đón các chiến sĩ cách mạng về đất liền an toàn.
          Sau đó, 620 tù chính trị Côn Đảo lên tàu vượt biển về bến sông ở xã Đại Ngãi, tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Mai Chí Thọ xúc cảm sinh tình bật ra mấy câu thơ: Cách mạng thành công như giấc mơ. Bức tung xiềng xích phá lao tù. Đại bàn vỗ cánh tung lồng ngực. Bay dưới cờ sao lộng gió thu.
          Mời Bác Hồ về quê ta
          Suốt chiều dài 2 cuộc kháng chiến Đảng bộ và quân dân tỉnh Bình Dương tình nguyện làm theo Tuyên ngôn Ba Đình mùa thu xanh ngát. Trong tâm trí mọi người ước mơ Bác Hồ luôn khỏe mạnh vào Nam cho thỏa lòng nhớ thương.
          Năm 1969, Hà Nội còn chống chiến tranh phá họai của giặc Mỹ - ngụy đang lúc Bác còn bệnh mà lòng vẫn ôm ấp vào miền Nam thăm đồng bào chiến sĩ. Khi đó quân dân ta đang dùng sức mạnh thần kỳ tấn công vào sào huyệt Mỹ - ngụy, máu hồng tô đỏ niềm tin chiến thắng đón Bác vô quê hương.
          Bất thần được tin: “Ôi! Quả tim lớn lọc trong dòng máu chảy ngừng đập. Mọi người ngẩn ngơ thầm nghĩ Bác Hồ đã đi xa rồi, không vào được quê mình. Trời đất chiến khu Thuận – An - Hòa, chiến khu Đ và toàn tỉnh nặng ân tình. Sông Đồng Nai, sông Bé, sông Thị Tính thương yêu sóng dậy xôn sao. Ngôi sao đêm đêm lấp lánh như mi mắt lệ tuôn trào.
          Họ cầm chắc tay súng quyết “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Nam - Bắc hưởng trọn khúc ca khải hoàn.
          Họ lại tuân theo lý lẽ tổ tiên “Sống khôn thác thiêng” nên thỉnh chân dung người thờ trong nhà, trong cơ quan, trong chùa, trong tháp. Trong những trái tim ta có Bác Hồ ngày đêm, 4 mùa có dũng khí vững đi tới mục tiêu cuộc sống.
          Qua nửa thế kỷ “Còn non còn nước còn người” Đảng bộ Bình Dương làm đầu tàu cùng quân dân vượt qua bão táp phong ba nội tâm, ngoại cảnh. Lấy hành động xóa cũ, xây mới và “Trải thảm đỏ” đón bầu bạn gần xa đưa vốn đầu tư hợp cùng sức mạnh “Sáng tạo, năng động” của dân ta làm nên những thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa vang tiếng khắp đất trời.
          Chúng ta như trai “Phù Đổng” sánh vai bạn bè làm nên tứ trụ miền Đông gian lao mà anh dũng thời đổi mới, hội nhập và phát triển. Thế lực và diện mạo Bình Dương “Hơn 10 ngày qua” đủ sức mạnh bay xa, bay cao bay vững bền trong tương lai, cần phải có con mắt thứ 3.
          Cứ mỗi độ xuân qua hạ đến tháng 5 ai cũng thương nhớ tha thiết Bác Hồ trong tâm tư của các lão thành kháng chiến có một điều hệ trọng chưa có dịp nói ra. Hòa nhập với tâm sự đó chúng tôi thấy có đủ điều kiện trình bày lên các vị lãnh đạo tỉnh và các cơ quan tham mưu:
          Xây dựng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ở Trung tâm TP. mới Bình Dương. Năm 2020 là cơ hội tốt nhất khi cắt băng khánh thành TP. hiện đại nhất so với đường phố TX.TDM đang đi vào thế kỷ.
          Ngày lịch sử trang trọng ấy, có Bác Hồ âu yếm bên đồng bào, chiến sĩ, các cháu... các cháu, chiến sĩ, đồng bào bên Bác. Hình ảnh hiện tại gợi nhớ lại ca khúc “Mong Bác Hồ vào Nam” do thiếu nhi cứu quốc trình diễn trên sân khấu ở căn cứ xã Long Nguyên, huyện Bến Cát - Đêm 19-5-1948. Hôm đó, lần đầu tiên làm lễ sinh nhật “Cụ Hồ”; về sau toàn tỉnh cử hành và gọi là sinh nhật “Bác Hồ”.
          Thiết nghĩ lý tưởng tôn thờ Bác không phải là cúng bái người âm mà chính là vận dụng nguồn sức mạnh tâm linh cổ hữu nhân kiệt, nhân tài, nhân lực Bình Dương. Đây là một trong những trung tâm giáo dục niềm tin nhằm quy tụ mọi người đến bày tỏ lòng mình với Bác: Mỗi khi họ có điều vui được nâng lên cao, gặp lúc điều buồn được vơi xuống thấp. Nhân tốt tâm linh phát sinh quả tốt hành động.
          Ấy là chân lý: Nói ít làm nhiều của bậc danh nhân văn hóa thế giới xuất thân từ đất nước ngàn năm văn hiến Việt Nam. Có đài hoa dâng Bác. Có nén hương trầm dâng Bác làm cho tinh thần chúng ta cao đẹp hơn.

NGUYỄN MINH ĐứC (CBHT)


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24430614