Lịch sử Việt Nam

TÌM HIỂU TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGÔ THÌ NHẬM TRONG BUỔI ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN THANH XÂM LƯỢC (1789)

1. Mở đầu

   Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là danh thần từng làm việc dưới triều Lê - Trịnh (1592-1788) và nhà Tây Sơn (1778-1802), ông là một người xuất thân dòng dõi quý tộc và khoa bảng. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông để lại cho hậu thế nhiều trước tác văn học, có đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược mùa Xuân năm Kỉ Dậu (1789), cũng như có nhiều cống hiến quan trọng cho nền hòa bình được thiết lập sau năm 1789 giữa nhà Tây Sơn và nhà Thanh. Tìm hiểu về cuộc đời Ngô Thì Nhậm là một việc rất cần thiết, đòi hỏi quá trình tìm tòi lâu dài, nghiên cứu sâu rộng thời cuộc, hoạt động chính trị cũng như các tâm sự mà ông đã gửi gắm qua những trước tác của mình. Ở bài viết này, chúng tôi bước đầu nghiên cứu tư duy quân sự của Ngô Thì Nhậm trong buổi đầu kháng chiến chống quân Thanh xâm lược (1789).

2. Cơ sở hình thành tư duy quân sự của Ngô Thì Nhậm

- Cơ sở khách quan: Tình hình trong nước: Chế độ phong kiến Việt Nam trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ thời kì nhà Lê sơ (1428-1527) đạt được nhiều thành tựu được xem là đỉnh cao của xã hội phong kiến Việt Nam thì bắt đầu thời Lê trung hưng (1533-1592) và sau nữa là Lê mạt (nửa sau thế kỉ XVIII), vai trò của triều đình phong kiến ngày càng suy vi, mục nát. Đây là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam khi những cuộc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra quyết liệt gây ra cảnh “nồi da xáo thịt”. Hết chiến tranh Nam - Bắc triều (1533-1592) lại đến thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1775). Thời thế đảo điên; vua Lê “khoanh tay rũ áo”, không màng thế sự; chúa Trịnh tham tàn, dâm dật; dân tình ta thán;… kẻ sĩ trong thiên hạ đứng trước nhiều ngã rẽ trước những biến cố liên tục của thời cuộc. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tiếp, nhưng nổi lên trong số đó là cuộc khởi nghĩa của anh em Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ năm 1771. Sau thời gian phất cờ khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc xưng đế (1778) và đánh đuổi Nguyễn Ánh tạm yên phía Nam, nhận thấy tình hình Bắc Hà nhiều bất ổn sau khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mất (1782), các thế lực nhà Chúa tranh quyền đoạt vị, tranh bá đồ vương gây nên nạn “kiêu binh nổi loạn”, Nguyễn Nhạc đã lệnh cho Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân (1786). Từ đó trở về sau, Nguyễn Huệ đã ba lần tiến quân từ Phú Xuân ra Bắc, trong đó có cuộc tấn công thần tốc tiêu diệt và phá tan hơn 20 vạn quân Thanh năm 1789. Trong những lần ra Bắc (1786,1788,1789), Nguyễn Huệ đã nhiều lần ra lời phủ dụ, chiêu hiền đãi sĩ đối với các quan lại, cựu thần nhà Lê. Tình thế đặt ra cho các sĩ phu Bắc Hà phải lựa chọn con đường đi cho mình. Ngô Thì Nhậm cũng đứng trong hoàn cảnh đó, nhưng không phải ông ôm tấm lòng “ngu trung” như nhiều cựu thần khác (chạy theo Lê Chiêu Thống hoặc lấy cái chết để tỏ rõ lòng trung); ông cũng không chọn con đường “xử thế”, lánh đời như Nguyễn Thiếp hay chờ thời như Trần Danh Án, Bùi Huy Bích. Vượt qua được hạn chế vì tư tưởng trung quân với một triều đại đã mục nát, vì quyền lợi hoàng tộc mà đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên chủ động ra làm quan cho nhà Tây Sơn khi nghe “Chiếu cầu hiền” của Nguyễn Huệ. Chính quyết định này của Ngô Thì Nhậm cùng với niềm tin dùng và đối đãi với người mà Nguyễn Huệ xem như “vừa là bề tôi vừa là khách” đã tạo những điều kiện tốt nhất để ông phát huy được hết sở đắc của mình, góp phần to lớn trong buổi đầu ổn định Bắc Hà, đối phó với quân Thanh xâm lược cũng như gánh vác trách nhiệm bang giao với nhà Thanh sau năm 1789.

Ý đồ và hành động xâm lược của nhà Thanh: Tiếp nối tư tưởng bành trướng của các triều đại trước, nhà Mãn Thanh (1644-1911) sau buổi đầu gây dựng và ổn định cơ nghiệp, dưới triều Càn Long (1735-1796), nhà Thanh đạt đến độ cường thịnh nhất. Tình hình bốn cõi trong nước đã yên cho phép vua tôi Càn Long bắt đầu cụ thể hóa ý đồ dòm ngó về phía Nam. Đang tìm cơ hội phát binh xâm lược Đại Việt thì cuối năm 1788, nhận được sự cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, nhà Thanh đã phái Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 20 vạn quân chia làm ba đạo tiến vào nước ta. Hành động “rước voi về giày mả tổ” của Lê Chiêu Thống đã gây ra một cuộc binh đao lớn cho nước Đại Việt vào cuối thế kỉ XVIII. Trong buổi đầu, trước khí thế cũng như quân số áp đảo của kẻ thù, Ngô Thì Nhậm đã đưa ra kế sách lui quân về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, qua đó đóng góp to lớn cho toàn bộ chiến dịch đại phá quân Thanh mùa Xuân Kỉ Dậu của hoàng đế Quang Trung.

- Cơ sở chủ quan: Sử cũ cho biết, Ngô Thì Nhậm xuất thân từ một gia đình đại quý tộc, có truyền thống văn học. Dưới thời Lê - Trịnh, cha con ông đều làm quan đồng triều, rất nổi tiếng văn chương trong thiên hạ. Vì xuất thân là quan văn nên trong buổi đầu khi được Quang Trung trọng dụng và giao trọng trách cùng với các tướng của Tây Sơn giữ Thăng Long, nhiều người tỏ ra khinh thường ông. Ngô Văn Sở sau thời gian quản lý Bắc Hà tương đối ổn thỏa cũng cậy tài là một Đại Tư mã mà xem thường Ngô Thì Nhậm, cho rằng ông cũng chỉ là một văn quan giỏi nghề văn học và mỉa mai nếu giặc có đến thì Ngô Thì Nhậm cũng chỉ có thể “làm một bài thơ để lui quân giặc” mà thôi.

Không phải xuất thân dòng dõi võ quan, vậy điều kiện nào hình thành những tư duy quân sự của Ngô Thì Nhậm? Xem lại chiều dài lịch sử quân sự Việt Nam, một nét chủ đạo dễ nhận thấy là tư tưởng trọng văn hơn võ, trọng chính trị hơn quân sự, trọng tuyên truyền hơn đấu tranh. Do vậy, tướng chỉ huy chiến lược thường xuất thân từ quan văn, đó cũng là điều ảnh hưởng tới tư duy quân sự và phong cách chỉ huy quân đội của Ngô Thì Nhậm. Bản thân ông cũng cho rằng “có văn tất phải có võ, văn võ không phải chia làm hai đường”. Nếu dõi theo những bước quan trường của ông, dễ hiểu vì sao ông lại có những kế sách mưu trí, khôn khéo trong buổi đầu đối phó với quân xâm lược nhà Thanh như vậy. Năm 30 tuổi ông thi đỗ tiến sĩ dưới thời Cảnh Hưng năm Ất Mùi (1775),  được bổ Cấp sự trung bộ Hộ, giữ nhiệm vụ xem xét công việc sai trái của Bộ. Năm Bính Thân (1776) ông được thăng chức Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, là chức vụ xem xét các việc ngục tụng, quân nhung, thuế khóa… Sau đó, ông tiếp tục được thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc và năm 1778 ông kiêm luôn cả Đốc đồng Thái Nguyên. “Đốc đồng” là một chức quan thuộc ban văn ở địa phương cấp “Trấn”, đây là cấp địa phương lớn nhất dưới thời Lê mạt. Đứng đầu trấn là Trấn thủ, sau đó là chức Đốc đồng. Chức vụ này cũng tương đương Phó trấn, người giúp việc cho Trấn thủ và lo các mặt như xét xử án kiện, lo quân nhung,… Làm quan ở vị trí này, Ngô Thì Nhậm có nhiều điều kiện để tìm hiểu, thể hiện năng lực quản lý và có thể kiêm cả việc tổ chức quân đội ở các trấn. Chính những năm tháng trải các chức vụ trên, ông đã tỏ rõ tài năng, khí phách của mình. Về tài năng của Ngô Thì Nhậm, cha của ông là Ngô Thì Sĩ từng nhận xét “con ta lấy tài năng gặp được tao ngộ dị thường, lấy tâm cơ đáp ứng ủy nhiệm khó khăn, lấy trung thành làm liều thuốc để gạt bỏ gian hiểm và làm tiêu tan khí lam chướng. Tướng sĩ trong một đạo đều tuân theo hiệu lệnh. Kẻ địch ngoài bờ cõi không lường biết được mưu cơ. Muôn khe nghìn dặm không cho đâu là xa. Quân đội muôn bếp thống nhất như một người. Bậc đại trượng phu văn võ cùng đi đôi, bằng phẳng và hiểm trở coi là một: thực là rất xứng đáng”.  Sử cũ cũng cho biết, năm 1779, ông có tham gia đàn áp cuộc nổi dậy của Thổ ty Hoàng Văn Đồng ở mỏ đồng Tụ Long (thuộc Tuyên Quang).

Bậc quân tử hiền tài nếu gặp cơ duyên thời thế thì đắc chí như cá gặp nước nhưng nếu không may sinh lỗi thời không có đất dụng võ thì cũng hoài phí tài năng. May thay, Ngô Thì Nhậm được nhân duyên cơ hội, gặp được vị “chân chúa” mà ông cho rằng nên theo về, đó là người “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ. Theo giáo sư Vũ Khiêu thì cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Huệ và Ngô Thì Nhậm là “một cuộc gặp gỡ kì diệu giữa người trí thức lỗi lạc và người anh hùng kiệt xuất”. Bởi vì “Ngô Thì Nhậm là người duy nhất đã hiểu rõ Quang Trung và Quang Trung cũng là người duy nhất hiểu hết được tài năng và phẩm chất của Ngô Thì Nhậm”. Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất (1786) vực lại nhà Lê, ông đã kêu gọi quan lại cũ trở về làm việc cho nhà Lê, Ngô Thì Nhậm cũng trở về Thăng Long và nhận chức Đô cấp sự trung bộ Hộ kiêm Toản tu Quốc sử quán dưới triều Lê Chiêu Thống. Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai (1788), Lê Chiêu Thống chạy trốn, Ngô Thì Nhậm đã bỏ quan về ở ẩn. Nhưng một thời gian sau, theo tiếng gọi “Chiếu cầu hiền” của Nguyễn Huệ, ông đã ra làm quan cho nhà Tây Sơn và được phong làm Tả thị lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu. Nguyễn Huệ không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà chính trị lỗi lạc, biết nhìn người tài, sử dụng người hiền tài. Sử cũ viết khi gặp được Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Huệ mừng mà nói rằng: “Thật là trời để dành ông cho ta vậy”, và phong cho ông chức Tả thị lang bộ Lại, chuyên lo việc tổ chức và cán bộ trong nội bộ của mình. Sau lại thăng làm Thượng thư bộ Lại, đây là chức vụ cao cấp nhất trong Lục bộ thời bấy giờ. Và Nguyễn Huệ đã không đặt niềm tin nhầm chỗ, với một người tài kiêm văn võ như Ngô Thì Nhậm. Điển hình cho tài năng đó chính là kế sách Tam Điệp - Biện Sơn mà chính bản thân ông xem là “Nước cờ” lùi để tiến, một quyết định khôn ngoan, mưu trí ảnh hưởng đến toàn cục cuộc kháng chiến chống quân Thanh năm 1789. Vì vậy, sau đại thắng mùa Xuân năm Kỉ Dậu, Nguyễn Huệ đã không ngần ngại khi phong Ngô Thì Nhậm giữ chức Thượng thư bộ Binh (năm 1790) để tổ chức quân đội bảo vệ tổ quốc, kiêm cả việc bang giao với nhà Thanh. Dù lúc bấy giờ dưới trướng Nguyên Huệ không thiếu những vị tướng tài đã được thử thách trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh.

Xuất thân từ quan văn, qua từng chặng đường thăng trầm chốn quan trường dưới triều Lê - Trịnh và nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm không chỉ thể hiện là một văn thần xuất sắc, kiêm giữ nhiều chức vụ quan trọng, có khi làm đến chức Thượng thư bộ Lại. Ông cũng là một con người văn võ toàn tài khi lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của một võ quan mà cao nhất là chức Thượng thư bộ Binh (1790).

3. Nhãn quan sâu rộng và tư duy chiến lược

Việc xem xét hình sông, thế núi để định bề tiến thoái là bổn phận của người làm tướng, binh pháp cũng dạy “tranh được núi thì thắng, giữ chỗ hiểm thì vững”. Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn là một địa danh hùng hiểm của Đàng Ngoài, vì thế những võ quan “trên am thiên văn, dưới tường địa lý” đều biết tới. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiều vị vua chúa, tướng lĩnh đã biết lợi dụng địa thế của dãy núi này để ém quân tập kích địch hoặc làm thành cửa ngõ bảo vệ hậu phương. Điểm lại những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống giặc phương Bắc xâm lược từ Hai Bà Trưng (40-43) cho đến cuộc phân tranh quyền lực của các tập đoàn phong kiến Đại Việt thời Nam - Bắc triều (1533-1592) hay Trịnh Nguyễn phân tranh (1627-1775), hầu như thời kì nào địa danh này cũng là một nơi xung yếu có thể quyết định đến kết cục cuộc chiến. Trước khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai (1788), quan Tham tán quân vụ Ninh Tốn vốn là người Côi Trì (Ninh Bình), am hiểu rõ vị trí chiến lược của Tam Điệp “là chỗ trời đất xây dựng, rất là hiểm yếu” ông đã bàn với Thống lĩnh Nguyễn Như Thái của nhà Lê nên nhanh chóng chiếm giữ để ngăn quân Tây Sơn, làm thành bức bình phong để án giữ “từ Trường Yên (tức là từ Ninh Bình) về bắc4 Nhưng kế đó của Ninh Tốn không thành vì quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đã chiếm được Tam Điệp. Từ đó, Tam Điệp trở thành một căn cứ, một phòng tuyến vô cùng lợi hại của quân Tây Sơn.

Ngô Thì Nhậm quả là sáng suốt khi ông chủ động đề nghị đại quân Tây Sơn lui về án ngữ ở phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn trong buổi đầu chống quân Thanh. Tam Điệp là một dãy núi đá vôi làm thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Đây được xem là con đường thiên lý Bắc - Nam thuở xưa. Các dãy núi đá vôi ở Tam Điệp khá hùng vĩ, và có sự liên kết với nhau thành một dãy liên hoàn. Hệ thống các núi đá vôi này khá cao, có ngọn cao trên 100m làm thành một “bức tường thành” bảo vệ cho cửa ngõ từ Thanh Hóa về phía Nam. Còn Biện Sơn là hòn đảo gần bờ nhất trong số các hòn đảo thuộc vùng biển phía nam Thanh Hóa. Ở thế kỷ XVIII, xung quanh hòn đảo này có nhiều vũng, vịnh cho tàu thuyền neo đậu tránh gió hoặc ém quân. Đây là nơi rất lợi hại trong việc phòng thủ của thủy quân. Sự kết hợp hai đạo Thủy - Bộ ở Tam Điệp - Biện Sơn, quân Tây Sơn đã tạo nên phòng tuyến thủy bộ liên hoàn, thống nhất, án ngữ suốt từ cửa ngõ Ninh Bình - Thanh Hóa về phía Nam.

Nhãn quan sâu rộng cùng với tư duy chiến lược của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nhất trong “nước cờ Tam Điệp” đã trở thành một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược năm 1789. Có thể nói, kế lui quân về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn của Ngô Thì Nhâm là “tư duy chiến lược” của một vị tướng cầm quân “biết địch biết ta”. Được tin từ ngoài biên ải khi quân Thanh đang chuẩn bị sang xâm lược nước ta dưới chiêu bài “phò Lê diệt Tây Sơn”, dường như ông đã có kế sách đánh giặc từ trước.

Lúc bấy giờ, quân Thanh xâm phạm bờ cõi là điều không tránh khỏi. Ngay khi tin từ biên ải báo về, Đại Tư mã Ngô Văn Sở đã hội họp các quan văn võ bàn kế chống giặc. Nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó đáng chú ý có ý kiến chủ trương phục binh đánh địch ngay khi quân địch còn mệt mỏi sau khi vào biên giới nước ta của Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng hay kế mai phục đánh quân Thanh của tướng Võ Văn Dũng nhưng Ngô Thì Nhậm đã đưa ra những luận điểm phản bác lại những ý kiến này. Ông phân tích kế sách của Nguyễn Văn Dụng là không phù hợp với thời cuộc. Bởi vì, cùng một việc là chống giặc nhưng thời thế khác nhau nên không thể áp dụng những mưu sách giống nhau được. Nếu áp dụng cách đánh giặc của Lê Thái Tổ thời chống Minh (1418-1427) vào hoàn cảnh hiện tại thì chỉ rước lấy bại vong mà thôi.

Theo Ngô Thì Nhậm, phép dùng binh chỉ có “một đánh một giữ” nhưng lúc này, cả “Đánh” và “Giữ” đều không được. Ông chỉ ra những lý do không nên “Đánh” và “Giữ” là vì: Thứ nhất, thanh thế và lực lượng của quân giặc đang mạnh; Thứ hai, quân Thanh được các thế lực ủng hộ cựu triều làm nội ứng; Thứ ba, lòng người Bắc Hà còn dao động và một bộ phận dân chúng vẫn mong nhớ nhà Lê. Vì những lý do đó, nếu “đánh” ngay quân Thanh bằng đám quân ô hợp của Bắc Hà thì chẳng khác nào “xua bầy dê đi chọi cọp dữ” hoặc nếu “giữ” thành Thăng Long khi “lòng người không vững ắt thế nào cũng sinh ra nỗi lo ở bên trong. Dù có Tôn, Ngô sống lại cũng phải bó tay, không thể làm gì được”. Ông kết luận, tình hình hiện nay thì “Đánh đã chẳng được, giữ cũng không vững” và đề ra kế sách lui quân về án ngữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, để nghiên cứu tình hình Bắc Hà, chờ đợi đại quân và chỉ dụ của Nguyễn Huệ. Đây là lối đánh cờ “nhịn người nước trước” rồi tấn công sau. Theo đó, quân Tây Sơn ở Bắc Hà sẽ chia thành hai đường thủy, bộ phối hợp với nhau cùng rút lui, bảo toàn lực lượng. Đối với quân thủy thì “chở đầy các thuyền lương, thuận gió giương buồm ra thẳng cửa biển, đến vùng Biện Sơn mà đóng”.  Còn quân bộ thì “sửa soạn khí giới, gióng trống lên đường, lui về giữ Tam Điệp”. Đến đó, “Hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau, giữ lấy chỗ hiểm yếu, rồi cho người chạy về bẩm báo với chúa công. Thử xem quân Thanh đến thành, khu xử việc nhà Lê ra sao? Vua Chiêu Thống sau khi phục quốc xếp đặt việc quân, việc nước thế nào? Chờ chúa công ra, bấy giờ sẽ quyết một phen cũng chưa muộn gì”.

Các tướng sợ việc “rút lui chiến lược” của Ngô Thì Nhậm không những phụ lòng phó thác bảo vệ Bắc Hà trước lúc Nguyễn Huệ về Phú Xuân mà còn có thể bị nhân dân Bắc Hà chê cười. Vả lại, việc rút lui khỏi Thăng Long còn làm cho quân Tây Sơn mất đi vùng Đồng bằng Bắc Hà, mất đi một điểm đóng quân chiến lược, quân địch có thể thừa thế xông lên truy kích gây ra những hậu quả khôn lường. Nhưng Ngô Thì Nhậm đã đưa ra những lập luận rất sâu sắc, đanh thép để bảo vệ kế sách của mình. Ông khẳng định lại lập trường “lùi để tiến” của mình để “trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước”. Lẽ được mất khi thực hiện “nước cờ Tam Điệp” đã được ông tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng. Bởi vì như trên đã nói, tình thế lúc này của quan quân Tây Sơn chỉ có độ 1 vạn người trong khi đó quân Thanh có trên 20 vạn, đó là chưa kể quân “cần vương” của Lê Chiêu Thống. Đánh không được, giữ cũng không xong, vậy lui quân về Tam Điệp - Biện Sơn nhằm bảo toàn lấy lực lượng là kế sách vẹn toàn. Tạm thời rút khỏi Thăng Long chẳng qua là “cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi”. Trước kế sách và phân tích thời cuộc hợp lý của Ngô Thì Nhậm, tổng chỉ huy quân Tây Sơn ở Bắc - Hà Ngô Văn Sở đã đồng ý hạ lệnh cho tướng sĩ rút lui về Tam Điệp - Biện Sơn. Sau này khi dẫn đại quân ra Tam Điệp (15-1-1789), gặp Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân nghe báo cáo tình hình cũng như việc rút về Tam Điệp, Nguyễn Huệ đã đoán ngay đấy là kế sách hết sức khôn ngoan của Ngô Thì Nhậm và rất khen ngợi.

4. Ý nghĩa từ việc thực hiện kế sách của Ngô Thì Nhậm đối với đại thắng mùa Xuân năm Kỉ Dậu (1789)

Ngô Thì Nhậm thực hiện kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn là một mũi tên trúng nhiều đích. Cái hay trong kế sách này là ở chỗ, việc lui quân đã được ông tính toán rất kĩ, nó không phải là tâm lý lo sợ thế giặc mạnh mà tháo chạy, những võ tướng của nhà Tây Sơn lúc bấy giờ đều tin tưởng vào kế sách này của ông. Tuy nhiên kế sách này cũng không phải hoàn toàn được nội bộ quan lại Tây Sơn do Ngô Văn Sở đứng đầu thực hiện ngay. Chỉ khi Nội hầu Phan Văn Lân mang 1.000 quân qua sông Như Nguyệt đánh quân Thanh thất bại thì Đại Tư mã Ngô Văn Sở mới nhanh chóng tổ chức lui quân về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn theo kế sách của Ngô Thì Nhậm. Việc thực hiện kế sách lui quân về Tam Điệp - Biện Sơn của Ngô Thì Nhậm có ý nghĩa rất quan trọng, bằng phòng tuyến này, quân Tây Sơn đã tạo ra một loạt điều kiện thuận lợi về chính trị và quân sự, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Có thể nói, chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) ở Thăng Long đã được chuẩn bị chu đáo và gần như được định đoạt trước ở núi rừng Tam Điệp.

Thứ nhất, nước cờ Tam Điệp - Biện Sơn đã góp phần quyết định trong việc bảo toàn lực lượng quân Tây Sơn trong buổi đầu chống giặc.

Tương quan lực lượng ban đầu của cuộc chiến hoàn toàn nghiêng hẳn về phía quân Thanh. Để chuẩn bị cho việc xâm lược Đại Việt, nhà Thanh đã huy động khoảng hơn 20 vạn quân từ bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Đó là chưa kể lực lượng thủy quân của hai tỉnh Mân Quảng (Quảng Đông và Phúc Kiến) cũng được tập trung sẵn sàng hiệp lực với lục quân đánh vào Thuận, Quảng (Thuận Hóa, Quảng Nam) theo dự tính ban đầu của Càn Long và các đạo quân tình nguyện “nghĩa dũng” ở Điền Châu (Trung Quốc), Thái Nguyên (Việt Nam) cùng các đạo quân “Cần vương” mà vua tôi Lê Chiêu Thống mộ được. Trong khi đó, phía quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà chỉ có độ 1 vạn người. Trong buổi đầu của cuộc chiến, dù đã chủ động thực hiện các bước đối phó với địch, việc lấy một lực lượng nhỏ bé so với quân Thanh để chống lại địch ngay khi chúng tiến vào biên giới hay lập tuyến phòng thủ ở Thăng Long nếu diễn ra thì sự tổn thất sẽ không tránh khỏi. Chính vì vậy, việc thực hiện kế sách của Ngô Thì Nhậm đã đảm bảo cho quân đội Tây Sơn không mất một mũi tên, lực lượng thủy - bộ được bảo toàn và rút lui an toàn về Tam điệp - Biện Sơn. Sau này, Nguyễn Huệ đã rất tán đồng kế sách này khi nhận xét: “… biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy là rất đúng”.

Thứ hai, kế sách lui binh về án ngự phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn đã làm cho quân Thanh rơi vào tâm lý chủ quan, khinh địch, góp phần tạo ra yếu tố bất ngờ trong chiến thắng Xuân Kỉ Dậu (1789).

Binh pháp Tôn Tử dạy rằng “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trước và sau khi quân Thanh vào Đại Việt, dường như Tôn Sĩ Nghị không biết nhiều về tình hình quân Tây Sơn. Điều này một phần do các báo cáo, tấu trình của vua quan Lê Chiêu Thống đều nói sai sự thật để mong muốn nhà Thanh nhanh chóng phát binh đánh Đại Việt, nhưng phần lớn chính là xuất phát từ kế sách rút lui về Tam Điệp - Biện Sơn của Ngô Thì Nhậm. Trong buổi đầu đối phó với quân Thanh xâm lược, mọi chủ trương, biện pháp đối phó của quan quân Tây Sơn ở Bắc Hà đều được thực hiện hoàn toàn chủ động. Đầu tiên, Ngô Văn Sở họp bàn và lệnh cho các tướng từ Thăng Long lên các vùng biên ải xác định sẽ là những hướng tiến quân của quân Thanh tăng cường bố phòng, chuẩn bị đối phó với địch. Bước thứ hai, cử một phái đoàn gồm các quan lại cũ của triều Lê đem một bức thư kí tên Giám quốc Lê Duy Cận làm kế nghị hòa để hoãn binh, tránh mũi nhọn tiến công của địch. Bước thứ ba, các quan văn võ triển khai chủ trương đối phó với địch theo kế sách của Ngô Thì Nhậm lập tức chia quân thủy - bộ lui về giữ Tam Điệp - Biện Sơn. Dọc đường tiến công vào nước ta, quân Thanh hầu như không vấp phải một trở ngại nào đáng kể. Khi tới biên ải Lạng Sơn thì tướng Phan Khải Đức hoảng sợ và đầu hàng giặc; đến bên kia sông Như Nguyệt, quân Thanh chỉ gặp sự phản kháng yếu ớt và nhanh chóng tan rã của chưa đầy 1.000 quân Tây Sơn do Phan Văn Lân chỉ huy. Vào Thăng Long như chốn không người làm cho Tổng đốc họ Tôn càng tỏ ra chủ quan, khinh địch. Sau khi đã yên vị ở Thăng Long, bày binh bố trận ổn thỏa, quan quân Thanh triều say sưa trên những chiến thắng buổi đầu, không có ý định tiến gấp đánh quân Tây Sơn nữa. Trong nội bộ quan quân vua Lê, cũng có người nhận thấy hậu quả khôn lường nếu không tiếp tục nhân đà chiến thắng truy kích “giặc”, nhưng chủ tướng nhà Thanh đã khoác lác rằng: “việc gì mà phải vội vã như vậy?... giặc gầy mà ta đang béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt”. Khi dẫn đại quân ra Tam Điệp, hoàng đế Quang Trung đã nhận xét về kế sách của Ngô Thì Nhậm “Lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích sĩ khí, ngoài phấn khích lòng kiêu ngạo của giặc. Kế dụ giặc vào chỗ hiểm yếu của ta. Như thế là phải”. Chủ quan, coi thường địch là điều tối kị của việc dùng binh, nhưng với kế sách lui quân tạm nhường địch của Ngô Thì Nhậm đã đánh vào điểm này của quân tướng nhà Thanh. Chính yếu tố bất ngờ đã làm cho giặc trở tay không kịp. Nhận được tin báo từ Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân đã thực hiện một loạt công việc quan trọng trong một thời gian ngắn, “tế cáo trời đất”, lên ngôi hoàng đế, mộ binh tuyển tướng, đốc xuất đại binh, tiến quân thần tốc ra căn cứ Tam Điệp - Biện Sơn. Đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, năm cánh quân Tây Sơn bao vây, tấn công địch theo kế hoạch đã vạch sẵn ở Tam Điệp thì mãi đến ngày mùng 4 tết năm Kỉ Dậu, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống mới nghe cấp báo. Lúc này, “cuộc vui chưa tàn, cơ trời đã nổi”, quân Thanh quá bất ngờ phải thốt lên “Thật là: tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Không còn tâm trí để đối phó, Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. Như vậy, kế sách của Ngô Thì Nhậm đã góp phần to lớn gây nên sự chủ quan khinh địch của giặc, bảo toàn thanh thế, sĩ khí quân Tây Sơn và tạo ra yếu tố bất ngờ trong trận đại phá quân Thanh năm 1789.

Thứ ba, “nước cờ Tam Điệp” đã tạo ra một khoảng thời gian đủ để quân Thanh và bè lũ vua tôi Lê Chiêu Thống bộc lộ âm mưu, bản chất của mình.

Âm mưu xâm lược Đại Việt của Càn Long đã có từ lâu nhưng cơ hội chưa đến, lần này Lê Chiêu Thống đã tạo ra một cơ hội hiếm có khi cầu cứu Thanh triều. Trong “sớ” Tôn Sĩ Nghị dâng về triều đã bộc lộ âm mưu đặt ách đô hộ nước Đại Việt một lần nữa “Thần nghe họ Lê ở An Nam (chỉ Đại Việt) hèn yếu, sau này không chắc đã giữ được nước. Nay họ sang cầu cứu, bản triều theo nghĩa phải cứu giúp. Vả chăng, An Nam vốn là đất cũ của Trung Quốc (ý nói thời gian đô hộ trước đây). Nếu sau khi khôi phục họ Lê rồi, nhân đó lại cho quân đóng giữ, như thế là bảo tồn họ Lê mà đồng thời lại chiếm được An Nam, một công mà hai việc vậy”. Để thực hiện âm mưu đó, Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị lấy danh nghĩa khôi phục nhà Lê, tiêu diệt “giặc” Tây Sơn. Trước khi vào Đại Việt, Tôn Sĩ Nghị cũng đã ban bố 8 điều quân luật thể hiện mục đích của “thiên  triều” là để “dẹp giặc an dân”. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau cả quân cả tướng Thanh triều đã lộ rõ bản chất. Tướng thì tham tàn, dâm dật, quân lệnh không nghiêm nên quân tha hồ ngang dọc, những vụ cướp bóc, hãm hiếp, tàn sát… diễn ra hàng ngày. Dân Bắc Hà không chỉ ta thán sự nhũng nhiễu của quân Thanh mà còn oán trách sự trả thù hèn hạ và tàn bạo của Lê Chiêu Thống. Vậy là việc “rút lui chiến lược” theo kế sách của Ngô Thì Nhậm đã tạo ra khoảng thời gian để nhân dân và các tầng lớp sĩ phu, quan lại Bắc Hà nhận rõ được dã tâm và bản chất của cả kẻ cướp nước và sự hèn hạ của bè lũ vua tôi Lê Chiêu Thống. Từ đó, nhiệt thành ủng hộ, tham gia cùng Nguyễn Huệ và quân Tây Sơn đánh giặc.

5. Kết luận

Nước cờ Tam Điệp - Biện Sơn theo sự vấn kế của Ngô Thì Nhậm đã được sách Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (1976) nhận định như sau: “Cuộc rút lui chủ động và có tính toán đó, không những bảo toàn được lực lượng của ta mà còn kích động thêm tính kiêu căng, khinh địch của Tôn Sĩ Nghị và tạo ra thời cơ, chuẩn bị điều kiện cho cuộc phản công chiến lược quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Vì vậy, Nguyễn Huệ tán thành hành động chiến lược của quân Tây Sơn ở Bắc Hà và đánh giá cao chủ trương của Ngô Thì Nhậm, coi đó là một kế rất đúng”

Nguyễn Huệ thần tốc đại phá quân Thanh chỉ trong một thời gian ngắn từ đêm 30 tháng Chạp năm Mậu Thân đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỉ Dậu, tức là chỉ mất năm ngày, sớm hơn kế hoạch định trước hai ngày. Thắng lợi đó là nhờ tài năng quân sự kiệt xuất của vị “anh hùng áo vải” Quang Trung, nhưng có thể khẳng định: kế sách lui quân về phòng thủ ở mạn Tam Điệp - Biện Sơn của Ngô Thì Nhậm là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến toàn chiến dịch.

Tài liệu tham khảo
1.    Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng: Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977.
2.    Vũ Khiêu: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
3.    Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976.
4.    Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân - Kiều Thu Hoạch dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2005.
5.    Phạm Văn Sơn: Quân sử - Quân lực Việt Nam chống Bắc xâm và Nam tiến, tập 2, Sài Gòn, 1970.
6.    Quách Tấn, Quách Giao: Nhà Tây Sơn, Nxb. Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
7.    Nguyễn Khắc Thuần: Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 2010.
8.    Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Ban Hán-Nôm: Thơ văn Ngô Thì Nhậm Tập 1: Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

Võ Văn Bình*

 

TÌM HIỂU TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA NGÔ THÌ NHẬM TRONG BUỔI ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN THANH XÂM LƯỢC (1789)

 

Xem trọn bộ tại đây

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24371169