Tin tức

Hang Con Moong - "ứng cử viên" Di sản thế giới: Đâu là giá trị "nổi bật toàn cầu"?

"Những phát hiện mới về mộ táng và di cốt người ở lớp hậu kỳ đá cũ ở Hang Con Moong đã minh chứng cho khởi nguồn của tục chôn người nằm co ở Việt Nam… - PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Trưởng đoàn khai quật khẳng định - Những vết tích văn hóa thu được ở Hang Con Moong và các hang động chung quanh cho thấy, đây là một thí dụ nổi bật về sự định cư hang động truyền thống của nhân loại …"

Một điển hình về sự định cư hang động

Di tích Hang Con Moong đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT đưa vào danh mục dự kiến đăng ký Di sản văn hóa thế giới, và ngay từ năm 2006, Bộ VH-TT đã có công văn về việc triển khai lập hồ sơ cho di sản này.

 

Khai quật Hang Con Moong

Vừa qua, sau 4 tháng lăn lộn trên công trường và trong phòng nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu được một khối lượng tư liệu khá lớn mang đến những nhận thức mới về di sản này.

Giá trị của Hang Con Moong đã được khẳng định từ hơn 30 năm qua, sau đợt khai quật đầu tiên, nhưng tới nay, để được xếp hạng Di sản thế giới, thì cần phải tiếp tục tìm kiếm và chứng minh được "giá trị toàn cầu nổi bật" của di sản này.

 Trong 10 tiêu chí xếp hạng Di sản thế giới của UNESCO, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho rằng cho rằng, chúng ta nên tập trung vào chứng minh di sản Con Moong có thể đáp ứng được các tiêu chí số 2, 3 và 5. Cụ thể:

Thứ nhất: Kết quả thu được từ việc khai quật di chỉ Hang Con Moong cho thấy, những yếu tố chủ đạo của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn - ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á - đều hội tụ về đây. Và cũng từ đây lại có sự lan tỏa ra các hang động trong và ngoài khu vực VQG Cúc Phương.

Chính sự giao lưu, hội tụ kỹ thuật nổi bật của nhân loại đã tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực Đông Nam Á. Giá trị nhân loại được hun đúc trong di sản văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình ở Hang Con Moong là biểu hiện sinh động nhất của kỹ nghệ chế tác công cụ cuội thời tiền sử trong điều kiện rừng mưa nhiệt đới (…)

Di sản Hang Con Moong do đó có thể đáp ứng tiêu chí: "Thể hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị nhân loại qua một thời kỳ hoặc trong một khu vực văn hóa thế giới" (tiêu chí 2)

Thứ hai: Hang Con Moong còn lưu giữ đầy đủ các yếu tố chủ đạo của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình, và văn hóa Bắc Sơn.

 Đặc biệt, với Văn hóa Hòa Bình, các nhà tiền sử học thừa nhận đây là hiện tượng chung của Đông Nam Á, thuộc sơ kỳ thời đại đá mới, tồn tại trong khung thời gian hơn 10 ngàn năm (từ 18.000 đến 7.000 TCN). Cư dân văn hóa Hòa Bình cư trú trong các hang động đá vôi ở khắp lục địa Đông Nam Á, nhưng tập trung nhất ở miền Bắc Việt Nam, vết tích văn hóa của họ còn gặp ở Đông Nam Á hải đảo và Nam Trung Quốc.

 Người Hòa Bình đã đẩy nhanh kỹ thuật ghè đẽo công cụ từ kém định hình sang định hình, đặc biệt sáng tạo ra cây rìu mài lưỡi niên đại trên 1 vạn năm. Bên cạnh kinh tế săn bắt và hái lượm, người Hòa Bình bắt đầu biết đến thuần dưỡng thực vật, khởi dựng nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trong các thung lũng karst (đá vôi) nhiệt đới Đông Nam Á, tiến hành nghi thức chôn cất người chết tại nơi cư trú, chôn theo công cụ và trang sức, đặt thi hài theo tư thế nằm co bó gối, rải đá răm, chèn đá hộc và rắc thổ hoàng.

Như vậy di sản Hang Con Moong có thể đáp ứng tiêu chí: "mang tính duy nhất hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa hoặc nền văn minh hiện đang tồn tại hoặc đã mất" (tiêu chí 3).

 

 

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường chỉ đạo việc

khai quật tại hang Con Moong

Thứ ba: Hang Con Moong và hệ thống các di tích tiền sử ở VQG Cúc Phương thực sự tiêu biểu cho tiến trình phát triển tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Có thể xem đây là một ví dụ điển hình tiêu biểu của sự định cư hang động truyền thống của nhân loại, lâu dài, ổn định, minh chứng cho sự tác động của con người đến tự nhiên, môi trường trong một khu hệ động vật và thực vật hết sức đặc sắc ở Việt Nam và hiện vẫn còn lưu lại tới ngày nay.

Như vậy, di sản này cũng có thể đáp tiêu chí: "Là một thí dụ nổi bật về sự định cư truyền thống của loài người…" (tiêu chí 5)

Dĩ nhiên, để chứng minh giá trị toàn cầu nổi bật của di sản Hang Con Moong thì cìn cần phải so sánh với các di sản khác trong khu vực hoặc trên thế giới, đặc biệt là với các di tích khảo cổ ngoài Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới như di tích Chu Khẩu Điếm (Trung Quốc) - nơi tìm thấy Người vượn Bắc Kinh cách đây trên 30 vạn năm; di chỉ Bản Chiềng (Thái Lan)...

Nên lập hồ sơ Hang Con Moong trong tổng thể VQG Cúc Phương

Để tăng tính thuyết phục cho đề cử, nhiều ý kiến cho rằng, không thể tách rời Hang Con Mong ra khỏi quần thể các hang động xung quanh như Hang Lai, động Người xưa, Hang Mộc Long và mái đá Mộc Long…Các hang động này cũng có các dấu tích về văn hóa, và có mối liên hệ chặt chẽ với Hang Con Moong.

Không những thế, nhiều ý kiến cần cho rằng cần phải gắn hệ thống hang động này với cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học của VQG Cúc Phương. Điều dễ thấy nhất là với việc mở rộng phạm vi di sản như trên thì khả năng đáp ứng tiêu chí 5 sẽ tăng thêm tính thuyết phục.

Rõ ràng, sẽ còn rất nhiều việc trong thời gian tới để xây dựng hồ sơ cho di sản Hang Con Moong. Và để tiếp tục chứng minh, làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này thì rất cần phải có thêm các kết quả nghiên cứu khảo cổ học và khoa học tự nhiên.  

Theo NGUYN M

 

"Di tích Hang Con Moong gắn với một số di tích hang động ở VQG Cúc Phương… Vào khoảng sau 7000 năm TCN, cư dân nơi đây đã làm một cuộc di cư vĩ đại, vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Nho Quan - Tam Điệp (Ninh Binh) - tạo dựng nên bộ mặt văn hóa mới- văn hóa Đa Bút- văn hóa Trung kỳ Đá mới Việt Nam. Có thể nói đây là công cuộc di cư khai phá châu thổ sông Hồng và sông Mã đầu tiên trong lịch sử".

PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN

 

Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24387641